Sidebar

Thứ Sáu
03.05.2024

Thư Mục Vụ_05_2009

THƯ MỤC VỤ

TOÀ GIÁM MỤC VĨNH LONG
103 đường 3/2, P. 1
Tx Vĩnh Long

Ngày 26.04.2009

V/v Gia đình trường dạy hiệp thông

Kính gởi : Quí Cha,
Quí Tu Sĩ,
Anh Chị Em giáo dân Giáo phận Vĩnh Long

Con người được tạo thành theo hình ảnh của Thiên Chúa (St 1,26). Thiên Chúa là Tình Yêu, không cô độc cũng không khép kín, đã tạo dựng con người có đôi có bạn. Đó là xã hội đầu tiên để con người sống ơn gọi của mình và biểu hiện hình ảnh của Thiên Chúa, là Tình Yêu (x.TH về Gia đình, 11). Thiên Chúa Ba Ngôi là một Cộng Đoàn Tình Yêu trong đó các Ngôi Vị Thiên Chúa phân biệt với nhau: Chúa Cha không phải là Chúa Con, Chúa Con không phải là Thánh Thần; nhưng luôn hợp nhất và thông hiệp với nhau. Đó là kiểu mẫu cho các gia đình.

Hôn nhân và gia đình là một trong hai cách thế chuyên biệt để thực hiện ơn gọi sống yêu thương (TH về Gia đình, 11). Nhờ tình yêu mà người nam và người nữ lấy nhau làm bạn đời, tạo nên một cộng đoàn sống chung thân mật (Vaticanô II, Vui Mừng và Hy Vọng, 48). Đã là bạn đời, bạn tri kỷ của nhau, họ phải sống bên nhau, sống cho nhau, vui buồn có nhau, "giữ lòng chung thủy với nhau, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, yêu thương và tôn trọng nhau mọi ngày suốt đời họ" (x. Nghi thức cử hành hôn phối ). Đó là tình hiệp thông đặc biệt sẽ phát triển với nhiều cố gắng và hy sinh của đôi bạn.

Ngược lại với tình hiệp thông vợ chồng là ngoại tình, ly hôn ly dị hoặc đa thê. Chỉ trong trường hợp đặc biệt khi có lý do nghiêm trọng khiến đời sống chung của hai người trở thành quá khó khăn, người nầy không thể chịu đựng người kia nổi, cuộc sống gia đình nặng nề, mới chấp nhận ly thân (X. GL của HTCG, 1629, 1649).

Khi đôi bạn có con chung với nhau, thì mối hiệp thông nầy lại gia tăng. Tình yêu đã liên kết họ lại trong hôn nhân, làm cho người nầy thuộc về người kia, nay còn được thể hiện cách độc đáo nơi "người con chung" của họ, khi chính người con mang trong bản thân của mình cái tinh hoa của cha và cái tinh hoa của mẹ. Và "không ai ghét thân mình bao giờ" (Eph 5,29), nên hễ thương con, thì cũng thương cha, thương mẹ.

Nếu hôn nhân vừa nối kết đôi bạn đồng thời cũng nối kết Hai Họ lại với nhau, thì người con lại càng thắt chặt và biểu hiện mối hiệp thông giữa cha với mẹ, giữa Họ Hàng bên cha với Họ Hàng bên mẹ cách thiết thực hơn. Do đó mà chúng ta có thể hiểu được truyền thống chọn dâu và kén rể của ngày xưa, tại sao phải có lễ cưới diễn ra giữa Hai Họ, phải có người chứng giám.

Hiểu và sống những mối tương quan trong hôn nhân và gia đình cho phải lẽ, người ta có được một trong những bí quyết sống hạnh phúc rồi.

Chúa Kitô không phá đổ những gì Đấng Tạo Hóa đã in sâu trong con người. Chính Chúa đã mặc lấy xác phàm, để tái tạo con người. Chính Chúa đã thánh hóa Hội Thánh, yêu thương kết hợp với Hội Thánh, rồi cũng muốn có Bí Tích Hôn Phối để liên kết đôi bạn Kitô hữu trong giao ước hôn nhân một cách bền vững, để làm dấu chỉ của sự kết hợp tuyệt hảo giữa Đức Kitô với Hội Thánh là Thân Thể của Người (x. Eph. 5,21-33). Bí Tích Hôn Phối làm cho hôn nhân và gia đình Kitô hữu trở thành một tế bào của Hội Thánh, mở rộng tương quan của gia đình với cộng đoàn dân Chúa.

Thế nên, đôi bạn Kitô hữu nên thánh nhờ cố gắng thể hiện đầy đủ những tương quan trong hôn nhân và gia đình, và cũng nhờ đó mà có thể dâng hiến con cái mình phục vụ Hội Thánh trong ơn gọi Linh mục, Tu sĩ; góp phần kiến tạo xã hội trước tiên trong việc củng cố và phát triển các giá trị đạo đức trong gia đình của mình.

Tôma Nguyễn Văn Tân
Giám mục Vĩnh Long.


895    19-02-2011 06:43:08