![]() |
Đức Gioan Phaolô II, Ảnh bởi Rob Croes / Anefo, CC BY 4.0 via Wikimedia Commons; Galileo Galilei, Ảnh bởi Justus Sustermans, Public domain, via Wikimedia Commons |
Đức Giáo hoàng và các vì sao: Năm 1992, Đức Gioan Phaolô II chính thức “phục hồi” cho Galileo, thừa nhận những sai lầm mà các nhà thần học đã mắc phải trong phiên tòa nổi tiếng năm 1633.
Dưới triều đại giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II (1978-2005), sự hăng hái trên toàn thế giới đối với những tiến bộ to lớn trong công cuộc chinh phục không gian đã phần nào phai nhạt. Sự cạnh tranh về mặt khoa học của những ngày đầu đã biến thành một cuộc xung đột chiến lược lạnh lùng, trong đó các cuộc xung đột giữa các vì sao trong phim Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao), được công chiếu một năm trước cuộc bầu cử giáo hoàng, ngày càng ít trở thành chất liệu trong lãnh vực khoa học viễn tưởng.
“Câu hỏi không thể tránh khỏi là: Ai sở hữu không gian? Tôi không ngần ngại trả lời rằng không gian thuộc về toàn thể nhân loại, nó phục vụ cho tất cả mọi người,” vị giáo hoàng người Ba Lan khẳng định vào năm 1984.
Giống như những vị tiền nhiệm với niềm say mê chinh phục không gian, ngài đặc biệt quan tâm đến chiều kích khoa học của cuộc khám phá này. Ngài cũng muốn sửa chữa một lỗi lầm rất nổi tiếng của Giáo Hội trong lĩnh vực này: vụ xét xử Galileo.
Một tiến trình đánh giá lại
Ngay từ năm 1979, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Albert Einstein, Đức Giáo hoàng đã yêu cầu một ủy ban xem xét lại vụ xét xử Galileo, người bị Giáo Hội kết án vào năm 1633. Ngài muốn chấm dứt “cuộc xung đột cay đắng và đau đớn” và mở đường cho “sự hòa hợp có lợi giữa khoa học và đức tin.”
Và ngay từ năm 1983, ngài đã nói với các học giả tại Vatican: “Chúng tôi chắc chắn thừa nhận [rằng Galileo] đã phải chịu đau khổ dưới bàn tay của các tổ chức Giáo Hội.”
Tuy nhiên, mãi đến năm 1992 và khi công việc của ủy ban hoàn tất, Đức Giáo hoàng mới đưa ra quyết định về vấn đề này. Trong một bài phát biểu dài trước các thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Giáo hoàng, ngài đã xem xét lại những sai lầm đã mắc phải trong phiên tòa dẫn đến việc kết án Galileo Galilei. Đức Gioan Phaolô II nhớ lại rằng khám phá về thuyết nhật tâm (heliocentrism - mặt trời là trung tâm) của Galileo đã thách thức quan điểm địa tâm (geocentrism - trái đất là trung tâm) được chấp nhận rộng rãi vào thời điểm đó, dựa trên cách hiểu sai lầm về Kinh Thánh.
Đức tin và khoa học
“Khoa học mới, với các phương pháp và quyền tự do nghiên cứu, đã buộc các nhà thần học phải đặt vấn đề về tiêu chuẩn cho riêng mình để giải thích Kinh Thánh. Hầu hết đều không làm được như vậy. Nghịch lý thay, Galileo, một tín hữu chân thành, lại có nhận thức sâu sắc hơn về điểm này so với những đối thủ thần học của mình,” ngài chỉ ra.
Do đó, vị Giáo hoàng người Ba Lan đã thừa nhận sai lầm khi kết án Galileo, chỉ trích những người lên án ông vì đã “chuyển dịch một cách không đúng đắn sang phạm vi học thuyết đức tin một vấn đề thực tế nằm trong phạm vi nghiên cứu khoa học.”
Ngài cũng chỉ ra rằng thuyết nhật tâm của Galileo từ lâu đã bị thay thế bởi nhiều khám phá về sự vận hành của vũ trụ.
Cuối cùng, Đức Giáo hoàng nhấn mạnh rằng cách tiếp cận của Galileo không hề tương hợp với “khuynh hướng khoa học chủ nghĩa” vốn đặc trưng cho “nền văn hóa đương đại”.
“Vụ án Galileo đã trở thành một loại huyền thoại”, ngài nói: vụ án này “được viện dẫn là do Giáo Hội bác bỏ tiến bộ khoa học.” Ngược lại, ngài nhấn mạnh, tầm nhìn của Galileo về sứ mệnh của nhà khoa học “giả định rằng thế giới không phải là hỗn loạn, mà là một ‘vũ trụ’, tức là có một trật tự và các quy luật tự nhiên, có thể được nắm bắt và suy tư, và do đó có mối quan hệ nhất định với tinh thần.”
Tác giả: Camille Dalmas - Nguồn: Aleteia (23/8/2024)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên