Sidebar

Thứ Sáu
17.05.2024

Một lời miệt thị hằn sâu

 

Anh là kẻ thất bại! Cô là kẻ thất bại! Trong mọi lời chê bai gây đau lòng mà chúng ta buột miệng nói ra, thì lời này có lẽ gây đau đớn và tổn hại nhất. Lời này cần bị cấm tiệt khỏi những cuộc bàn luận chung và loại hẳn khỏi từ điển.

Chúng ta đã tiến những bước dài trong việc loại trừ những lời lẽ nhất định trong giao tiếp xã hội. Hầu hết những từ chúng ta loại trừ đều có nghĩa xấu ám chỉ đến sắc tộc, giới tính, hay khuyết tật của người khác. Loại thẳng chúng khỏi ngôn ngữ của chúng ta là việc đáng phải làm lâu rồi, và có lẽ đây không chỉ là vấn đề đúng đắn trong xã giao. Mà rõ ràng và đơn giản, đây là vấn đề đúng đắn trong công lý, bác ái, trong sự tử tế căn bản của con người. Ngôn ngữ là một nền kinh tế thường bất công. Nó công nhận một cách phi lý một số người và miệt thị quá mức một số người khác. Chúng ta cần cẩn thận với chuyện này. Ngôn ngữ có thể hằn một vết sẹo sâu lên người khác, thậm chí nó còn khiến chúng ta vô tình bị khóa trong những định kiến tiêu cực khiến lòng trí chúng ta bị nhuốm màu kỳ thị chủng tộc, mê tín và thù ghét phụ nữ.

Nhưng những lời chê bai về chủng tộc, giới tính và khuyết tật chưa phải là tất cả. Chúng khủng khiếp, đúng, nhưng những người bị xúc phạm bằng những lời này có chút an ủi khi biết rằng lời xúc phạm đó còn nhắm đến hàng triệu, hàng tỷ người khác. Bị xúc phạm cùng với hàng triệu triệu người khác, vẫn đau chứ, nhưng ít ra mình có bầu bạn.

Tuy nhiên, có những lời chê bai xúc phạm một cách riêng tư và đặc biệt hơn, nhắm đến sỉ nhục sự thiếu sót riêng rất cụ thể của người khác. Với lời sỉ nhục này, bạn không còn ai là bầu bạn, giờ bạn là kẻ lạc loài. Cái từ “kẻ thất bại” là một từ như thế. Nó nhắm đến sỉ nhục một người theo cách rất riêng tư và rất tổn thương. Khi bị gọi là “kẻ thất bại” là bạn không chỉ bị loại riêng ra và bị sỉ nhục vì bạn thuộc về một chủng tộc, một giới tính, hay một tầng lớp. Bạn bị sỉ nhục vì chính bạn, chỉ mình bạn thôi, bị phán xét là không đủ tiêu chuẩn, là không đáng được tôn trọng, và không đáng được chấp nhận. Bạn bị xem là hạ đẳng, và sự yếu kém đó không thể đổ tại bất kỳ ai ngoại trừ bạn. Bạn bị xem là kẻ thất bại! Và chỉ có bạn thế thôi!

Kiểu sỉ nhục này không phải mới có. Nó đã có từ lâu đời. Có nhiều người luôn luôn bị xa lánh, sỉ nhục và tẩy chay. Chúng ta có một khiếm khuyết nhân bản khá là đáng xem xét, và nếu không xác định được nó, thì nó sẽ khiến chúng ta tin rằng để mình được hạnh phúc thì người ta chấp nhận mình thôi vẫn chưa đủ, còn cần ai đó khác bị loại trừ nữa kia.

Trong thời Tân ước, những người phong cùi bị tẩy chay khỏi xã hội, phải sống trong những vùng hẻo lánh tách biệt với cuộc sống bình thường, phải kêu lên “ô uế” khi có ai đó đến gần. Nhưng họ có những lý do chính đáng để đưa những người phong cùi ra khỏi cuộc sống bình thường. Phong cùi là bệnh truyền nhiễm. Ngày nay, dù không có một lý do chính đáng nào, chúng ta vẫn xem một số người là “người cùi”, xem họ không được phát triển trong đời sống bình thường của mình. Chúng ta liệt họ vào “những kẻ thất bại” và đẩy họ ra rìa. Họ là những người cùi mới.

Có vô số ví dụ về điều này, nhưng có lẽ chúng ta dễ thấy nó nhất trong trường trung học, nơi luôn luôn có một nhóm nổi tiếng, một nhóm quyết định hết quy tắc, quyết định xem cái gì là được, nắm lấy quyền lực của cộng đồng dù cho họ không phải nhóm đa số. Đa số học sinh nằm ngoài nhóm nổi tiếng riêng biệt này, cố gắng được chấp nhận, nghĩa là dù không hoàn toàn thuộc về nhóm đó nhưng cũng không hoàn toàn bị loại trừ. Nhưng luôn luôn có một nhóm khác, những em bị xem là “kẻ thất bại”, không đủ tiêu chuẩn, không xứng đáng được công nhận. Nhóm này không được chấp nhận.

Bất kỳ xã hội con người nào cũng đều có sự phân loại. Có vô số lý do phức tạp cho việc này, và nhiều lý do liên quan đến tâm thần. Chuyện này cũng giúp giải thích vì sao lại có những cậu bé trung học đem súng đến trường bắn bạn học của mình. Nhưng thật khó để không thấy được rằng, hầu như lúc nào, cậu bé xả súng đó cũng là một người cô độc, “một kẻ thất bại”. Chúng ta không thể trách các bạn học của cậu ấy vì đã xem cậu ấy là kẻ như thế, nhưng dù cho cố ý hay vô tình, thì họ cũng đã làm vậy. Các bạn học của cậu là nạn nhân, không chỉ của tâm thần bấn loạn và nổi giận của cậu thanh niên đó, nhưng còn là nạn nhân của một xã hội mù quáng góp phần tạo ra sự bấn loạn và giận dữ đó.

Tôi không phải là bậc cha mẹ, nhưng nếu tôi là một ông bố, tôi sẽ dùng hết quyền hạn đạo đức của mình để khiến con cái bỏ hết những từ chê bai sỉ nhục về chủng tộc, giới tính và khuyết tật. Tôi cũng sẽ dùng mọi quyền hạn đạo đức và khuyên giải của mình để khiến chúng loại bỏ những từ xấu xa sỉ nhục người khác một cách cụ thể riêng tư. Cái từ “kẻ thất bại” phải bị cấm tiệt trong mái nhà.

Cả xã hội và Giáo hội đều là những mái nhà. Thật may là trong nhiều thập niên gần đây, chúng ta đã cấm dùng nhiều từ miệt thị chủng tộc, giới tính, hay khuyết tật của người khác. Và đã đến lúc chúng ta cấm tiệt thêm những từ khác trong nhà của mình!

J.B. Thái Hòa dịch

406    06-08-2018