Sidebar

Thứ Sáu
03.05.2024

Tại sao Giáo Hội lại kỹ lưỡng đến từng chi tiết đối với Bí tích Thánh Thể?

priestoffering
 Jeffrey Bruno | Aleteia


Một tình huống
xảy ra ở một giáo phận miền Trung Tây Hoa Kỳ đã gây nên sự bối rối: Tại sao Giáo H
ội lại quá cầu kỳ về điều này?

Gần đây, Đức Tổng Giám Mục Thành phố Kansas, Joseph Naumann, đã gửi một bức thư cho các linh mục trong giáo phận của mình để nhắc nhở họ về các yêu cầu đối với loại rượu nào có thể được dùng trong Thánh lễ. Bức thư bao gồm một cảnh báo rằng nếu một loại rượu nào đó khác đã được sử dụng, thì Thánh lễ sẽ trở nên vô hiệu. Điều này sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng: Các ý chỉ của những Thánh lễ đó sẽ không được thực hiện, và Chúa Kitô sẽ không hiện diện trong bí tích cho những người tham dự.

Có điều gì đó đã trở nên “sai” đối với rượu? Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cho chúng ta biết rằng rượu nho phải được dùng trong Thánh lễ (x. GLHTCG 1412), và Bộ Giáo Luật giải thích thêm rằng rượu “phải tự nhiên từ trái của cây nho và không hư thối” (BGL 924,3). Hơn nữa, một Huấn thị năm 2004 của Vatican, Redemptionis Sacramentum (Bí tích Cứu độ), nói rằng rượu “phải là rượu tự nhiên, từ trái nho, nguyên chất và không hư thối, không pha trộn với các chất khác” (RS 50).

Đức Tổng Giám Mục Naumann viết, vấn đề là nhiều loại rượu được bán thương mại không đáp ứng tiêu chuẩn đơn giản này. Thay vào đó, chúng thường “chứa các chất phụ gia như chiết xuất quả cơm cháy (elderberry), đường, cồn,...” có thể khiến cho Thánh lễ không thành sự (vô hiệu). Sau đó, ngài còn hướng dẫn các linh mục của mình chỉ sử dụng những loại rượu mà họ biết là nguyên chất.

Câu chuyện này thường được chia sẻ trên mạng xã hội với sự ngạc nhiên, bối rối và đôi khi là tức giận. Tại sao việc thêm một vài yếu tố khác vào rượu lại quan trọng đến như vậy? Phải chăng Thiên Chúa không đủ quyền năng để biến rượu có thêm đường thành máu của Đức Kitô? Tại sao lại Giáo Hội quá câu nệ về điều này?

Việc hiểu được câu chuyện trên có thể giúp ôn lại kiến thức về thần học bí tích. Chúng ta cần hiểu ý nghĩa của vấn đề để biết tại sao nó lại quan trọng đến như vậy.

Các bí tích là dấu chỉ hữu hình của ân sủng vô hình. Các bí tích thông ban cho chúng ta một phần trong sự sống của chính Thiên Chúa, dẫu cho cách thức hoạt động của các bí tích thì thông qua các phương tiện vật chất, hữu hình. Điều này là do chúng ta là loài tạo vật, loài mà Thiên Chúa đã dựng nên: Chúng ta vừa thể chất vừa tinh thần, một mối quan hệ giữa thể xác và linh hồn. Chúng ta là những thể xác có linh hồn, hay những linh hồn được thể xác mặc lấy. Khi Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta một ơn thiêng, thì Người làm điều đó thông qua các phương tiện vật chất.

“Là một hữu thể đồng thời là thể xác và tinh thần, con người thể hiện và nhận thức các thực tại tinh thần thông qua các dấu chỉ và biểu tượng vật chất.” (GLHTCG 1146)

Tuy nhiên, phương tiện Thiên Chúa chọn không phải là ngẫu nhiên. Các vật liệu được sử dụng là những dấu chỉ: Chúng hướng đến cái vượt xa hơn chính chúng. Từ sacramentum (bí tích) trong tiếng Latinh trước hết đề cập đến lời thề của một người lính để phục vụ Rome và vị tướng của mình, được thể hiện bằng một dấu chỉ thể lý trên cơ thể. Cũng vậy, các bí tích là những hành động thể đại diện cho một thực tại thiêng liêng - và làm cho thực tại thiêng liêng đó hiện hữu. Có một mối liên hệ tự nhiên, dễ hiểu giữa các chất liệu được sử dụng và thực tại thiêng liêng xuất hiện thông qua chúng.

Như Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo chỉ rõ:

“Những thực tại hữu hình này có thể trở thành phương tiện diễn tả hành động của Thiên Chúa, Đấng thánh hóa con người, cũng như sự thờ phượng của con người dâng lên Thiên Chúa . Điều này cũng đúng với các dấu chỉ và biểu tượng lấy từ đời sống xã hội của con người: tắm rửa và xức dầu, bẻ bánh và chia sẻ cùng một chén có thể diễn tả sự hiện diện thánh hóa của Thiên Chúa và lòng biết ơn của con người đối với Đấng Tạo Hóa của mình.” (GLHTCG 1148)

Vì vậy, trong mỗi bí tích, có một mối liên hệ tự nhiên giữa cái vật chất được sử dụng và thực tại thiêng liêng xảy đến. Khi Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta ân sủng để tẩy xoá tội lỗi, để chết với Đức Kitô để được tái sinh vào cuộc sống mới trong Người, thì Người làm điều đó thông qua phương tiện là nước. Nước tự nhiên khiến chúng ta liên tưởng đến sự tẩy rửa, cái chết (như trong lũ lụt và chết đuối), và sự sống (như sinh con dưới nước). Nước là một dấu chỉ thích hợp cho Bí tích Rửa Tội.

Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta được ban cho bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô. Thánh Tôma Aquinô đã viết rằng Chúa Kitô đã ban cho chúng ta bánh mì (không men) vì nó bổ dưỡng nhất và luôn sẵn có: một dấu chỉ thích hợp cho sự nuôi dưỡng thiêng liêng của Bí tích Thánh Thể và lời hứa của Chúa Giêsu rằng Người sẽ luôn ở cùng chúng ta(x. ST III, q. 74, a. 3, c.). Thánh Tôma cũng lưu ý rằng rượunho thích hợp cho Tiệc Thánh vì nó có một cái gì đó thuộc về tinh thần hoặc thánh thiêng, và rượu nho đó chỉ được làm từ nho; các loại trái cây khác có thể được lên men, nhưng đây không phải là rượu nho chỉ là thức uống được chưng cất (ST III, q. 74, a. 5, c.).

Điều cuối cùng này rất quan trọng cần lưu ý vì nó đặt ra một vấn đề then chốt: Khi bạn thêm thứ gì đó vào rượu nho, thì tại thời điểm nào nó mất bị mất chất? Chúa Giêsu đã dùng rượu nho trong Bữa Tiệc Ly và nói với tông đồ của Người rằng: “Hãy làm việc này tưởng nhớ đến Thầy.” Nếu các tông đồ dùng thứ gì khác ngoài rượu nho, thì liệu rằng các ngài có tuân theo mệnh lệnh của Người hay không? Nếu có quá nhiều chất phụ gia được trộn vào rượu nho, thì đến thời điểm nào thì rượu nho đó mất chất, và do đó mất đi giá trị dấu chỉ của nó trong bí tích?

Một vũng nước có thể bẩn đến mức nào trước khi nước trong đó không thể được dùng để rửa tội? Có bao nhiêu thứ bổ sung có thể được thêm vào bánh mì trước khi nó trở thành thứ khác (bánh ngọt, món tráng miệng,...)? Nếu nước trở thành bùn, thì đó không còn là dấu chỉ thích hợp cho bí tích nữa. Nếu bánh mì trở thành bánh pudding, thì đó không còn là “bánh trường sinh” của chúng ta nữa. Nếu rượu nho trở thành một thức uống pha trộn, thì đó không còn là “trái của cây nho” mà Đức Kitô đã nói rằng Người sẽ uống khi Người ngự đến trong vinh quang của Người.

Đây là lý do tại sao Giáo Hội rất kiên định, rất cụ thể về các yêu cầu đối với các chất liệu được sử dụng trong các bí tích. Giá trị dấu chỉ của các chất liệu là một phần thiết yếu của thực tại bí tích. Không có các dấu chỉ thích hợp, bạn sẽ không có bí tích. Vì vậy, Giáo Hội yêu cầu chúng ta hãy giữ cho mọi thứ đơn giản: nước tinh khiết, bánh mì (không men), rượu nho. Chúa Kitô đã thiết lập các bí tích và ban cho chúng ta phương tiện để cử hành các bí tích đó. Vì “chính Người là ý nghĩa của tất cả các dấu chỉ này” (x. GLHTCG 1151), chúng ta hãy chắc rằng mình không nhầm lẫn về điều này.

 

Tác giả: Nicholas Senz - Nguồn: Aleteia (12/6/2023)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

333    13-06-2023