Sidebar

Chúa Nhật

05.05.2024

Thánh Phaolô VI còn nhiều điều để nói sau 60 năm từ khi trở thành giáo hoàng

stpaulvi
 Chân dung Đức Giáo Hoàng Phaolô VI năm 1963 - Wikimedia Commons


Bằng cách nhìn vào một số khía cạnh về linh đạo và đời sống của Thánh Giovanni Battista Montini, tất cả chúng ta đều có thể nhận được lợi ích từ mẫu gương của ngài.

Trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày bầu chọn Đức Tổng Giám Mục Milan, Đức Hồng Y Giovanni Battista, lên ngôi giáo hoàng, thật là thích hợp để dành một chút thời gian để dừng lại và suy ngẫm. Triều đại giáo hoàng của Đức Phaolô VI đã có một tác động đối với Giáo Hội cho đến ngày nay, nhưng tôi muốn tập trung vào sự thánh thiện của Thánh Phaolô VI và đặc biệt là ba khía cạnh trong đời sống và linh đạo của ngài mà tôi thấy đặc biệt đánh động và đó cũng là những điều có thể đem lại lợi ích cho mỗi chúng ta.

Người lắng nghe tiếng kêu của người nghèo

Theo truyền thống lâu đời, khi Đức Phaolô VI được bầu làm giáo hoàng, ngài được đội vương miện ba tầng (tiara) bằng vàng. Trong suốt một năm rưỡi tiếp theo, vấn đề nghèo đói trên thế giới liên tục được đặt ra tại Công đồng Vaticanô II với việc nhiều nghị phụ thúc giục Giáo Hội từ bỏ mọi hình thức phô trương và đón nhận sự nghèo khó một cách mãnh liệt hơn. Cảm động trước những lời ước nguyện này, Đức Phaolô VI đã thực hiện một cử chỉ ấn tượng, như được mô tả trong một bài báo của tờ New York Times vào thời điểm đó:

“Khi kết thúc Thánh lễ phụng vụ trọng thể theo Nghi thức Byzantine-Slavic, Đức Giáo Hoàng đứng dậy khỏi ngai tòa, bước xuống vài bậc và đặt chiếc vương miện lấp lánh trên bàn thờ.”

Mặc dù Đức Phaolô VI không có sở thích cá nhân đối với những đồ trưng bày trang trí công phu, nhưng chiếc vương miện này lại là một món quà của những người Công giáo từ giáo phận cũ của ngài là Milan. Vì lý do đó, chiếc vương miện chắc hẳn có một giá trị nào đó về mặt tình cảm đối với ngài. Tuy nhiên, đã có thông báo rằng Đức Giáo Hoàng Phaolô VI sẽ hiến tặng vương miện để mang lại lợi ích cho người nghèo trên thế giới. Đó cũng sẽ là lần cuối cùng một giáo hoàng đội vương miện.

Các khoản đóng góp từ người Công giáo ở Hoa Kỳ đã mang vương miện của Đức Phaolô VI đến Washington, DC. Bây giờ chiếc vương miện này có thể được nhìn thấy tại Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, nơi nó được trung bày một cách nguy nga. Tuy nhiên, tôi tự hỏi, có bao nhiêu người nhìn thấy chiếc vương miện bằng vàng đó và hiểu được bài học mà nó muốn truyền đạt - rằng, theo lệnh truyền của Chúa, những gì được ban cho chúng ta là để chia sẻ với người nghèo. Giống như Đức Phaolô VI, chúng ta được mời gọi để lắng nghe tiếng kêu cầu của họ và hy sinh lợi ích cá nhân để chu cấp cho họ.

Người bạn của các thai nhi

Không có gì ngạc nhiên khi tác giả của Thông điệp Humanae Vitae (Sự sống Con người) vẫn là một người bạn trung thành của những người dễ bị tổn thương nhất - những thai nhi. Cả hai phép lạ dẫn đến việc tuyên thánh cho Thánh Phaolô VI đều liên quan đến những thai nhi có mẹ được khuyên phá thai.

Một đứa bé bị bệnh nặng và có nguy cơ bị tổn thương não, đứa bé còn lại thì dường như bị tàn tật. Các bác sĩ khẳng định không có hy vọng nào cho cả hai đứa bé; nhưng trong cả hai trường hợp, mẹ của chúng đã cầu xin sự can thiệp của Đức Phaolô VI. Khi cả hai đứa bé được sinh ra khỏe mạnh, các bác sĩ không có lời giải thích nào.

Thật dễ dàng để quên lãng hoặc bỏ qua những đứa trẻ chưa sinh ra vì chúng luôn ở ngoài tầm nhìn của chúng ta. Việc Thánh Phaolô VI dường như có một sự ưu tiên đặc biệt đối với chúng nên là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với chúng ta. Khi phớt lờ thành viên dễ bị tổn thương nhất trong gia đình nhân loại, chúng ta cũng phớt lờ Thiên Chúa. Ước mong rằng các thai nhi luôn luôn trở nên quý giá đối với chúng ta cũng như đối với “vị thánh của các thai nhi”.

Vị ngôn sứ của hòa bình

Ngày 4 tháng 10 năm 1965, Đức Phaolô VI trở thành vị giáo hoàng đầu tiên đọc diễn văn trước Liên Hiệp Quốc nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập. Bài phát biểu của ngài, được đưa ra vào đỉnh điểm của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, là lời kêu gọi tất cả các quốc gia quay lưng lại với chiến tranh để thay vào đó là tham gia đối thoại và tìm kiếm sự chung sống hòa bình.

Trong bài phát biểu của mình, Đức Phaolô VI nói rằng ngài đang nói “cho người chết cũng như người sống: cho những người đã chết trong các cuộc chiến khủng khiếp trong quá khứ, mơ ước về hòa bình và hòa hợp trên thế giới; cho những người sống sót sau chiến tranh và những người trong thâm tâm họ lên án trước những kẻ cố gắng lặp lại chúng…”

Đề cập đến tấm gương của Chúa Kitô, ngài nói:

“Không thể làm một người anh em nếu không trở nên khiêm nhường. Vì chính lòng kiêu hãnh, dù có vẻ như không thể tránh khỏi, đã kích động những căng thẳng và đấu tranh về uy thế, về sự thống trị, về chủ nghĩa thực dân, về sự ích kỷ. Đó là lòng kiêu ngạo vốn làm tan vỡ tình anh em.

“Ở đây thông điệp của chúng tôi đạt đến cực điểm và trước hết chúng tôi sẽ nói một cách tiêu cực. Đây là những lời mà bạn đang muốn chúng tôi nói và những lời mà chúng tôi không thể thốt ra mà không cảm nhận được sự nghiêm túc và trang trọng của chúng: đừng bao giờ lại chống lại nhau, không bao giờ, đừng bao giờ nữa!”

Chính trong phần này của bài phát biểu của ngài, chúng ta thấy rằng thông điệp của Đức Phaolô VI không chỉ dành riêng cho các đại biểu trong Đại hội đồng, nhưng được hướng đến tất cả mọi người, trong đó có tất cả chúng ta. Trong một thế giới đầy rẫy sự kiêu ngạo, xung đột và hận thù, hơn bao giờ hết, rõ ràng là không thể có hòa bình thực sự nếu không có sự khiêm nhường.

Chỉ khi nào chúng ta lắng nghe và đón nhận một cách nghiêm túc về điểm đơn giản nhưng quan trọng này của Đức Phaolô VI thì thế giới của chúng ta mới có cơ hội để câu “đừng bao giờ nữa” của ngài cuối cùng cũng trở thành một câu “đừng bao giờ nữa” thực sự!

Ba điểm nhấn, ba cơ hội

Đó chỉ là ba điểm đánh dấu trong câu chuyện về một vị giáo hoàng đã trở thành một vị thánh. Trong 60 năm kể từ khi Đức Hồng Y Montini được bầu làm giáo hoàng, thật đáng chú ý là có rất nhiều điều đã không thay đổi. Hy vọng rằng, bằng cách nhớ lại một vài trong số rất nhiều hồng ân mà chúng ta đã nhận được qua Thánh Phaolô VI, chúng ta có thể nắm lấy cơ hội để học hỏi từ người bạn này, người mà ngay bây giờ đây vẫn mong muốn chỉ dạy cho chúng ta qua mẫu gương của mình.


Tác giả: John Touhey – Nguồn: Aleteia (21/6/2023)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

283    22-06-2023