Sidebar

Thứ Sáu
17.05.2024

Ở nhà tối thứ sáu

 

Tôi khá lớn tuổi để biết được thời này thời kia. Thời trước lúc tôi còn nhỏ, có những cái khác bây giờ. Thú vui đời sống thì ngoài tầm tay và mọi người liệu cơm gắp mắm, có gì mừng đó, không ngóng chờ cái không thể có được. Hồi đó người ta không mong phải có tất cả. Họ nghĩ trời sẽ đến sau.

Cha mẹ tôi và những người cùng thế hệ có những nguyên tắc thiêng liêng khá đơn giản: đời sống này chỉ là khoảng thời gian chờ đợi ngắn ngủi, “một thung lũng đầy nước mắt.” Hạnh phúc không phải là chuyện quá quan trọng.

Ngày nay, người ta cười những giọt nước mắt của họ. Nhưng chính thứ triết lý u sầu này lại đưa họ đi qua cuộc đời mà không hề làm sứt mẻ đức tin và tình yêu của họ, lại thêm họ còn có khả năng vui thú hạnh phúc còn lớn hơn chúng ta ngày nay.

Ngày nay, trong thế giới, trong giáo hội, người ta không còn nói về “thung lũng nước mắt” và về tính cách dở dang của đời sống hiện tại.

Tinh thần sống lại và ngành tâm lý triển nở cá nhân, dù nó có giá trị như thế nào, nó không còn cho phép chúng ta đau buồn, dở dang, mềm yếu, xấu xí, già nua hoặc ở nhà tối thứ sáu.

Quan niệm thời nay là: chúng ta chỉ có thể hạnh phúc nếu cách này cách khác chúng ta thỏa mãn được mọi cơn đói trong lòng, cuộc sống phải trọn vẹn, đầy đủ và không bao giờ cô đơn tối thứ sáu. Nếu mọi khoái lạc hằng khao khát không được thỏa mãn thì không có hạnh phúc.

Vì thế các mong chờ của chúng ta trật nhịp. Đứng trước cuộc sống và tình yêu, chúng ta có thái độ tham lam, chúng ta gieo trồng các ngóng chờ phi lý, đòi hỏi phải có giải pháp cho tất cả tình yêu và căng thẳng của mình. Nhưng chúng ta không bao giờ thực hiện được những chuyện này ở cõi thế.

Chúng ta là những kẻ lữ hành trên mặt đất, những kẻ tha hương đang trên đường đi về. Thế giới chỉ đi qua. Chúa cho chúng ta Lời Chúa. Và chúng ta cần Lời Chúa để thấy! Có quá nhiều yếu tố trong cuộc sống ngày nay không chấp nhận rằng, trong cuộc sống này mọi bản nhạc đều chưa hoàn tất.

Một cách nào đó, chúng ta tin rằng giải pháp cuối cùng cho những căng thẳng thiêu đốt trong lòng vẫn nằm trong tầm tay chúng ta. Tôi không biết từ ai, từ cái gì đã cho chúng ta quan niệm này. Có thể đó là từ phim ảnh và truyền hình với những ngôi sao, diễn viên được giới thiệu như những người được cứu chuộc: họ rực rỡ, bơi lội trong tình yêu, có cuộc sống ý nghĩa, họ nắm trong tay mọi phương tiện để thưởng thức tất cả những gì cuộc đời dâng hiến cho họ.

Dù sao, có một cái gì đó làm chúng ta tin rằng, chúng ta không nhất thiết phải chịu đựng  căng thẳng và bất mãn, có những người ngay trong đời này đã có thể vui hưởng một cuộc đời được cứu chuộc.

Niềm tin đó, dù vô thức và không nói ra, là do một phần từ nỗi day dứt và bất hạnh của chúng ta hôm nay. Không ai trong chúng ta là người hoàn toàn, là diễn viên thượng thặng. Tuy nhiên, chúng ta lại nghĩ rằng, mình có thể hoặc mình phải, cách này cách khác, là người hoàn toàn, chúng ta đi trên đường đời mà coi thường những cơ hội cho phép chúng ta biết được thế nào là thanh thản và hạnh phúc.

Một thí dụ đơn giản. Trong nền văn hóa hiện nay, chúng ta đang khổ sở cái gọi là “hội chứng tối thứ sáu.” Rất ít người ở nhà yên tỉnh nghỉ ngơi tối thứ sáu. Tại sao? Có phải vì chúng ta không mệt mỏi và tuyệt đối không cần thưởng thức giây phút bình an không? Không! Chúng ta không thể ở yên tối thứ sáu vì trong người chúng ta có một con quỷ đang lay động, quả quyết rằng mọi người đang làm một cái gì đó rất thú vị tối nay. Một khi chúng ta tin vào tiếng nói này, thì tổ ấm, gia đình và những cam kết của chúng ta không còn giá trị gì nữa. An bình và yên tĩnh bị dẹp qua, chúng ta rơi vào mạng lưới day dứt không cách nào lắng dịu được.

Thí dụ này làm rõ một yếu tố căn bản: Nỗi bất hạnh của chúng ta phần lớn do chúng ta so sánh cuộc sống, tình yêu, tình bạn, cam kết, nghĩa vụ, thân xác và tính dục của chúng ta với cái nhìn của những chuyện lý tưởng phi Ki-tô giáo, những quả quyết sai lầm của một thiên đàng hạ giới.

Khi nó xảy ra, nó tạo những căng thẳng làm chúng ta điên đảo, khơi mào cho cơn day dứt bệnh hoạn.

Khi một nền văn hóa (và có khi cả trong Giáo Hội) nói với chúng ta rằng, không một hạnh phúc nào có thể có được nếu từng cơn day dứt trong lòng chúng ta không được thỏa mãn, thì hạnh phúc là một điều khó khăn.

Cô đơn, đúng là một bi kịch! Không lập gia đình, cũng bi kịch! Lập gia đình rồi mà không được yêu thương và đời sống tình dục không được trọn vẹn, cũng bi kịch! Xấu, cũng bi kịch! Bệnh tật, già nua, khuyết tật, cũng bi kịch! Kẹt với nghĩa vụ, cam kết, con còn nhỏ, tã lót, công việc nhàm chán hàng ngày làm giới hạn tự do và giao thiệp của chúng ta, cũng bi kịch! Nghèo, cũng bi kịch! Đi suốt cuộc đời mà không nếm hết mọi khoái lạc của cuộc đời, cũng bi kịch! Cuộc sống này có còn đáng sống không?

Dù sao cũng có một chút khôn ngoan và ngay cả một liều lượng an ủi trong “thung lũng nước mắt” của người đời xưa. Đôi lúc người ta lạm dụng thành ngữ này, họ quên Đấng Sáng Tạo không chỉ tạo ra chúng ta cho sự sống đời sau. Ngài cũng đã nghĩ đến đời sống sau khi sinh ra!

Nhưng những người sống với triết lý đó bằng lòng với những gì họ có, họ không đòi hỏi hơn. Họ ít day dứt và thèm khát trải nghiệm hơn chúng ta ngày nay.

Họ vui hưởng một cách thanh thản quà tặng cao lớn của Thiên Chúa hơn chúng ta – cuộc sống, tình yêu, tuổi trẻ, sức khỏe, tình bạn và dục tính – cả khi quà tặng trong đời này của họ không nhiều. Những người sống với triết lý đó, tôi dám chắc họ rất thanh thản tối thứ sáu!

Nguyễn Kim An dịch

451    27-03-2019