Sidebar

Thứ Bảy
18.05.2024

Sự cần thiết của ngưỡng phục

 

Nhiều năm trước đây, trong một tiểu luận trên tạp chí TIME, ký giả Roger Rosenblatt đã khuyên đứa con trai sắp tốt nghiệp phổ thông và đang chuẩn bị thi vào đại học của ông như sau: “Dù làm việc gì trong đời, con hãy tin chắc là mình biết ngưỡng phục người khác khi họ làm giỏi bằng con hoặc hơn con. Nghề báo của cha ngày hôm nay bị tệ hại như vậy cũng vì các ký giả gần như không còn khả năng ngưỡng phục người khác hoặc cái gì hết.”

Không phải chỉ các ký giả mới không có khả năng ngưỡng phục. Ngày nay nó gần như một căn bệnh phổ thông. Chúng ta thấy nó khắp nơi, trong ngành báo, chắc chắn rồi, nhưng cả trong thế giới khoa bảng, trong các nghề nghiệp đủ loại, và cả trong đời sống ở gia đình, nhà thờ. Gần như không ai trong chúng ta đủ tốt để biết ngưỡng phục ai (ngoài cái vòng chọn lọc của những người chúng ta “quen biết”). Trẻ em vẫn còn đủ tốt để ngưỡng phục, nhưng, chúng ta người lớn thì lại có ít nhận thức mến phục người khác. Chúng ta biết phê bình, nhưng không biết ngưỡng phục.

Tại sao? Cái gì đang tạo ra chuyện này? Tại sao mọi người và mọi vật xung quanh chúng ta dường như không bao giờ đủ tốt, đủ xứng đáng để chúng ta ngưỡng phục? Tại sao chúng ta cứ luôn vạch lá tìm sâu?

Chúng ta thích cái rắc rối phức tạp; sự nhận thức rằng chân lý, cái đẹp, và câu chuyện phải toàn vẹn khiến chúng ta có tính hay phê bình kẻ khác và sự vật. Tuy nhiên thật sự luôn có một cái gì đó chưa toàn thiện nơi mọi vật, một cái gì đó hoặc giản dị thái quá, vụ lợi, ngây ngô, khiếu thưởng thức không đẹp, mùi quá, thông tin không đầy đủ, tự thân nó quá yếm thế không xứng đáng ngưỡng phục. Chỉ Thiên Chúa mới toàn hảo. Mọi sự, mọi người đều có khiếm khuyết để có thể bị phê bình.

Nhưng cái phức tạp, trong sáng, và khiếu thẩm mỹ thanh cao rốt cùng không phải là lý do thật sự để chúng ta cảm thấy mình quá dễ bị tấn công, quá xét nét, hà tiện sự ngưỡng phục và khen ngợi. Có một cái gì chính yếu hơn ẩn dưới bề mặt, sự thiếu trưởng thành. Rốt cùng, căn bệnh ưa phê bình thay vì ngưỡng phục của chúng ta thường không gì khác hơn là sự phóng chiếu tình trạng không hạnh phúc của mình, nó như ngụ ý nói: “Ngưỡng phục tôi!” “Chú ý tôi!” “Tại sao tôi không được chú ý và ngưỡng phục?”

Khoa nhân loại học định nghĩa người lớn như sau: Người trưởng thành là người của trật tự hơn là bừa bãi, người giúp đỡ gánh nặng và căng thẳng của người khác hơn là đổ gánh nặng và căng thẳng của mình cho người khác, là người nuôi dưỡng người khác hơn là để người khác nuôi dưỡng mình, là ngưỡng phục người khác hơn là đòi hỏi người khác khen ngợi mình. Trong đó nét chính nhất của sự trưởng thành là khả năng biết ngưỡng phục. Nếu điều này đúng, và nó đúng,   thì khi đó khuynh hướng hay phê bình của chúng ta nói lên rất nhiều điều hơn là đơn giản chỉ nói lên điểm muốn soi sáng của chúng ta.

Thánh Tôma-Aquinô từng phát biểu rằng từ chối lời khen ngợi của người khác là có tội, bởi vì chúng ta đang từ chối của ăn nuôi sống người đó. Đó là lời phát biểu mang tính thử thách, nhưng thử thách này còn hơn cả việc cung cấp thức ăn cho người khác tiếp tục sống. Khen ngợi người khác cũng cung cấp thức ăn nuôi sống cho chính mình.

Một trong những lý do giải thích tại sao cuộc sống chúng ta có quá nhiều điều không thỏa mãn, tức giận, và suy thoái tinh thần, chính là vì chúng ta không còn biết ngưỡng phục. Thật khó để hạnh phúc và cảm thấy an lạc khi chúng ta thấy mọi người và mọi vật xung quanh đều không tốt. Không có khả năng ngưỡng phục, có thể chúng ta sẽ không bao giờ thấy được hạnh phúc – cũng có thể không bao giờ có được cái nhìn đúng đắn, dù chúng ta có thông thạo, có giáo dục, có kiến thức khoa học, mỹ học, hay có tư tưởng khai sáng như thế nào đi nữa.

Triết gia và nhà thần học Hugo of St. Victor có câu châm ngôn: “Tình yêu là con mắt!” Chỉ khi chúng ta nhìn qua lăng kính tình yêu chúng ta mới có được cái nhìn đúng đắn. Ngưỡng phục là một bộ phận của lăng kính. Khi chúng ta không biết ngưỡng phục, chúng ta không có cái nhìn đúng đắn, thuần khiết và giản dị. Khi mãi nhìn các sai trái nơi người khác thì khi đó nội tâm của chúng ta phơi bày một cách rõ rệt. Một phần, chúng ta thấy cái gì đang xảy ra, phần khác qua những gì chúng ta nghĩ chúng ta thấy được thì phần lớn lại bị ảnh hưởng vì nội tâm chúng ta. Vì thế, con mắt có thói quen tiêu cực nói lên nhiều điều về người và về mình.

Bất cứ khi nào thế giới của chúng ta có vẻ u tối, bất cứ khi nào chúng ta thấy đau khổ và bất công, và bất cứ khi nào chúng ta cảm thấy nản lòng với mọi vật và mọi người xung quanh, chúng ta cần tự hỏi chính mình: “Lần cuối cùng tôi thật sự ngưỡng phục người khác là khi nào?” “Lần cuối cùng tôi nói với ai đó họ làm một điều gì đó thật sự xuất sắc là khi nào?” “Lần cuối cùng tôi nhìn ai đó hay một điều gì đó bằng ánh mắt thán phục là khi nào?”

Khi chúng ta ngưỡng phục, chúng ta cảm thấy vui, vì, khi hành động như Thiên Chúa, chúng ta cảm thấy như Thiên Chúa. Thiên Chúa không bao giờ buồn bã, xuống tinh thần, yếm thế, và cái nhìn của Thiên Chúa vào chúng ta, như Kinh Thánh và các nhà huyền bí quả quyết, không phải là phê bình chỉ trích nhưng là ngưỡng phục. Như nữ thánh Julian of Norwich viết, Thiên Chúa ngự trên trời, hoàn toàn thư thái, miệng mỉm cười, khuôn mặt Ngài như một bản giao hưởng tuyệt diệu. Nó không giống với diễn tả của chúng ta – những ký giả, viện sỹ, nghệ sỹ, thần học gia, linh mục, mục sư, và người bình thường – khi nhìn về thế giới này.

J.B. Thái Hòa dịch

3501    14-09-2017