Sidebar

Thứ Sáu
17.05.2024

Tôi và chúng ta

Tôi và chúng ta


Chúng ta được sinh ra và lớn lên trong một môi trường xã hội nhất định và ta chỉ có thể cảm nghiệm nỗi khát khao tình bạn khi thấy cô đơn tột cùng. Lý do sâu xa giúp chúng ta có được cảm nghiệm ấy đó là sự nhận thức mình được dựng nên trong mối tương quan với người khác. Nơi mỗi con người luôn tồn tại sự giằng co khi phải chọn lựa bản thân hay tha nhân. Tôi chỉ tồn tại và phát triển trong mối tương quan với tha nhân nhưng làm sao để nơi cái chung của cộng đoàn vẫn không làm đánh mất đi cái cá biệt của tôi.

I. TÔI LÀ AI?
  1. Cái tôi độc đáo

Con người luôn muốn khẳng định cái tôi của mình, tôi phải là tôi chứ không phải là một ai khác. Lịch sử môi trường cấu tạo nên đời tôi theo một cách thức rất riêng biệt không dựa trên hình bóng đã có sẵn. Trong một hoàn cảnh thật đặc biệt, tôi được dựng nên với một dáng đứng độc đáo riêng biệt. Sự khác biệt này được tỏ lộ trên hai phương diện là thể xác và tinh thần.

Tôi khác với người bên cạnh về vóc dáng, lời nói, cử chỉ, cách suy nghĩ... Nhìn vào tôi mọi người có thể nhận ra và gọi đúng tên của tôi chứ không bị lẫn lộn với một ai khác. Trên phương diện tinh thần thì chính cái độc đáo ấy đã hình thành nên tính cách của tôi. Qua dòng lịch sử mỗi ngày tôi càng trở nên độc đáo hơn. Tôi là một cá thể duy nhất mà không phải là một bản sao. Tôi được cắm rễ sâu vào cái gốc lịch sử cuộc đời mình với tất cả ý nghĩa của nó, đó là quà tặng mà Thiên Chúa trao ban cho mỗi con người và không ai có quyền xóa bỏ nó.
 
  1. Kinh nghiệm về sự thất bại

Không phải lúc nào tôi cũng đúng. Nếu một ai đó cứ cố gắng thể hiện cái tôi của mình một cách quá đáng sẽ dẫn đến nguy cơ bị từ chối. Càng cố gắng khẳng định bản thân để mong được chấp nhận cũng có khi chỉ được chấp nhận những cái ở bên ngoài còn cái tôi đích thực của ta vẫn bị từ chối. Sự thất bại ấy khiến con người nhận ra “cái tôi đáng ghét” của mình. Từ đó họ nuôi trong mình ước muốn chối bỏ cái tôi ấy hay thậm chí là xóa bỏ nó. Sự thất bại làm cho con người cảm thấy đau đớn khi lạc lõng một mình dưới vùng trời cô đơn. Nhưng bên cạnh đó nếu ai có đủ khả năng để nhận ra một chân trời bao la hơn đang ẩn hiện phía trước thì đó lại là ánh cầu vồng sau một áng mây đen.

Sự thất bại cho ta kinh nghiệm nhận ra quy luật cuộc đời, mỗi người không là một ốc đảo riêng biệt, con người luôn có mong ước sống chung với nhau. Tôi cần đến người khác và sống vì người khác. Cái chân lý ấy lóe lên một tia sáng trong bóng tối cuộc đời, dẫn tôi đi vào cái huyền nhiệm của thân phận con người.
 
      1. Giao hòa chung và riêng

Tại sao trong mọi thời đại người ta cứ mãi loay hoay phân tích, chứng minh, tranh cãi để bày tỏ quan điểm của mình giữa cái chung và cái riêng để rồi một cách vô tình đánh mất đi cái nét đẹp vốn có của nó. Cái chung và cái riêng vốn không thể tách biệt bên này bên kia nhưng nó cần hòa quyện với nhau trong đó xuất hiện cơ hội khám phá ra những điều thú vị.

“Tôi phải là tôi.” Tôi hiện diện với dáng đứng riêng biệt của mình, không bị phai nhạt theo các mẫu hình lý tưởng khác, nhưng ở nơi thâm sâu trong con người tôi phải lộ ra cái nét chân chính. Nhưng câu hỏi vẫn đặt ra cho con người đó là làm sao để tôi vẫn là tôi ngay trong cuộc sống cộng đoàn của tôi? Tôi sống hoàn toàn cá vị với những đường nét riêng biệt của mình mà vẫn có khả năng hòa mình vào trong đời sống cộng đoàn của tôi. Chính nơi con người của tôi cách nào đó phải bộc lộ ra cái nét chung của đời sống cộng đoàn, với ơn gọi và đoàn sủng của Hội Dòng tôi.
 
        1. Xây dựng cộng đoàn

Đời tu là một sự nỗ lực không ngừng đi tìm sự giao hòa giữa cái chung và cái riêng. Nhiều bạn trẻ bước vào trong đời sống cộng đoàn với ấn tượng ban đầu đó là một quyển nội quy, lịch sống, giờ giấc chung của cộng đoàn... Cái thói quen vốn có nơi con người ấy phải tạm thời bỏ vào cái bao cất vào tủ để mong chu toàn những công việc giờ giấc đã được ấn định sẵn. Phải chăng đây chỉ là một thái độ gò ép trốn tránh để rồi khi có một làn gió nhẹ thổi qua thì ngọn lửa ấy sẽ bùng lên. Sự cố gắng, cố gắng từng ngày ấy liệu có làm cho người tu sĩ cảm thấy hạnh phúc trong đời sống cộng đoàn hay chỉ dẫn đến sự căng thẳng, luôn mong ước đến những ngày nghỉ phép để thoát khỏi cảm giác ngột ngạt này!!!???

Ở đây tôi không có ý muốn phủ nhận những giá trị căn cốt của đời sống chung trong các cộng đoàn, nhưng nếu đời sống chung chỉ giống như một tổ chức sinh hoạt hay là một đoàn thể cộng đồng thì hình ảnh người tu sĩ sẽ bị cuốn theo những vòng xoáy ấy để rồi đánh mất căn tính đời người tu sĩ. Trong cái chung ấy phải đưa đẩy con người đến một sự trưởng thành nhận ra cái hồn của đời sống cộng đoàn cùng với thái độ tự do, tự nguyện. Bên cạnh đó vẫn có một số nhà đào tạo đánh giá một tu sĩ dựa trên những tiêu chuẩn bên ngoài như việc chu toàn các công việc, tham dự đầy đủ các giờ kinh giờ lễ... Có những tu sĩ hay lo lắng, cố gắng làm sao để chu toàn tốt công việc với chủ tâm giữ luật cách cặn kẽ nghiêm ngặt. Sự sợ hãi ấy đẩy họ đến chỗ bất chấp mọi biện pháp, mọi cách thức.

Trật tự là sự phát triển cộng đoàn, đó là cái chung như một quy tắc chuẩn mực để con người dựa vào đó mà sống và nếu không có nó thì cộng đoàn sẽ trở nên náo loạn. Tôi vẫn là tôi khi đón nhận những quy tắc ấy. Khi hòa mình vào trong cộng đoàn thì tôi phải từ bỏ một vài điều không chính đáng để đổi lấy sự an toàn. Nhưng cũng chính nơi cái chung ấy, cái nét riêng của tôi được thể hiện cách tràn đầy hơn.“Ra khỏi mình để hòa vào với người khác là điều tốt cho chúng ta. Tự đóng kín mình là nếm cảm vị đắng độc hại của tính tự tại, và loài người sẽ trở nên tồi tệ hơn vì mỗi một chọn lựa của chúng ta.”[1] Tôi được tự do chọn lựa, bộc lộ năng lực của mình, tôi có những cơ hội để khám phá và học hỏi từ những người chung quanh, tôi tìm ra chính mình và cũng có khi tôi bị rơi vào sự cạnh tranh với người khác khi tôi nhận ra tôi thực sự không giống họ.

Tôi là một thành viên trong cộng đoàn nên đây là một mối tương quan liên chủ thể. Tôi bước vào trong cộng đoàn với tinh thần tự do, trách nhiệm. Các mối tương quan ấy đưa tôi đi vào trong sự hiệp thông, tôi với cộng đoàn và cộng đoàn liên kết với tôi. Tôi không thể tự tách mình ra khỏi đời sống chung trong đó có những nâng đỡ hay những đổ vỡ, rạn nứt... nhưng tôi vẫn là tôi và chính nơi đời sống cộng đoàn và ở đó tôi có cơ hội phát triển nhân cách của mình. 

Tình bạn trong cộng đoàn là một cái gì đó cần thiết giúp cho con người trở nên hoàn hảo hơn. Một cộng đoàn chân chính là trong đó các thành viên luôn đồng hành với nhau cùng hướng về một mục đích chung. Tuy nhiên cộng đoàn là một tổ hợp những con người hoàn toàn khác nhau về hình dáng, tâm tư, lối sống, cách suy tư... Những cái lẻ tẻ ấy nó tạo nên một làn sóng xung đột trong cộng đoàn. Sự khủng hoảng ấy tạo nên bức tường ngăn cách bao trùm trong sự câm lặng. Chúng ta phải làm cái gì đó để hòa hợp những cái khác biệt ấy? Căn bản của đời sống cộng đoàn phải dựa trên nền tảng tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi. Chính tình yêu Ba Ngôi khơi dậy trong chúng ta khao khát chung sống với nhau và ràng buộc con người với nhau bằng tình yêu.
 
Tôi đang ở chỗ nào giữa cộng đoàn? Câu hỏi ấy vẫn cứ mãi là suy tư cho những trăn trở của con người. Cái lớp vỏ bên ngoài bao bọc lấy tôi trong những trật tự, những quy định chung làm cho dáng vẻ của tôi ngày càng mờ nhạt. Sự sống của tôi vẫn còn đấy nhưng tôi sẽ đối diện với nó như thế nào khi tôi không còn là tôi? Cái khó ở đây là lời mời gọi cho những chọn lựa thái độ sống để thể hiện trọn vẹn ơn gọi của mình đồng thời làm sáng lên cái hồn cộng đoàn tôi đang sống. 

Lời mời gọi vào đời vẫn mãi vang vọng trong tâm hồn người Kitô hữu cách riêng là những người tu sĩ. Để những bước đi được trở nên hoàn hảo, ta hãy xây dựng đời mình trên nền tảng vững chắc là đi vào sự kết hợp thân mật với Thiên Chúa; để cảm nghiệm, để kín múc nguồn sức mạnh cho tâm hồn. Chính nơi cội rễ ấy những chồi non sẽ được vươn lên đi vào trần thế với những nét độc đáo riêng biệt. Con người được mời gọi đi vào sự hiệp thông những nét cá vị độc đáo của mình với những giá trị chung của xã hội. Nói cách khác, con người chỉ có thể thể hiện trọn vẹn phẩm chất của mình trong tinh thần liên đới, hiệp thông.

Maria Bích Hồng
 
[1] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông Huấn Niềm Vui Của Tin Mừng (Evangelii Gaudium), số 87.
456    22-10-2018