![]() |
vetre | Shutterstock |
Thông thường, một mùa phụng vụ trong Giáo Hội, chẳng hạn như Mùa Vọng, sẽ bắt đầu vào ngày Chúa nhật, nhưng Mùa Chay lại bắt đầu vào ngày thứ Tư, ngay giữa tuần.
Đối với một số người, sự khởi đầu của Mùa Chay có vẻ kỳ lạ, vì mùa này không bắt đầu vào ngày Chúa nhật mà là vào ngày thứ Tư.
Ví dụ, mùa Mùa Vọng luôn bắt đầu vào một ngày Chúa nhật. Điều này cũng đúng với Lễ Phục Sinh, về mặt kỹ thuật bắt đầu vào Chúa nhật Phục Sinh (Lễ Vọng Phục Sinh vào đêm trước là một phần của ngày Chúa nhật).
Ngược lại, Mùa Chay phá vỡ khuôn mẫu và bắt đầu vào giữa tuần. Tại sao vậy?
Dự liệu 40 ngày của Mùa Chay
Một trong những lý do chính khiến Mùa Chay trong Nghi lễ Rôma bắt đầu vào ngày thứ Tư là cách tính 40 ngày của Mùa Chay.
Nếu bạn tính từng ngày trong lịch, Lễ Phục Sinh sẽ diễn ra sau Thứ Tư Lễ Tro 46 ngày.
Sáu ngày Chúa nhật trong Mùa Chay không được coi là một phần của Mùa Chay chính thức (mỗi ngày Chúa nhật là một ngày tưởng nhớ đặc biệt về sự Phục Sinh của Chúa Kitô), vì vậy nếu bạn trừ 6 khỏi 46, bạn sẽ có 40 ngày Mùa Chay được nhiều người biết đến.
Ban đầu Mùa Chay không bắt đầu vào ngày thứ Tư và trong Giáo Hội sơ khai, Mùa Chay thậm chí không phải là một mùa kéo dài. Điều này là do các Kitô hữu đã bị bách hại trong nhiều thế kỷ và không có thời gian để đặt ra các quy tắc phụng vụ.
Vào thế kỷ thứ II, Thánh Irênê đã viết một lá thư cho Đức Giáo hoàng vào thời điểm đó về tính đa dạng của các ngày chay tịnh trước Lễ Phục Sinh.
Vì cuộc tranh cãi không chỉ liên quan đến ngày [Lễ Phục Sinh], mà còn liên quan đến chính cách thức ăn chay. Đối với một số người nghĩ rằng họ nên ăn chay một ngày, những người khác thì hai ngày, những người khác nữa thì nhiều hơn; hơn nữa, một số người tính một ngày của họ bao gồm bốn mươi giờ ngày và đêm.
Phải đến sau Công đồng Nicea vào năm 325, Mùa Chay mới được thiết lập rộng rãi là một khoảng thời gian chay tịnh kéo dài 40 ngày. Việc hợp pháp hóa Kitô giáo cho phép cử hành việc ăn chay công khai hơn và các giám mục cuối cùng đã có thể bắt đầu quá trình thống nhất dưới quyền Giám mục Rôma trong mọi việc, bao gồm cả các nghi lễ phụng vụ.
Giai đoạn tiền Mùa Chay
Ngoài 40 ngày Mùa Chay, một số Kitô hữu cử hành một loại “tiền Mùa Chay” kéo dài thời gian cầu nguyện và ăn chay lên tổng cộng 70 ngày.
Nghi lễ phụng vụ thường được gọi là Septuagesima (từ tiếng Latin có nghĩa là “thứ Bảy mươi”) và bắt đầu vào Chúa nhật thứ chín trước Lễ Phục sinh. Nó được phân loại là giai đoạn “tiền Mùa Chay” và được đưa vào Chu kỳ Phục sinh trong năm phụng vụ.
Thực hành này có từ ít nhất là thế kỷ thứ VIII và chủ yếu bao gồm ba Chúa nhật trước khi bắt đầu Mùa Chay (Septuagesima, Sexagesima và Quinquagesima, từ tiếng Latin có nghĩa là ngày thứ 70, 60 và 50 trước Lễ Phục Sinh). Ngày “thứ 40” được gọi là Chúa nhật Quadragesima và diễn ra sau Thứ Tư Lễ Tro. Bao gồm trong thực hành như việc mặc lễ phục màu tím và bỏ qua kinh Vinh Danh (Gloria) cũng lời xướng Alleluia trong phụng vụ.
Mùa đặc biệt này vẫn được cử hành bởi những người theo niên lịch của Nghi lễ Rôma với Hình thức Ngoại thường, và một số nhà thờ Đông phương cũng có giai đoạn tiền Mùa Chay tương tự.
Tác giả: Philip Kosloski - Nguồn: Aleteia (06/3/2025)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên