Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Dùng nước thánh để làm gì?


 Nhiều tín hữu khi vào nhà thờ, thì chấm tay vào một bình nước và làm dấu thánh giá. Cử chỉ đó có ý nghĩa gì vậy?

Khi người tín hữu vào nhà thờ và chấm tay vào một bình nước, thì họ thâm tín rằng nước đó không phải như nước máy hay nước giếng, nhưng họ coi đó là nước thánh hoặc nước phép. Tuy nhiên, theo các sử gia, thì vào những thế kỷ đầu, các tín hữu trước khi vào nhà thờ không phải chỉ nhúng ngón tay vào một bình nước nhưng thực sự là nhúng tay hay trầm mình vào bồn nước nữa. Tại sao có chuyện đó? Vì một lý do dễ hiểu. Sau khi đi đường bụi bặm, trước khi vào nhà thờ, cần rửa mặt mũi tay chân cho sạch sẽ. Khi chúng ta đến nhà người khác cũng vậy: thường ông chủ sai mấy đứa nhỏ bưng chậu nước để khách rửa tay rửa mặt, rồi sau đó mới tiếp chuyện. Từ một tập tục có tính cách vệ sinh thể chất và tâm thần (nghĩa là việc rửa mặt rửa tay đem lại sự mát mẻ thoải mái), sự chuyển sang ý nghĩa thiêng liêng đạo đức không xa xôi gì! Khi chúng ta đi chầu Chúa, chúng ta cũng cần giữ gìn thân thể và nhất là tinh thần được sạch sẽ, nhờ đó việc cầu nguyện (tức là đàm đạo với Chúa) mới có kết quả hơn. Ta nhận thấy tâm tình này phát hiện nơi nhiều tôn giáo, khi mà các thiện nam tín nữ phải đi tắm rửa trước khi lên chùa hay lên đền. Cách riêng tại Hy-lạp và Rôma, ở các cửa đền, người ta cất một bồn nước, hay giếng nước để các tín hữu thanh tẩy trước khi tế tự. Qua Phúc âm theo thánh Gioan 9,7 ta cũng biết rằng tại chính đền thánh Giêrusalem cũng có giếng nước Siloê, dùng để múc nước thanh tẩy. Kitô giáo cũng du nhập tập tục đó. Vì thế không lạ gì, mà ở các nhà thờ cổ ở Rôma thường có giếng nước ở cửa ra vào (gọi là cantharus), để các Kitô hữu rửa ráy mặt mày tay chân. Thế nhưng cũng ngay từ những thế kỷ đầu, các giáo phụ đã sớm lưu ý các tín đồ rằng: rửa mặt rửa tay chưa đủ để vào đền Chúa, còn phải rửa tâm hồn cho sạch tội nữa. Thí dụ như Tertullianô đã viết: khi cầu nguyện, việc dang hai cánh tay trong sạch lên trời chưa đủ, còn phải giơ ra con tim trong trắng khỏi vết nhơ tội lỗi nữa (De oratione, 13).


Nhưng
  nước giếng ấy cũng là nước thường thôi chứ đâu phải là nước thánh gì đâu, phải không?

Đúng như vậy, lúc đầu các tín hữu ra giếng để rửa mặt rửa tay để cho thân thể sạch sẽ và tâm thần thoải mái; và các vị mục tử khuyến khích họ hãy nghĩ tới sự sạch sẽ trong linh hồn nữa để xứng đáng gặp gỡ Chúa. Nhưng dần dần, Giáo hội đã đặt ra một nghi thức làm phép nước, để cầu xin Chúa ban cho những ai dùng nó được hưởng những công hiệu mà nước tượng trưng. Từ đó mà có chuyện “nước phép”. Nhưng chúng ta nên hiểu cho đúng từ ngữ “nước phép”. Có lẽ trong đầu óc của nhiều tín hữu, “nước phép” có nghĩa là nước có mang theo phép mầu gì đó, nước có phù phép. Sự thực không phải như vậy. “Nước phép” là nói tắt của từ ngữ “nước đã làm phép”, dịch nôm na bởi từ tiếng La- tinh aqua benedicta (eau bénite). Đúng ra, benedicere không phải là làm phép theo nghĩa là gắn phù phép; nhưng là “chúc lành” (bene-dicere: nói tốt), xin Chúa chúc lành, ban phúc. Dĩ nhiên, một câu hỏi tự nhiên nảy ra trong đầu là: cái phúc gì vậy? Đây là cả một thiên lịch sử dài dòng. Xem ra cái phúc lành tự nhiên hơn cả là sự thanh luyện tâm hồn, tẩy luyện khỏi các vết nhơ tội lỗi; nhưng dần dần người ta tiến thêm một bước nữa để xin tẩy luyện tận căn rễ của các tội lỗi, tức là ma quỷ. Và xét vì ma quỷ không phải chỉ cám dỗ con người phạm tội, mà nó còn là tác giả của bao nhiêu sự dữ khác (thí dụ như bệnh tật) cho nên không lạ gì mà phụng vụ cũng cầu xin những phúc lành đó trong khi làm phép nước.

Khi làm phép nước, linh mục còn bỏ muối vào, vì thế nước phép mặn như nước biển, tại sao vậy?

Thực ra trong số những phúc lành vừa kê ra trên đây, (thanh tẩy khỏi tội lỗi, thanh tẩy khỏi ma quỷ, thanh tẩy khỏi các bệnh tật), ta thấy rằng Giáo hội đã cố gắng du nhập một số ý nghĩa của nước đã được các tôn giáo cổ truyền gán cho. Và trong nghi thức làm phép nước cũng vậy, Giáo hội cũng du nhập một số chất liệu với ý nghĩa đã có ở các tôn giáo cổ truyền. Để rõ ràng hơn, thiết tưởng cần phải phân biệt nhiều nghi thức làm phép nước (hay nghi thức chúc lành).

1/ Nghi thức cổ điển hơn cả là làm phép nước dùng vào bí tích rửa tội. Lúc đầu, nước dùng để rửa tội là nước tự nhiên từ sông ngòi. Nhưng từ giữa thế kỷ II, đã có tập tục làm phép nước rửa tội, nghĩa là xin Thánh Thần thánh hóa nước, ban cho nó những công hiệu thần linh của bí tích này: vừa thanh tẩy khỏi tội lỗi, vừa tái sinh vào đời sống mới. Vì thế không lạ gì mà việc làm phép nước rửa tội cũng mang kèm theo những dấu chỉ của bí tích: thí dụ như vào thời Trung cổ, linh mục hà hơi trên nước (biểu hiệu của Thánh Thần xuống trên nước), hoà dầu thánh, và nhúng cây nến Phục sinh.

2/ Bên cạnh việc làm phép nước rửa tội, còn có nghi thức làm phép nước để dùng vào việc thanh tẩy và thánh hóa các tín hữu. Có thể là lúc đầu, các tín hữu xin mang nước rửa tội về nhà làm kỷ niệm; nhưng từ thế kỷ VI, sách phụng vụ đã nói tới một nghi thức làm phép nước, khác với nước dùng trong bí tích rửa tội. Nước này có pha muối. Theo các sử gia, có lẽ vì người thời cổ tin rằng muối có sức trừ tà, thí dụ như khi rắc muối ở trước cửa nhà để xua đuổi tà ma. Và có lẽ Giáo hội cũng du nhập tập tục đó, để thêm vào một ý nghĩa mới cho nước phép, tuy rằng trong lời nguyện chúc lành, phụng vụ trưng dẫn tích của ngôn sứ Êlisêo đã rắc muối xuống suối nước của thành Giêricô để chữa lành cho nó (2V 2, 20-21). Vì thế mà chị thấy nước phép mằn mặn.

Nước rửa tội thì dùng vào việc rửa tội; thế còn nước phép thì dùng để làm gì?

Trải qua lịch sử, ta thấy Giáo hội cũng như các tín hữu đã sử dụng nước phép vào những hoàn cảnh khác nhau. Trước hết một số tín hữu xin nước phép đem về nhà riêng. Họ rảy trên thân nhân và nhà cửa của mình, với ước nguyện xin Chúa ban ơn tẩy luyện các thân thuộc và đồ đạc của mình khỏi tội lỗi và bệnh tật, khỏi bị quỷ ma quấy phá. Còn Giáo hội thì cũng dùng nước phép ở những cơ hội khác nhau. Một trường hợp đa nói ở đầu, là đặt ở cửa nhà thờ, để các tín hữu làm dấu thánh giá trên mình, xin Chúa thanh tẩy trí lòng cũng như tâm hồn, để xứng đáng vào hầu cận Chúa. Ơn thanh luyện này được cầu xin cách tập thể với nghi thức rảy nước thánh trên tất cả các tín hữu trước khi cử hành Thánh lễ ngày Chúa nhật. Tập tục này đã có từ thế kỷ IX (Đức Giáo hoàng Lêo IV, 847-855). Việc rảy nước thánh trên các tín hữu kèm theo bài hát lấy từ thánh vịnh 51: “Lạy Chúa, xin dùng cành hương thảo rảy nước trên con, thì con được sạch, xin rửa con thì con được trắng hơn tuyết”. Do đó ta thấy ý nghĩa của nó là thanh tẩy linh hồn trước khi cử hành thánh lễ.

Thế nhưng ở trong mùa Phục sinh, thì hát bài “Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra”, xem ra không phải chỉ có ý nghĩa thanh tẩy tội lỗi?

Đoạn văn này trích từ ngôn sứ Êdêkiel chương 47, nhưng được phụng vụ áp dụng theo nghĩa rộng hơn: nước từ bên cánh phải đền thờ được coi như hình bóng của nước và máu trào ra từ cạnh sườn bên phải của đức Kitô trên thập giá, mang lại ơn cứu rỗi cho loài người. Nói khác đi, bên cạnh ý nghĩa thanh tẩy, phụng vụ còn muốn thêm một ý nghĩa nữa cho việc rảy nước phép ngày Chúa nhật, đó là kỷ niệm bí tích thánh tẩy, nhờ đó chúng ta tham dự vào mầu nhiệm Phục sinh của đức Kitô: không những là nước ấy thanh tẩy chúng ta khỏi vết nhơ tội lỗi nhưng còn mang lại cho ta những hồng ân khác, tỉ như ban cho ta ơn được làm con cái Chúa.

Ngoài việc rảy nước thánh trên các tín hữu trước khi cử hành Thánh lễ, linh mục còn rảy nước thánh trên các đồ vật sau khi đã làm phép chúng, thí dụ khi làm phép ảnh tượng, tràng chuỗi. Tại sao lại phải rảy nước thánh như vậy?

Ý nghĩa của việc rảy nước thánh như vậy xem ra không rõ lắm. Có lẽ nó bắt nguồn từ nghi lễ cung hiến đền thờ. Vào những thế kỷ đầu tiên, sau khi đế quốc Rôma trở lại đạo Kitô, không thiếu lần thay vì đập phá những đền thờ của tôn giáo cũ, thì người ta biến nó làm nơi thờ tự cho các tín hữu. Trong lễ nghi cung hiến, người ta rảy nước thánh trên các tường nhà thờ, có lẽ với ý nghĩa trừ tà. Những đền thờ này, trước đây đã được dùng thờ cúng ngẫu tượng tà thần ma quỷ, nay cần được tẩy uế, để dâng hiến cho Thiên Chúa. Có lẽ từ đó mà người ta dùng nước thánh không những khi cung hiến các nơi được dành cho việc phụng tự, mà rảy trên những vật dụng (tượng ảnh, tràng hạt) dùng vào việc thờ phượng: ra như tẩy uế cho chúng, để thánh hóa chúng, nghĩa là dâng hiến chúng cho Chúa. Nói khác đi, ta có thể giải thích rằng cũng như việc rảy nước phép trên các tín hữu nhắc nhở họ nhớ đến bí tích rửa tội, thì việc rảy nước thánh trên các đồ vật ra như cũng cho phép chúng tham dự cách nào đó vào bí tích rửa tội, vào mầu nhiệm cứu chuộc của đức Kitô vậy, khi chúng được trở nên dụng cụ thánh hoá con người. Thật vậy, những đồ vật (thí dụ ảnh tượng) được coi là thánh không phải vì nó mang theo bùa phép gì, nhưng mà vì nó giúp cho con người nên thánh, thí dụ khi nhìn ngắm bức tượng để nâng lòng lên cùng Chúa, để cầu nguyện, vân vân.

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, op. 15728    12-09-2017