Sidebar

Thứ Tư
01.05.2024

Thánh Gioan XXIII tin rằng gia đình là “tế bào” của xã hội

giadinh1
 Dean Drobot | Shutterstock


Thánh Gioan XXIII đã viết trong Thông điệp Pacem in Terris (Hoà bình dưới thế) rằng gia đình là “tế bào” cơ bản của xã hội loài người.

Gia đình có một vai trò quan trọng trong Giáo hội Công giáo, nhưng Thánh Gioan XXIII tin rằng gia đình cần thiết cho sự vận hành của toàn thể nhân loại.

Thánh Giáo hoàng đã viết về niềm tin này trong Thông điệp Pacem in Terris của mình.

“Gia đình, được thành lập trên hôn nhân tự do kết hợp, là một và bất khả phân ly, phải được coi là tế bào tự nhiên, nguyên thuỷ của xã hội loài người. Do đó, lợi ích của gia đình phải được đặc biệt quan tâm trong các vấn đề xã hội và kinh tế, cũng như trong các lãnh vực đức tin và luân lý. Vì tất cả những điều này đều liên quan đến việc củng cố gia đình và giúp gia đình chu toàn sứ mệnh của mình.” (Pacem in Terris, 8)

Thánh Gioan XXIII tin rằng thực tế này phải được phản ánh trong nhiều khía cạnh khác của đời sống dân sự, chẳng hạn như nhu cầu về một mức lương công bằng.

Một hệ quả khác từ phẩm giá nhân vị của con người là quyền tham gia vào các hoạt động kinh tế phù hợp với mức độ trách nhiệm của người đó. Tương tự như vậy, người lao động được hưởng mức lương được xác định phù hợp với các nguyên tắc về công bình. Điều này cần phải được nhấn mạnh. Số tiền mà người lao động nhận được phải đầy đủ, tương ứng với ngân quỹ hiện có, để giúp người đó và gia đình họ có mức sống phù hợp với phẩm giá con người. Đức Giáo Hoàng Piô XII đã diễn đạt điều đó bằng những lời lẽ sau:

“Thiên nhiên áp đặt công việc lên con người như một nghĩa vụ, và con người có quyền tự nhiên tương ứng để đòi hỏi rằng công việc người đó làm sẽ cung cấp cho người đó phương tiện sinh sống cho chính người đó và con cái họ. Đó là sự đòi buộc dứt khoát của tự nhiên đối với việc bảo tồn con người.” (Pacem in Terris, 20)

Quyền của một gia đình cũng bao gồm quyền sở hữu tư nhân của họ.

Như một hệ quả nữa từ bản chất của con người, con người có quyền sở hữu tư nhân đối với tài sản, kể cả tài sản sản xuất. Điều này, như chúng tôi đã nói ở nơi khác, là “một quyền tạo nên một phương tiện hiệu quả tối ưu để khẳng định tính cách nhân vị của một con người và thi hành trách nhiệm trong mọi lĩnh vực, đồng thời là một yếu tố tạo nên sự vững chắc và an ninh cho cuộc sống gia đình cũng như hòa bình và thịnh vượng hơn trong đất nước.” (Pacem in Terris, 21)

Thánh Gioan XXIII, cùng với mọi vị giáo hoàng kể từ đó, tin rằng khi gia đình được tôn trọng, thì xã hội loài người mới có thể phát triển.

 

Tác giả: Philip Kosloski - Nguồn: Aleteia (14/3/2023)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
 

374    14-06-2023