Sidebar

Thứ Bảy
04.05.2024

Những khiếm khuyết của một người nhập cư vào thế giới số

 

Tôi không phải là dân bản địa của công nghệ thông tin và truyền thông xã hội. Tôi chỉ là dân nhập cư số. Tôi không sinh ra trong thế giới của công nghệ thông tin, mà là nhập cư vào nó, từng chút một. Lúc đầu tôi sống trong một vùng khác.

Phải đến năm chín tuổi, tôi mới được sống chung với điện. Tôi từng thấy nó trước đó, nhưng lúc đó, nhà tôi, trường tôi, và cả vùng vẫn chưa có điện. Lần đầu tôi thấy nó, điện năng đúng là một khám phá khổng lồ. Và tôi lớn lên cùng máy truyền thanh, đến năm tôi 14 tuổi, nhà tôi mới có máy truyền hình. Và đây cũng là một khám phá lớn, là thức ăn nuôi sống cho tôi trong cơn đói dậy thì thèm khát kết nối với thế giới rộng lớn hơn. Điện và máy truyền hình nhanh chóng là ngôn ngữ mẹ đẻ của tôi, một cái thắp sáng nhà tôi và một cái đem thế giới vào trong nó. Nhưng điện thoại vẫn là thứ xa lạ. Năm 17 tuổi, khi tôi đi xa, nhà tôi vẫn chưa có điện thoại.

Không khó để sử dụng thành thạo điện thoại, nhưng phải mất rất nhiều năm tôi mới khá thạo trong thế giới mới của công nghệ thông tin. Máy tính, internet, website, di động, smart phone, tivi và phim ảnh qua internet, dữ liệu đám mây, truyền thông xã hội, trợ lý ảo, và vô số những ứng dụng. Đúng là một hành trình. Năm 38 tuổi, tôi mới lần đầu sử dụng đầu video, và năm 42 tuổi tôi có cái máy vi tính đầu tiên, năm 50 tuổi tôi lần đầu lướt web và dùng e-mail, năm 48 tuổi tôi có di động và lập một trang web, đến năm 60 tuổi tôi nhắn tin lần đầu tiên, và năm 65 tuổi tôi tham gia Facebook. Dù sử dụng được email, tin nhắn, và Facebook, tôi vẫn không có tài khoản Instagram hay Twitter. Tôi là người duy nhất trong nhà dòng vẫn còn đọc kinh phụng vụ bằng sách thay vì đọc trên điện thoại.

Tôi nói rằng trang sách có linh hồn còn thiết bị số thì không. Và những phản ứng với tôi cũng không được đồng cảm cho lắm. Nhưng cái lý do “có linh hồn” này, mà tôi thích cầm quyển sách hơn là một thiết bị số. Tôi không phản đối công nghệ thông tin, chỉ là tôi không rành nó. Tôi vật lộn với ngôn ngữ của nó. Thật khó để nắm bắt một ngôn ngữ mới khi đã trưởng thành, và tôi ghen tỵ với giới trẻ, những người thành thạo thứ ngôn ngữ này.

Người ta nói gì về cuộc cách mạng công nghệ thông tin? Nó tốt hay xấu?

Rõ ràng, nó có nhiều mặt tích cực. Nó cho chúng ta nắm bắt thông tin nhanh và nhiều nhất xưa nay. Thông tin là sức mạnh, và internet cùng mạng xã hội đã nâng tầm tiếp cận thông tin của chúng ta, và góp phần hiệu quả trong sự phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. Hơn nữa, nó còn tạo nên một ngôi làng toàn cầu. Giờ chúng ta biết hết mọi hàng xóm của mình, chứ không chỉ những người sống gần nhất. Chúng ta có nhiều thông tin và kết nối với mọi người hơn bao giờ hết.

Nhưng tất cả những sự này cũng có một mặt xấu. Đó là chúng ta nói chuyện với nhau ít hơn nhắn tin cho nhau. Chúng ta có nhiều bạn trên mạng nhưng không phải lúc nào cũng có nhiều bạn thật sự. Chúng ta xem cảnh thiên nhiên trên màn hình nhiều hơn là trực tiếp chạm vào nó. Chúng ta dành nhiều thời gian nhìn vào thiết bị trên tay mình hơn là thật sự gặp mặt nhau. Tôi đi qua một sân bay, hay một nơi công cộng nào đó, thì thường thấy đa số mọi người đang chăm chút nhìn vào điện thoại. Thế là tốt sao? Nó có thúc đẩy tình bạn và tính cộng đồng hay nó là một thứ thay thế? Còn quá sớm để khẳng định. Các thế hệ cũ đã sống qua cuộc cách mạng công nghiệp, không có cách nào để hiểu được tác động của chuyện này trong dài hạn. Tôi tin rằng, cuộc cách mạng công nghệ, cũng có tác động triệt để như cuộc cách mạng công nghiệp mà thế hệ chúng tôi đã chứng kiến. Lúc này, chúng ta không biết được nó sẽ đưa chúng ta đến đâu, tốt hay xấu.

Nhưng một mặt tiêu cực đã rõ ràng là, cuộc cách mạng công nghệ thông tin mà chúng ta đang sống, đã và đang hủy diệt những gì ít ỏi mà chúng ta vẫn cố duy trì để có một ngày Xa-bat trong đời mình. Nhà thần nghiệm thế kỷ XIII, Rumi, từng than rằng: “Tôi đã sống quá lâu ở nơi người khác có thể vươn đến.” Điều này đúng với chúng ta ngày nay hơn là cho những người sống ở thế kỷ XIII. Nhờ những thiết bị điện tử mang theo bên mình, người ta có thể tìm đến ta bất kỳ lúc nào, và thường là chúng ta để người ta tìm đến ta mọi lúc. Kết quả là chúng ta không còn có thời giờ riêng tách biệt khỏi những thứ lệ thường. Thời gian cho gia đình, thời gian giải trí, kỳ nghỉ, và cả thời gian cầu nguyện của chúng ta đang không ngừng bị biến thành thời gian “có thể tiếp cận.” Tôi e là trong khi chúng ta đang là những người có được nhiều thông tin nhất xưa nay, thì chúng ta cũng có thể trở thành những người ít ngẫm nghĩ nhất xưa nay.

Nhưng tôi chỉ là một người nhập cư về công nghệ. Tôi cần dành phán quyết này cho những cư dân bản địa của thế giới số này.

J.B. Thái Hòa dịch

500    01-05-2018