Sidebar

Thứ Sáu
03.05.2024

Thư Mục Vụ_09_2008

THƯ MỤC VỤ 09/2008

TÒA GIÁM MỤC VĨNH LONG
103 đường 3/2
Vĩnh Long

Vĩnh Long, ngày 27.08.2008

V/v GIÁO DỤC CON NGƯỜI TOÀN DIỆN

 Kính gởi :Các Linh mục,
Các Tu sĩ
Toàn thể Giáo dân trong Giáo phận Vĩnh Long,

"Là Mẹ và là Thầy, Giáo Hội Công Giáo có bổn phận thông truyền cho mọi người, nhất là các tín hữu, một nền giáo dục toàn vẹn"

1. Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2007, số 32, nhắc lại Giáo Huấn của Công Đồng Vaticanô II: Tất cả những quan tâm của Hội Thánh hướng về con người toàn diện, con người có xác có hồn ( Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo, lời mở đầu).

Nhờ mang một thể xác, con người có những nhu cầu vật chất, có những liên hệ với thế giới hữu hình, với cha mẹ, bà con họ hàng, với xã hội. Được phú cho một linh hồn thiêng liêng, con người được mời gọi sống hiệp thông với Thiên Chúa, hiệp thông với đồng loại, biểu lộ hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi hợp nhất với nhau (Giáo lý của HTCG, số 1702).

2. Hội Thánh truyền giáo nhắm kết hợp con người với Chúa Kitô, với cộng đoàn tín hữu, làm thành đoàn dân mới của Thiên Chúa. Hội Thánh quan tâm giáo dục đức tin nhằm lo cho các tín hữu ngày càng liên hệ chặt chẽ mật thiết hơn với Chúa Kitô là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống'.

Để thực hiện sứ mệnh đã được Chúa Kitô trao phó, Hội Thánh không thể không để ý đến hoàn cảnh của con người, đến khả năng của con người, và những mối đe dọa xảy đến cho con người. Những giáo huấn về xã hội cũng như những hoạt động bác ái xã hội đã cho thấy Hội Thánh gần gũi đồng hành với con người: những đóng góp cứu trợ nhanh chóng và hữu hiệu của Hội Đồng Tòa Thánh "Đồng Tâm" và Tổ Chức Bác Ái Quốc Tế; Hội Thánh không ngừng kêu gọi chấm dứt chiến tranh ở những nơi đang có xung đột, và lên tiếng trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc về Lương Thực, về Bảo vệ môi trường, về Truyền Thông, về Di Dân, về Chăm sóc sức khỏe, về Sự Sống con người, về Gia Đình, có thể nói đó là một sự quan tâm bao quát mọi lãnh vực liên quan đến cuộc sống con người.

3. Tuy nhiên sứ mạng và mọi sinh hoạt của Hội Thánh vẫn là phải làm sao cho mọi người đạt tới sự hợp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô (Êphêsô 4,13).

Con người đã được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa để thực sự sống công chính và thánh thiện (Eph.4,24). Thế nhưng, mặc dầu đã được cứu chuộc, chúng ta vẫn còn cảm nghiệm nơi bản thân những bóng tối của cám dỗ ích kỷ, tranh giành, chia rẽ...Và may mắn thay! Có một con người thật sự mang hình ảnh Thiên Chúa, là Chúa Kitô Phục Sinh, là Đấng chiến thắng tội lỗi và sự chết, là Đấng phá đổ mọi bất công, mọi ngăn cách.

Để trở nên con người mới, để đạt tới con người toàn vẹn, giống Chúa Kitô, Thánh Phaolô khuyên chúng ta, Hãy để Thánh Thần Chúa đổi mới tâm trí anh em...Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, la lối, thóa mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô (Eph 4,23.29-32).

Giáo dục con người toàn diện bao gồm việc giáo dục đức tin, thực hiện công bằng xã hội, thăng tiến đời sống con người về kinh tế, trí thức và đạo đức. Điều đó không phải là chuyện dễ dàng trong xã hội có quá nhiều thách đố hôm nay. Nhưng sự cao cả của con người là dám đối mặt với những thách đố của cuộc sống, bằng cách làm cho mọi người thật sự liên đới với nhau. Chúng ta biết nỗi khổ của những mối tình bị phản bội, nhưng chúng ta cũng cảm nghiệm tình yêu bất diệt của Thiên Chúa. Chúng ta tin rằng sự cao cả của con người là trung thành với những điều đã cam kết' (Đức Hồng Y André Vingt-Trois).

Như vậy, mỗi người chúng ta cần được Ơn hoán cải để góp phần vào sự nghiệp giáo dục của Hội Thánh, xây dựng Thân Thể Chúa Kitô

Tôma Nguyễn Văn Tân,
Giám mục Vĩnh Long.


1249    19-02-2011 06:23:18