Sidebar

Thứ Sáu
03.05.2024

Vì sao chuyến đi Ai Cập của Đức Phanxicô là một bước ngoặc

 

Chuyến đi Ai Cập của Đức Phanxicô ngày 28 và 29 tháng 4-2017 là một thành công thật sự trên mọi phương diện. Dù vậy điều này chưa được viết…

Trên báo chí, đây là chuyến đi đầy rủi ro. Chỉ cần thấy bộ phận an ninh đồ sộ suốt đường đi của Đức Giáo hoàng là hiểu, cứ 500 mét có một nhân viên an ninh. Thánh lễ sáng chúa nhật ở căn cứ quân sự Không quân cũng vậy, máy bay trực thăng quần trên trời, các máy điện tử bị giữ lại trước khi vào sân vận động, các máy bay do thám không người lái cũng bị giữ lại…  Ngay cả các ký giả đi theo Đức Phanxicô cũng bị chó nghiệp vụ chống chất nổ ‘rà soát’ trước khi lên máy bay về! Chỉ với các chi tiết này, chính quyền Ai Cập cho thấy họ đã thành công qua rất nhiều thách thức của chuyến đi này, không có các trở ngại vụn vặt.

Nhưng chuyến đi không những thành công về mặt kỹ thuật mà cả về mặt ngoại giao, chuyến tông du của Đức Phanxicô ở xứ các vua pharaông đầy cả bẫy, một nhân viên ngoại giao của giáo triều công nhận. Trước hết là với Viện Đại học Al-Azhar, nguyện đường-đại học của thủ đô Cairô, tuy đôi khi Viện có quan điểm mập mờ về nhân quyền, nhất là quyền của phụ nữ. Viện đã từ chối lệnh xem lại của chính quyền Tổng thống Al-Sissi về sự hợp pháp của kinh Coran trên vấn đề rẫy vợ.

Đức Phanxicô kiên trì đòi hỏi sự lên án bạo lực nhân danh Chúa

Nhà ngoại giao giáo triều nhấn mạnh, cũng thế, trong đối thoại với người hồi giáo, các chữ cũng bị bẫy… Một cách nói lên sự khó khăn của ngôn ngữ chung, dù nụ cười ngoài mặt. Trong bối cảnh các vụ tấn công chống người Coptic lập đi lập lại trong các tuần vừa qua, bài diễn văn của Đức Phanxicô ở Viện Đại học Al-Azhar, trong buổi Hội thảo về Hòa bình do chính đại học này tổ chức, có thể xem như một thách thức, nhưng nó đã không xảy ra. Trong bài diễn văn không thể chỉ trích vào đâu về mặt ngoại giao, với một chiều sâu và một độ mạnh ngoại thường, bài diễn văn đã không nhân nhượng trên các vấn đề thời sự. Thậm chí bài diễn văn còn cả gan đòi hỏi tất cả các tôn giáo phải mãnh liệt lên án bạo lực nhân danh Chúa. Đức Phanxicô còn nhắn các thế hệ trẻ, xin họ chống lại sự vô minh và tuyên truyền bằng việc đào tạo, bằng văn hóa, bằng lịch sử và nhắc lại sự tôn trọng phẩm giá con người trong mọi hoàn cảnh.

Thật khó để nói lên hình ảnh Chúa Giêsu, Đấng mà trong Kinh Coran đã để cho người khác đóng đinh thế chỗ mình

Khi đi trên chuyến bay đến Ai Cập, Đức Phanxicô đã giải thích điểm chủ yếu của chuyến đi gai góc này: “Trong tình hiệp nhất và huynh đệ”. Tình huynh đệ với anh em hồi giáo mà đối thoại về mặt thần học là rất khó, thậm chí là chuyện không thể được, chính Hồng y Jean-Louis Tauran, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Đối thoại Liên tôn cũng phải thú nhận. Thật khó để nói lên hình ảnh Chúa Giêsu, mà trong kinh Coran, Chúa Giêsu chỉ là một tiên tri đã để người khác đóng đinh thế chỗ mình (thần học thay thế). Hơn nữa, một sự Mặc Khải sau Chúa Kitô là điều không phải là có thể có cho Giáo hội công giáo. Tuy nhiên đối thoại có thể được thiết lập trên cơ sở tình huynh đệ giữa con người, về các giá trị chung như gia đình.

Còn sự thống nhất như Đức Giáo hoàng mong muốn thì ngài hướng về người chính thống giáo nhiều hơn. Và trên thực tế, các hình ảnh của Đức Giáo hoàng, của Thượng phụ Coptic Tawadros II, tòa thượng phụ Alexandria và của Thượng phụ Báctôlômêô, tòa thượng phụ Constantinople đã nói lên rất mạnh. Buổi cầu nguyện chung diễn ra ở Đền thờ Thánh Phêrô tháng 12 vừa qua, để vinh danh 29 vị tử đạo bị thảm sát trong các vụ tấn công khủng bố vào các nhà thờ chính thống Coptic ở thủ đô Cairô. Trong bản tuyên bố chung được ký cùng ngày, Đức Phanxicô và Đức Tawadros II đã dùng lại chữ “đại kết trong máu”, mong rằng máu của các vị tử đạo là “hạt giống hiệp nhất giữa các môn đệ của Chúa Kitô”. Trên nền tảng phù với truyền thống kitô giáo có từ đời Tertullien – máu tử đạo, hạt giống kitô – thì trên nhiều khía cạnh,  chuyến đi này hơn các chuyến đi khác, Đức Phanxicô đã gieo một chứng cứ hiệp nhất cực kỳ mạnh mẽ. Đặc biệt cho các người chính thống Coptic ở Trung Đông, họ là thiểu số kitô giáo đầu tiên theo thứ tự quan trọng.

Các kitô hữu là “phần tử không thể thiếu” của xứ sở trở thành hồi giáo từ thế kỷ thứ 7 này

Đức Phanxicô cũng đã không quên người công giáo. Đây cũng là một trong những “rủi ro” của chuyến đi đậm chất chính trị này. Và thêm một lần nữa, Đức Phanxicô đã có những chữ để an ủi “đàn chiên nhỏ” người công giáo Coptic, họ có khoảng 200 000 giáo dân trên toàn Ai Cập. Dù hàng rào an ninh dày đặc, Đức Phanxicô cũng đã tạo được bầu khí gia đình thân tình khi ngài đi một vòng sân vận động gặp giáo dân trước khi dâng thánh lễ. Trước khi lên đường về Rôma, Đức Phanxicô gặp hàng giáo sĩ, quan tâm đến các thử thách của họ nhưng ngài vẫn duy trì sự đòi hỏi của mình như thường lệ. Ngài khuyến khích các linh mục, chủng sinh, tu sĩ nam nữ Ai Cập hãy là men, dựa vào gương của các tổ phụ sa mạc Ai Cập có từ ngàn năm, những người “phát minh” các nhà dòng kitô giáo và khai phóng các bước tiến lớn trong đời sống nội tâm.

Đức Phanxicô cho thấy mình là mục tử chăm sóc đến đàn chiên nhỏ của cộng đoàn công giáo thiểu số chỉ chiếm từ 10 đến 15 % đa dân số Ai Cập, khi xin các người chính thống giáo một chuyện rất bình thường là quan tâm, đến người anh em công giáo, khi nhắc cho Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al-Sissi và cho các nhà cầm quyền dân sự nhớ, tín hữu kitô là “thành phần không thể thiếu” của đất nước trở thành hồi giáo từ thế kỷ thứ 7 mà gốc rễ kitô có từ thời Thánh sử Máccô.

Cuối cùng, qua các lời của sự thật được cân nhắc vì tuyên bố ở vùng đất đầy mìn thì qua sự hiện diện thân tình – cùng với vòng ôm của Đại Imam Al-Tayyeb -,  của nhà lãnh đạo công giáo đã hoàn tựu chuyến đi mà hoa quả sinh lợi của nó chắc chắn sẽ được trường tồn. Ai Cập, xứ sở vinh quang từ thời Thượng Cổ đã không được chọn một cách tình cờ. Một lời chỉ trích nội bộ hồi giáo xem như tích cực trong thông điệp này: Đức Giáo hoàng đã không quên đòi hỏi “xứ sở lớn” này đóng vai chính trong vùng để chống lại chủ nghĩa hồi giáo.  Và cuối cùng là hình ảnh Thánh Gia – biểu tượng của chuyến đi – tìm được chỗ trú ngụ và Giáo hội cũng đã tìm được một trong các nguồn tái sinh sau các vụ bách hại, qua sự phát triển con đường tu trì ở sa mạc. Lời của Sách Thánh: “Từ Ai Cập, Ta đã gọi con Ta về (Osée, 11, 1), được ghi ở một trong các bích chương ở sân vận động quân sự Cairo đã cho phép suy nghĩ: tương lai, xứ sở này có thể tiếp tục đóng vai trò quyết định trong vận mệnh của kitô giáo ở vùng Trung Đông.

Marta An Nguyễn dịch

867    03-05-2017