Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Thánh Lễ giỗ lần thứ 70 Cha Philipphê Phan Văn Tuyền

 

          Từ sáng sớm hôm nay 10 tháng 7 năm 2017, nhiều người từ nhiều nơi xa như Sóc Trăng, Sa Đéc ... đã về với họ đạo Giồng Giá nhỏ bé của Giáo Phận Vĩnh Long. Đơn giản vì ngày hôm nay, họ đạo tổ chức Thánh Lễ giỗ lần 70 cầu nguyện cho Cha Philipphê Phan Văn Tuyền.

          9 g 30, đoàn đồng tế đã đến thắp hương tưởng niệm cũng như đọc kinh cầu nguyện cho Cha Philipphê Phan Văn Tuyền.

          Chủ tế Thánh Lễ giỗ cầu nguyện cho Cha Philipphê Phan Văn Tuyền là Cha Phanxicô Xaviê Phan Văn Triêm – chính xứ Sóc Trăng – Giáo Phận Cần Thơ (cũng là cha cháu của Cha Philipphê Phan Văn Tuyền – Cha Phanxicô Xaviê Phan gọi Cha Cha Philipphê Phan Văn Tuyền là bác Ba). Cùng đồng tế với Cha Phanxicô Xaviê Phan Văn Triêm có quý Cha Quản Hạt Cái Mơn, Bến Tre ... và quý Cha trong giáo phận cùng với quý tu sĩ nam nữ và cộng đoàn.

          Trong bài chia sẻ, Cha Paul Phan Thanh Duy – cha phó họ đạo Sa Đéc – chia sẻ với cộng đoàn về quan niệm về chữ Thánh. Có nhiều quan niệm về chữ Thánh. Trước hết trong Tín Ngưỡng, người ta dùng từ Thánh là thuộc thần linh. Mỗi vị thần có vị trí khác nhau, các vị thần ở cõi xa xăm. Thần lành giúp đỡ con người và có những vị thần để trừng phạt. Quan niệm bình dân thì Thánh là những người giúp anh em mình, giúp mọi người. Thông thường những người được cho là thánh khi đã chết nhưng có người khi còn sống được gọi là thánh sống vì có đời sống đạo đức gương mẫu. Rồi theo cái nhìn của Kitô giáo thì Thánh, thì chúng ta khi đọc qua gương thánh của 117 vị Thánh Tử Đạo Việt Nam là những vị thánh sống có đời sống rất bình thường : vua, qua, tu sĩ ... có người học cao hiểu rộng, dốt nát, không biết chữ. Điểm chung nơi các vị Thánh có điểm nổi bật là yêu mến Chúa, các vị thánh có các nhân đức tin cậy mến. Dù xảy ra chuyện gì thì không bỏ Chúa và không bỏ anh em mình ...

Sau đó, Cha Paul Duy chia sẻ với cộng đoàn về gương sáng đời sống của philipphê Phan Văn Tuyền.

Cha Philipphê Phan Văn Tuyền sinh năm 1913 tại Cái Mơn trong một gia đình đạo đức thuộc dòng dõi Thánh Philipphê Phan Văn Minh (1815 - 1853). Song thân là ông Matthêu Phan Văn Trị và bà Anna Nguyễn Thị Quốc, cả hai đều thuộc dòng dõi đạo đức. Ông bà sinh được 8 người con: 4 trai 4 gái mà Philipphê Tuyền là con thứ ba.

Cha Philipphê Phan văn Tuyền lớn lên theo học tại trường họ Cái Mơn, dưới thời Cha sở Isidoro Dumortier Đượm. Là một thiếu nhi minh mẫn, tính tình hiền hậu, đạo đức nên được Cha sở Isidoro Dumortier chú ý và tuyển chọn. Khi Cha Isidoro được tấn phong làm Giám Mục Sàigòn, lúc đó Phan văn Tuyền được 13 tuổi thì  được Đức Tân Giám Mục gọi vào Chủng Viện Thánh Giuse Sàigòn. Thực là một vinh hạnh. Sau 14 năm tu học ở Tiểu và Đại Chủng Viện Sàigòn, thầy Philipphê Tuyền được thụ phong Linh Mục vào mùa thu năm Canh Thìn (21-9-1940) tại Sàigòn. Sau đó, ngài trở về Giáo Phận Vĩnh Long phục vụ vì ngài là Linh Mục thuộc Giáo phận này, một giáo phận được thành lập năm 1938 với Giám Mục tiên khởi là Đức Cha Phêrô Martinô Ngô Đình Thục

Cha philipphê Tuyền được chỉ định làm Cha Phó họ Giồng Miễu (Thạnh Phú) từ năm 1940 đến năm 1944. Tại nơi đây, ngài luôn hoạt tông đồ một cách hăng say và đắc lực.

          Năm 1944, Cha được Đức Cha gọi về coi họ Giồng Giá thuộc quận Ba Tri, đang khi tình hình chiến cuộc ở đó rất căng thẳng. Giồng Giá khi ấy là vùng hoạt động của Việt Minh, thỉnh thoảng bị lính Tây đến oanh tạc, dân chúng bị thiệt hại nặng nên thường sống trong lo âu và sợ hãi. Năm 1946, khi cuộc chiến ngày càng leo thang giữa hai phía, Cha Philipphê Tuyền xin phép về gia đình nghỉ tạm thời gian.

Sau thời gian gần 5 tháng, Cha vâng lời Đức Giám Mục giáo phận trở về Giồng Giá để lo cho giáo dân đi xưng tội rước lễ mùa Phục Sinh năm 1947. Lợi dụng tình thế đó, một số kẻ ghét đạo cố ý phao tin thất thiệt, vu cáo Cha nào là theo Tây, nào là giũ chức vụ kín Tây giao cho v.v... Một vài người hoạt động trong vùng đó sẵn lòng oán ghét Đạo Công giáo nay được dịp vu khống cho vị Linh Mục vô tội này. Ngay khi về nhiệm sở, phòng công an mời Cha về Đình Bảo Hòa, gần họ Giồnng Giá trình giấy tờ, vì có đủ giấy tờ hợp lệ nên không có lý do nào để cầm giữ Cha.

Một đêm tối trời tháng 7 năm 1947, một nhóm người bất hảo tới rình rập nhà Cha Sở Giồng Giá, họ kêu cửa và bảo "Tây tới, Tây tới ! Cha mở cửa, con dắt Cha đi trốn". Bọn chúng kêu nhiều lần mà cha không mở cửa vì Cha nghe tiếng lạ. Đến khi bọn chúng giả giọng (?) ông Sáu Chim người quen của Cha (vì nhà ông ở gần nhà Cha Sở) kêu Cha, Cha nghe tiếng thì an tâm ra mở cửa. Cửa vừa mở, bọn chúng xông tới bắt Cha và ông từ Tiện dẫn ra đi.

Đến sáng ngày, giáo dân không nghe nhà thờ đổ chuông như thường lệ nên ai nấy đều tưởng lầm rằng Cha bị Tây bắt. Những kẻ bách hại Cha đưa Cha tới họ Gảnh cách Giồng Giá 7 cây số, vào lúc đêm khuya tăm tối. Họ chọn chỗ đó làm chốn pháp trường nên đã đào hầm sẵn để chôn sống Cha.

Đến đó, Cha biết mình phải bị giết nên Cha xin dừng lại 5, 10 phút để dọn mình. Cha quì gối xuống đọc kinh thầm thỉ kêu xin Chúa, phó thác mạng sống mình trong tay Chúa. Bọn chúng nghe Cha đọc kinh thì quát mắng to: " Giờ phút này mà còn kêu Tây nữa". Khi Cha đọc kinh xong, bọn chúng xúm lại đập Cha bằng cây dầu vuông. Đau quá, Cha kêu Chúa liên lỉ nhưng chúng vẫn đập cho đến khi không còn nghe tiếng Cha rên nữa thì chúng đạp Cha xuống một cái hầm đào rất cạn rồi lấp đất lại sơ sài, đoạn bỏ chạy trốn hết.

Vài hôm sau, ông biện Kiềm tại họ Gảnh ra canh tác nơi mảnh đất của ông gần chổ họ đã giết Cha. Ôâng nhìn thấy một cảnh tượng hãi hùng: một mô đất lấp sơ sài còn lộ ra 2 gót giầy. Rất đau lòng, ông liền nhanh nhẹn lấp lại kỷ lưỡng. Rồi kín đáo báo cho ông Bảy Trình (em Cha Benoit Thắng) biết. Hai ông lén lút đánh dấu nơi ấy.

Thường đêm, những người biết và thương mến Cha đều hướng về ngôi mộ Cha để cầu nguyện. Thì đến một đêm vào năm 1950, có một số người thấy ánh sáng chiếu ra từ ngôi mộ Cha. Và còn lạ hơn, có đêm Cha về kêu những người ấy và nói: "sao chúng con không đem Cha về Nhà Thờ, để Cha ở đây cô quạnh một mình".

Họ liền đến kể lại cho Cha Phêrô Chính (Cha Sở họ Giồng Giá) tất cả những gì họ đã nghe thấy. Cha sở nghe các việc về Cha Philipphê Tuyền nên Ngài đến trình với Đức Cha Ngô Đình Thục. Cũng nên biết, sau khi Cha Philipphê Tuyền bị giết thì Nhà Thờ Họ Giồng Giá cũng bị phá hủy tan hoang. Đức Cha đã yêu cầu Cha Phêrô Chính lo tu sửa nhà thờ lại và tìm cách đem hài cốt Cha philipphê Tuyền về an táng nơi Cung Thánh Nhà Thờ Giồng Giá.

Người ta chỉ còn biết là đã chôn Cha Philipphê ở khu vực đó chứ không ai nhớ rõ chỗ nào đúng là mộ huyệt của Cha, vì tinh thế rất căng thẳng, không ai dám lui tới và nơi ấy đã trở nên hoang vắng, cỏ mọc um tùm.

Cha sở Phêrô Chính phải tổ chức công việc chu đáo: ngày 19- 01-1951, ngài chọn và giao công việc cho bốn người trong số những người đã trông thấy ánh sáng tỏ rực từ mộ Cha Philipphê Tuyền lúc ban đêm gồm: ông biện Kiềm và một ông biện khác vác cuốc giả vờ đi đào chuột và 02 người phụ nữ bưng rổ giả đi xúc cá.

Khi họ tới Gò Trộm là chổ chôn Cha nơi mà họ đã thấy ánh sáng đó, cùng nhau họ quì xuống đọc kinh cầu nguyện và thầm thỉ với Cha: " Cha ơi! Nếu chỗ này là nơi Cha an Nghỉ thì xin Cha cho chúng con biết để chúng con đem Cha về". Sau khi cầu nguyện xong, họ đứng lên, ông biện Kiềm lấy cuốc xốc lên một cái thì quả thật, gặp được xương Cha. Họ quá đổi mừng, tìm tới nữa thì gặp cái sọ đầu của Cha. Họ nhanh chóng thu lượm đầy đủ không thiêáu xót xương nào. Hai bà vội vã bỏ xương vào rổ, bưng thẳng về nhà thờ Gảnh, giao cho Dì Tư Thê và Dì Sáu Trong thuộc Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn đang công tác tại đó. Còn hai ông biện lo lấp đất lại kỷ lưỡng rồi vềø sau.

Hai Dì chùi rửa hài cốt sạch sẽ, rồi lấy khăn trắng trải trên bàn, sắp xương ra và đốt ngọn nến. Các Dì và một ít người cùng nhau canh thức suốt đêm cầu nguyện cho Cha.

Qua ngày 20- 01-1951, Dì Phước tại họ Gảnh cùng vơí một nhóm các em đi dự lễ ở nhà thờ Giồng Giá. Thừa cơ đi dự lễ, các dì gói bộ xương kín đáo, cái sọ để riêng, xương để riêng, rồi bỏ vào 1 bọc lá do các bà chầm sẵn, cho mấy em thiếu nữ gánh đem xuống nhà thờ Giồng Giá giao cho Cha sở. Tại đó, Cha Sở đóng sẵn một cái quách. Cha tiếp nhận hài cốt rồi tổ chức nghi lễ tẫm liệm tại nhà xứ, đoạn chuyển linh cửu đặt giữa nhà thờ cho giáo dân đến kính viếng, cầu nguyện suốt 3 ngày.

Đến ngày 24-01-1951, Cha Benoit Thắng và 13 Cha ở các họ đạo gần xa mạo hiểm đến dự lễ cải táng Cha Philipphê Tuyền. Lúc 6 giờ sáng, qưới chức và con chiên trong họ đầu vấn khăn tang, khiêng hài cốt Cha Tuyền đi kiệu vòng quanh nhà thờ. Kiệu xong, khiêng hài cốt Cha vào nhà thờ. Cha Benoit Thắng cử hành lễ an táng để cầu nguyện cho Cha và cử hành nghi thức an táng rồi đặt hài cốt Cha tại Cung Thánh Nhà Thờ Giồnng Giá. Buổi lễ diễn ra trong bầu khí vô cùng cảm động. Trong buổi lễ cải táng này, có bà mẹ Cha Tuyền đến dự lễ để tiển đưa con bà.

Giồng Giá đến nay vẫn còn mộ vị Linh Mục này. Cha Philipphê mới được 34 tuổi đời, 7 năm Linh Mục nhưng đã được Thiên Chúa thương trao ban hồng ân tử đạo. Cha là vị Linh Mục thứ 26 sinh quán tại Cái Mơn, sau Thánh Philipphê Phan văn Minh tử đạo. 

Cha Paul Duy nói tiếp về gương của Cha Philipphê chấp nhận cho đến chết. Vì vâng phục, vì yêu mến đoàn chiên mà Giáo Hội trao phó. 

Đường nên thánh của một linh mục là như thế đó ? Chúng ta chọn đường nên thánh như thế nào ? Tất cả mọi người chúng ta sẽ nên thánh vì đó là ơn gọi của mọi Kitô hữu. Chúa gọi mọi người nên thánh trong đời sống của mình, qua tình yêu, qua chu toàn bổn phận của người làm cha làm mẹ, làm con. Chu toàn bổn phận với lòng yêu mến là đường nên thánh. Người tu nên thánh với việc chu toàn đời sống của mình. Mọi người đều được mời gọi nên Thánh.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mời gọi mọi người đừng sợ nên thánh. Khi nói từ nên thánh nghe thấy ngại. Thánh là đạo đức thánh thiện, không có tì vết tội lỗi. Nếu chúng ta nghĩ vậy không ai nên thánh được vì tất cả con người ai cũng có tội. Cần thiết để nên thánh là dâng hiến đời mình cho Chúa và trong nhiệm vụ Chúa trao thì chúng ta cố gắng chu toàn tốt. Đó là đường nên thánh của mỗi người chúng ta. Ước mong chúng ta mỗi người chọn con đường nên Thánh và chúng ta trung thành với những gì đã chọn. Sống và chết với những gì đã chọn là con đường nên Thánh. Chúng ta cầu nguyện, qua lời chuyển cầu của Cha Philipphê, chúng ta không bỏ mạng nhưng chúng ta hy sinh thời gian vì Chúa, vì mọi người. Đơn giản vậy thôi đó là con đường nên Thánh của mỗi người chúng ta. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em.

Trước khi nhận phép Lành cuối Lễ, vị đại diện họ đạo Giồng Giá ngỏ đôi lời cảm ơn quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và cộng đoàn đã đến Giồng Giá. Vị đại diện cũng nói rằng họ đạo Giồng Giá không quên ơn của Cha Philipphê, Cha Philipphê dạy chúng con cầu nguyện với Cha Philipphê để Cha Philipphê có một phép lạ để làm sáng danh Chúa và nơi này. Chúng con xin quý Cha, quý dì, quý thầy cầu nguyện cho họ đạo chúng con sống xứng đáng làm con Chúa và của Cha Philipphê.

Sau đó, vị đại diện ngỏ đôi lời chúc mừng Cha Sở Phêrô Lê Hoàng Lâm nhân dịp Cha kỷ niệm 14 năm linh mục.

Sau lời của vị đại diện, Cha Phanxicô Xaviê Phan Văn Triêm thay mặt gia đình Bác Ba (Cha Philipphê Phan Văn Tuyên) cảm ơn quý Cha Quản Hạt, quý Cha, quý Dì và cộng đoàn đã đến đây tham dự Thánh Lễ này. Cha Phanxicô Xaviê xin Chúa và xin Cha Cha Philipphê cầu cùng Chúa ban ơn cho quý Cha, cùng anh chị em tu sĩ và giáo dân. Cha Phanxicô Xaviê Phan Văn Triêm chia sẻ một chút tâm tình về Cha Philipphê Phan Văn Tuyên và Thánh Philipphê Phan Văn Minh. Cả 2 vị đều nhận Philipphê làm bổn mạng và cùng mất ngày 3 tháng 7.

Rồi Cha Phêrô Phan Văn Bình - Cha Sở họ Đìa Cừ - ngỏ đôi lời chúc mừng Cha Sở Phêrô Lê Hoàng Lâm và xin Cha làm cha sở Giồng Giá ... suốt đời.

Và kết thúc, Cha Sở họ Giồng Giá - Phêrô Lê Hoàng Lâm – ngỏ lời cảm ơn quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và cộng đoàn.

Thánh Lễ giỗ lần 70 cầu nguyện cho Cha Philipphê Phan Văn Tuyên khép lại nhưng những mong ước họ đạo Cái Mơn – họ gốc của Cha Philipphê Phan Văn Tuyên và Giồng Giá – nơi Cha Philipphê làm cha sở khi tử đạo được ngày một phát triển, sinh sôi nảy nở nhiều ơn gọi như lòng Chúa cũng như lòng Cha Philipphê mong muốn.

(Video Thánh Lễ https://youtu.be/nDOA8h794rc)

CTV GP VL

img0601
img0605
img0613
img0618
img0644

img0652

img0659

img0662

img0667

img0668

img0675
img0677

img0692

img0693
img0697
img06991

img0708

img0732

img0735

img0737

img0743

img0747

 

img0749 

 

 

3242    10-07-2017