Sidebar

Thứ Hai
29.04.2024

Bài huấn luyện hàng tháng của Ủy ban Giáo Dân - 2.

PHẦN MỤC VỤ

SỐNG ĐẸP TỪNG GIÂY PHÚT TRONG ĐỜI

 

Lời mở

Sống – chết là hai mặt phải-trái của một sinh vật, của một con người như bạn và tôi. Nhưng có nhiều người dù đang sống, mà không biết sống là gì và sống để làm gì? Họ sống đau khổ, tủi nhục, thấp hèn, sống mà không bằng chết, khiến nhà ái quốc Phan Bội Châu (1867-1940) phải nhắn nhủ: “Sống mà như thế đừng nên sống. Sống tủi làm chi đứng chật trời!”. Thật ra, ai cũng muốn sống hạnh phúc, cao thượng và phát huy những phẩm chất đặc biệt của con người, nhưng làm sao để sống được như thế mới là điều đáng chúng ta quan tâm.

 

1. Sống là gì?

Dù sự sống đã có mặt trên trái đất này cách đây một tỉ năm, khởi đầu từ những đơn bào, đa bào, đến thực vật, động vật và con người biết suy tư với hộp sọ phát triển có thể tích 1200-2000cm3, nhiều người vẫn chưa hiểu sống là gì
[6]. Người ta thường nghĩ theo giả thuyết tiến hoá của Darwin (1809-1882): sự sống ngẫu nhiên mà có chứ không bắt nguồn đâu cả, dù khoa học luôn quả quyết có hậu quả thì phải có nguyên nhân!

 

Tìm trong bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam (TĐBKVN), bộ từ điển có giá trị nhất hiện nay, chúng ta không tìm được định nghĩa của từ “sống”[7].  Theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, “sống là tồn tại ở hình thái có trao đổi chất với môi trường bên ngoài, có sinh sản, lớn lên và chết[8]. Những lời giải thích này chỉ mô tả một số chức năng chung của các vật thể sống chứ không định nghĩa được sự sống.

 

Thật ra, sự sống là một cái gì hiển nhiên, không cần minh chứng vì nó đang ở trong ta, trong muôn loài sống động quanh ta. Nó lạ lùng, quý báu, thiêng liêng nhưng lại có vẻ mong manh, tạm thời, phi lý và dễ dàng biến mất nếu người ta không tìm về được nguồn của sự sống. Vì thế, sự sống là một mầu nhiệm cần khám phá không ngừng[9].

 

2. Những thái độ sống khác nhau

Chính vì không biết sống là gì nên người ta có những thái độ sống rất khác nhau. Có người thấy sự sống có vẻ như rất mong manh, tạm thời và phi lý. Chỉ cần một cơn gió nóng thổi qua, bông hoa xinh đẹp kia cũng héo tàn. Chỉ cần một hành động như thải nước độc ra đại dương của Nhà máy Formosa ở Hà Tĩnh năm 2016, hàng triệu tôm cá bị giết chết. Chỉ cần một vài thay đổi trong cơ thể, con người trẻ trung, tài giỏi, xinh đẹp kia cũng biến mất sau một cơn nhồi máu cơ tim hay tai biến mạch máu não. Đó là mặt tối của sự sống nên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã tự hỏi: “Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi để một mai tôi về làm cát bụi?
[10].

 

Vì không nhận ra được những giá trị tích cực của sự sống, nên người ta hững hờ với nó, chẳng lo cho mình, chẳng giúp cho đời. Họ phung phí những năm tháng sống để thoả mãn các đòi hỏi của bản năng và dục vọng trong những cuộc vui thâu đêm. Họ tàn phá sự sống của mình bằng đủ thứ nghiện ngập và của người bằng những hành động ác đức như tham nhũng, bất công; buôn bán hàng độc hại; nói lời bất hoà, chia rẽ; bạo hành, gây chiến, phá thai…Họ nghĩ rằng chẳng ai nhìn thấy những tội ác xúc phạm đến sự sống của mình. Nhưng thật ra sự sống nào cũng mang tính vĩnh hằng, nên bất cứ hành động nào, dù tốt hay xấu, cũng đều ghi lại những dấu ấn trong sáng hay bẩn thỉu của nó trên bản chất của con người, khiến họ phải tẩy xoá sạch mọi vết bẩn nếu muốn hạnh phúc trọn vẹn trong cõi vĩnh hằng.

 

Trái lại, không ít người nhận thức được sự sống lạ lùng, quý báu, thiêng liêng. Dù chỉ là một ngọn cỏ, một con bướm, nhưng cấu trúc kỳ diệu của hàng tỉ tế bào chuyển động không ngừng trong chúng đã làm kinh ngạc bao nhà bác học. Dù chỉ cần thêm một vài giây phút sống, nhưng người ta vẫn sẵn sàng đánh đổi mọi thứ cho người thân được sống, để nghe được lời tha thứ yêu thương, xem được nụ cười mãn nguyện của người thân. Một nụ cười trong sáng kéo dài chỉ 1 giây, nhưng cũng có sức lan toả từ người này sang người khác và tồn tại lâu dài trong suốt dòng lịch sử con người. Một câu nói yêu thương sẽ tồn tại mãi mãi. Vì thế, ta được mời gọi sống đẹp từng giây phút trong đời!

 

Sự sống thiêng liêng vì nó được nối kết với giá trị tinh thần mà không máy móc khoa học kỹ thuật nào có thể cân đo đong đếm được. Một nụ hôn đầu đời khiến người ta nhớ mãi về tình yêu. Một dấu bước chân của Neil Amstrong đặt lên mặt trăng ngày 20/7/1969 ghi nhớ mãi sự tiến bộ của loài người trong việc chinh phục không gian. Một nụ cười rạng rỡ ngày cưới làm cho lòng người chứa chan hạnh phúc. Tình yêu, tiến bộ, hạnh phúc là những thứ thuộc về tinh thần, không lệ thuộc vào vật chất, không gian, thời gian, nên chúng tồn tại mãi mãi với sự sống. Đó là tính cách thiêng liêng, vĩnh hằng của sự sống mà nhiều khi ta không biết đến hay chẳng quan tâm.

 

3. Sống là hiệp thông và liên kết

Xét về lĩnh vực sự sống, có thể nói muôn loài muôn vật đều liên kết và hiệp thông với nhau như các thành phần trong một thân thể nhiệm mầu.

Từng giây phút sống là ta nhận được khí Oxy từ những cây xanh toả ra, là ta ăn bát cơm, miếng thịt, cọng rau rút ra từ lòng đất nước. Vật chất cũng như nhiều loài thực vật, động vật trở thành máu xương của ta. Rồi khí carbonic và cặn bã ta thải ra, qua sự chuyển hoá của vũ trụ, lại trở thành xương thịt cho muôn loài sống động quanh ta. Trong đời sống vài chục năm, ta thở hàng triệu lít Oxy và uống hàng trăm ngàn lít nước. Tất cả đều chuyển hoá và hoà trộn vào muôn vật muôn loài.

 

Vì thế, chúng ta đều là anh chị em ruột thịt của nhau xét về phương diện khoa học, chưa cần nói đến khía cạnh tôn giáo tâm linh. Nếu phân tích các gen trong nhiễm sắc thể, ta là con của ông bà này hay ông bà kia để đối xử với nhau theo huyết thống. Nhưng phân tích sâu xa hơn theo khía cạnh sự sống, ta là anh em ruột của mọi người và muôn loài trong vũ trụ này.

Vì thế, ta phải cảm thấy tự hào và hạnh phúc vì trong thân thể mỗi người đang có những nguyên tử, phân tử Carbon, Hydro, Oxy, Nitơ, Sắt, Đồng, Chì, Kẽm… đã từng ở trong thân thể của Chúa Giêsu và Mẹ Maria, nên chúng ta là anh chị em ruột của nhau về mặt tâm linh. Đó cũng là ý nghĩa cần hiểu khi Giáo hội Công giáo luôn dùng từ anh chị em ruột để nói về những người thân của Chúa Giêsu, trong đó có chúng ta[11], để chào nhau trong thánh lễ.

Hơn nữa, nếu ta không hiểu sự sống con người là gì, ta cũng không thể nào biết khát vọng sống của mình có thể vươn cao và bay xa đến đâu.

 

4. Vươn tới sự sống dồi dào và sung mãn

Nhìn vào vạn vật quanh ta, ngoài những vật chất bất động không có sự sống như các chất hoá học, người ta thường phân biệt ba dạng sống: sự sống của loài thực vật, động vật và của con người. Chỉ con người mới tổng hợp được trong mình các dạng sống khác nhau để đưa sự sống vươn xa tới vô biên và phát triển đến vô cùng.

 

Trong cơ thể con người, tế bào là đơn vị sống nhỏ nhất. Có khoảng 75 ngàn tỉ tế bào. Chúng được tạo nên từ các phân tử hoá học. Có hơn 20 nguyên tố hoá học hiện diện trong cơ thể, trong đó chỉ 4 nguyên tố Oxy, Carbon, Hydro và Nitơ đã chiếm khoảng 96% khối lượng cơ thể[12]. Nghiên cứu kỹ hơn về sự sống trong cơ thể con người, chúng ta sẽ thấy sự sống con người đã được nâng lên một bậc sống mới, kỳ diệu và phi thường hơn hẳn loài thực vật và động vật. Các con tinh tinh có thể bắt ve bọ cho nhau, có thể học sử dụng ngôn ngữ dấu hiệu, nhưng chỉ có con người mới biết suy tư (homo sapiens), ước mơ và hy vọng. Con người có thể ăn uống, hành động, vui chơi như loài động vật, và nhiều người đang sống theo đó nên thấy cuộc sống là phi lý, tạm thời, vô nghĩa. Nhưng khi con người hành động kèm theo suy tư và cảm xúc thì họ không còn là "con” nhưng đã là "người". Vì thế mà các triết gia Hy Lạp như Plato (427-347TCN), Socrates (470-399 TCN), Aristotle (384-322 TCN) định nghĩa: "Con người là con vật biết suy tư" (Homo est animal rationabile).

Con người chỉ được nâng lên một bậc sống mới nhờ "tinh thần" khi con người biết vượt qua chính mình, vượt qua vật chất, không gian và thời gian để đưa những suy tư và cảm xúc tự nhiên của mình vào một tầng cao mới, một thế giới mới: thế giới của tinh thần với các giá trị phi thường, siêu việt.

 

5. Sự sống tinh thần

Nhờ khả năng biết suy tư, con người nhận biết có một sự sống mới mà mình có thể tham dự: sự sống tinh thần. Sự sống này bao gồm những giá trị tích cực mà con người có thể cảm nhận được ngay trong đời sống tạm bợ, nhất thời, phi lý của mình: đó là giá trị của tình yêu, tự do, niềm vui, hạnh phúc, hoà bình, cái đúng, cái tốt, cái đẹp… Con người muốn sống mãi, trẻ mãi, đẹp mãi, tốt mãi, vui sướng trọn vẹn, hạnh phúc sung mãn, tự do hoàn toàn, hoàn thiện vô biên. Khát vọng này đưa con người vượt ra ngoài vũ trụ vật chất, đang bị lệ thuộc vào thời gian và không gian ba chiều, để bước vào thế giới linh thiêng chỉ dành cho loài có tinh thần. Đó cũng là khát vọng trở thành thần linh, kết hợp với Thiên Chúa mà tôn giáo gọi là “được giải thoát”, “cứu độ”, được “vào thiên đàng”, “vào Niết Bàn”,

Trong suốt dòng lịch sử, con người đã thể hiện khát vọng kéo dài sự sống bằng cách tìm ăn các củ nhân sâm ngàn năm, tạo ra các mỹ phẩm để làm cho mình đẹp hơn, trẻ hơn, thay đổi gen để kéo dài tuổi thọ… Thất vọng về các giải pháp vật chất, con người tìm đến tôn giáo vì hy vọng tìm ra các giải pháp tinh thần thoả mãn được khát vọng của mình. Quả thật, một số người đã tiếp xúc được với thần linh, đã tham dự vào đời sống tinh thần và chứng minh cho những người khác thực tại của đời sống này. Vì thế, hầu hết 7 tỉ con người đang sống trên trái đất đang theo một tôn giáo nào đó. Đây chỉ là một dấu hiệu nhắc nhở ta quan tâm đến sự sống tinh thần.

 

Như thế, tôn giáo không phải là thứ thuốc phiện ru ngủ quần chúng như người Cộng sản lên án, cũng chẳng phải là thứ thuốc mê làm tha hoá con người như người Hiện sinh Vô thần đã nêu ra. Tôn giáo là một trong những phương tiện đưa con người vào đời sống tinh thần, khi cổ vũ nền văn hoá sự sống, mà chỉ con người mới có thể xây dựng để vũ trụ đạt tới cùng đích của nó trên con đường tiến hoá. Vì thế phải trân trọng tôn giáo vì đó là hình thái cao nhất của nền văn hoá sự sống khi cổ vũ một sự sống tinh thần hoàn hảo và vô biên. Tôn giáo sẽ giúp con người được tự do hoàn toàn và phát triển trọn vẹn khả năng tinh thần của mình. Lúc đó ta mới thật sự là người có thể xác và tinh thần, được tạo dựng theo hình ảnh của Đấng là Cội Nguồn Sự Sống, với tinh thần luôn mở ra cho siêu việt và  hướng tới vô biên[13].

 

Lời kết

Trong hơn 7 tỉ người sống trên trái đất, có hơn 2,2 tỉ người hiện nay đang đi theo Đức Giêsu Kitô, đang cố gắng xây dựng nền văn hoá sự sống khi giới thiệu Đức Giêsu là nguồn sống bất diệt. Chính Người đã xác định: "Tôi là Sự sống" (Ga 14,6), "Ai tin vào tôi sẽ được sống đời đời" (Ga 11,25-26). Người đã chứng minh điều này bằng nhiều phép lạ cho kẻ chết sống lại (x. Lc 7,11-17; Mc 5,21-43: Ga 11,1-44). Chính Đức Giêsu đã tự nguyện chết và sống lại. Người cũng đã cho những ai tin vào Người quyền năng làm cho người chết sống lại (x. Cv 9,36-41; 20,9-12) để chứng tỏ con người đã thật sự được tham dự vào sự sống tinh thần. Chỉ có Người mới có thể giúp ta sống đẹp từng giây phút trong đời như Người.


Câu hỏi gợi ý

1. Bạn đang sống như thế nào và nhận ra giá trị nào của sự sống?

2. Bạn làm gì để chứng tỏ sự sống của bạn là một sự hiệp thông và liên đới?

3. Bạn nghĩ mình cần phải làm gì nếu bạn muốn sống mãi, trẻ đẹp mãi và phát huy trọn vẹn tài năng tinh thần?

 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

 

-----------

[1] Mới bước vào Năm Mới Kỷ Hợi, chúng ta đã “thừa” biết (bởi trước đó cũng đã biết) rằng, năm tới – nếu Chúa cho nhân loại thêm thời gian “năm tới” – chắc chắn sẽ là Năm Bính Tý.

[2] X. Mt 20,17-19.
[3] A manager tries to do the things right; a leader tries to do the right things; a proper pastor tries to do not only the right things but also the things right. (x. Ta, A Training Program to Promote Collaborative Leadership… (Washington, DC: The Catholic University of America, 2005), 95.
[4] Là vị tổng thống duy nhất được bầu hơn hai nhiệm kỳ trong lịch sử Hoa Kỳ, Franklin D. Roosevelt tạo ra một liên minh bền vững giúp tái tổ chức nền chính trị Hoa Kỳ trong nhiều thập niên. Từ trước đến nay, ông luôn được đánh giá là một trong số các vị tổng thống vĩ đại nhất của Hoa Kỳ.
[5] Từng là một người línhnhà báohọa sĩ và chính trị gia, Churchill là Thủ tướng Anh Quốc duy nhất cho đến nay được nhận Giải Nobel Văn Học, người đầu tiên được công nhận là công dân danh dự Hoa Kỳ. Ông cũng được tặng thưởng rất nhiều danh hiệu cao quý khác.
[6] X. Bs. Alice Roberts, Atlas Giải phẫu cơ thể người, NXB Y học, 2015, tr.14-15.

[7] X. Từ điển chỉ có 3 từ “sống ghép”, “sống bám cố định”, “sống lâu năm” (x. Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn Từ điển, NXB TĐBKVN, Hà Nội, 2003, tr.798).

[8] X. Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2013, tr.1117.

[9] X. Lm. Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, bài Con đường sự sống, NXB Tôn Giáo, 2014, tr.264-272.

[10] X. Trịnh Công Sơn (1939-2001) sáng tác bài này năm 1965 và ca sĩ Khánh Ly trình bày đầu tiên trong Sơn Ca 7.

[11] X. Mc 3,31-35; Mt 12,46-50; Lc 8,19-21; Mc 6,3; Mt 13,53-58; Lc 4,16-30; Ga 7,2.5; Cv 1,14; 1Cr 9,5; Gl 1,19

[12] X. Bs. Alice Roberts, Atlas Giải phẫu cơ thể người, NXB Y học, 2015, tr.24.

 

[13] X. Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà Bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, NXB Tôn Giáo, 2007, số 130; Uỷ ban Giáo lý Đức tin (HĐGMVN), Docat, NXB Tôn Giáo, 2017, số 47, 52, 53, 56,57.

566    02-03-2019