Sidebar

Thứ Tư
15.05.2024

Những người cộng sản đến với Cha Piô

 

 

Con người, dù là người không tin, cũng có một nhu cầu được thánh thiện, ngay khi họ nhận ra sự thánh thiện, họ liền chạy theo. René Bazin

Làm thế nào để kể cho đủ các vụ trở lại nhờ Cha Piô? Một con số không đếm được đã tìm lại đức tin nhờ cha và đó là điều không chối cãi được, phép lạ lớn nhất trong tất cả các phép lạ. Một số lượng rất lớn câu chuyện không thể đếm và không thể tìm ra. Hồi đó (và bây giờ vẫn còn) là một trong những hiện tượng phi thường nhất về sự trở lại hàng loạt trong lịch sử kitô giáo, trong khi đâu đâu và ngay cả bây giờ đều có hiện tượng ngược lại, một sự bỏ đạo khủng khiếp (cả ở trong hàng ngủ giáo sĩ), một sự bài-kitô giáo chưa từng có.

Ở San Giovanni Rotondo, những người xa đức tin nhất cũng tìm lại được đức tin. Đó là trường hợp của bà Italia Betti, giáo sư toán. Bà là Hội viên của Hội đồng Giải phóng Quốc gia trong cuộc dấn thân chống đức quốc xã và chủ nghĩa phát xít, bà xuống đường ở thành phố Bologne, đứng đầu các lãnh tụ của phong trào Kháng chiến, chống lực lượng Đồng minh, mặc đồng phục đỏ, cầm cờ đỏ trong tay. Bà trở thành người điều khiển đảng cộng sản ở Bologne, tổng thư ký tỉnh bang của Liên hiệp Phụ nữ Ý (UDI, Unione Donne d’Italia), theo chủ nghĩa mátxít-lêninít, là người tuyên truyền tích cực cho Đảng, được toàn vùng Emilie-Romagne biết đến. (Anh của bà là ông Paolo lấy một trong các chị em của ông Dozza, thị trưởng nổi tiếng của thành phố Bologne.) Bà ở trong ban điều khiển của Hiệp hội Bảo vệ Trường đời, không cho các linh mục dạy thanh thiếu niên.

Từ lâu, “nữ cảm tình viên đỏ” đã có vấn đề sức khỏe trầm trọng và ngày càng nặng thêm. Một đêm tháng 9 năm 1949, bà mơ thấy Cha Piô đến xin bà đến gặp cha. Không một ai thân cận bà nghĩ một người như bà lại tôn trọng cha. Nhưng thật ra bà rất chấn động bởi giấc mơ này. Ngày 14 tháng 12 năm 1949, một cách lạ lùng, bà đi xe lửa đến Pouilles. Khi đến tu viện San Giovanni Rotondo và khi thấy Cha Piô đang dâng thánh lễ ở ngôi nhà thờ Mẹ Maria Đầy Ơn Phước, bà cảm thấy có một cái gì giao động không tả được, bà rất xao xuyến. Bà kể với chị của mình khi đó đang ở bên cạnh, rằng, bà cảm thấy như có một sức mạnh huyền bí đẩy bà về hướng bàn thờ, nơi Cha Piô đang dâng thánh lễ. Hai giờ sau lễ, bà Italia Betti không muốn rời nhà nguyện. Bà ở lại quỳ gối thật lâu, hai tay ôm mặt. Và chỉ sau khi một tu sĩ yêu cầu, bà mới đi ra và bà ghi tên để được xưng tội vào ngày mai. Đêm hôm đó, bà thức trắng đêm nằm trằn trọc trên giường. Người ta không biết chuyện gì xảy ra trong những giờ phút giao động này. Nhưng sáng hôm sau, bà giáo sư sấp mình trước tòa giải tội của Cha Piô: trước mọi người hiện diện, bà cao giọng tuyên bố từ bỏ ý thức hệ cộng sản và quay trở về với Chúa. Bà viết cho ông hiệu trưởng trường Galvani, cho các đồng nghiệp và một vài học sinh của bà: “Tôi đã tìm được bình an. Xin cầu nguyện cho tôi.” Không thể nào nói lý lẽ gì được với bà. Rất nhiều cựu đồng chí thuyết phục bà nhưng không ai làm được. Bà Italia Betti không muốn rời San Giovanni Rotondo. Chính nơi đây là nơi bà muốn sống, bên cạnh linh mục đã mang bà về với Chúa, hướng dẫn cho bà con đường bình an sau hai mươi năm lạc lối. Bà chết tại đây ngày 26 tháng 10 năm 1950 vì bệnh ung thư. Bà muốn chôn ở đây, trong nghĩa địa nhỏ bé với thắt lưng Dòng Phanxicô.

Tin bà trở lại như bom nổ ở Cologne. Một nhật báo giật tít: “Tin rụng rời cho người cộng sản Ba Lan. Cha Piô đã làm cho một đồng chí nòng cốt trở lại. Bà ở “cấp cao” trong Liên hiệp Phụ nữ Ý và bà có bà con với thị trưởng Dozza.” Tháng 8 năm 1950, bà viết trong lời chứng của mình về căn bệnh của bà, bà rất đau nhưng bà vẫn tin tưởng. Dù có chuyện gì xảy ra, bà vẫn lập lại: “Theo ý Chúa, Fiat voluntas tua.” Bà xác nhận, bà hoàn toàn ý thức trong việc tìm lại đức tin trong Chúa sau hai mươi năm, không phải vì sợ mất sự sống (chỉ cần nghĩ đến giai đoạn khủng khiếp từ 20 tháng 3 đến cuối tháng 4 năm 1949), nhưng là do tiếng lương tâm gọi để tâm hồn bà được thanh thản. Một khi bước qua được bước này, chỉ cần vài ngày sau là đủ để bà hiểu, đời sống đích thực không phải là đời sống bà đã sống từ trước đến bây giờ. Để làm cho bà hiểu, Chúa đã xuống thế làm người. Hai tháng sau, khi bà Italia Betti biết mình sắp chết, bà xin được chôn ở nghĩa trang San Giovanni Rotondo, bên cạnh ngôi mộ của thân sinh Cha Piô, để tỏ lòng biết ơn đối với người con của họ, người đã mang sự cứu rỗi đến cho bà.

Tất cả những người đến San Giovanni Rotondo là đại diện cho toàn nhân loại. Người nghèo, người khốn khổ, người sống bên lề, vua chúa, hoàng tử, các vị nguyên thủ Quốc gia, các nghệ sĩ, các nhà văn. Kể cả các ký giả, các giám chức, những người phát xít và đảng viên. Tất cả, cùng một cách, đều quỳ gối trong tòa giải tội của linh mục nhận năm dấu thánh. Không, tôi xin sửa lại: người nghèo, người tội phạm và các ông vua, tất cả đều đến xin ơn tha thứ, nhưng trong số các giáo sĩ của Giáo hội, chỉ có vài người đến xin xá tội với linh mục đầu tiên nhận năm dấu thánh trong lịch sử. Những người khác đến vì tò mò, để điều tra và còn có người khác đến để lên án, để bức bách, ngăn không cho ngài thi hành sứ vụ.

Ông Michel Boyer, đảng viên danh tiếng của đảng cộng sản Pháp, người được xem là anh hùng Kháng chiến, dĩ nhiên ông là người vô thần. Khi ra khỏi cuộc chiến tranh, ông bị chấn động mạnh về mặt tâm lý với những gì ông thấy và ông sống. Quá đau đớn, quá đau khổ. Trong bầu khí của cuộc hiện sinh trong những năm này (mà Paul Nizan nói: “Tôi hai mươi tuổi. Tôi không để ai nói đây là tuổi đẹp nhất đời”), có thể do bị trầm cảm, ông Michel Boyer lang thang lo lắng, không tìm được câu trả lời nơi các đồng chí về những vấn đề mình bị giằng xé, ông nghĩ đến việc từ giã cõi đời này.

Một ngày nọ, ông gặp một người bạn nói với ông về Cha Piô, kể những chuyện phi thường cha làm và khuyên ông đến San Giovanni Rotondo, vì thấy ông đi lang thang. Ông Boyer ngạc nhiên và bối rối, ông nghe nhưng ông vặn lại: “Được, nếu Cha Piô này tốt lành như bạn nói thì ngài gởi cho tôi một dấu hiệu, tôi sẽ đi”.

Quyết định chấm dứt cuộc đời, một ngày nọ ông đang ở trên bờ hồ Lugano, bị ám ảnh bởi những ý tưởng ngày càng đen tối. Khi ông thật sự nghĩ mình sẽ dần trôi xuống nước và kết thúc cuộc đời thì ông ngữi thấy mùi thơm của hoa mà bạn ông tả khi nói về các dấu thánh của Cha Piô. Ngạc nhiên, ông Boyer nghĩ đó là “dấu hiệu” Cha Piô gởi đến cho lời “thách thức” của mình.

Ông nhảy lên xe lửa đi Ý và ngày hôm sau ông đến San Giovanni Rotondo. “Vẫn còn cho đến ngày hôm nay: đó là một trong các bác sĩ của bệnh viện Casa Sollievo délia Sofferenza, và ông tìm lại được bình an”, ông Gastone Simone kể trong báo Settimana Incom illustrata ngày 12 tháng 10 năm 1957.

Một trong các nhân vật có thiện cảm nhất, có lòng nhân nhất mà chúng ta có thể tìm được bên cạnh Cha Piô là người cộng sản có giọng vang như sấm ở Prato, ông Giovanni Bardazzi. Sau chiến tranh, ông đến San Giovanni Rotondo vì bị vợ thúc bách, nhưng ông quyết tâm không để mình bị Cha Piô hoán cải, mà ông sẽ làm cho Cha Piô hoán cải theo cộng sản! Ông ồn ào đến nổi ông bị đuổi ra khỏi tòa giải tội, ông đến Rôma để than phiền với Đức Giáo hoàng, ông hét la chữi thề trong buổi tiếp kiến. Khi về lại San Giovanni Rotondo, ông trở thành một trong những người con thiêng liêng sốt sắng nhất, yêu thương nhất của Cha Piô. Sự có mặt của ông ở tu viện (ông lượn khắp nơi làm cho các tu sĩ bực mình) thường xuyên đến mức Cha Piô đặt lại tên cho ông là “Giovanni ở Prato” như thử ông cũng là một tu sĩ. Những trang ông kể về chuyện ông đối diện với các đồng chí cũ của ông khi ông về Prato thì thật là tức cười.

“Cuộc trở lại của tôi làm ầm lên ở Prato. Mọi người biết tôi là người cộng sản nhiệt tình, bây giờ tôi lại qua phía bên kia. Tôi bị triệu đến trụ sở Đảng vì họ muốn biết chuyện gì đã xảy ra cho tôi. Để đến tìm tôi, họ gởi một người bị cụt tay. Chiếc xe lăn của ông không lọt qua cánh cửa sân, ông buộc phải gọi tôi từ ngoài đường, hàng xóm ai cũng nghe. Ông kêu lần thứ ba, tôi chịu không được. Tôi xuống đường và nói: “Nghe này, ông về nói với các đồng chí, họ phải gởi đến một người lành lặn, nếu họ gởi anh đến thêm một lần nữa, tôi sẽ vứt anh và cái xe lăn của anh xuống hố!” Ông ấy không đến nữa! Tôi không biết tôi tôi có nên nhận lời mời không. Tôi biết các đồng chí của tôi, và trong rất nhiều, đã có một rất nhiều người không ngần ngại ra tay. Một buổi chiều nọ, tôi quyết định đi. Trên cánh cửa nhà tôi, tôi treo một cây Thánh giá, trước khi đi, tôi phó thác vào Chúa. Chính Cha Piô đã khuyên tôi: “Khi con gặp khó khăn, hãy đặt mình trước Thánh giá và phó thác vào Chúa”. Tôi vào phòng họp. Phòng đông người. Rất nghiêm trọng, tôi được mời đến bàn chủ tịch trong một sự im lặng tuyệt đối, một tiếng nói trong lòng tôi vang lên: “Một mùi xú uế!” Tôi nói ngay: “Đúng vậy!” “Tôi cũng cảm nhận ngay khi tôi vào đây!” Tôi nói những gì tôi phải nói và tôi dứt khoát chấm dứt với ý thức hệ này.”

Trường hợp cuối cùng là trường hợp của bà Luisa Vairo, một phụ nữ đẹp người Ý-Anh, bà thẳng thẳn bày tỏ quan điểm bài-giáo sĩ, bà quen thuộc với giới thượng lưu Âu châu. Câu chuyện của bà được tác giả Nesta de Robeck kể trong quyển sách Cha Piô, tác giả cũng là người Anh và trở lại.

Luisa là một phụ nữ giàu có, có đời sống thoải mái, nhưng trong lòng, bà cảm thấy rất đau khổ. Trong một buổi tiếp tân, người ta nói với bà về một tu sĩ phi thường, Cha Piô ở Pietrelcina, sống ở tu viện Gargano và mời bà đến đó. Thật là ngược với tất cả những gì bà xác quyết, nhưng bà bị lôi cuốn bởi câu chuyện nên bà đi. Bà đến đó trong một bầu khí khác với những gì quen thuộc với bà. Đến ngôi nhà thờ nhỏ, bà rất xúc động và muốn xưng tội với Cha Piô, nhưng cha chưa giải tội cho bà ngay. Khi đến lượt mình, bà Luisa Vairo rất bối rối vì từ nhiều năm nay bà không xưng tội.

Rất kiên nhẫn, Cha Piô nói sẽ giúp bà. Nhưng thật ra cha kể lại cuộc đời của bà như thử cha đọc trong một quyển sách. Và cuối cùng, cha hỏi bà có nói gì thêm không và lúc đó, trong tâm hồn bà có một cuộc chiến dữ dội. Bà biết bà phải thú nhận tội mà cha không nói. Đó là giây phút đau đớn: “Cha Piô im lặng chờ, tội đã được xưng. ‘Đó là điều cha chờ. Con đã thắng cuộc chiến và đừng đánh mất lòng can đảm.’ Rồi cha xá tội cho bà”.

Ngày hôm đó, bà Luisa ra khỏi ngôi nhà thờ nhỏ, lòng hân hoan, bà thay đổi cuộc sống và trở thành con thiêng liêng của Cha Piô. Khi bà ở San Giovanni Rotondo, lúc đó là thời chiến tranh, bà nghe tin chiếc tàu của nước Anh trên đó có người con trai của bà bị đắm. Có nhiều người chết. Bà hoảng lên, cho đến khi bà nghe cha trấn an: “Nhưng ai nói với con là con trai của con chết?” Cha còn cho bà tên khách sạn nơi con trai bà ở và cho biết, con bà an toàn. Vài ngày sau, bà Luisa biết con mình còn sống.

Thật ấn tượng khi so sánh biển đại dương trở lại nhờ Cha Piô với “thất bại thảm hại của việc dạy giáo lý hiện đại” (Ratzinger). Trong suốt phần còn lại của kitô giáo, trong môi trường hàng giáo sĩ, càng cố gắng hiện đại hóa, thích ứng với thời này, với nhiều tổ chức, thảo luận, hội thảo, can thiệp, sáng kiến để thích ứng với thế giới thì Giáo hội càng suy sụp.

Ở San Giovanni Rotondo đã xảy ra chuyện giống như thời của các kitô hữu đầu tiên! Một trong các sách của mình, Joseph Ratzinger đưa ra ví dụ của Giáo hội sơ khai, một Giáo hội mà “vào cuối thời kỳ tông đồ đã phát triển như như một Giáo hội có hoạt động truyền giáo tương đối thu hẹp, không có một chiến lược riêng nào để loan báo đức tin cho lương dân, và mặc dù vậy, đây là giai đoạn truyền giáo thành công nhất. Ratzinger kết luận, sự trở lại của thế giới ngày xưa không phải là thành quả của một chương trình hoạch định của hàng giáo sĩ, nhưng là thành quả của của một sự kiểm chứng đức tin, một kiểm chứng trở nên thấy rõ trong đời sống các kitô hữu và trong cộng đồng giáo sĩ. Lời mời gọi được cụ thể hóa qua kinh nghiệm này đến kinh nghiệm khác, và về mặt con người mà nói, không có gì khác hơn, đó là sức mạnh truyền giáo của Giáo hội xưa cổ.”

Những lời này mô tả hoàn toàn đúng với hiện tượng trở lại hàng loạt ngoài trí tưởng tượng ở San Giovanni Rotondo chung quanh Cha Piô. Tại sao có sự trở lại này ở San Giovanni Rotondo? Tại sao đã là, và bây giờ vẫn còn là một kinh nghiệm làm đảo lộn cuộc đời? Và tại sao bao nhiêu nhà trí thức giáo dân vẫn còn e ngại để biết cha và xem cha như một trường hợp của lòng tin bình dân bình thường?

Hồng y Siri đã giải thích các lý do cho sự khả tín của Cha Piô: “Tất cả mọi người biết Cha Piô thấy được tương lai, người ta thấy cha nhiều lần ở nhiều nơi khác nhau và rất xa nhau (…). Biết bao nhiêu người thấy cha đến nhà họ và nghe cha giải tội.  Ngài chưa bao giờ gặp họ nhưng lại nói tội của họ (…). Rất nhiều người bệnh đến với cha nhưng khi ra về được lành (…). Biết bao nhiêu người được lành khi xin cha cầu bàu dù ở xa (…). Đó là những sự việc, những sự việc!”

Theo Hồng y Siri, đó là các lý do giúp chúng ta hiểu sự khả tín trong sứ mệnh của ngài: “Để sứ mệnh này được thực hiện (…), Chúa cho Cha Piô các lý do của sự khả tín và cho một cách rất quảng đại (…). Sứ mệnh được thực hiện nhiều nhất có thể nơi một con người đơn giản, thì sự Thương Khó của Chúa Kitô càng lớn. Dù vậy, giáo dân cũng đã có thể tin các dấu hiệu Cha Piô mang nơi tay, nơi chân, bên cạnh sườn của cha không có sức thuyết phục” và như thế “Chúa đã ban tràn đầy những chuyện phi thường cho đời sống của cha (…). Giáo hội sẽ phán xét sau. Đó là những sự kiện mà giáo dân ghi nhận và giữ lại như những lý do cho sự khả tín của con người này”.

Thêm nữa, một dấu hiệu hiển nhiên là sự đau đớn liên tục mà cha chấp nhận suốt đời mình để cho người khác. Hồng y Siri nói thêm: “Ngoài ra cha còn mang các dấu thánh. Không ai phủ nhận người này bị đâm thủng nơi chân, nơi bàn tay và một bên sườn bị hở (…). Các dấu thánh được chấp nhận, máu tràn ra, các bối cảnh của sự Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô là sâu đậm nhất, đó là một sự việc và các sự việc (…) này ở đó (…). Một ghi nhận về mặt thể lý, rằng tất cả đã có thể làm để chứng tỏ người này bị đóng đinh trên thập giá suốt đời. Các dấu thánh xuất hiện khi cha còn rất trẻ và (…) biến mất hoàn toàn ngày cha qua đời (…). Con người này vẫn bị đóng đinh trên thập giá. Các vết thương làm cho cha đau liên tục; cơn đau có khi rất mạnh, làm cha kiệt sức. Cha chịu đựng tất cả, không than van trong vòng nửa thế kỷ”.

Marta An Nguyễn dịch

827    03-08-2017