Sidebar

Thứ Sáu
03.05.2024

Thư Mục Vụ_10_2008

THƯ MỤC VỤ 10/2008

TÒA GIÁM MỤC VĨNH LONG
103 đường 3/2
Vĩnh Long

Ngày 14.9.2008

V/đ : Sứ Mạng Làm Chứng Cho Chân Lý

Kímh gởi: Các Linh mục
Các Tu sĩ Nam Nữ
Anh Chị Em giáo dân trong Giáo phận Vĩnh Long

'Tôi sinh ra và đến trong thế gian, là để làm chứng cho sự thật' (Gioan 18,37).

Chân lý hay sự thật là gì ? Philatô đã hỏi Chúa Giêsu như vậy, mà chưa có câu trả lời. Điều gì quan trọng nhất cho mọi người? Chẳng phải ai cũng muốn sống, và sống hạnh phúc đó sao? Và làm thế nào để được hạnh phúc?

1. Thời đại mới, thời đại tục hóa, tin vào một cuộc sống hạnh phúc ở trần thế dựa trên danh và lợi. Cứ kiếm cho được nhiều tiền để sắm sửa, tiêu dùng, vui chơi thỏa thích, nhà cao cửa rộng, tiện nghi hiện đại, ăn sang, mặc đẹp. Ai khôn khéo thu được nhiều tài sản, thì sẽ được trân trọng. Có chức có quyền, hay có thân có thế để làm giàu. Và như thế người ta đâu còn coi trọng những kẻ tay lấm chân bùn, cũng không màng đến nhân nghĩa. Nhiều người rời bỏ đồng ruộng, vì công việc đồng áng vất vả quanh năm mà không thu được bao nhiêu. Đi tìm một công việc khác ở đô thị, để có một nếp sống tươi sáng hơn. Có người thành công, nhưng cũng có nhiều người không được may mắn, lạc lõng, dần dà rơi vào những tệ nạn.

Nếu nói rằng thứ hạnh phúc đặt trên tiền tài, danh lợi, là phù phiếm chóng qua, thì có ai tin chúng ta chăng?

2. Chúa Giêsu rao giảng sự sống bất diệt, một cuộc sống hạnh phúc, không thể mua sắm hay đánh đổi bằng vàng bạc, tài sản vật chất, nhưng bằng cách tin vào Người.

Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô: "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, để ai tin vào Người Con ấy, thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời" (Gioan 3,16). Chính Người Con ấy đã quả quyết với người Do Thái, và cũng đang nói với chúng ta hôm nay: Đấng đã sai tôi là Đấng Chân Thật; còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Ngài nói...Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy. Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Ngài không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Ngài" (Gioan 8,26. 28t). Nơi khác, Chúa nói với Tông đồ Tôma: "Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống" (Gioan 14,6).

Con Thiên Chúa nhập thể, mang xác phàm, làm nhịp cầu cho con người có thể đến gần Chúa. Khi tự chọn cho mình gia đình Nazaréth để chào đời, Chúa nêu cao đời sống gia đình, là tổ ấm và trường học đầu tiên đã được Thiên Chúa thiết lập cho con người được sinh thành và dưỡng dục để phát triển. Trong ba năm rao giảng, Chúa không ngừng dạy cho chúng ta biết Đạo làm con của Thiên Chúa, đạo làm người. Khi đón nhận khổ hình thập giá làm chứng tích tình yêu, Chúa giải thoát con người khỏi án phạt đời đời và mời gọi chúng ta bước theo Chúa "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ tìm lại được". (Mt 16,24-25).

3. Hội Thánh không nghĩ rằng vinh hoa có thể tạo hạnh phúc bền vững cho con người, cũng không coi thường những thực tại trần thế, mà chỉ cảnh báo con cái mình đừng để lòng tham mê của cải, đánh mất các giá trị đạo đức.

Chân Phước Gioan XXIII đã để lại cho chúng ta di chúc nầy: "Các con hãy thương mến nau. Hãy tìm kiếm điều gì hợp nhất hơn là chia rẽ. Trong giờ ly biệt hay nói đúng hơn là giờ tạm biệt, Ta nhắc cho mọi người điều giá trị nhất trong cuộc sống: Đó là Chúa Giêsu Kitô đáng mến, Phúc Aâm của Người, Hội Thánh của Người, chân lý và lòng từ ái".

Đức BênêđitôXVI, ngỏ lời với các Bạn Trẻ Sardegna ngày 7.9.2008 tại quảng trường Yenne, Cagliari , như sau: 'Ta phải nói gì về sự kiện trong xã hội thích hưởng thụ hiện nay, khi lợi nhuận và thành công đã trở thành những thần tượng mới mà nhiều người sùng bái? Người ta đã đi đến chỗ suy tôn người nào biết làm giàu và có được danh vọng, chớ không phải những kẻ phải phấn đấu vất vả trong cuộc sống hàng ngày... Xu hướng duy cá nhân ngày càng gia tăng và khi con người chỉ biết quy về chình mình, thì người ta đương nhiên trở nên yếu ớt, và lúc đó không còn chút kiên nhẫn để lắng nghe, thì cũng không có điều kiện cần thiết để hiểu người khác và để làm việc chung".

Đức Thánh Cha nhắc lại ba giá trị mà Đức Gioan Phaolô II đã quả quyết trong chuyến viếng thăm đảo Sardegna 23 năm về trước: Gia đình - Sự Đào Tạo Trí Thức và Đạo Đức - một Đức Tin Chân Thành và Sâu Xa.

Phải bảo vệ Gia Đình, làm sao cho Gia đình thật sự là Hội Thánh thu hẹp, là dấu chỉ thánh thiện và hữu hiệu của tình yêu mà Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Đức Kitôø qua Giáo Hội.

Cần phải lưu truyền cho các thế hệ mới Gia sản văn hóa và những giá trị nền tảng của xã hội. Đó là chân lý về mạng sống và phẩm giá con người, bác ái và công bằng; chỉ trong chân lý con người mới tìm được tự do: "Nếu các ông ở lại trong lời của Ta,thì các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông".(Gioan 8,31-32).

Sau cùng là giáo dục đức tin: khi người ta đánh mất ý thức về Thiên Chúa hiện hữu, thì mọi thứ khác kể cả con người chỉ còn là phương tiện để trục lợi cho cá nhân ích kỷ.

Thế nên Đức Bênêđitô XVI tha thiết kêu gọi mọi người

"Hãy mở rộng tâm hồn cho Thiên Chúa, hãy để cho Chúa Kitô chiếm hữu và thực hiện những việc kỳ diệu. Hãy dành cho Người quyền dạy bảo các bạn"'.

Tôma Nguyễn Văn Tân
Giám mục Vĩnh Long.


991    19-02-2011 06:25:36