Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Giacob vật lộn với Thiên Chúa

 

Trong sách Sáng Thế kể lại một biến cố rất đặc biệt đã xảy ra trong lịch sử tổ phụ Giacóp, đó là biến cố mà ông đã vật lộn với Thiên Chúa tại nhánh sông Giápbốc, đây là một biến cố có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống đức tin và cầu nguyện không chỉ với tổ phụ Giacóp, mà với cả mỗi người chúng ta nữa.

Như Sách Thánh trình bày: Giacóp đã chiếm được quyền trưởng nam của người anh song sinh là Êxau khi đổi lấy bát cháo đậu với những mưu mẹo và mánh lới (x. St 25,29-34). Ông đã lừa nhận lời chúc lành của cha mình là Ixaác lúc ấy đã cao tuổi và mù lòa. Sau khi đã thoát khỏi cơn giận dữ của Êxau, ông đã đến nhà cậu mình (anh của mẹ) là ông Laban. Ở đây, ông là một người lao động không biết mệt nhọc, ông đã lập gia đình và trở nên giàu có ở đây khoảng 20 năm.

Sau thời gian dài, ông lại muốn trở lại nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình và ông đã sẵn sàng đối diện với anh mình sau khi đã có những biện pháp khôn khéo để đối đầu. Nhưng khi ông đã sẵn sàng cho cuộc hội ngộ, sau khi đưa những người thân sang bờ bên kia sông thuộc lãnh thổ của anh mình, khi chỉ còn lại một mình ông ở bờ sông thì bất ngờ ông bị tấn công bởi một người lạ mặt và hai bên vật lộn nhau suốt đêm. Chính nhờ cuộc vật lộn tay đôi với người là đã giúp ông có được một cảm nghiệm đặc biệt về Thiên Chúa (x. St 32, 23-33).

Phân tích bản văn

St 32,23-25: “Đêm đó, ông Giacóp trỗi dậy, đem theo hai bà vợ, hai người nữ tỳ và mười một đứa con, và ông lội qua khúc cạn suối Giápbốc. Ông đem họ theo, đưa họ qua suối, rồi đưa tài sản của ông qua. Còn ông Giacóp thì ở lại một mình. Có một người vật lộn với ông cho đến lúc rạng đông.”

“Đêm khuya” là một thời điểm thích hợp cho các hoạt động bí mật, đó là thời điểm tốt nhất để Giacóp có thể vào lãnh thổ của anh mình mà không bị bại lộ, có lẽ ông cũng muốn làm cho Êxau cảm thấy bất ngờ. Thế nhưng, ông mới là người phải ngỡ ngàng khi bị tấn công trong khi không có sự chuẩn bị gì cả. Giacóp là người đã từng sử dụng mánh khóe để giải thoát mình khỏi những hoàn cảnh nguy hiểm, ông cho rằng mình là người khôn ngoan và đã thành công trong việc làm chủ được mọi sự. Ông trở về trong sự hãnh diện với những gì mình có trong tay: lắm vợ nhiều con, tài sản thì không phải là hạng tầm thường chút nào (x. St 32,23-24). Những thứ mà ông có được là vì ông là người nhiều mánh khóe và mưu mẹo, ông đã sử dụng những khả năng tự nhiên của mình để tạo nên tài sản cho riêng mình. Thế mà giờ đây, ông lại thấy mình phải đối đầu với một cuộc chiến huyền nhiệm xảy ra khi ông không hề nghĩ tới, không có sự chuẩn bị và tự vệ.

Cuộc chiến xảy ra khi ông chỉ có một mình lại ở trong đêm tối. Vì thế, Giacóp không thể nào biết được đối thủ của mình là ai, cũng không biết diễn tiến của cuộc chiến như thế nào, điều này có sự mơ hồ và bất định, có lẽ là một chủ ý để giữ bí mật về người tấn công Giacóp.  Người lạ mặt này là một bí ẩn không chỉ đối với Giacóp, với tác giả mà cả với độc giả nữa. Chỉ có một điều chắc chắn là: khi ông Giacóp đang ở một mình ở bờ sông thì người lạ mặt này đã xuất hiện cách bất ngờ và vật lộn với ông trong đêm khuya.

St 32,26-27: “Thấy không thắng được ông, người đó bèn đánh vào khớp xương hông của ông, và khớp xương hông của ông Giacóp bị trật đang khi ông vật lộn với người đó. Người đó nói: ‘Buông ta ra, vì trời rạng đông rồi.’ Nhưng ông đáp: ‘Tôi sẽ không buông ngài ra, nếu ngài không ban phúc lành cho tôi.’”

Khi đọc bản văn, ta khó mà xác định được trong cuộc chiến ai là người thắng thế, bởi các động từ được sử dụng thường thiếu chủ từ và các diễn tiến dường như có mâu thuẫn, ban đầu người này đang thắng thế, nhưng tiếp theo thì thấy ngược lại. Ban đầu Giacóp có vẻ là người mạnh hơn vì đối thủ “thấy không thắng nổi ông”. Thế nhưng, người lạ mặt này lại đánh vào khớp xương hông của ông làm nó bị trật khiến ông phải đi khập khiễng; lúc đó người ta nghĩ Giacóp sẽ đầu hàng, nhưng chính người kia lại xin ông buông tha: “Buông ta ra, vì rạng đông rồi”.

Giacóp đặt điều kiện khi người bí ẩn xin tha: “Tôi sẽ không buông ngài ra, nếu ngài không ban phúc lành cho tôi” (c. 27). Giacóp, một con người đã nhờ vào mánh khóe để lừa nhận được chúc lành của cha già. Thế mà nay, ông lại đòi sự chúc lành từ một người mà ông không hề biết danh tính. Tuy nhiên, ông đã bắt đầu thấy được tính chất thần linh nơi con người này và dù cố thế nào ông vẫn không nhận ra cách rõ ràng được.

St 32,28-30: “Người đó hỏi ông: ‘Tên người là gì?’ Ông đáp: ‘Tên tôi là Giacóp.’ Người đó nói: ‘Người ta sẽ không gọi tên ngươi là Giacóp nữa, nhưng là Ít-ra-en, vì ngươi đã đấu với Thiên Chúa và với người ta, mà ngươi đã thắng.’ Ông Giacóp hỏi: ‘Xin cho tôi biết tên ngài.’ Người đó nói: ‘Sao ngươi lại hỏi tên ta?’ Và người đó ban phúc lành cho ông tại đấy.”

Người lạ mặt xem ra ở thế bị động và do đó bị Giacóp đánh bại, thay vì làm theo yêu cầu của ông thì người đó lại hỏi tên ông: “Tên ngươi là gì?” và ông đáp lại: “Tên tôi là Giacóp” (c.28). Ở đây, cuộc chiến dần đi vào trong sự sâu xa và quan trọng hơn.

Theo quan điểm của người bấy giờ, việc biết tên của ai đó là có được quyền lực trên người đó, trong Thánh Kinh thì tên gọi chất chứa một thực tại sâu xa nhất về cá nhân người đó; điều ấy cho biết bí mật cũng như căn tính của người này, vd: từ Aram thành Abraham, từ Simon thành Phêrô, từ Saolô thành Phaolô… Do đó, biết tên là biết sự thật về người đó và nhờ cái biết này mà người ta có khả năng thống trị người đó. Cho nên, khi người lạ mặt hỏi tên, Giacóp đã nói tên riêng của mình, tức là ông đã trao mình vào tay đối thủ, đó là hình thức đầu hàng, hoàn toàn phó mình cho người khác.

Tuy nhiên, qua sự đầu hàng này, tổ phụ Giacóp đã nhận được phần thưởng chiến thắng vì ông đã nhận được tên gọi mới: “Người ta sẽ không gọi tên ngươi là Giacóp nữa, nhưng là Ít-ra-en, vì ngươi đã đấu với Thiên Chúa và với người ta nhưng ngươi đã thắng” (c.29). Tên Giacóp, là tên nhắc đến những khởi điểm rắc rối của tổ phụ này như: nắm gót chân của anh mình lúc chào đời, báo trước việc ông sẽ tước đoạt quyền lợi của người anh, cũng nói đến sự lừa đảo, chiếm chỗ. Thế nhưng, trong cuộc vật lộn này, tổ phụ Giacóp đã có một hành động tỏ mình cho người khác, một sự tín thác và đầu hàng về thực tại của mình: một kẻ lừa đảo, một tay chiếm đoạt. Nhưng người lạ mặt kia đã biến đổi thực tại tiêu cực của Giacóp thành một thực tại tích cực. Từ đó, ông được gọi là Israen, ông đã nhận được một tên mới tiêu biểu cho một căn tính mới, một sứ mạng mới và đó cũng là căn nguyên tên dân tộc Ít-ra-en hay Do thái ngày nay, tên gọi đó cũng có ý nghĩa là “Thiên Chúa toàn năng, toàn thắng”.

Như vậy, nếu thoáng qua bản văn chúng ta nhận ra được chiến thắng đã thuộc về Giacóp, điều này chính đối phương cũng đã xác nhận. Thế nhưng, khi phân tích kỹ, ta thấy rằng Giacóp khi nhận được một tên mới, căn tính mới, sứ mạng mới từ đối thủ của mình, điều này khẳng định rằng Thiên Chúa mới thực sự chiến thắng. Điều ngược lại khi mà Giacóp hỏi tên đối thủ thì “người ấy” không nói, nhưng lại tỏ mình ra bằng một cử chỉ là ban phúc lành cho tổ phụ Giacóp (c.30). Phúc lành này không phải do mưu mẹo của Giacóp, nhưng là do Thiên Chúa ban tặng cho sau khi ông đã chấp nhận đầu hàng và thú nhận sự thực về con người của mình.

St 32,31-32. “Ông Giacóp đặt tên cho nơi đó là Pơnuên, vì ‘tôi đã thấy Thiên Chúa mặt đối mặt, mà tôi đã được tha mạng’. Mặt trời đã mọc, khi ông đi qua Pơnuên; ông đi khập khiễng vì bị trật xương hông.”

Ở cuối cuộc chiến, sau khi nhận được sự chúc lành, tổ phụ Giacóp cuối cùng cũng nhận ra được người lạ mặt đã vật lộn với mình là Thiên Chúa và Người đã ban phúc lành cho ông: “Tôi đã thấy Thiên Chúa mặt đối mặt, mà tôi đã được tha mạng” (c.31). Từ đây, Giacóp bắt đầu một hành trình mới, không phải bằng những mưu mẹo nhưng bằng sự phó thác, trông cậy vào sự quan phòng của Thiên Chúa qua hình ảnh: “Mặt trời đã mọc lên, khi ông đi qua Pơnuên; ông đi khập khiễng vì bị trật xương hông” (c.32). Giacóp đã băng qua dòng sông với một tên mới, nhưng đã bị Thiên Chúa chinh phục và được ghi dấu mãi mãi bằng cái đi khập khiễng do bị trật xương hông.

Ý nghĩa đạo lý của câu chuyện

Trong trình thuật sách Sáng thế 32,23-33, tác giả đã giới thiệu một hình ảnh về Thiên Chúa “như nhân” với những hành động, đối thoại đã làm cho độc giả không tránh khỏi sự ngạc nhiên. Điều đó muốn nói lên sự gần gũi của Thiên Chúa đối với con người, một vị Thiên Chúa không mông lung, xa vời nhưng luôn ở với con người.

Qua bản văn tác giả muốn giới thiệu về địa danh Pơnuên, nơi đã có sẵn một đền thờ; đây cũng là bản văn mẫu mực vạch cho ta thấy được mối liên hệ đặc biệt giữa Thiên Chúa và con người như sách Giáo lý Giáo hội Công giáo có viết: “Truyền thống linh đạo của Hội Thánh, qua câu chuyện này, xem biểu tượng của cầu nguyện như là một cuộc chiến đấu của đức tin và là một chiến thắng dành cho người kiên trì” (s. 2573).

Cuộc vật lộn đã trở thành khúc quanh quan trọng trong cuộc đời của Giacóp. Trước đây, ông đã dựa vào những mánh khóe, những khả năng tự nhiên của mình để xoay xở, nhưng bây giờ ông phải đi theo sự hướng dẫn của thần linh, sự phù trợ và sự chúc lành của Thiên Chúa, sẽ giúp ông thành công qua lời cầu khẩn.

Giacóp đã nghiệm ra rằng: các thử thách lao nhọc ông phải chịu có ý nghĩa hơn cả cuộc đối đầu với thế giới và với loài người. Thiên Chúa chỉ ban phúc lành khi mà ông phải thi thố hết những sức lực của mình. Thiên Chúa không thể đội cho ông vòng triều thiên vinh quang trên đầu ông cho đến khi Người đánh cho ông trở nên khập khiễng. Cũng vậy, Thiên Chúa cũng chỉ tha thứ cho chúng ta là những tội nhân, khi ta biết ăn năn, hối cải trở về cùng với lòng thương xót của Người và Nước Trời cũng chỉ dành cho những kẻ đói khát sự công chính, những kẻ trung thành và kiên trì với Thiên Chúa cho đến cùng.

Có thể nói đoạn văn Thánh Kinh muốn nói cho chúng ta về một đêm dài tìm kiếm Thiên Chúa. Đây là một trận chiến đấu để được nhận biết tên của Người cũng như thấy dung nhan Người, đó là đêm của cầu nguyện với sự kiên trì và bền bỉ, xin Chúa ban phúc lành và tên gọi mới, một thực tại mới như là hoa trái của sự hoán cải và tha thứ. Con người phải khiêm nhường, chấp nhận sự dấn thân, sự cởi mở cõi lòng ra trong cuộc gặp gỡ huyền nhiệm với Đấng Tối Cao, thì mới có thể có được kinh nghiệm trong sự thần thiêng huyền bí, mới đón nhận được những mạc khải về chân lý nơi Người.

Cuộc vật lộn trong hành trình đức tin

Có thể nói cuộc vật lộn với Thiên Chúa của tổ phụ Giacóp ở bờ sông Giápbốc, nói lên mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa, một mối liên hệ sâu xa bên trong mà chỉ có con đường cầu nguyện mới giúp ta nhận ra, đó là một đên dài tìm kiếm Thiên Chúa. Một tinh thần cầu nguyện, tin tưởng, phó thác, một sự gần gũi được biểu hiện thông qua hình ảnh vật lộn “tay đôi” với một vị Thiên Chúa sẵn sàng chúc phúc cho con người. Bởi là một vị Thiên Chúa huyền nhiệm, cao siêu và bất khả đạt, nên tác giả đã diễn tả thông qua cuộc chiến đấu, một biểu tượng bao hàm sức mạnh của linh hồn, lòng kiên trì và sự bền bỉ để có được những điều ta hằng ao ước. Đối tượng mà ta hằng ao ước không gì hơn là mối tương quan với Thiên Chúa, với tình yêu và sự chúc lành của Người. Vậy nên, cuộc chiến lên đến đỉnh cao khi mà chúng ta phải hiến mình cho Thiên Chúa, nhìn nhận sự yếu đuối của mình và trao phó vào lòng thương xót của Thiên Chúa.

Cuộc vật lộn của tổ phụ Giacóp với Thiên Chúa diễn tả đến một hành trình đức tin, một hành trình với rất nhiều thử thách cam go cần phải vượt qua. Đức tin là một hành trình dài, mà hành trình là một chuyến đi, do đó có sự chuyển động và sự thay đổi. Như vậy để có thể tiếp tục trên hành trình đó con người phải “vật lộn”, phải có sự kiên trì, bền bỉ để đi đến cuối hành trình này, như người ta vẫn thường hay nói: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”.

Đức tin là cuộc “vật lộn”, bởi trong cuộc sống hằng ngày ta phải “vật lộn” rất nhiều chọn lựa, với nhiều cám dỗ để luôn trung thành vâng theo Thiên ý. Cuộc vật lộn nào cũng phải trải qua sự vất vả, nhọc nhằn. Cũng vậy, trong hành trình đức tin cuộc vật lộn đôi khi còn quyết liệt hơn nữa, nhưng nếu kiên trì ta mới được Thiên Chúa đặt tên mới, trao cho một căn tính mới, một sứ mạng mới và được biến đổi thành con người mới, con người của Tin Mừng.

Nếu chúng ta không “vật lộn”, ta sẽ không thể nào có được kinh nghiệm chiều sâu nội tâm, không biết mình, do đó không có sự biến đổi và không nhận được sự chúc lành của Thiên Chúa. Một khi không đạt được những điều đó, cuộc sống của ta trở nên cằn cỗi và mất định hướng. Chúng ta sẽ không còn thấy Chúa trong cuộc sống thường hằng nữa. Cuộc sống mới mà Thiên Chúa ban tặng cho những ai kiên trì đến cùng, sẽ là cuộc sống luôn có Chúa đồng hành. Đây là cốt lõi và cùng đích đối với tất cả các tín hữu, những người đang bước theo Đức Giêsu Kitô để được sự sống đời đời.  John Phạm

3950    04-02-2019