Đức Thánh Cha Phanxicô xác tín: “Huấn luyện là công việc của nghệ thuật, không phải là công việc của cảnh sát” (x. La Cività Cattolica 169 số 165 tr 11). Và một trong các nghệ thuật giáo dục, thánh Don Bosco cho biết: “Yêu mến trẻ em thôi chưa đủ, các trẻ em còn cần nhận biết chúng được yêu mến”. Những đứa trẻ thất vọng vì không được gia đình hoặc các nhà giáo dục yêu mến, cảm thông, sẽ không bao giờ trở nên Kitô hữu hay công dân tốt. Chắc chắn sẽ có một “mặc cảm” nào đó tồn tại trong suốt cuộc đời chúng. Qua kinh nghiệm, tôi thấy rõ, đây là một tình trạng hay cụ thể hơn, là một thảm trạng thực tế, có lẽ nó đã đi qua cuộc đời mỗi con người.

Thầy Chí Thánh Giêsu cho chúng ta một mẫu mực tuyệt hảo: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì người mình yêu” (Ga 15,12-13). Nơi Thầy Giêsu, một tình yêu vĩ đại của Người Thầy đã từng cúi xuống để trái tim một Thiên Chúa đầy lòng xót thương chạm vào trái tim thụ tạo khốn hèn của con người. Con người đã chạm được tình yêu ấy, và Tình yêu ấy đã đi vào tận thâm sâu để thẩm thấu sâu sắc con người toàn diện, khiến cho cả những thân phận tội lụy, bị rẻ khinh, loại trừ cũng được chạm đến cách trân trọng. Tình yêu ấy đã đưa mọi tầng lớp con người thăng hoa, vươn tới vô biên.

Chúng ta phải luôn luôn trân quý những chiều kích sâu thẳm bên trong một con người, để từ đó khám phá bao điều kỳ diệu vô vàn trân quý. Khi Giakêu được ngôn sứ Giêsu ngỏ ý xin ở trọ nhà ông khi Người đi qua Giêricô, nơi gia đình ông sống, ân huệ Thầy Giêsu ban cho Giakêu đã khiến ông bộc lộ ra hết những gì là tốt lành và nhân ái còn đang vùi sâu trong lương tri của ông. Quả là trong lòng ông vẫn còn khắc sâu chữ thiện.

Thầy Khổng tử dạy học trò: “Dù đi bất cứ nơi đâu hãy đi bằng tất cả trái tim”. Chỉ khi bạn mang theo hành trang là một trái tim tràn đầy nhiệt huyết, tình yêu thương và sự chân thành, bạn mới có thể chinh phục được tất cả những nơi mà bạn đi qua. Đừng để mỗi chuyến đi chỉ đơn giản là một lần xê dịch, hãy coi đó là cả một cuộc hành trình.

Được Chúa Thánh Thần tác động, bằng cả con tim cháy bỏng tình yêu Thiên Chúa và anh chị em, thánh nữ Catarina Siena đã táo bạo thân thưa với Chúa, hay như thánh Raymond đã dùng một từ rất sinh động là “vật lộn” với Thiên Chúa, để Chị xin Chúa cứu chữa các tội nhân nguy tử. Quả nhiên, lời cầu nguyện của Catarina có hiệu quả kỳ diệu trong những hoàn cảnh đặc biệt cấp bách. Chẳng hạn, để một kẻ sắp chết hối cải, Catarina phải “vật lộn” với Thiên Chúa, viện lẽ rằng trong khi anh chàng không xứng đáng được hưởng lòng thương xót, thì Chúa Giêsu lại là đấng xứng đáng để ban ơn ấy. Và chính nhờ “tâm hồn nhiệt thành, tràn đầy tình yêu” của Catarina, lời cầu nguyện táo bạo của Chị, giúp một tên sát nhân khét tiếng khác, đã biến đổi thành “một người hiền lành và tử tế nhất,” và hai tên tội phạm, trên đường đến pháp trường, đã thốt lên những lời tạ ơn thay vì những lời phỉ báng Thiên Chúa.

Trong tình yêu sâu thẳm, sẽ dẫn chúng ta vào những con đường nghệ thuật để giáo dục trẻ mà thánh Don Bosco, vị thánh mệnh danh “nhà giáo dục đại tài” đã có những phương pháp được khởi đi từ nguồn Tình yêu nơi Trái tim Thiên Chúa. Những đường lối đầy sắc thái yêu thương, trân quý và trọng kính dành cho các đối tượng giáo dục, các em được coi như là chính con cái Thiên Chúa. Xin trân trọng gửi tới các nhà giáo dục của Thiên Chúa một số nét trong nghệ thuật giáo dục của thánh Gioan Bosco:

  • Thái độ đúng chính là hiểu trẻ em cách toàn diện. Muốn hiểu trẻ em, cần suy nghĩ về con người của mình khi còn nhỏ. Phải kìm giữ cơn tức giận, sự phật ý và bực dọc. Đứa trẻ của bạn cố chấp không chịu vâng lời ư? Hãy phạt em nhưng với sự bình tĩnh và chừng mực. Sự bình tĩnh sẽ giúp bạn lượng định hình phạt cân xứng với lỗi phạm.

Chưa đủ. Nhiều cha mẹ và các nhà giáo dục dù rất yêu thương con cái, rất thương trẻ, nhưng vẫn không hiểu chúng. Hiểu chúng không phải chỉ là sửa lỗi cho trẻ em, nhưng còn phải nhận ra được những yếu tố tốt trong mỗi hành vi, kể cả hành vi có lỗi của chúng. Theo định nghĩa, tuổi thiếu niên là tuổi đi tìm sự quân bình, và cũng như bất cứ ai khác, em có thể sai lầm. Các em có sai lỗi thật đấy, nhưng thường vì ảnh hưởng của hoàn cảnh chung quanh nhiều hơn vì ác ý, khiến cho lầm lỗi của chúng không nặng như chúng ta tưởng. Ngay cả khi cần phải phạt và trong vài trường hợp phải phạt cách nghiêm khắc, vẫn phải tìm hiểu thiếu niên và cứu xét với lòng bao dung. Thiếu niên muốn được hiểu trong cái nhìn ấy. Nếu thấy mình được cha mẹ, các thầy cô thực sự thông cảm, đứa trẻ sẽ rất biết ơn các nhà giáo dục.

  • Cần phải huấn luyện ý chí của trẻ em, cần phải hướng dẫn và kiên cường với ý chí ấy. Muốn vậy, hãy dạy trẻ em biết thường xuyên làm những hành vi tốt, xuất phát từ lòng yêu mến, đó là điều trẻ em dễ dàng chấp nhận nhờ những thôi thúc trong cõi lòng chúng”.
  • Lấy cớ phải chế ngự một bản tính ngỗ nghịch, lắm người khăng khăng đòi uốn nắn ý chí bằng những phương thế thô bạo. Nhưng như vậy, thay vì rèn luyện, họ đã phá hủy nó” (Don Bosco).

Hãy tỏ cho trẻ biết bạn yêu thương chúng 

Một ngày kia, đang đi trên một con đường ở Rôma, Don Bosco bị một nhóm trẻ ngỗ nghịch chặn lại. Chúng muốn thử sức vị linh mục.

Không biết linh mục đó là Don Bosco, chúng làm hàng rào cản lối và chế nhạo Ngài.

Don Bosco thản nhiên tiến lại gần chúng. Với một cử chỉ lịch thiệp, Ngài bỏ mũ xuống và nhã nhặn nói: “Xin phép các bạn cho tôi đi qua”.

Đám trẻ ngỗ nghịch ấy lập tức im lặng. Chúng ngạc nhiên vì gương mặt hiền lành và tươi cười của Ngài: “Thưa cha, cha cứ việc đi qua”. Chúng biết rằng Don Bosco yêu thương chúng. Pascal nói: “Hiệu quả đầu tiên của lòng yêu mến là khơi dậy một sự kính trọng lớn lao”.

Xưa nay việc giáo dục trẻ em vẫn luôn là một nhiệm vụ đòi hỏi nhiều nỗ lực và phức tạp. Phải làm gì khi muốn thực sự trở nên nhà giáo dục tốt? Đòi hỏi thiết yếu và quan trọng nhất là tình yêu. Trong lời tựa cuốn sách nhỏ dành cho thanh thiếu niên “Il Giovane Provveduto” (Bạn trẻ trong tay Chúa quan phòng). Don Bosco viết: “Các con thân mến, cha yêu mến tất cả các con với cõi lòng cha. Chỉ cần biết các con còn trẻ là đủ để cha yêu mến các con thật nhiều”.

Thứ tình yêu mà trẻ em cần, có thể được tóm gọn trong câu sau: “Hỡi bạn trẻ, tôi muốn điều tốt cho bạn không phải vì bạn đã làm hoặc không làm thế này thế nọ, nhưng chỉ vì chính con người bạn”. Đây là tình yêu vô điều kiện, một thứ tình yêu hành động cho trẻ em mà không sợ phải gánh chịu hậu quả của bất cứ lầm lỗi nào của chúng.

GIÚP TRẺ EM TRONG LỨA TUỔI KHỦNG HOẢNG

Một chiều nọ, đang khi cả trăm trẻ em đang say mê chơi đùa trong một cánh đồng ở Tôrinô, bỗng một thiếu nhiên mười lăm tuổi xuất hiện bên cạnh hàng rào. Hình như em muốn vượt rào để nhập bọn với đám trẻ đang chơi nhưng không dám. Em đứng nhìn với vẻ mặt buồn rầu và u uất. Don Bosco thấy em, Ngài tiến lại gần và hỏi em vài câu, nhưng em không trả lời. Don Bosco tưởng em bị câm và đã nghĩ cách nói với em bằng cử chỉ. Ngài thử lần cuối cùng, âu yếm đặt tay trên đầu em và hỏi:

– Con đang ốm phải không?

Với một giọng yếu ớt, em trả lời:

– Thưa Cha, con đói!

Don Bosco liền cho người đi lấy bánh mì và vài thứ khác. Khi cậu bé ăn no, Don Bosco trở lại hỏi chuyện. Thì ra em là một đứa trẻ bụi đời, làm đồ thắng ngựa, bị ông chủ sa thải vì đã gây lộn. Đêm qua em đã ngủ trên vỉa hè nhà thờ Chính tòa Tôrinô. Và vài giờ trước đây em định đánh cắp một thứ gì đó để ăn. Nhưng chưa kịp thực hiện mưu đồ thì lại gặp cha Don Bosco. Em không chỉ cần bánh vật chất, mà còn cần sự cảm thông. Don Bosco đã hiểu và đã cứu em.

Tuổi mười lăm: tuổi khủng hoảng. Từ mười hai đến mười lăm tuổi, trẻ em phải trải qua một giai đoạn bão táp. Gương mặt đầy những đường nét trẻ thơ hồn nhiên trước đây bắt đầu nhường chỗ cho những nét trang nghiêm, vụng về và mất cân đối.

  • Tiếp sau sự hòa hợp của thời thơ ấu là sự vụng về của thời niên thiếu. Người lớn dễ dàng tha thứ những điều thiếu lịch sự của con nít vì chúngdễ thương, nhưng lại tỏ ra rất khó chịu đối với sự ngỗ nghịch của thiếu niên. Đôi khi đứa trẻ ngỗ nghịch gay gắt nói với mẹ nó: “Con không muốn mẹ truyền lệnh cho con như thế”. Nó thường xúc phạm đến bà mẹ và hay nổi cơn bực tức, khiến bà phải phiền lòng suy nghĩ: “Đó là cách con tôi đáp trả tất cả những gì tôi đã làm cho nó. Nó chửi rủa tôi”. Rồi khoảng gần một giờ sau bà mẹ đang chăm chú lau nhà, thì đứa con lại gần dịu dàng lấy tay bịt mắt mẹ và nói: “Mẹ ơi, mẹ có cái gì ăn không? Con đói lắm!” Bà mẹ giận dỗi không đáp. Đứa trẻ khóc và tự tố cáo: “Mẹ ơi, con biết, con xấu lắm”. Nửa giờ sau, vì bà mẹ lại từ chối, nên đứa con lớn tiếng: “Con phải đi khỏi ngôi nhà bất hạnh này”. Và một lần nữa nó đi ra và đóng sầm cửa lại. Quả là một tai họa! Dường như em muốn đạp đổ mọi luật lệ, chống lại mọi người. Cha mẹ và nhà giáo dục biết rõ em: Em cứng đầu như đứa trẻ lên ba hay như con lừa, nhưng lại nguy hiểm hơn. Em đã vĩnh biệt thiên đàng của tuổi thơ, nhưng chưa được chuẩn bị để gia nhập vào thế giới của người lớn. Em cảm thấy rất bất an. Một đứa trẻ 14 tuổi đã chán nản thốt lên: “Mọi người khác đều có giá, còn tôi thì chẳng ra gì”.
  • Mười lăm tuổi là giai đoạn đứa trẻ hạ bệ mọi thần tượng trước đây của em: Em muốn phá đổ mọi khuôn khổ xã hội. Một số phụ huynh đã trốn tránh trách nhiệm đối với các đứa con trong lứa tuổi khủng hoảng ấy và để chúng muốn làm gì thì làm. Còn đứa trẻ thì muốn tách khỏi cha mẹ. Điều ấy đương nhiên làm cho cả hai bên đau khổ. Phần lớn các bà mẹ thường không hiểu rằng đó là lúc đứa trẻ tách khỏi người mẹ, để rồi sau này sẽ yêu mến nhiều hơn, nhưng yêu một cách hoàn toàn khác. Thành ra họ thường thất vọng thốt lên: “Con tôi đã lăng mạ tôi”.

Đó là 3 năm cam go phải trải qua. Ở trường, đứa trẻ khó dạy hơn; trong gia đình, em thành người xa lạ. Em tỏ ra kiêu căng và hỗn láo. Nhưng khi chiều tới, “ông” kiêu ngạo ấy lại sợ chính mình. Em cảm thấy yếu đuối không làm chủ được những bản năng và lời nói của mình. Mẹ em cố gắng vỗ về em trước mặt những đứa khác như thường làm, nhưng em thét lên: “Bỏ tay xuống, con không còn muốn nghe mẹ nữa”. Thật đáng giận. Em cần phải bị phạt ngay lập tức. Thế nhưng thật ra, điều em đang cần là có một người cha hay một người giáo dục như Don Bosco, biết nói với em bằng sự cảm thông và kính trọng cao độ. Em cần người cha đến ngồi bên cạnh và nói với em: “Con yêu dấu, cha hiểu con, cha biết điều đó. Chính cha cũng đã làm như thế khi ở vào lứa tuổi của con”. Em cần người cha đặt tin tưởng nơi em và biết giữ im lặng khi em im lặng, biết trả lời khi em gợi ý trong thầm lặng, mà không cảm thấy bị xúc phạm chi hết.

  • Các trẻ nữ cũng có những năm khủng hoảng ghê gớm của chúng. Cha mẹ phải bình tĩnh trước các thay đổi về tính khí, những cái cười vô nghĩa, những khủng hoảng thần kinh đầy nước mắt. Các em thường hay thích giữ kín “điều bí mật” hoặc tình bạn bất quân bình. Chúng trở nên lười biếng, mơ mộng, nói nhiều, thờ ơ. Nhưng tận thâm tâm chúng cảm thấy nỗi u buồn và kinh hãi. Thái độ ấm ớ như thế chỉ cốt để quên đi nỗi lo sợ. Trong thực tế, chúng rất cần được cảm thông.

“Hãy để cho trẻ em tự do chạy nhảy, kêu la mặc sức. Thể thao, âm nhạc, kịch nghệ, đi dạo là những phương pháp rất hữu hiệu để giữ kỷ luật, có lợi cho đạo đức và sức khỏe. Chỉ nên lưu ý sao cho các tiết mục liên hoan, những người tham gia và những lời nói không có gì đáng trách” (Don Bosco).

Lời kết

Đức Hồng Y Montini, sau này là Giáo hoàng Phaolô VI, đã nói với các học sinh trường Salêdiêng ở Milanô: “Theo nguyên ngữ, và theo nghĩa thực của nó, từ ‘giáo dục’ là ‘educere’ nghĩa là ‘lôi ra’. Cha Bosco đã trở nên ‘THẦY GIÁO’, tức một ‘NGHỆ SĨ’ biết lôi ra những điều các con có trong lòng, mà có lẽ chính các con cũng không biết, lôi ra những đức tính cao cả, những năng lực còn đang nằm ngủ, những khả năng ẩn tàng, năng lực đang tiềm ẩn trong lòng các con. Các con là những hạt giống có thể mọc thành cây, trổ hoa, kết trái, làm nên một cuộc sống hoàn hảo”. Thánh Gioan Bosco, là Cha, là Thầy, là Bạn của giới trẻ và là người đồng hành sâu sát.

Kính chúc các Nhà Giáo dục của Hội dòng, với trái tim tràn đầy tình yêu sẽ trở nên những người Mẹ, người Cha, người Thầy, là Bạn và những người đồng hành của các học trò đáng yêu của quý Chị.

Nt. Maria Bùi Thị Thanh Tâm