Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Tìm hiểu việc Chúa Giêsu xuống Ngục Tổ tông

Tháng các Linh hồn, tìm hiểu việc Chúa Giêsu xuống Ngục Tổ tông 
Trong tháng các Linh hồn, việc chúng ta tìm hiểu để tưởng nhớ và cầu nguyện đặc biệt cho Ông Bà Tổ Tiên cũng như người thân yêu đã qua đời là điều quan trọng cần thiết mang đầy ý nghĩa.
Tìm hiểu việc Chúa Giêsu xuống Ngục Tổ tôngTìm hiểu việc Chúa Giêsu xuống Ngục Tổ tông
Điều đó không chỉ thực hiện nghĩa vụ báo hiếu mà còn chuẩn bị cho chúng ta nhớ đến quê hương trên Trời và cảm nghiệm được tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa, Đấng đã chịu đau khổ, chịu chết, chịu mai táng trong mồ và xuống ngục tổ tông, để ban ơn cứu độ cho những người đã chết trước đó, ngay lúc đó và mãi mãi đến muôn đời. 

“Đức Giêsu xuống âm phủ” là một tín điều được ghi rõ ràng trong kinh Tin kính, một tín biểu đức tin mà chúng ta vẫn thường hay đọc. Khởi đi từ mạc khải (x.1Pr 3,18tt) và được Giáo lý Hội Thánh Công giáo long trọng minh xác (số 635-636), tín điều này nói lên một ý nghĩa thâm sâu trong mầu nhiệm cứu độ, liên quan trực tiếp đến việc Đức Giêsu chịu chết, chịu mai táng trong mồ và đã phục sinh vinh hiển.

Tuy nhiên, tín điều này thường bị lãng quên; có lẽ là do sự thiếu hiểu biết hoặc là hiểu biết chưa đúng về nội dung, người ta chưa thấu đáo về tầm quan trọng cũng như ý nghĩa thần học của định tín mà Giáo Hội muốn nói? Đây chính là tính cấp thiết, mục đích, nội dung và ý nghĩa của chủ đề mà người viết nhắm đến: thử tìm lại một cái nhìn hệ thống về tín điều “Đức Giêsu xuống âm phủ”.

Quả thế, bài viết này sẽ lần lượt tìm hiểu quan niệm chính thống của Giáo Hội về “ngục tổ tông”, lịch sử phát triển vấn đề, xác định đây là một định tín bắt nguồn từ Mạc Khải và ý nghĩa thần học rồi kết thúc trong niềm hy vọng lớn lao về ơn cứu độ.

I. Khái quát về âm phủ hay ngục tổ tông

Là Kitô hữu, đã rất nhiều lần chúng ta đọc hay ít là nghe người khác nói về “âm phủ” hay “ngục tổ tông”: trong kinh tin kính, trong nhiều đoạn Thánh Kinh hay trong giáo lý phổ thông hoặc một lần nào đó trong bài giảng của một linh mục mà vô tình ta nghe được. Tuy nhiên, hiểu khái niệm đó ra sao, nó được biết đến và duy trì trong niềm tin của Giáo Hội như thế nào lại là điều không dễ và mấy ai biết được?

1. Khái niệm

Cụm từ “xuống ngục tổ tông” được dịch từ kinh Tin kính bản Latinh là “descendit ad inferos” mà đúng ra phải dịch là “xuống âm phủ”. Thuật ngữ “inferi” hay “infers” trong câu kinh Tin kính trên đây được dịch từ Sheol của Do Thái hay Hades của Hy Lạp có nghĩa là “nơi ở của người chết” hay là “âm phủ”“âm ty” chứ không có nghĩa là hoả ngục, địa ngục hay là tình trạng bị luận phạt giống như một số người quan niệm. Do đó có thể định nghĩa ngục tổ tông hay âm phủ là chỗ an nghỉ của những người đã chết. Trước khi Đấng Cứu Thế đến, mọi người chết, lành hay dữ đều phải vào đó. Ở đó, họ không được nhìn thấy Thiên Chúa và chờ đợi Đấng Cứu Thế. Số phận của họ không giống y hệt nhau, như Đức Giêsu đã cho thấy trong ví dụ về Lazarô nơi cung lòng Abraham (x.Lc 16,22-26) [1].

Đây là một thuật ngữ rất khó hiểu mà khi tìm đọc các sách chú giải, chúng ta nhận thấy hầu hết các tác giả đều quy chiếu nguồn gốc sự khẳng định Chúa Kitô xuống ngục tổ tông được lấy từ đoạn thư thứ nhất của thánh Phêrô 3, 18-20, rằng “… thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ thần khí, Người đã được phục sinh. Người đã đến rao giảng cho các vong linh bị giam cầm…”. Theo đó, phát xuất từ quan niệm của Cựu ước, thuật ngữ Sheolđược người Do thái hiểu là “nhà hội ngộ của hết mọi nhân sinh” (G 30, 33), nơi tất thảy chư sinh đều phải xuống (x.Ed 31, 14) để mà cảm nếm cảnh bất lực, thất vọng vì “bị Thiên Chúa lãng quên” (x.Tv 6,6; 38,6; 88, 6-9…). Các nền văn hoá vùng Địa Trung Hải ngày xưa cũng quan niệm như vậy.

Rõ ràng là người Do Thái và ngay cả Kitô giáo trong suốt một thời kỳ lịch sử lâu dài đã phân định vị trí rõ ràng cho thế giới, nào là thiên đàng, hoả ngục, luyện ngục, lâm-bô… để rồi “tìm địa chỉ” cho từng người sau khi chết tuỳ thuộc vào tình trạng cuộc sống của họ. Quan niệm này đã trở nên lỗi thời khi người ta đọc và giải thích Kinh Thánh không quá lệ thuộc vào ý nghĩa văn tự nữa. Điều đó cũng phù hợp với sự tiến bộ về nhận thức của con người trong tương quan với khoa học và vũ trụ. Chúng ta sẽ trở lại với vấn đề này sau, nhưng ngay bây giờ phải khẳng định rằng các nhà thần học hiện đại không còn phân định thế giới ấy trong các giới hạn như vậy mà nhìn nhận các vấn đề thiên đàng, hoả ngục như là những trạng thái hạnh phúc và đau khổ của con người sau khi chết [2].

2. Tiến trình phát triển của định chế này

Trước hết, trong Giáo Hội vẫn đồng thời tồn tại hai bản tuyên tín (mà ta thường gọi là kinh Tin kính): bản tuyên tín các Tông đồ và bản tuyên tín của Công đồng Nicée (325) – Constantinople (381). Trong bản tuyên tín các Tông đồ, tín điều Chúa Giêsu xuống ngục tổ tông được khẳng định ngay từ thời Giáo hội sơ khai và được Kitô giáo trung thành gìn giữ qua các thế hệ [3]. Còn trong truyền thống Giáo Hội, định chế này lại được nhắc đến khá muộn, không phải trong lần họp công đồng chung đầu tiên, công đồng Nicée năm 325, mà chỉ xuất hiện trong tín biểu thế kỷ thứ V, công đồng Cachédoine năm 450, khi công đồng này chấp nhận và hoàn chỉnh bản tuyên tín của công đồng Nicée –Constantinople [4].

Từ đó, tín điều Đức Giêsu xuống ngục tổ tông mặc nhiên coi như được Giáo Hội thừa nhận và thuộc về nội dung của đức tin Kitô giáo. Công đồng chung Laterano IV chấp nhận chung kết vào năm 1215, và công đồng Lyon II trong bản tuyên xưng đức tin của Michele Paleologo năm 1274 đã tái khẳng định lại.

Tuy nhiên, bản kinh Tin kính chúng ta đọc trong thánh lễ hiện nay lại không còn công thức “Đức Giêsu xuống ngục tổ tông” này nữa [5]. Nhưng giáo lý Hội Thánh Công giáo vẫn long trọng xác định việc “Đức Giêsu xuống ngục tổ tông”, từ số 631 đến số 637 [6]. Phải chăng là có gì khúc mắc trong sự khác biệt này? Liệu có phải là thần học hiện đại đã có cái nhìn mới về tín điều này chăng? 

II. Đức Giêsu xuống ngục tổ tông

Có rất nhiều ý kiến khác nhau khi bàn luận về tín khoản Đức Giêsu xuống ngục tổ tông. Tuy nhiên, vì tính phức tạp của vấn đề mà các nhà thần học đều thống nhất “…chỉ có thể hiểu được tín khoản Đức Giêsu xuống ngục tổ tông khi chúng ta đặt nó trong tương quan với các Chân Lý Đức Tin khác, tức là nại đến một vũ trụ học, một nhân loại học, một cứu độ học … và một cánh chung học. Đồng thời giải thích tín khoản đó thông qua việc đào sâu ý nghĩa nhiệm mầu của nó.” [7].

1. Một tín điều mạc khải

Ngay từ phần mở đầu, chúng ta đã khẳng định tín khoản này có nền tảng vững chắc từ Kinh Thánh, đã được tiên báo từ thời Cựu ước và hiện thực hoá trong thời Tân ước. Quả thế, chúng ta sẽ chỉ dẫn các gợi ý của Cựu ước và minh xác của Tân ước, đồng thời xem xét đến quan điểm của Huấn quyền cũng như các giáo phụ và một số nhà thần học hiện đại về định chế này.

Trước hếtKinh Thánh Cựu ước đã nhiều lần, qua nhiều thời đại nói đến tình trạng “ngục tổ tông”, một tình trạng mọi người sau khi chết đều thuộc về đó (như đã nói ở mục I) mà tự sức con người bất lực và chỉ cậy trông sự giải thoát của Đấng cứu độ. Isaia viết “Nơi âm phủ chẳng ngợi khen Ngài được và sự chết chẳng tôn vinh Ngài được, những kẻ đã xuống mồ rồi chẳng còn trông cậy vào lòng Chúa tín trung” (Is 38,18). Tác giả Thánh vịnh cũng viết “Chốn tử vong ai nào nhớ Chúa, nơi âm phủ ai ngợi khen Ngài?” (Tv 6,6) hoặc “Chúa được lợi gì khi con phải chết, được ích chi nếu con phải xuống mồ? Nắm tro tàn làm sao ca tụng Chúa, và tuyên dương lòng thành tín của Ngài?” (Tv 30, 10). Từ đó, một ánh sáng loé lên, một niềm hy vọng dâng trào và một lời tiên báo khai mở. “Cho kẻ chết mà Chúa sẽ làm phép lạ sao? Những kẻ qua đời sẽ chỗi dậy để ca ngợi Chúa? Sự nhân từ Chúa sẽ được truyền rao trong mồ mả sao? hoặc sự thành tín Chúa được giảng trong vực sâu ư? Các kỳ công Chúa sẽ được biết trong nơi tối tăm sao? Và sự công chính của Chúa sẽ được rõ trong xứ bị bỏ quên ư?” (Tv 88, 10-12) [8].

Đó là những những quan niệm của người Do Thái về thế giới sau khi chết, chúng ta phải nhớ rằng toàn thể vấn đề này cần phải được suy nghĩ, không phải là về địa ngục như có khi chúng ta hiểu lầm từ ấy, nhưng là việc Chúa Kitô đã đến với những kẻ chết trong thế giới âm u tối tăm của họ, để cứu thoát họ ra khỏi đó.

Thứ đến, Kinh Thánh Tân ước mới là nền tảng cho tín khoản chúng ta đang nói tới. Giáo lý về việc Đức Giêsu Kitô xuống âm phủ trong tín biểu đức tin được đặt nền tảng trên hai mệnh đề trong thư thứ nhất của thánh Phêrô tông đồ: “Người đã đến rao giảng cho các vong linh bị giam cầm” (1Pr 3,19) và “quả thật, chính vì thế mà Tin Mừng đã được loan báo ngay cho cả những kẻ chết, để tuy bị phán xét về phần xác theo cách nhìn của loài người, họ được sống về phần hồn theo ý định của Thiên Chúa” (1Pr 4,6). 

Nhiều đoạn khác trong Tân ước cũng đã trực tiếp hay gián tiếp nói đến tín khoản đó. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Êphêsô đã nói: “Đức Giêsu đã xuống tận các vùng sâu thẳm dưới đất, Đấng đã xuống cũng là Đấng đã lên và dẫn theo một đám tù”(Ep 4,9-10). Hay là trong Công vụ tông đồ 3,15; hay Rm 8,11; hoặc 1Cr 15,20… cũng nói việc Đức Giêsu “chỗi dậy từ cõi chết”, tức là trước khi sống lại, Người đã ở nơi kẻ chết (x.Dt 3,20).

Giáo lý Hội Thánh Công giáo số 635 cũng đã nêu lại các quan điểm của Kinh Thánh để khẳng định “Đức Giêsu xuống âm phủ để kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa và ai nghe thì được sống (Ga 5,25). Đức Giêsu, Đấng khơi nguồn sự sống (Cv 3,15). Đã nhờ cái chết của người, tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ, và đã giải thoát những ai vì sự chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ (Dt 2,14-15)”.
10271    11-11-2018