Sidebar

Thứ Sáu
03.05.2024

Thư Mục Vụ_04_2009

THƯ MỤC VỤ 04/2009


TOÀ GIÁM MỤC VĨNH LONG
103 đường 3/2, P. 1
Tx Vĩnh Long

Ngày 25.3.2009

V/v Gia đình diễn tả tình yêu giữa Chúa Giêsu và Hội Thánh

Thư Mục Vụ năm 2008 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nói đến tương quan giữa Gia đình với Hội Thánh của Chúa Kitô. Gia đình diễn tả tình yêu giữa Chúa Giêsu và Hội Thánh. Bằng cách nào, nếu không phải bằng đời sống chung thân mật, và yêu thương nhau (Vat.II, Gaudium et Spes, 48). Trước tiên, tình yêu đôi bạn, tình yêu của gia đình gợi lên tình yêu làm cho Ngôi Lời của Thiên Chúa mặc lấy bản tính nhân loại (Nhập Thể). Gia đình công giáo, nhờ bí tích Hôn Phối, được kêu gọi biểu hiện tình yêu của Chúa Kitô đối với Hội Thánh, biểu hiện sự kết hiệp mầu nhiệm giữa Chúa Kitô và Hội Thánh, là Thân Mình của Người (1 Cor 12,27).

1. Gia đình là cộng đoàn tình yêu (Vaticanô II, Gaudium et Spes , 48) trước tiên giữa một người nam và một người nữ, rồi giữa cha mẹ và con cái. Tình yêu là điều thiết yếu của đời sống gia đình. Thiên Chúa đã tạo dựng con người 'giống hình ảnh' của Ngài, Chúa đã dựng nên con người có đôi có bạn: "Ngài đã dựng nên con người có nam có nữ " ( Sáng Thế 1,27), vì Ngài thấy con người cần một trợ tá tương xứng với nó (x.Sáng Thế 2,18) để yêu thương nhau, giống như Thiên Chúa là Tình Yêu, vì Ba Ngôi TC luôn hợp nhất và thông hiệp với nhau, không bao giờ là Thiên Chúa cô độc. Tình Yêu thì tất nhiên phải có kẻ yêu và người được yêu; người có tình yêu cũng là người được yêu, cả hai khăng khít với nhau , tôn trọng nhau.

Thế nên Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo mới nói: "Mỗi con người đều mang hình ảnh của Thiên Chúa. Hình ảnh ấy rực sáng trong sự hiệp thông nhân vị, giống sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa" (số 1702).

Đức Gioan Phaolô II giải thích như sau: "Khi vì yêu thương mà kêu gọi con người bước vào cuộc sống, Thiên Chúa cũng đồng thời mời gọi họ sống cho tình yêu. Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Gioan 4,8) và nơi chính mình Ngài, Ngài đang sống mầu nhiệm hiệp thông yêu thương giữa cácNgôi Vị. Khi tạo dựng nhân tính của người nam và người nữ theo hình ảnh Ngài . . . Thiên Chúa ghi khắc vào đó ơn gọi cũng như khả năng và trách nhiệm tương ứng, mời gọi họ sống yêu thương và hiệp thông" (Familiaris Consortio, 11) .

2. Hội Thánh là đoàn dân được kêu gọi và quy tụ, nhờ tin và ơn sủng của Chúa Thánh Thần trong bí tích Rửa Tội, trở thành con cái Thiên Chúa. Hội Thánh được gọi là hiền thê của Chiên Con (Kh 19,7), là thân mình của Chúa Kitô (1 Cor 12,12). Người đã yêu mến Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh, Người thánh hóa Hội Thánh trong Bí Tích Rửa Tội. Thánh Phaolô kêu gọi chồng hãy yêu thương vợ như Chúa Kitô yêu thương Hội Thánh và vợ hãy phục tùng chồng như Hội Thánh luôn tùng phục Chúa Kitô (x. Êphêsô 5,22-28) .

Công Đồng Vaticanô gọi Hội Thánh là gia đình của Chúa (Lumen Gentium,32; Presb. Ordinis, 6; Ad gentes, 1). Và, ngược lại, Công Đồng cũng gọi Gia đình là Hội Thánh thu hẹp, Hội Thánh tại gia (Lumen gentium, 11; Tông đồ giáo dân, 11).

3. Giữa trần gian, gia đình là nguồn gốc và nền tảng của xã hội loài người. Gia đình Công Giáo, nhờ ơn bí tích Hôn Phối, được kêu gọi trở thành dấu chỉ biểu hiện sự kết hợp bền vững giữa Chúa Kitô và Hội Thánh, bằng chính tình yêu trọn vẹn, không san sẻ và bất khả phân ly của đôi bạn với nhau.

Trong thời đại chúng ta, tình yêu hôn nhân dường như đã mất đi ý nghĩa thiêng liêng của nó. Trong khi xu hướng tìm kiếm hạnh phúc vật chất ngày càng lan rộng, lấn át những giá trị tinh thần, thì sự yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời thật khó khăn đối với nhiều người.

Nếu gia đình tan rã, thì vợ chồng, con cái sẽ ra sao ? Thất bại trong đời sống hôn nhân tác hại không ít cho cả hai vợ chồng, vì ván đã đóng thuyền, có tháo gỡ ra, cũng mang thẹo. Cha mẹ bỏ nhau, gương xấu nầy ảnh hưởng sâu đậm trên con cái. Chúng nó sẽ học với ai để biết sống yêu thương. Người lớn không giữ tròn chữ tín, thì con cái còn tin ai được.

Như vậy, muốn cho gia đình là một trong hai cách thế chuyên biệt để thực hiện ơn gọi sống yêu thương (Gioan Phaolô II, Familiaris Consortio, 11), phải có sinh hoạt chung: những bữa cơm chung, những giờ kinh gia đình. Ngoài ra còn phải học biết tôn trọng nhau, đón nhận nhau, vì lòng mến thì khoan dung, nhân hậu; lòng mến không ghen tương; lòng mến không vênh vang, không kiêu căng, không làm điều khiếm nhã, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nghĩ điều xấu, không vui mừng trước sự bất chính, nhưng vui mừng vì điều chân thật' (1 Cor 13,4-6).

Chúng ta thường hát Bài ca Bác Ái "Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời. Đâu có lòng từ bi, ở đấy có ân sủng Người. Đâu có tình bác ái, thì Chúa chúc lành không ngơi. Đâu ý hợp tâm đầu , ở đấy chứa chan niềm vui".

Tôma Nguyễn Văn Tân
Giám mục Vĩnh Long.


930    19-02-2011 06:40:42