Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Con cái là thước đo sự khôn ngoan của cha mẹ

 

Chúng ta đã quen thuộc với câu tục ngữ “Con hơn cha nhà có phúc” để nói lên một thực tại rất quan trọng trong sự biện phân khả năng của cha mẹ trong việc nuôi dạy và chăm sóc con cái. Theo đó, thế hệ sau chắc chắn phải hơn thế hệ trước, như một hệ quả tất yếu của tiến trình phát triển của con người, và chỉ cần nhìn vào con cái mà người ta có thể hiểu được phần nào tâm tính và sự khôn ngoan của cha mẹ là một điều không chỉ trong kinh nghiệm của dân gian, mà kinh nghiệm này đã được chính Thiên Chúa sử dụng trong giáo huấn của Ngài khi Chúa Giêsu nói: “Xem quả thì biết cây… Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây sâu không thể sinh quả tốt” (x. Mt 7:15-20).

Trong bài Tin Mừng hôm nay (Lc 7:31-35), thuật lại việc người ta đưa ra những phán đoán rất tiêu cực và mang tính thành kiến về việc làm của Chúa Giêsu, khi họ liên tục thấy Chúa Giêsu đi lại và ngồi đồng bàn với những người tội lỗi và phường thu thuế là những nhóm người theo tập tục Do Thái thì cần phải tránh cho xa, nhất là với những bậc ngôn sứ và thầy giảng như Chúa Giêsu. Và đứng trước thực tại này, Chúa Giêsu mang lại một bí quyết biện minh và biện phân cho việc chúng ta làm đó là, “sự khôn ngoan đã được minh chính bởi tất cả con cái mình" (c. 35).

Là cha mẹ, có lẽ không ai lại muốn ngày ngày bị người khác mắng vốn, oán trách, hoặc nói những lời không hay ho về những đứa con do mình đứt ruột sinh ra và dày công nuôi dạy. Và vì thế, chúng ta sẽ thật vui khi người ta khen con cái chúng ta qua những điểm tốt lành nơi con cái của chúng ta: ngoại hình, tính cách, lối sống, năng lực…Nhưng vấn đề ở đây không phải là chuyện khen chê mang tính thị phi của người đời, mà là những thể hiện rất thật nơi các con của chúng ta, sẽ nói lên rất nhiều về bản thân chúng ta trong tư cách là cha mẹ, hay qua chúng ta mà biết cha mẹ chúng ta trong tư cách là con.

Trong tư cách là con, có lẽ không có gì báo đáp hiếu nghĩa cho cha mẹ bằng việc chúng ta sống một cuộc sống cống hiến, mang lại nhiều giá trị và sự phục vụ cho cộng đồng. Vì ngang qua những việc cao cả và tốt lành mà chúng ta thể hiện, người ta sẽ nhận biết cha mẹ chúng ta là những người có một đời sống nội tâm và kỷ luật thế nào. Theo đó, sẽ rất khó để người đời chối bỏ công sinh dưỡng và giáo dục mà cha mẹ chúng ta đã góp rất nhiều vào trong sự thành đạt của chúng ta ngày nay, khi chúng ta là những người đang cống hiến thật nhiều. Điều này rất khác với chuyện chúng ta cố gắng để giành thật nhiều thành tích theo nghĩa ganh đua để mang lại danh thơm tiếng tốt cho cha mẹ, hay làm bằng mọi giá để có thật nhiều tiền mang về cho cha mẹ mà nhiều người hay hiểu lầm là báo hiếu. Người ta chỉ nhìn nhận cha mẹ chúng ta là tốt lành và khôn ngoan khi chúng ta sống cách khôn ngoan và đang mang lại sự khôn ngoan và giá trị cho người khác, chứ không phải ở số lượng tài sản mà chúng ta tạo ra hay những thứ hư danh mà chúng ta theo đuổi.

Trong tư cách là cha mẹ, chúng ta không thể hưởng “hoa thơm trái ngọt” nếu chúng ta quá mức tin vào những thứ tài sản mà chúng ta có để đảm bảo một cuộc sống êm trôi và dễ dãi cho con cái mình. Nhưng hoa thơm trái ngọt ấy được tích luỹ theo năm tháng trong hành trình làm người của con cái chúng ta, nghĩa là, những giá trị mà chúng ta truyền dạy và làm gương sống cho con cái mình. Đó chính là tình yêu, sự gần gũi, lòng thương cảm, sự vị tha, tính kỷ luật, sự dũng cảm, sự nhẫn nại, niềm tin, niềm hy vọng…Hoa thơm trái ngọt mà chúng ta nỗ lực tạo ra không phải là những sự nuông chiều dễ dãi và hào phóng theo nghĩa những thiết bị hàng hiệu, những đồ dùng đắt tiền, những thứ xa xỉ mà không hề kèm theo bất cứ một thông điệp hay giá trị nào trong đó như nhiều gia đình ngày nay đang cố gắng chứng tỏ bản thân họ. Là cha mẹ khôn ngoan chắc chắn là một chọn lựa quá khó và đầy thách đố chứ không phải dễ dàng như chúng ta đang tưởng ngang qua những thể hiện và chu cấp thuần vật chất.

Vì vậy, nhiệm vụ của người con là hãy sống sự khôn ngoan mà cha mẹ truyền thụ, để qua lối sống và việc làm của chúng ta mà người ta nhận ra sự khôn ngoan của cha mẹ mình, và nhiệm vụ của cha mẹ là hãy truyền thụ các giá trị sống trong sự khôn ngoan. Như thế, con cái sẽ là một thước đo cho sự khôn ngoan và biện minh cho lẽ khôn ngoan của các bậc cha mẹ. Sự khôn ngoan ở đây không nhất thiết phải hiểu theo nghĩa học hàm học vị trong thế giới học thuật, bởi lẽ có quá nhiều người học cao hiểu rộng nhưng lại không thể truyền thụ cho con mình dù một chút khôn ngoan, nếu không muốn nói là sự hư hỏng và ngu muội. Nhưng để có sự khôn ngoan, người ta nhất định phải luôn để cho bản thân mình được thôi thúc phải học, nghiên cứu, tìm tòi, và suy tư. Và dĩ nhiên, sự khôn ngoan không bao hàm trong những thứ của cải vật chất mà chúng ta đang sở hữu, đành rằng một cuộc sống dồi dào và thịnh đạt là mục tiêu mà mọi bậc cha mẹ khôn ngoan phải hướng tới.

Joseph C. Pham

1614    19-09-2019