Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Chạnh lòng hay hành động?

Khác với những ngày nuốt vội bữa ăn sáng để kịp giờ làm, sáng cuối tuần, mình ta bên ly cafe đắng, ngậm nghe thời gian lững thững bước đi.

Bên góc quán ăn, cụ già chậm chạp lê bước mời vé số từng bàn khách, nhưng người thì mải mê nói chuyện chẳng đoái hoài, kẻ chú tâm vào tô mì nóng hổi hững hờ gạt tay ngang, người phớt lờ vì câu chuyện điện thoại đang dang dở… Vợ chồng anh chủ quán cũng chẳng quan tâm vì đang í ới bên nồi súp nghi ngút khói, làm cho nhanh kẻo lỡ bữa sáng của những người khách bận rộn đã đáp xe vào quán mình. Mặc dù đấy có thể là buổi sáng cuối tuần, nhưng với họ mọi thứ đều phải gấp gáp. Cụ già đến bên góc bàn cuối quán, nhẹ ngồi xuống ghế thở dài, mới 8 giờ sáng thôi mà sao tiếng thở dài như muốn khép lại một ngày đăng đẳng. Cụ nhìn tôi một ánh mắt lơ đễnh. Tôi khẽ mỉm cười đáp lại thay cho một lời cảm thông. Trong phút chốc, tôi thấy chạnh lòng. Được bao nhiêu người mua những tờ vé số vì tấm lòng đối với cụ, hay họa chăng đơn giản chỉ là họ mơ ước một cuộc sống khá giả hơn, một cuộc may rủi đổi đời thôi….

Nhìn sang hướng khác, em gái tật nguyền cười cười ra hiệu xin vài đồng lẻ, em cười hay em không thể không cười, vì lẽ từ lúc sinh ra đến nay em chưa hề biết khóc một lần thật sự?

Ngoài phố, anh bán hàng rong đang cùng chiếc xe cũ kỹ với lũ khũ những món đồ chơi nhiều màu sắc, đang chậm chạp trong cái nắng đang nóng dần lên, mắt đưa quanh tìm một người mua, hoặc giả nhìn một lần cũng được – nhìn những món đồ chơi nhiều màu sắc như cuộc đời anh đang bám sống?

Hay chú bảo vệ trong quán, gầy gầy bên con chó nhỏ, ngồi đệm theo tiếng nhạc êm êm, mắt chìm đắm một nỗi niềm – cơm áo, chỉ có con chó nằm cạnh bên là thư thả nguẫy đuôi, mắt nó còn lim dim chẳng thèm nhìn đời...

Tôi thường ước rằng khi tôi có thật nhiều tiền, tôi sẽ giúp cho những con người kia hết khổ, hoặc ít ra là bớt khổ hơn – Nói có vẻ y như bài văn của học sinh lớp 5 khi tả về người ăn xin với đoạn kết bài cổ điển mà thầy cô hướng dẫn "Em ước gì, em sẽ làm gì, em cảm nhận được gì..." Nhưng em ơi, ngoài đời thật, nó có thật như những gì em kết bài? Và phải chi em có thể viết kết bài cho từng mảnh đời như thế theo mong ước của em?...

Chúng ta đang sống trong một xã hội có tốc độ phát triển rất nhanh. Nhiều người bận rộn tới mức chẳng hề có thời gian để nghỉ ngơi và làm thứ gì đó cho những người mình yêu quý, chứ đừng nói đến những mảnh đời bất hạnh ngoài kia. Chúng ta có quá nhiều thứ để nghĩ trong đầu, chẳng hạn như bài thuyết trình quan trọng ngày mai hay phân vân về việc sẽ nấu gì cho bữa tối. Về cơ bản, chúng ta bị mắc kẹt trong thế giới của suy nghĩ, cảm xúc của riêng mình nên cảm thấy vô cùng khó khăn để “ngó” sang cuộc sống của những người khác.Phải chăng lòng tốt giờ đây chỉ còn đọng lại ở sự chạnh lòng bởi cảm xúc hay cần có thời gian để cân nhắc trước khi được chuyển thành hành động?

Sinh ra trong đời, Chúa ban cho mỗi người chúng ta nhiều “tài sản” khác nhau: thời gian, sự sống, tiền bạc, tài năng… Kẻ ít, người nhiều – “người năm nén bạc, người hai nén bạc, người thì một nén bạc – điều đó là do thánh ý của Chúa. Nếu chúng ta mặc định rằng việc đạo đức chỉ bó gọn trong bốn bức tường nhà thờ, trong những giờ kinh cầu, hay trong những điều răn phải tuân giữ; hay hành động bác ái phải đắn đo suy nghĩ, phải tính toán thiệt hơn hay thật giả, thì quả thật chúng ta đang lãng phí “tài sản” Người ban cho. Chúng ta có giữ đạo đấy, nhưng chưa thật sự sống đạo.

Martin Luther King từng nói rằng: “Trong thế giới này, chúng ta xót xa không chỉ vì lời nói, hành động của những kẻ xấu mà còn sự im lặng đáng sợ của những người tốt”. Thật vậy, tôi thiết nghĩ rằng thay vì ngồi yên quan sát và thương cảm cho những số phận bất hạnh ấy thì việc cần thiết hơn là hãy hành động ngay từ khi lương tâm chúng ta lên tiếng.

Một ly nước mát hay đơn giản chỉ là những lời hỏi thăm chân thành dành cho cụ già bán vé số, một tờ vé số ít ỏi, nhưng nhẹ nhàng và chân tình, tôi nghĩ cũng phần nào xoa dịu nỗi nhọc nhằn của cụ. Một nụ cười hay chỉ là vài đồng “tiền lẻ” của tấm lòng cũng có thể làm cho nụ cười của em bé kia thật sáng hơn. Một cái nhìn cảm thông hay một món đồ trên chiếc xe cũng làm cho anh bán hàng rong có “chút xíu” niềm vui làm dịu mát cuộc đời giữa cái nắng nóng. Hay cái gật đầu cám ơn cũng làm bác bảo vệ cảm thấy được tôn trọng hơn… Hãy làm đi rồi các bạn sẽ nhận ra hạnh phúc là một điều rất kì diệu. Cho đi cũng là lúc ta nhận lại và ta sẽ nhận được nó khi ta mang nó đến cho người khác. Hãy biết rũ bỏ con người cũ với những ích kỷ, nhỏ nhen để thực thi tinh thần bác ái. “Chúng ta cảm thấy điều chúng ta đang làm chỉ là một giọt nước trong đại dương. Nhưng đại dương sẽ ít hơn chỉ bởi thiếu đi giọt nước ấy.” Câu nói nổi tiếng của Mẹ Têrêsa thật đúng trong hoàn cảnh này. Đừng bận tâm rằng với ngần ấy khả năng thì bạn có thể giúp đỡ bao nhiêu người khó khăn ngoài kia, điều quan trọng là bạn đã đặt bao nhiêu yêu thương vào những việc làm ấy. 

 

Văn phòng Caritas Vĩnh Long

 

 

720    26-06-2018