Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Ép con gái uống thuốc trừ sâu: Mẹ ơi, sao lại nỡ lòng...

Ép con gái uống thuốc trừ sâu: Mẹ ơi, sao lại nỡ lòng...

Khi HĐXX tuyên phạt bị cáo 10 năm tù, không ít người dự khán buổi xét xử tỏ vẻ bức xúc cho rằng mức án quá nhẹ. Nhưng với tội lỗi gây ra cho chính khúc ruột của mình, thì có lẽ bản án lương tâm sẽ còn ám ảnh bị cáo mãi mãi...





 

 

 

 

 

Nhắc và nghĩ đến con, Loan ôm mặt khóc nức nở giữa toà

 

 

Bị cáo của phiên xử là Trần Lê Thị Xuân Loan (29 tuổi, ngụ Q.9, TP.HCM), bị HĐXX Toà gia đình và người chưa thành niên (TAND TP.HCM) tuyên phạt 10 năm tù về tội “giết người”. Loan có hành vi giết con gái 6 tuổi khi ép cô bé uống thuốc sâu để tự tử cùng bị cáo.

Trong cơn túng quẫn...
Từ nhỏ sống cùng bố mẹ tại Q.9, học đến lớp 6 Loan nghỉ học, làm thêm kiếm tiền phụ giúp gia đình. 21 tuổi, Loan lấy chồng và phụ gia đình chồng bán căn tin tại một ủy ban phường.
Năm 2010, Loan sinh một bé gái cũng là lúc chồng thất nghiệp. Tiền phụ bán căn tin ba cọc ba đồng không thể đủ nuôi con, chi trả các phí sinh hoạt khác. Những lúc như vậy, Loan vay mượn của người thân rồi vay lãi nặng từ người lạ. Dần dà, gốc và lãi dồn lên đến 200 triệu đồng, bị chủ nợ đòi, dồn ép; rồi vợ chồng dần lạnh nhạt trong tình cảm nên Loan có ý định tự tử cùng con gái.
 
 
Ép con gái uống thuốc trừ sâu: Mẹ ơi, sao lại nỡ lòng... - ảnh 2
Hôm nay, HĐXX chúng tôi tuyên một mức án tù cho bị cáo bao nhiêu không còn quan trọng nữa. Con bị cáo đã mất, bị cáo vẫn đứng đây. Chúng tôi nghĩ bản án lương tâm sẽ đi theo bị cáo suốt cuộc đời
Ép con gái uống thuốc trừ sâu: Mẹ ơi, sao lại nỡ lòng... - ảnh 3
 
Chủ tọa phiên toà
 
Trong phiên toà hôm ấy, khi được HĐXX yêu cầu thuật lại hành vi phạm tội, Loan cúi gằm mặt, lí nhí khai đã chở con vào một khách sạn, đổ một ít thuốc trừ sâu ra ly và ép con uống. Đứa bé không muốn uống nhưng bị Loan ép, lấy giẻ bịt miệng...
Khi đặt con xuống, Loan uống hết số thuốc trừ sâu còn lại trong chai, rồi nhắn tin cho người thân nói rằng lấy tiền phúng điếu đám ma của 2 mẹ con để trả nợ.
Chủ tọa khá gay gắt: “Con bị cáo đã gần 6 tuổi, ngay từ đầu bé đã không muốn uống thứ nước bị cáo đưa. Bị cáo buộc con mình chết là một hành động tiêu cực, nhưng vẫn làm?”.
Loan khóc nấc, trả lời: “Chồng bị cáo không lo được cho gia đình. Sinh con ra cũng không phụ giúp gì cho hai mẹ con bị cáo. Chồng bị cáo chỉ ở nhà không, sau này mới đi làm bảo vệ, phụ bị cáo 500.000 đồng mỗi tháng tiền mua sữa cho con. Không có tiền, bị cáo mượn tiền, lãi vay 10%, 15% và gấp thì 20%. Áp lực bị hăm dọa đòi nợ, lúc đó đầu bị cáo như đám mây đen”.
Chủ tọa phân tích thêm, bị cáo đã có thời gian để sửa chữa hành động ép con uống thuốc sâu. Ngay khi buông con ra, với lương tâm người mẹ, bị cáo vẫn có thể bồng chạy đi cầu cứu, nhưng lại không làm. Lý giải điều này, Loan khai từng nghĩ ra ba cách để chết cùng con.
Nhưng hai cách đầu (đụng xe và nhảy cầu) thì sợ con đau và nước cuốn hai mẹ con không được gần nhau, nên chọn cách uống thuốc trừ sâu để mẹ con nằm cạnh bên nhau... “Bị cáo muốn chết cùng con nhưng không được. Bị cáo không muốn con bị cáo ra đi một mình. Lương tâm của bị cáo không còn”, Loan nức nở giữa khán phòng.
Sự tha thứ và bản án lương tâm
Trưa 6.10, chúng tôi tìm đến nơi làm việc của bố mẹ chồng Loan. Nhắc đến câu chuyện, đôi vợ chồng già vẫn còn chút bức xúc về con dâu và nước mắt họ lại rơm rớm khi nhớ đứa cháu nội duy nhất đã mất.
Bố chồng Loan, ông H.V.D, kể: “Tôi cưng nó còn hơn con gái mình. Nó hiền, giỏi lo toan mọi việc trong gia đình. Có đợt vợ tôi nằm viện cả tháng, một mình nó vừa lo việc mua bán vừa cơm nước, chợ búa chăm sóc vợ tôi. Một mình nó phải chấp đến ba người làm. Chúng tôi cũng không ngờ vì nợ nần mà nó lại làm chuyện tày trời như vậy”.
Vợ ông D. cũng lên tiếng: “Con Loan làm chuyện ác, chúng tôi giận thiệt nhưng khi nghĩ về khoảng thời gian chung sống, vợ chồng tôi và con trai tôi cũng đã làm hết sức, cái gì bỏ qua được chúng tôi bỏ qua và tha thứ tất cả”. Ông D. tiếp tục: “Ai cũng bàng hoàng nhưng chuyện đã qua rồi, tha thứ được thì nên tha thứ. Nó cũng muốn chết cùng con nhưng nó lại sống. Coi như ông trời bắt nó sống để trả cái nghiệp nó gây ra. Như vậy là đủ”.
Trước đó, trong phiên xử, khi tòa cho gọi chồng bị cáo, cũng là cha đứa bé, hỏi về yêu cầu bồi thường hoặc các yêu cầu khác, anh này hướng về phía vợ mình, nói: “Lỗi cũng do tôi không quan tâm, chăm lo cho vợ con. Tôi chỉ mong HĐXX xử nhẹ nhất có thể để vợ tôi sớm về với gia đình mình”.
Nghe xong, chủ tọa nhìn Loan, phân tích rằng xuyên suốt phiên tòa bị cáo luôn đổ lỗi cho chồng, nhưng rốt cục người chồng, người cha ấy vẫn tha thứ, xin giảm nhẹ tội cho bị cáo. HĐXX là phụ nữ nên đều cảm thông, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống với bị cáo, nhưng cũng phải nhìn nhận rằng dù khó khăn đến mấy, với thiên chức làm mẹ, không ai có thể đồng ý với hành vi của bị cáo.
“Hôm nay, HĐXX chúng tôi tuyên một mức án tù cho bị cáo bao nhiêu không còn quan trọng nữa. Con bị cáo đã mất, bị cáo vẫn đứng đây. Chúng tôi nghĩ bản án lương tâm sẽ đi theo bị cáo suốt cuộc đời”, chủ toạ nhấn mạnh.
Khi HĐXX tuyên phạt Loan 10 năm tù, dưới khung hình phạt, Loan khóc, nhiều người dự khán bức xúc cho rằng mức án quá nhẹ. Nhưng thiết nghĩ, bị cáo cũng là người mẹ, từng biết nghĩ cho con. Con đứt ngón tay thôi là mẹ nào không như dao cắt vào lòng. Nay đối diện bản án giết con mình, thì đúng như lời chủ toạ: bản án tù bao nhiêu không còn quan trọng, quan trọng là bản án lương tâm sẽ theo suốt cuộc đời.
984    10-10-2017