Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Phó Tế Vĩnh Viễn là ai?

Trong sách Công Vụ Tông Ðồ có nói đến việc các Tông đồ đề nghị với Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi hãy chọn ra bảy người xứng đáng (Têphanô, Philip, Prokhorô, Nikanor, Timôn, Parmêna, và Nicolaô) và sau khi đã được các Tông đồ cầu nguyện và đặt tay, các vị này trở thành những phụ tá giúp đỡ công việc mục vụ của các Tông đồ (Cv 6:1-6), và đây là những phó tế đầu tiên trong Hội Thánh.

Ðúng thế, từ phó tế phát xuất từ chữ Hy lạp diakonos có nghĩa là “người tôi tớ”, “người phụ giúp” (Pl 1:1). Ðược xem như là “tai, mắt, miệng lưỡi, và con tim cũng như linh hồn của giám mục” trong việc chăm sóc Giáo hội như được ghi lại trong một tài liệu cổ Didascalia, các phó tế được trao tác vụ bác ái nghĩa là có trách nhiệm phân phối những tặng vật của cộng đoàn cho anh chị em bị bệnh hoạn hay túng thiếu, nhưng không phải chỉ là trao tặng phẩm vật chất mà thôi nhưng cũng còn là lòng nhân hậu và sự tận tụy nữa.

Ngoài ra, phó tế còn được trao công tác phụng vụ trong đó có việc hướng dẫn những người muốn trở thành Kitô hữu (dự tòng), và cho cộng đoàn rước Mình Máu Thánh Chúa trong Thánh Lễ, cũng như đưa Mình Thánh cho những ai đau ốm. Dĩ nhiên, phó tế còn có sứ vụ công bố Tin Mừng qua việc dạy giáo lý hay rao giảng.

Lúc đầu, chức phó tế được hiểu có tính cách vĩnh viễn. Nhưng kể từ thế kỷ IV hay V trở đi, Giáo Hội Latinh (Tây phương) nói chung nhìn đến phó tế như một thánh chức với sứ vụ tạm thời trước khi chịu chức linh mục; đồng thời vai trò của phó tế bị hạn chế vào công việc phụng vụ mà thôi. Mãi cho đến Công đồng Vatican II, Giáo Hội mới khôi phục lại vai trò phó tế như “một bậc riêng và vĩnh viễn thuộc phẩm trật” (Lumen Gentium, 29). Hiến chế Tín lý về Giáo Hội này trình bày rõ ràng bản chất và vai trò của phó tế với việc nhấn mạnh đến phó tế vĩnh viễn như sau:

“Ở bậc thấp hơn của hàng giáo phẩm có các phó tế, những người đã được đặt tay ‘không phải để lãnh nhận chức vụ linh mục, nhưng là để phục vụ’.

 Thực vậy, được ân sủng bí tích bồi bổ, các phó tế trong sự hiệp thông với giám mục và linh mục đoàn, phục vụ Dân Thiên Chúa bằng việc phụng vụ, giảng dạy, và bác ái. Khi được những vị có thẩm quyền chỉ định, các phó tế được cử hành trọng thể phép Thanh Tẩy, giữ và trao Mình Thánh Chúa, nhân danh Giáo Hội chứng kiến và chúc lành hôn phối, mang của ăn đàng cho kẻ hấp hối, đọc Thánh Kinh cho tín hữu, giáo huấn và khuyên nhủ dân chúng, chủ toạ việc phụng tự và kinh nguyện của tín hữu, cử hành các á bí tích, chủ toạ lễ nghi tang chế và an táng” (LG, 29).

Việc khôi phục thánh chức phó tế vĩnh viễn theo tinh thần của Công đồng Vatican II được chính thức áp dụng trong Giáo Hội kể từ lúc Ðức Thánh Cha Phaolô VI ban hành Tự sắc Sacrum Diaconatus Ordinem (“Thánh Chức Phó Tế”) ngày 18.06.1967.

Văn kiện này cũng như Bộ Giáo Luật 1983 qui định rằng các ứng viên phó tế vĩnh viễn phải ít nhất là 25 tuổi nếu độc thân và không thể kết hôn sau khi thụ phong phó tế, hoặc ít là 35 tuổi nếu đã có gia đình với sự đồng thuận của người vợ và không thể tục huyền sau khi người vợ qua đời. Sau khi được truyền chức và được Ðức Giám mục sở tại bổ nhiệm, các phó tế vĩnh viễn sẽ thi hành mục vụ theo sự chỉ dẫn của vị Giám mục và với các linh mục. Mặc dầu mục vụ phó tế vĩnh viễn bao gồm các chiều kích phụng vụ, rao giảng Lời Chúa và công việc bác ái, tùy theo khả năng cũng như sở thích của mỗi cá nhân và dĩ nhiên với sự chấp thuận của Ðức Giám mục, các phó tế vĩnh viễn có thể hoạt động trong các mục vụ nhà tù, nhà thương, nhà hưu dưỡng, nhà trường,…

Ðể thực hiện sứ vụ được giao, các phó tế vĩnh viễn cần được đào tạo một cách kỹ lưỡng. Ngày 10.03.1998, Toà Thánh đã ban hành tài liệu “Những Tiêu chuẩn Căn bản cho việc Ðào tạo Phó tế Vĩnh viễn” để bảo đảm sự thống nhất trong việc huấn luyện và mục vụ của các phó tế vĩnh viễn khắp nơi. Ðức Hồng y Pio Laghi, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo lúc bấy giờ, đã ca ngợi tiêu chuẩn đào tạo phó tế vĩnh viễn do Giáo hội Hoa Kỳ đề ra và muốn rằng “những tiêu chuẩn này thống nhất trong cả Giáo Hội”. Theo chương trình đào tạo do Toà Thánh đưa ra, các ứng viên phó tế vĩnh viễn phải có một thời gian chuẩn bị và sau đó có ít là 3 năm học hỏi và tham gia các sinh hoạt liên quan; gặp gỡ thường xuyên với một vị linh hướng được bề trên chấp thuận; có tối thiểu 1.000 giờ học về thần học, luân lý và giáo huấn xã hội .

Như thế, trong phẩm trật của Giáo Hội hiện nay có hai dạng phó tế: phó tế vĩnh viễn và phó tế chuyển tiếp dành cho những ai sẽ tiếp tục lãnh nhận chức linh mục. Dầu vậy, ở một số nơi, hình thức phó tế vĩnh viễn (nhất là phó tế vĩnh viễn có gia đình) vẫn còn là một điều xa lạ. Lý do là thẩm quyền khôi phục phó tế vĩnh viễn tùy thuộc vào quyết định của Hội đồng Giám mục các nước và với sự chấp thuận của Toà Thánh: “Các nhóm Giám mục địa phương dưới những hình thức khác nhau, với sự chấp thuận của chính Ðức Giáo Hoàng có đủ thẩm quyền để xem xét có nên bổ nhiệm các phó tế ấy và bổ nhiệm ở đâu, để họ coi sóc các linh hồn” (LG 29).

Là những thừa tác viên của Giáo Hội Chúa được trao phó sứ mạng phục vụ Dân Ngài, các phó tế vĩnh viễn còn giúp thăng tiến hoạt động tông đồ giáo dân. “Dấn thân nhiều hơn các linh mục trong các môi trường và cơ cấu trần thế, phó tế vĩnh viễn được cảm thấy khuyến khích nuôi dư 1993". Cuối cùng, mặc dầu không có chức tư tế thừa tác (ordained priesthood) như các linh mục, các phó tế vĩnh viễn là những thừa tác viên được phong chức để phục vụ Hội Thánh trong thừa tác vụ rao giảng Lời Chúa, lo việc phụng tự, chăm sóc cộng đoàn và thực thi bác ái, và như thế đang dấn bước theo chân của Chúa Kitô, Ðấng đã làm tôi tớ cho mọi người.


Nguồn: http://conggiao.info/pho-te-vinh-vien-la-ai-d-61766

6295    17-08-2021