Sidebar

Thứ Sáu
03.05.2024

Thư Mục Vụ_11_2008

THƯ MỤC VỤ 11/2008


TÒA GIÁM MỤC VĨNH LONG
103 đường 3/2
Vĩnh Long

Ngày 20.10.2008

V/v Huấn luyện lương tâm con người

Kính gởi : Các Linh mục, Các Tu sĩ Nam Nữ,
Và Anh Chị Em giáo dân Giáo phận Vĩnh Long.

Giáo dục Kitô giáo phải quan tâm huấn luyện lương tâm con người (Thư chung năm 2007, số 36). Tại sao phải huấn luyện lương tâm ?

1. Luật thiết định của xã hội chỉ gia hình phạt khi một người nào đó vi phạm trật tự công cộng, xâm phạm tài sản của người khác hay của một tập thể, xúc phạm mạng sống hoặc thanh danh của đồng loại, còn những ý nghĩ xấu, những gì tiềm ẩn bên trong như thù hận, ghen ghét, kiêu căng, khinh dể tha nhân, thì không xét tới. Đàng khác ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dụng, hưởng thụ, chuộng danh vọng, tiền của, cổ võ một lối sống xa lạ với lối sống truyền thống: người ta bảo 'nắng bên nào che bên nấy' hoặc 'lương tâm sao bằng lương thực' và rồi các giá trị đạo đức bị đảo lộn. Hỗn loạn, xáo trộn từ trong lãnh vực gia đình đến ngoài xã hội, từ chỗ cưới hỏi vội vã đến chuyện ly hôn ly dị, không muốn có con hoặc thiếu quan tâm chăm sóc dạy dỗ con cái; giới trẻ sống buông thả, nghiện ngập; tệ nạn gian dối lừa đảo, tống tiền; lợi dụng thời thế chiếm dụng tài sản đất đai của người khác; nạn tham ô đục khoét phá đổ nền móng đạo đức của xã hội, còn gì là công bằng xã hội!

2. Sứ mạng rao giảng và làm chứng cho chân lý thật khó khăn, nhưng cấp bách. Lời của Thánh Phaolô khuyên nhủ Timôthêô nay vẫn còn đáng chú ý: 'Trước mặt Thiên Chúa và Đức Giêsu Kitô, Đấng sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết, Đấng sẽ xuất hiện và nắm vương quyền, cha tha thiết khuyên con (Timôthêô) : Hãy rao giảng Lời Chúa, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ'(2 Tim 4,1-2).

Phải kiên nhẫn huấn luyện lương tâm. Phẩm giá của con người bao hàm và đòi buộc con người phải có lương tâm ngay thẳng (Giáo Lý của HTCG, 1780). Để có lương tâm ngay thẳng, con người phải học biết các nguyên tắc luân lý, dựa vào đó có thể cân nhắc các lý do và lợi ích trong hoàn cảnh cụ thể, và để có thể phán quyết đúng đắn : phải làm hay không làm một điều gì.

3. Cuộc sống đang trong chiều hướng thay đổi, từ nếp sống theo truyền thống thanh bình ở nông thôn với đồng lúa bát ngát, với cây xanh trĩu quả, dần dần chuyển sang những khu chung cư, những khu công nghiệp thu hút nhiều người trẻ bỏ ruộng rẫy để làm công nhân của một xí nghiệp. Ai đã được chuẩn bị để bước vào cuộc sống mới nầy, cuộc sống xa lạ với nếp sống trong thôn xóm làng mạc ?

Nghĩ mà thương những anh chị em vì hoàn cảnh buộc lòng phải xa gia đình, xa Họ Đạo của mình để đi tìm việc làm, và phải chịu nhiều thiệt thòi, rồi có thể đã gặp nhiều thử thách. Rồi cũng cảm thương những Bạn Trẻ vì muốn theo đuổi việc học hành, phải đi xa, phải phấn đấu hằng ngày với những thách đố, với trăm cái lo, từ chỗ trọ đến cái ăn, đến các chi tiêu hàng ngày.

Giáo dục lương tâm là nhiệm vụ phải theo đuổi suốt đời và phải khởi từ thời thơ ấu ' Dạy con dạy thuở còn thơ'. Trẻ con phải được hướng dẫn để nhận biết và thi hành luật nội tâm ... Một nền giáo dục tốt dạy con người sống đức hạnh, bảo vệ và giải thoát con người khỏi sợ hãi, ích kỷ và kiêu căng, những mặc cảm tội lỗi và thái độ tự mãn, những thứ phát xuất từ sự yếu đuối và dễ sai lầm của con người. Giáo dục lương tâm bảo đảm tự do và tạo nên bình an trong tâm hồn (x. Giáo Lý của HTCG, 1784).

Để ngăn ngừa ảnh hưởng nguy hại của chủ thuyết duy vật, người Công Giáo phải lấy Lời Chúa làm mẫu mực. Lời Chúa là ánh sáng chỉ đường để rèn luyện lương tâm. Chúng ta phải lãnh hội Lời Chúa trong đức tin, trong kinh nguyện và cố gắng thực hành (x. CĐ Vaticanô II, DH 14).

Bóng tối của thế gian, tráo trở, gian dối và ích kỷ, sự yếu đuối của nhân loại, có thể làm cho con người lạc hướng, nhưng nếu chúng ta kiên trì cầu nguyện và nỗ lực để thực hành Lời Chúa theo giáo huấn của Hội Thánh, chắc chắn sẽ được ơn Chúa Thánh Thần soi dẫn, thể hiện một đời sống hạnh phúc xây dựng trên đức ái phát xuất từ 'một tâm hồn trong sạch, một lương tâm ngay thẳng và một đức tin chân chính' ( 1 Tim 1,5).

Tôma Nguyễn Văn Tân
Giám mục Vĩnh Long.


1114    19-02-2011 06:31:42