Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Đức Hồng Y Robert Sarah: Bàn về sự tín nhiệm của Giáo Hội Công Giáo

rs1ĐHY Robert Sarah cử hành thánh lễ kỷ niệm 50 năm linh mục tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô ngày 28/9/2019
(ảnh: Evandro Inetti/CNA/EWTN)

Ghi chú của người biên tập: Bài tiểu luận xuất hiện lần đầu tiên vào ngày 14 tháng 8 năm 2021 trên tờ báo tiếng Pháp Le Figaro. Bản dịch tiếng Anh được National Catholic Register tái bản với sự cho phép của Đức Hồng Y Robert Sarah. Bài tiểu luận đã được biên tập lại cho hợp văn phong.

Sự nghi ngờ
vốn đã chiếm giữ tư tưởng phương Tây. Giới trí thức cũng như chính trị gia đều tả cùng một cảm tưởng về sự sụp đổ. Đối mặt với sự đổ vỡ của tình liên đới và sự tan rã của những đồng nhất, một số người quay sang Giáo Hội Công Giáo. Họ đòi hỏi Giáo Hội đưa ra một lý do để chung sống với những người đã quên mất những gì đã gắn kết họ nên một dân tộc. Họ cầu xin Giáo Hội cung cấp thêm một chút sức sống để có thể chịu đựng sự khắc nghiệt lạnh lùng của xã hội tiêu dùng. Khi một linh mục bị sát hại, mọi người đều xúc động và nhiều người cảm thấy bị tổn thương đến tận căn.

Nhưng liệu Giáo hội có khả năng đáp lại những lời kêu gọi này không? Dĩ nhiên, Giáo Hội vốn đã đóng vai trò người giám hộ và người truyền bá cho nền văn minh này rồi. Vào buổi hoàng hôn của Đế chế La Mã, Giáo Hội đã biết cách truyền ngọn lửa mà những kẻ man rợ đang đe dọa dập tắt. Nhưng liệu Giáo Hội có còn phương cách và ý chí để làm như vậy ngày hôm nay?

Nơi nền tảng của một nền văn minh, chỉ có thể có một thực tại trỗi vượt hơn nó: một sự bất biến thiêng liêng. Malraux lưu ý điều này với chủ nghĩa hiện thực: “Bản chất của một nền văn minh là những gì tập hợp xung quanh một tôn giáo. Nền văn minh của chúng ta không có khả năng xây dựng một ngôi đền hay một lăng mộ. Nó hoặc sẽ bị buộc phải tìm ra giá trị cơ bản của nó, hoặc nó sẽ bị phân rã.

Không có nền tảng thiêng liêng, những ranh giới bảo vệ và ngăn chặn đã bị xóa bỏ. Một thế giới hoàn toàn trần tục trở thành một vùng cát lún rộng lớn. Mọi thứ đều mở ra một cách đáng buồn trước những cơn gió của sự tùy tiện. Khi không có sự vững chắc của một nền tảng mang lại sự cứu thoát cho con người, thì bình anhoan lạc - những dấu hiệu của một nền văn minh lâu đời - liên tục bị nuốt chửng bởi cảm giác bấp bênh. Nỗi khổ của mối nguy hiểm sắp đến là dấu ấn của thời kỳ man dại. Không có nền tảng thiêng liêng, mọi ràng buộc đều trở nên mong manh và hay thay đổi.

Một số người yêu cầu Giáo Hội Công Giáo đảm nhận vai trò nền tảng thuần nhất này. Họ muốn thấy Giáo Hội đảm đương một chức năng xã hội, cụ thể là trở thành một hệ thống nhất quán của các giá trị, một ma trận văn hóa và thẩm mỹ. Nhưng Giáo Hội không thể mang đến thực tại thánh liêng nào khác ngoài niềm tin của mình vào Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người. Mục tiêu duy nhất của Giáo Hội là làm cho nhân loại có thể gặp gỡ con người Giêsu. Giáo huấn luân lý và giáo lý, cũng như di sản thần bí và phụng vụ, là khung cảnh và phương tiện cho cuộc gặp gỡ cơ bản và thiêng liêng này. Nền văn minh Kitô giáo được sinh ra từ cuộc gặp gỡ này. Vẻ đẹp và văn hóa là thành quả của nó.

Do đó, để đáp lại sự mong đợi của thế giới, Giáo Hội phải tìm đường trở lại với chính mình và áp dụng những lời của Thánh Phaolô: Vì tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá.” (1Cr 2,2) Giáo Hội phải ngừng nghĩ mình là người thay thế cho chủ nghĩa nhân văn hoặc sinh thái. Những thực tại này về phía Giáo Hội mặc dù tốt đẹp và công bìnhnhưng những kết quả từ kho tàng độc nhất của Giáo Hội vẫn là: đức tin vào Chúa Giêsu Kitô.

Vì vậy, điều thánh liêng đối với Giáo Hội là sợi dây bền chặt nhất định liên kết Giáo Hội với Chúa Giêsu. Một sợi dây đức tin không bị rạn nứt hay mâu thuẫn, một sợi dây cầu nguyện và phụng vụ không bị đứt đoạn hoặc phủ nhận trách nhiệm. Nếu không có sự liên tục triệt để này, thì Giáo Hội sao lại có thể khẳng định được sự tín nhiệm? Nơi Giáo Hội, không có sự quay đầu lại, nhưng có sự phát triển hữu cơ và liên tục mà chúng tôi gọi là truyền thống sống động. Sự thánh liêng không thể được quy định, nó được đón nhận từ Thiên Chúa và được truyền lại.

Đây chắc chắn là lý do mà Đức Bênêđíctô XVI có thể khẳng định một cách có uy quyền:

Trong lịch sử phụng vụ có sự phát triển và tiến bộ, nhưng không có sự rạn nứt. Điều mà các thế hệ trước coi là thiêng liêng, thì vẫn thiêng liêng và vĩ đại đối với chúng ta, và những điều đó không thể đột ngột bị ngăn cấm hoàn toàn hoặc thậm chí bị coi là có hại. Tất cả chúng ta đều thích hợp cho việc gìn giữ những sự phong phú vốn đã phát triển trong đức tin và cầu nguyện của Giáo Hội, đồng thời dành cho những sự phong phú đó vị trí thích hợp.

Vào thời điểm mà một số nhà thần học đang tìm cách khơi lại các cuộc chiến trong phụng vụ bằng cách đem đọ sách lễ được sửa đổi bởi Công Đồng Trentô với sách được sử dụng từ năm 1970, thì cần phải nhắc lại điều này một cách khẩn cấp. Nếu Giáo Hội không có khả năng duy trì sự liên tục hòa bình của mối liên kết của mình với Chúa Kitô, thì Giáo hội sẽ không thể cống hiến cho thế giới “sự thánh liêng hợp nhất các linh hồn,” theo lời của Goethe.

Ngoài những tranh cãi về nghi thức, uy tín của Giáo Hội cũng đang bị đe dọa. Nếu Giáo Hội khẳng định sự liên tục giữa những gì thường được gọi là Thánh lễ của Thánh Piô V và Thánh lễ của Đức Phaolô VI, thì Giáo Hội phải có khả năng tổ chức cuộc chung sống hòa bình và làm giàu lẫn nhau của họ. Nếu người ta loại trừ triệt để cái này để có lợi cho cái kia, nếu người ta tuyên bố chúng là không thể hòa giải, người ta sẽ mặc nhiên nhận ra sự rạn nứt và đổi hướng. Mặc khác Giáo Hội không còn có thể cống hiến cho thế giới sự liên tục thánh liêng, điều chỉ mình nó mới có thể mang lại hoà bình cho thế giới. Bằng cách duy trì một cuộc chiến phụng vụ nơi mình, Giáo Hội mất uy tín của mình và trở nên điếc trước tiếng kêu của con người. Nền phụng vụ hòa bình là dấu chỉ bình an mà Giáo Hội có thể mang lại cho thế giới.

Do đó, những gì đang bị đe dọa thì nghiêm trọng hơn nhiều so với một vấn nạn đơn giản về kỷ luật. Nếu tuyên bố một điều ngược lại với đức tin hoặc phụng vụ của mình, thì Giáo Hội sẽ dám xưng hô với thế giới dưới danh nghĩa nào? Tính hợp pháp duy nhất của Giáo Hội là sự nhất quán trong tính liên tục của mình.

Hơn nữa, nếu các Giám Mục, những người phụ trách việc chung sống và làm phong phú lẫn nhau của hai hình thức phụng vụ, không thi hành quyền hạn của mình đối với ảnh hưởng này, thì các ngài có nguy cơ không còn xuất hiện với tư cách là những người chủ chăn, những người bảo vệ đức tin đã lãnh nhận và những người bảo vệ đàn chiên được giao phó cho mình, nhưng với tư cách là những nhà lãnh đạo chính trị: những người chỉ huy hệ tư tưởng của thời đại này hơn là những người bảo vệ truyền thống lâu đời. Các ngài có nguy cơ đánh mất lòng tin của những con người thiện chí.

Một người cha không thể tạo ra sự ngờ vực và chia rẽ nơi những đứa con trung thành của mình. Người đó không thể làm một số người bẽ mặt bằng cách đặt họ chống lại những người khác. Người đó cũng không thể tẩy chay một số linh mục của mình. Hòa bình và sự hiệp nhất mà Giáo Hội tuyên bố sẽ mang đến cho thế giới trước hết phải được trú ngụ nơi Giáo Hội.

Trong các vấn đề phụng vụ, không có bạo lực mục vụ hay ý thức hệ đảng phái nào lại tạo ra được hoa trái của sự hiệp nhất. Sức chịu đựng của người tín hữu và sự kỳ vọng của thế giới là quá lớn so với việc dấn mình vào những ngõ cụt này. Mỗi người đều có một chỗ đứng trong Giáo Hội của Chúa!

Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên chuyển ngữ từ National Catholic Register - “On the Credibility of the Catholic Church”

507    16-08-2021