Sidebar

Thứ Sáu
03.05.2024

Thư Mục Vụ_12_2008

THƯ MỤC VỤ 12/2008


TOÀ GIÁM MỤC VĨNH LONG
103 đường 3/2, P. 1
Tx Vĩnh Long

Vĩnh Long, ngày 21.11.2008

V/v Phát Huy Truyền Thống Văn Hoá Dân Tộc

Kính gởi: Các Linh Mục, Tu Sĩ
Anh Chị Em giáo Dân Giáo Phận Vĩnh Long

Thư Mục Vụ năm 2007 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về Giáo Dục Kitô giáo, nêu lên vấn đề Phát Huy Truyền Thống Văn Hoá Việt Nam. Phúc Âm được rao giảng trên đất nước Việt Nam, chắc chắn không nhằm bắt ép các tín hữu sống theo khuôn mẫu nào, của Phương Tây hay của Do Thái. Hội Thánh Công Giáo chỉ đến để phục vụ.

Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người, sinh ra trong Dòng Tộc David, sinh sống như người Do Thái, theo tập tục Do Thái: Được cắt bì vào ngày thứ tám, được Thánh Giuse và Đức Maria tiến dâng trong Đền Thờ theo như Luật dạy (Luca 2,21-24). Chúa nhập thể, chấp nhận kiếp sống phàm nhận để hội nhập vào gia đình nhân loại, cho thấy Chúa gần gũi chúng ta, liên hệ với mọi người, Chúa làm người Do Thái, không phải là để bắt buộc chúng ta trở thành Do Thái, nhưng để cho chúng ta một điều quí giá nhất, đó là được làm con cái của Thiên Chúa, không phân biệt Do Thái hay Lương Dân. Chúa không lấy đi những gì tốt đẹp nơi con người, nhưng cho nó chức vị cao cả và còn liên kết nó với đồng loại, vì Chúa là Bình An, làm cho cả hai nên một, Do Thái và các dân ngoại. Hội Thánh là Đại gia đình Kitô hữu, con cái Chúa giờ đây là đoàn dân mới được kêu gọi và tuyển chọn trong Đức Giêsu Kitô. Thế nên Isaia đã cho thấy trước hình ảnh của Hội Thánh, Jerusalem mới, qui tụ các dân tộc:

"Hướng về ánh sáng ngươi (Sion), các dân cất bước,
Và vua chúa , theo ánh sáng bình minh rạng trên ngươi...
Vì đổ về ngươi, nguồn phong phú biển cả
Và đến cho ngươi, của cải muôn dân" (Isaia 60, 3.5).

Hội Thánh cũng vậy, không phá huỷ các giá trị văn hoá của các dân tộc, nhưng truyền đạt các chân lý và giá trị của Phúc Âm, đổi mới các nền văn hoá ấy từ bên trong, và thu dụng những yếu tố tích cực sẵn có từ các nền văn hoá ấy (x. Tông Huấn Giáo Hội tại Châu Á, 21).

Nếu chúng ta đi vào chi tiết, thì làm sao để nhận ra những giá trị đặc thù của dân tộc mình, để phát huy, để thăng tiến?

Hội Thánh có mặt tại Việt Nam để phục vụ. Ngôn ngữ là phương thế cần thiết để truyền đạt, nên các vị Thừa sai đã có sáng kiến thay thế Tiếng Nôm bằng Quốc Ngữ, dễ đọc dễ viết. Các Trường Công Giáo trước đây đã góp phần đào tạo biết bao thế hệ trí thức cho Đất Nước Việt Nam.

Hội Thánh góp phần rất lớn để huỷ bỏ tệ nạn đa thê, tảo hôn, củng cố gia đình, giúp xây dựng tình yêu hôn nhân bất khả phân ly, lo cho các gia đình có nề nếp nhờ cổ võ sinh hoạt chung, kinh sáng kinh tối trong gia đình, các việc cử hành ở Nhà Thờ... Đó là phát huy những gì tốt đẹp đã có hoặc loại bỏ những gì không thích hợp, không công bằng, như tính cách bất bình đẳng giữa Nam và Nữ trong chuyện dựng vợ gả chồng.

Người Việt Nam vốn có lòng hiếu kính Ông Bà Tổ Tiên, tôn trọng Họ Hàng. Đạo Công Giáo cũng có những Nghi Tiết, những Kinh Lễ: cầu hồn, an táng, Kính nhớ Ông Bà Tổ Tiên, trong dịp cưới hỏi, dịp Tết Nguyên Đán, nhằm củng cố và nâng cao Truyền Thống dân tộc.

Ngày nay, xã hội phát triển mạnh về khoa học kỹ thuật, nhưng xem thường các giá trị đạo đức: trẻ em ít được dạy cho biết tôn sư trọng đạo (học trò đánh Thầy), con cái được nuông chiều, dễ hư hỏng; các Bạn Trẻ (Sinh Viên, Học Sinh, Công Nhân sống xa nhà) bị lôi kéo vào những tệ nạn, những đám cưới vội vã, bất đắc dĩ, những vụ lấy chồng nước ngoài chỉ vì lợi lộc, bất chấp những hệ quả về sau.

Phát huy Truyền Thống Văn Hoá trong xã hội đang thay đổi, với chiều hướng thực dụng, đặt lợi lộc lên trên các giá trị, phải công nhận là khó khăn. Đây là trách nhiệm của mọi người. Người Công Giáo chúng ta phải bảo toàn ánh sáng Đức Tin, và trông vào sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, là Đấng sẽ làm cho những nỗ lực của chúng ta đạt kết quả, là mang lại cho Xã Hội, cho con người một nền Văn Minh Tình Thương.

Tôma Nguyễn Văn Tân
Giám mục Vĩnh Long.


724    19-02-2011 06:29:53