Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Về đi anh !

Về đi Anh!

 
Cuộc sống vốn dĩ không như dòng nước nhẹ trôi bình lặng như con kênh nhỏ xíu bên nhà tôi, và để tìm sự bình yên ấy trong dòng đời của anh tôi có lẽ cũng thật khó khăn. Tôi biết thế! Cho nên tôi đã không gọi điện thoại cho anh, cũng không vội nhắn cho anh ấy những tin nhắn cấp tốc, vội vàng. Điều đó ai cũng có thể làm trong thời buổi công nghệ này. Phần tôi, tôi muốn viết cho anh. Tôi muốn anh dừng lại đôi phút để đọc những gì tôi viết. Tôi muốn anh có thì giờ lặng lại, mà đọc, mà nghĩ, mà tìm về…

“Về đi anh!” Câu nói ấy, tâm trí tôi đã đọc đi đọc lại hằng trăm, hằng nghìn lần kể từ khi tôi được nghỉ phép về ăn Tết với gia đình. Anh tôi đi làm xa, một tháng, hai tháng; rồi một năm, hai năm… anh chưa về nhà. Tôi không biết anh đang sống ra sao, chỉ biết rằng anh luôn bận rộn. Bận như sĩ tử mùa thi, như nông dân mùa gặt, như xí nghiệp, nhà máy những ngày tăng ca. Bận đến nỗi không thể gọi về nhà, cũng không thể nghe máy mỗi khi người nhà gọi tới; không thể đến nhà thờ; cũng không thể đi lễ ngày Chúa Nhật; không thể về thăm mẹ, cũng không thể về nhà ăn Tết như người ta. Bận trăm công nghìn việc, bận suy tính đắn đo, bận tối mặt tối mũi như thế đó!

“Về đi anh!” Tôi muốn hối thúc anh như thế trong những ngày giáp Tết. Trả lời tôi, anh buông câu nghe xót xa cay đắng: “Năm nay anh chưa về được bé à!” Vì sao ư? Anh có trăm ngàn lý do chính đáng: Anh ngại với người ta vì công chưa thành, danh chưa toại; anh ngại với người nhà vì chưa có gì hơn để phụ giúp gia đình; rồi anh ngại với chính bản thân, anh trách chính mình anh.

“Công thành danh toại” là chí lớn cả đời người, dâu phải dễ gì đạt được ngày một ngày hai. Giữa cuộc đời xuôi ngược này, tôi chẳng hiểu anh tôi đang ngại với người nào? Vì sao ngại? Có gì mà đáng ngại? 

Đường đời tấp nập, kẻ trước người sau. Đâu ai đã biết ai hơn ai trong đời này! Bởi lẽ, Ta biết lấy tiêu chuẩn gì ra mà so sánh?Ta lấy mức độ nào mà lường, mà đo? Ta biết chọn điểm nào để cho rằng người dở, người hay! Tất cả phán xét của người đời đều tương đối. Tất cả dư luận đều bấp bênh!

Đường đời thênh thang. “Sông có khúc, người có lúc”. Trời có lúc nắng, lúc mưa. Thủy triều có hồi lên, hồi xuống. Đất nước có khi thịnh, lúc suy. Vua quan có khi vinh, khi nhục. Sống trên đời ai không có lúc thất bại, lúc thành công? 

Ngại với đời, với người là đúng! Bởi có như thế mới có động lực, có quyết tâm, có cố gắng hơn. Đó là cái ngại của người quân tử trong trời đất. Nhưng đừng vì ngại mà trốn tránh như một kẻ tiểu nhân, để rồi còng lưng kiệt sức, để rồi nhụt chí, để rồi buông xuôi. Vì vậy, tôi vẫn muốn nói với anh tôi rằng: “Về đi anh!”. Về để đối mặt với hiện tại, để suy tính chuyện ngày mai, và để hạ quyết tâm cho tương lai đang đến. Có về thì chí “công thành danh toại” của anh mới có động cơ để lập thành.

“Về đi anh!” Giây phút tiêng liêng đêm giao thừa tôi vẫn thầm nói thế. Bởi thiếu anh, tiếng kinh chung của gia đình nghe có phần rời rạc, bát hương dâng trước bàn thờ chưa đầy, lời chúc tuổi mới cho mẹ chưa tròn, chưa hay, và tâm trí từng người chưa thể đoàn tụ. Anh tôi còn ngại gì mà không về sum họp đầu Xuân? 

Tết là khi cả nhà quây quần bên nhau hạnh phúc. Do đó, cả gia đình hoài mong đợi anh về ăn Tết. Mẹ tôi thẫn thờ ra ngóng vào trông, đứng đầu ngõ ước thấy bóng anh tôi từng chiều vắng. Mâm cơm hằng ngày ai cũng nhắc tên anh. Tôi cũng thế! Tôi thầm nghĩ giá như anh về ăn Tết thì còn gì hạnh phúc hơn!

Nhưng không, anh tôi vẫn chưa về. Anh đang bận rộn, bận mải mê tìm kiếm hạnh phúc ở đâu đó quá xa vời. Anh đi tìm, tìm mãi, và đánh đổi hạnh phúc gia đình của chính anh. Tôi thấy anh tôi quá dại khờ.

Thật thế, câu chuyện dụ ngôn người thương gia đi tìm ngọc quý trong Kinh Thánh làm tôi lo nghĩ cho anh thêm nhiều. Người ấy mãi đi tìm, tìm cho kỳ được viên ngọc quý. Tìm được rồi, liền bán tất cả mọi thứ để mua cho được viên ngọc ấy vì ông ta biết chắc chắn đó là kho tàng vô giá. Còn anh tôi, anh đã bán hạnh phúc hiện tại trước để rồi đi tìm, đi mua phải biết bao kho báu giả tạo, ‘vô giá trị’ là tiền, là danh tiếng, là thú vui…

Hết Tết, tôi vẫn mong anh về: “về đi anh!” Giữa đêm khuya tôi nghe tiếng mẹ thở dài. Mẹ thương anh, nhớ anh. Và quả thực, lòng mẹ chẳng mong anh phải giúp gì cho gia đình, chỉ mong anh về cho mẹ yên tâm.

“Về đi anh!” Lúc này tôi còn hoài mong thế! Vì anh tôi vẫn chưa về, vẫn chạy theo dòng đời tấp nập và bận rộn của anh để tìm ảo ảnh, vật chất. Anh tôi lúc này đang ở đâu giữa cuộc đời, tôi không biết! Anh tôi đang ở chốn nào của xã hôi cuồng quay, tôi cũng không biết. Nhưng tôi biết rằng anh tôi đang dần đánh mất đức tin vì đời sống bận rộn của mình. 

Có quá nhiều thứ mời mọc và lôi kéo anh tôi xa rời Thiên Chúa kể từ khi anh bước ra đời. Bận rộn là lý do to hoàn hảo cho người ta chối bỏ sống đạo. Của cải, hư danh có sức hấp dẫn hơn rất nhiều so với đạo lý, đức tin.

Quả là: “Đường đời gian dối người chen lấn,
             Lối đạo an vui hiếm kẻ tìm”

Nhưng chen lấn để được gì trong đường đời kia? Cái được, cái mất có xứng, có cân không? Anh tôi có thể được tiền bạc, nhưng mất hạnh phúc; có thể được nở mày nở mặt nhưng mất bình an; có thể được ăn chơi thỏa thích, nhưng mất linh hồn…

“Về đi anh!” Tôi vẫn luôn thầm nhắc. Nhưng có lẽ anh đang đi rất xa, rất hứng khởi, rất vội vàng, rất bận rộn. Đâu có nghe, đâu có muốn nghe lời tôi thầm nhắc. Cho nên, tôi cầu nguyện cho anh và tôi ước mong Chúa dẫn anh về với Chúa, với Giáo hội, với gia đình tôi.

Bạn thân mến! Cuộc sống này quá xô bồ, náo nhiệt. Thế giới này quá ngổn ngang. Nẻo đường bạn đi quá tấp nập, bon chen. Đừng đi quá xa! Đừng để đời mình trở nên quá vội vàng và bận rộn như anh của tôi. Nhưng hãy dành cho Chúa, cho gia đình, và cho những người thân yêu của chúng ta chút tâm trí hướng về, chút thời gian, chút hy sinh nho nhỏ… và hãy đi, để trở về. Bạn nhé!

_Bé Con Teresa_
1214    23-02-2019