Sidebar

Thứ Bảy
07.09.2024

Câu cá

Cuối tháng 7 vừa qua tôi có dịp được tháp tùng đi câu cá Salmon (ca Hồi) với những ông bạn vong niên (toàn là những người đã trên 70 tuổi) ở Lake Michigan,là một trong Ngũ Đại Hồ của nước Mỹ.

Đã từng nghe nói về sự phức tạp của việc câu cá salmon nầy,nhưng sau khi được tận mắt chứng kiến và tìm hiểu qua hai người Mỹ: thuyền trưởng Dave và bạn ông là Arthur,mới thấy là nó phức tạp nhiều hơn là mình nghĩ. Tôi ghi lại những điều học hỏi được để chia sẻ cùng các bạn ,đặt biệt là những người có chung sở thích : CÂU CÁ.

Để cho câu chuyện được như ông bà mình hay bảo đó là có đầu có đuôi tôi xin vào đề bằng việc làm thế nào tôi được tham dự vào cuộc fishing tour nầy. Tôi may mắn quen biết với anh Quyết,một ông anh dù đã hơn 70 nhưng tinh thần và thế xác vẫn rất là trẻ trung,vẫn còn có thể đánh bóng bàn liên tục hơn hai tiếng đồng hồ chưa biết mệt. Một người rất thú vị khi trò chuyện vì kiến thức sâu rộng sau hơn 20 năm làm phóng viên của đài truyền hình KARE 11 tại Minnesota. Biết tôi thích câu cá nên khi ông Dave,một người hàng xóm ở cạnh nhà Anh Quyết đi câu cá ,anh bèn hỏi để tôi được cùng đi cho biết. Khi tiếp xúc với Captain Dave tôi mới biết là ông thuộc loại sư phụ về câu cá,trong hơn 30 năm gắn bó với thú câu cá,ông đã từng tham dự fishing tour ở các nơi trong và ngoài nước Mỹ, sống nhiều với thiên nhiên nên mặc dù 75 tuổi mà vẫn còn rất khỏe mạnh. Qua ông Dave tôi được biết thêm ông Arthur,một người cũng yêu mến cuộc sống thiên nhiên,đã từng làm việc ở nhiều nơi trên thế giới. Khi biết tôi là người VN ,ông cho biết khi ông sống và làm việc ở Singapore ông đã từng ra vào Sàigòn 14 lần (vào khoảng thập nien1990) để hướng dẫn kỹ thuật về nhà máy làm lon nước ngọt (aluminum can),ông cũng đã sống và làm việc ở nhiều nước khác ở Á Châu(Nam Hàn, Phi Luật Tân, Mã Lai Á v.v.v) và Úc Châu,sau khi về hưu đã sống 10 năm ở Western Australia,khoảng 100 cây số về phía nam thành phố Perth. Một con người đã tiếp xúc với nhiều nền văn hóa nên cũng rất hoà đồng và vui vẻ. Anh Quyết thì không hào hứng lắm với việc câu cá nhưng vì muốn tôi được đi trong chuyến nầy nên đã sắp xếp để cùng đi với tôi. Hơi dài dòng một chút để các bạn thấy  là tôi đã được học hỏi rất nhiều trong chuyến đi này, và với các người đồng hành như thế thì dù có câu được cá hay không thì tôi vẫn là người may mắn.

                   Đây là Ông Arthur, Captain Dave (đội nón)và Anh Quyết tại bến tàu

 

8:30 sáng thứ Ba 29-7,chúng tôi (anh Quyết,Ông Dave và tôi) xuất phát từ Ham Lake, tiểu bang Minnesota để đi đến Sturgeon Bay,tiểu bang Wisconsin. Đoạn đường dài 360 miles (khoang 570 cây số)đi ngang Green Bay là nơi của đội foot ball (bóng chày) Packer của Wisconsin. Con trai ông Dave có một vacation home (nhà nghỉ hè??) tại đây và chiếc tàu chúng tôi sẽ đi câu cũng đậu tại bến gần đó. Sturgeon Bay đã từng là cơ xưởng đóng tàu hải quân phục vụ trong thế chiến thứ hai nay đã trở thành khu dân cư và những khu resort.

     Khu vực này trong thế chiến thứ hai là xưởng đóng tàu hải quân của Hoa Kỳ

Sturgeon Bay là thành phố nhỏ đẹp, nằm cách Green Bay khoảng hơn 30 miles về hướng bắc. Nằm bên hồ Michigan, hồ lớn đứng thứ Hai về khối lượng nước và đứng thứ Ba về diện tích mặt nước trong Ngũ Đại Hồ (Lake Superior, Lake Huron, Lake Erie, Lake Ontario) nằm ở miền Bắc Hoa Kỳ.Hồ Michigan là hồ duy nhất trong Ngũ Đại Hồ có toàn diện tích nằm trong nước Mỹ,bốn hồ kia đều có chung diện tích với Canada. Hồ Michigan có khối lượng nước là 4.900 Km3 và diện tích là 58.000 Km2,có chiều dài là 494 Km và chiều rộng là 190 Km. Để các bạn có thể so sánh diện tích mặt nước của hồ Michigan tôi lấy số liệu từ Wikipedia: diện tích của đồng bằng sông Cửu Long là 39.734 Km2. Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện nay có diện tích là 1.496,8 Km2 ,có nghĩa là hồ Michigan lớn hơn diện tích của Tỉnh Vĩnh Long tới 38 lần và lớn hơn diện tích của đồng bằng sông Cửu Long đến 1,5 lần.

Xế chiều chúng tôi đến nơi và cùng ông Art (tên tắt của Arthur, nhà ông Art chỉ cách nơi đậu tàu chừng 100 thước.) chuẩn bị tàu, cần câu,xăng để sáng sớm hôm sau sẽ đi câu. Sau đó thì ăn chiều và đi mua giấy phép câu cá cho tôi và anh Quyết. Vì là lần đầu tiên mua giấy phép câu cá ở tiểu bang Wisconsin nên chỉ trả 14 đô la cho hai ngày câu/ mỗi người, từ lần thứ hai thì phải trả 25 đô la/hai ngày/người. Mỗi người sẽ được câu 5 con mỗi ngày (tính số lượng chứ không tính trọng lượng) và mỗi người được phép sử dụng 3 cần câu một lúc.

                                                           Giấy phép câu cá

                                                             Chiếc tàu chúng tôi đi câu

                                                                        Anh Quyết

                                                   Chuẩn bị cần câu và máy móc.

                                                                      Các loại cần câu

Thấy trên bến tàu có một chiếc tàu để bảng rao bán,tôi tò mò hỏi giá thì được cho biết giá rao bán là 110 ngàn dolards…………

 

 

                                                                      Bình minh trên hồ.

3 giờ 30 sáng hôm sau,chúng tôi trở lại bến tàu để bắt đầu khởi hành cho chuyến câu đầu tiên. Mặc dù là đang giữa mùa hè nhưng thời tiết nửa đêm về sáng trên hồ chỉ khoảng chừng 5-10 độ C cộng với sức gió khi tàu chạy 30-40 cây số giờ khiến tôi dù đã mặc 3 lớp áo vẫn cảm thấy se lạnh. Chạy được chừng 10 phút thì cái máy tàu 250 mã lực bị trục trặc, khi lên ga thì  bị miss fire (xin lỗi,tôi không biết từ chuyên môn của tiếng Việt gọi là gì) thế là sau một lúc cố gắng sửa chữa nhưng không được Captain Dave quyết định quay trở về bến tàu để sửa chữa vì nếu chạy ra khơi mà bị hư máy thì phải tốn rất nhiều tiền để kéo tàu về. Sau khi kiểm tra và phát hiện bộ lọc xăng (gas filter) bị dơ và có đọng một ít nước. Ông Dave thay gas filter và chúng tôi lại ra khơi. Chạy khoảng 30 phút với vận tốc 20-25 miles / giờ (32-40 cây số / giờ) thì ông Dave bắt đầu chuẩn bị thả câu,lúc này ông Art lái tàu đi với vận tốc khoảng hơn 2 miles/ giờ (3-4 cây số / giờ). Bấy giờ tôi mới thấy sự phức tạp của việc câu cá salmon. Chúng tôi đang ở nơi độ sâu khoảng 200feet (60 thước),Ông Dave thả máy xuống để đo nhiệt độ bên dưới mặt nước,ông tìm xem nhiệt độ 50+ F (10+ độ C) ở độ sâu nào vì ông cho là nơi đó cá salmon sẽ tìm và cắn câu nhiều hơn.

                                                                                      Ông Art cầm lái tàu

Sau đó thì tới phần lựa màu của mồi,toàn bộ đều là mồi giả nhưng có đủ mọi màu. Phải đoán chừng để sử dụng màu nào cho hợp,đó là kinh nghiệm tích luỹ của từng người,lưỡi câu thì có một chùm ba ngạnh buộc sau một miếng kim loại dài chừng 5 phân,going như cái muỗng (họ gọi là spoon) sơn màu ,hoặc là đơn giản chỉ có một chùm dây ni-lông đầy màu sắc, từ lưỡi câu trở lên khoảng 5 tấc là một miếng nhựa bề dài khoảng gần ba tấc bề ngang khoảng 4-5 phần, với hình dạng gợn sóng để khi kéo theo tàu sẽ uốn lượn dưới nước làm spoon sống động để cá đớp mồi. Vì là sáng sớm nên ông Dave dùng miếng nhựa có sơn chất lân tinh rồi dùng đèn flash đánh vào để khi xuống nước sẽ phát sáng tạo chú ý cho cá.

                                                                  Các loại lưỡi câu

Đó là mới phần đầu tiên là chọn mồi,sau đó là chọn cần câu với mọi loại dây cước khác nhau cho mỗi độ sâu. Trước tiên là hai cần câu phía đuôi và hai cần câu ở hai bên hông tàu.Bốn cần câu này được hạ xuống độ sâu do ông Dave ước định tùy theo thời tiết và nhiệt độ.Để giữ lưỡi câu ở độ sâu ấn định,Dave dùng một loại máy gọi là down rigger chạy bằng motor mang cục chì 12 pounds (gần 6 kg) gần cục chì sẽ có một cái móc để móc dây câu vào,lưỡi câu sẽ cách cục chì nầy khoảng 5 thước. Khi có cá cắn câu,dây sẽ tuộc ra khỏi cục chì và mình chỉ việc kéo cá vào thôi.

                                                          Cục chì 12 pounds (gần 6 kg)

 

Sau đó là tới hai cần hai bên mang hai loại chì gọi là deepsey, đó là một miếng nhựa tròn cỡ bàn tay người lớn mang cục chị nặng khoảng 200gr. Cấu tạo hình dạng của nó sẽ ứng dụng với vận tốc của tàu,nếu tàu chạy càng nhanh thì nó càng xuống sâu và bung ra ngoài xa tùy theo độ dài dây cước.

                                                        Deepsey phía bên tay phải

                                                                         Phao phía tay phải

                                                     Mũi tên chi nơi hai chiếc phao đang kéo sau tàu

Cuối cùng ông Dave thả thêm 4 cần câu phao với chiều dài dây khoảng 400 ft (120 m) phao này cũng có cấu trúc để khi vận tốc tàu càng nhanh thì phao càng dạt ra xa hai bên. Sau khi cả 10 cần câu được thả xuống thì ông Dave mới có thời gian giải thích tất cả những điều này với tôi. Đang lắng nghe ông Dave cắt nghĩa những việc vừa thực hiện thì bỗng tiếng ông Art la to: fish on…(cá cắn câu) ông Dave rút cây cần câu mà cá vừa cắn câu đưa cho tôi và bảo: reel in (quay dây vào). Tôi háo hức quay thật nhanh vào,tiếng ông Dave la lên : đừng quay nhanh quá nhưng đã muộn…vì tôi quay nhanh quá con cá nương theo trớn trỗi lên mặt nước và quẫy mạnh  vượt khỏi lưỡi câu. Con đầu tiên đã bi sẩy.Khoảng 15 phút sau lại tiếng ông Art : fish on! Ông Dave lại đưa cần câu cho tôi quay cá vào,lần này tôi quay từ từ, không dám quay nhanh và tiếng ông Dave la lên : faster,faster (nhanh lên,nhanh lên) thêm một con cá nữa vượt khỏi lưỡi câu. Ông Dave cắt nghĩa là khi quay chậm quá con cá sẽ quay đầu để lưỡi câu vuột ra. Phải giữ dây luôn căng thẳng nhưng không được căng quá sẽ đứt dây. Sau khi sẩy hai con thì đến con thứ ba tôi mới kéo nó lên được tàu.

                                               Chú salmon đầu tiên, con nầy khoảng 3 kg

 

                                                 Một con cá salmon và một con cá rainbow trout

Ngày 30/7 trời rất đẹp.Buổi sáng gió nhẹ ,mặt hồ êm ả. Ngồi bên thành tàu đang chạy chầm chậm, vừa ngắm cảnh bình minh,vừa hồi hộp chờ cá cắn câu,vừa được hít thở không khí trong lành ,tâm hồn thật là sảng khoái,dù không có cá cắn câu vẫn thấy hạnh phúc.

                                                                      Bình minh trên hồ Michigan.

 

                                           Con cá cân nặng 9 pounds (khoang 4,5 kg)

Trên bến tàu có nơi làm cá. Họ chỉ lấy fillet còn đầu và xương thì phải xay nát ra để vào một chỗ họ sẽ thu gom sau.Tôi cũng không biết họ làm gì với nó,còn mấy con cá tôi câu thì tôi đem đầu cá về để nấu canh chua hoặc nấu lẩu Thái ,còn fillet thì cho vào bịch ép chân không rồi để vào freezer ăn từ từ

                                                                         Ông Art fillet cá

                                                      Cho cá vào bịch nilong sau đó hút không khi ra

Chiều ngày hôm sau,31/7 chúng tôi lại lên thuyền để ra khơi câu cá,trước khi tàu xuất bến Captain Dave bảo tôi với anh Quyết lấy thuốc say sóng ra uống vì hôm nay gió mạnh sẽ có sóng nhiều hơn. Ban đầu tôi và anh Quyết định không uống vì hai lần trước không uống nhưng vẫn ok, nhưng sau câu nói của ông Dave : thuốc chỉ tác dụng sau 30 phút cho nên nếu muốn phòng ngừa say sóng thì phải uống từ bây giờ hai anh em liền lấy thuốc uống ngay. Vừa vượt qua ngọn hải đăng ở lối vào bến tàu tôi đã thấy sóng dập dìu ngoài xa chứ không êm ả như sáng hôm qua.

Càng ra xa sóng càng lớn, con tàu lắc lư ,chòng chành không ngớt,Tôi không đứng vững nếu không vịn vào một cái gì đó. Chiều nay tôi chỉ ngồi xem ông Dave thả câu chứ không giúp được gì. Chiếc tàu trong bờ có vẽ to lớn nhưng giờ đây nó chỉ như là chiếc lá trong biển nước. Đang ngồi lim dim vì mệt và say sóng thì tôi nghe tiếng ông Art : fish on!!! Ngước nhìn qua hàng cần câu để xác định xem cá cắn cần câu nào,tôi nắm lấy và bắt đầu quay vào. Đồng hồ trên máy quay báo là 500ft dây câu đã thả ra,tôi phải vừa xuống tấn để lấy thăng bằng vừa phải quay máy đều đặn để đem cá vô trong lúc con tàu vẫn lắc lư dữ dội. Cứ thế tôi từ từ đưa con cá về tới gần tàu để ông Dave dùng vợt vớt lên.

                                                   Hoàng hôn 31-7-2014

Lạ thật ,từ lúc tôi cầm cần câu để quay con cá dính câu,sóng không hề giảm,con tàu không ngừng lắc lư nhưng tôi không cảm thấy điều đó, trong đầu chỉ tập trung vào cái cần câu để đưa con cá về gần tàu,sau khi thả con cá vào cooler rồi thì cái chóng mặt lại ập đến,lần này còn mệt hơn và từ đó đến lúc về tôi không đứng nổi nữa. Sau khi quay sẩy thêm mấy con nữa thì ông Dave quyết định thu câu để trở về,tôi thật sự rất mừng vì sức chịu đựng của tôi đã gần cạn mặc dù tôi chưa bị nôn mửa,có lẽ viên thuốc uống trước lúc ra khơi đã giúp tôi được phần nào.

8 giờ thu câu xong,ông Art chạy vào bờ,tôi nhìn vận tốc của tàu là 20miles/giờ,thế mà đến 45 phút sau chúng tôi mới vào tới bờ. Ông Dave cho biết một chuyến đi như thế này (4-5 giờ đồng hồ) ngốn hết 30 galon xăng (khoảng 120 lit).

Đêm đó về đến nhà nhưng tôi vẫn cảm thấy mặt đất chao đảo như lúc còn trên tàu. Họ nói hiện tượng đó là sea lag (tôi tra google nhưng chẳng thấy từ này,có lẽ đây là ngôn ngữ địa phương chăng?).

Trưa hôm sau chúng tôi ra về kết thúc một chuyến đi câu thú vị. Trên đường về mưa rơi từng chập, có cả mưa đá. Cám ơn Chúa đã cho mấy ngày qua thời tiết mát mẽ dễ chịu,gió hơi mạnh một chút nhưng tại tôi chưa quen chứ với ông Dave thì ông ấy nói “it is not face me…” tạm dịch là chưa nhằm nhò gì đối với ông ấy.

Vài hình ảnh của một căn nhà hàng xóm của ông Dave ở Sturgeon Bay

                             Hồ cá chép phía sau nhà ông Ron

                                        Lục bình cũng có ở Mỹ, bao nhiêu đây muốn mua cũng cả trăm đôla

                                                          Khu vườn tuyệt đẹp sau nhà ông Ron

                                             Bức tranh hay chậu kiểng? Gọi thế nào cho đúng?

                                                             Một ý tưởng lạ trong phong cảnh

 

 

Vũ cư Tuyến

 

Minnesota…USA

1610    17-06-2017