Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Người Hiền Lành

 

 

Chợt nghe thằng bạn hát nghêu ngao: “Gặp anh em mến liền, anh ơi anh anh thật là hiền. Gặp anh em mến liền, anh ơi anh anh cười thật duyên”. Nghĩ, sống ở CV với anh em đã 6 năm, không biết mọi người đánh giá tôi thế nào? Phải chăng là người hiền lành, dễ thương hay là người khó ưa, khó gần. Nghĩ thế, tôi liền chạy đi hỏi thằng bạn thân nhất: “Ê bạn, quen biết đã lâu, bạn có thấy mình hiền không?”. Anh ta ấm ớ trả lời: “Ơh…bạn hiền lắm luôn…” Chắc là thế…Nghĩ mình chắc không đến nỗi nào…Nhưng làm thế nào để trở thành người hiền lành, người hiền lành thường biểu hiện ra sao? Giờ đây tôi và bạn cùng bàn qua đôi chút.

Một nghịch lý, ai cũng thích sống với người hiền, nhưng người hiền thường bị những người xung quanh coi thường, bắt nạt. Nhiều người nghĩ người hiền lành là người nhu nhược, khờ khạo…bởi họ dễ nhờ, dễ bảo, thường chấp nhận phần thiệt về mình, cũng như không muốn hơn thua bất kỳ ai…Đã sống trên đời đòi hỏi phải ganh đua, tranh dành…nếu không muốn bị thua thiệt hay bắt nạt. Sống hiền lành rất khó, họa may chỉ một ít người như các thánh nhân mới sống được như vậy. Trên thực tế, Chúa mời gọi mỗi người Hãy học với Ta vì Ta có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29). Hay trong 8 mối phúc thật: Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được đất hứa làm gia nghiệp” (Mt 5,4). Lối sống này là lý tưởng mà mọi Kitô hữu cần hướng tới.

Một thực tế khác, nhiều người ngày nay xem việc chửi người khác là nghệ thuật. Họ luyện chửi sao cho độc, cho lạ, cho có cung, có điệu, có vần…Có người còn tự hào khi được mệnh danh là “thánh chửi”. Không chỉ chửi trên môi miệng, mà còn chửi một cách vô tội vạ trên bàn phím, nhằm diễu cợt mua vui, bôi nhọ thanh danh người khác, khiến nhiều người phải khốn đốn, rất mất thiện cảm… Nhiều người thích nghe một nửa, hiểu một phần tư, nhưng khi nói gấp ba gấp bốn, có tật “ném đá giấu tay”, “ném bom” người khác. Có người thì theo “văn hóa mò tôm”, ai cãi to người đó thắng. Chúng ta nên hiểu điều này: chửi người khác chẳng có gì hay ho cả? Chửi ai đó mà người đó làm thinh rốt cuộc ai tức hơn ai, đây không phải là cách trừng phạt người khác mà là tự trừng phạt mình. Hành động ấy cũng giống như việc tự mình ngước mắt lên trời phun nước bọt, người khác không nhận thì nước bọt lại rớt vào mặt mình chứ rớt vào ai. Hơn nữa, khi cầm đá ném người khác thì tay của bạn đã bẩn trước. Trong mọi việc, cần học cách điềm tĩnh để giải quyết, biết cẩn trọng, cân nhắc, trong lời ăn tiếng nói, thế mới là người hiền lành.

 

Có một nguyên tắc, lửa thì không thể thắng được nước. Hay hình ảnh chiếc lò xo, nhìn yếu yếu thế thôi nhưng nó có thể chịu được sức dồn ép lớn mà vẫn không sao, sau đó nó còn có thể bật lại được. Nguyên tắc “lấy nhu thắng cương”, “lấy tình thương đáp lại hận thù” không bao giờ là lỗi thời, mà có lẽ ai cũng hiểu nên không cần bàn tới. Sống trên đời đừng cố hơn thua, tranh giành chi cho mệt. Hãy tự vấn lòng mình, khi thắng được người khác liệu bạn có cảm thấy bình an không? Cứ cho là bạn đã thắng được người khác đi, nhưng chưa thắng được hận thù trong mình thì đồng nghĩa với chưa thắng được chính mình. Đừng tạo thêm kẻ thù, hãy sống yêu thương như lời Thánh Phaolô dạy: “Đức ái thì nhẫn nhục…không nóng giận, không nuôi hận thù…Đức ái tha thứ tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,4-7).

Biểu hiện của người hiền lành là cư xử ôn tồn, nhã nhặn và tử tế với mọi người. Người hiền lành không muốn làm mất lòng ai, thích quan tâm giúp đỡ mọi người, thường nói những lời khích lệ an ủi, động viên, vực dậy tinh thần người khác hơn chê bai, chỉ trích, kết án họ. Trong các cuộc tranh luận, người hiền lành thường chọn cho mình giải pháp “dĩ hòa vi quý”, không giận hờn nóng nảy, nên sống với ai cũng được, gặp trái ý vẫn thản nhiên… Người hiền lành sẽ đem đến cho những người sống xung quanh sự thoải mái, nhẹ nhàng.

 

Nhìn lại bản thân, tôi cảm thấy mình thật hổ thẹn khi chưa biểu hiện được những điều đó. Tôi nghĩ, mình cần phải tập sống dưới cái nhìn của Chúa, nếu Chúa là con lúc này thì Chúa sẽ nói gì làm gì? Mỗi ngày tập làm hài lòng người khác. Đồng thời nếu lỡ gây bất hòa với ai, hãy là người đi bước trước, chủ động hàn gắn. Như hình ảnh sợi dây thừng khi bị cắt đứt, nhờ nút thắt lối lại, khoảng cách giữa hai đầu dây sẽ gần hơn, mối tương quan giữa bạn và người ấy sẽ càng khăng khít hơn. Chúc các bạn thành công.

Joseph Nguyễn
Mọi sự đóng góp ý kiến xin gửi về: paulthanhct@gmail.com

 

 

2800    21-03-2022