Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Tội cố tình làm sai lệch luật phụng vụ

 

 
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

phungvu.jpg

Hỏi: Liệu là sai về luân lý chăng, khi cố tình làm sai lệch luật phụng vụ? Phạm tội như thế được đánh giá thế nào? - R. C., Bangalore, Ấn Độ.

 

Đáp: Đây là một câu hỏi rất khó trả lời, và đòi hỏi nhiều cấp độ và một số phân biệt tinh tế.

 

Từ quan điểm khách quan, một sự sai lệch trong phụng vụ có thể bao gồm từ một lỗi nghi thức nhẹ, đến sự lạm dụng lớn làm cho buổi lễ không hợp lệ và thậm chí là phạm thánh nữa.

 

 Câu hỏi về khả năng phạm tội luân lý cũng là một câu hỏi hóc búa, vì nó phụ thuộc cả vào thực thể khách quan của sự sai lệch, và thái độ chủ quan mà nó được thực hiện.

 

 Lỗi chất thể tương tự trong phụng vụ có thể được gây ra bởi sự thiếu hiểu biết, do một sự huấn luyện không đầy đủ, hoặc do biết nhưng cố tình không tuân theo các quy định phụng vụ. Do đó, khả năng phạm tội luân lý chủ quan sẽ tương ứng theo một cách nào đó với nhận thức và sự chủ ý của hành động.

 

 Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sự thiếu hiểu biết có thể góp phần vào khả năng phạm tội. Chẳng hạn, ít nhất là trong các vấn đề phụng vụ quan trọng, một linh mục không nên biện hộ cho sự thiếu hiểu biết, vì nhiệm vụ của linh mục là phải biết cách thực hiện các nghi thức phụng vụ chính yếu một cách đúng đắn. Linh mục có lẽ không nhận thức được một số quy định tóm tắt được giấu trong sách chuyên môn, nhưng ngài sẽ có lỗi nếu thiếu kiến thức về các nhiệm vụ thừa tác cơ bản của mình.

 

 Sự phán đoán về khả năng phạm tội chủ quan do sự lệch lạc phụng vụ là chủ yếu một câu hỏi về lương tâm, vì chỉ có con người phạm sai lầm, đôi khi nhờ sự hướng dẫn của vị linh hướng hoặc cha giải tội, mới có thể biết thái độ nội tâm của mình tại thời điểm hành động được thực hiện. Khả năng phạm tội luân lý này có thể xếp từ không có tội cho một sai lầm nhỏ, đến tội nặng cho một sự lạm dụng cố ý.

 

 Trong một số tình huống, người thực hiện hành vi lạm dụng sẽ công khai biểu lộ các lý do nằm bên dưới hành động, và điều này có thể làm giảm bớt hoặc làm trầm trọng thêm lỗi phạm. Thí dụ, tôi biết một linh mục được gửi đến một cộng đồng miền núi biệt lập, nơi đó Thánh lễ hiếm khi được cử hành do việc di chuyển phải mất nhiều giờ. Cha đến một nhà thờ đầy giào dân đang chờ, nhưng không có chén thánh trong phòng thánh. Cha sử dụng một chén tốt nhất mà cha có thể tìm thấy, nhưng nói với mọi người rằng cha đang làm điều đó như một ngoại lệ, và đó không phải là điều đúng để làm. Trong một bối cảnh hoàn toàn khác, cách nay vài năm, một linh mục châu Âu đã vi phạm nghiêm trọng luật phụng vụ, trong khi tuyên bố trước các người quay phim rằng cha biết những gì cha đang làm là vi phạm, nhưng cha đang hành động vì lý do ý thức hệ, vốn là trái với giáo lý Công Giáo.

 

 Liên quan đến sự phán đoán khách quan các hành vi lạm dụng phụng vụ, có lẽ tài liệu xử lý triệt để nhất đối với chủ đề này là Huấn thị Redemptionis Sacramentum (Bí tích Cứu độ) năm 2004. Cuối tài liệu này, trong Chương VIII, Huấn thị đưa ra một số gợi ý để xác định mức nghiêm trọng, và đâu là “các sửa chữa” như Huấn thị gọi tên. Xin mời đọc:

 

“169. Khi có một lạm dụng trong việc cử hành Phụng Vụ thánh, thì phải nhìn nhận đó là một sự làm sai đi thật sự phụng vụ Công Giáo. Thánh Tôma đã viết: “Ai thay mặt Giáo Hội hiến dâng cho Thiên Chúa một sự thờ phượng đi ngược với những hình thức mà Giáo Hội tự quyền Thiên Chúa đã thiết lập và chính Giáo Hội này thực hành, thì mắc lỗi giả mạo”.

 

“170. Để sửa chữa các lạm dụng đó, “công việc khẩn cấp nhất là đào tạo dân Thiên Chúa, mục tử và tín hữu, về mặt kinh thánh và phụng vụ”, để đức tin và kỷ luật của Giáo Hội liên quan đến Phụng Vụ thánh, được trình bày và lĩnh hội một cách đúng đắn. Tuy nhiên, nơi nào mà các lạm dụng vẫn tồn tại, thì phải hành động theo các quy tắc của giáo luật, để bảo toàn di sản thiêng liêng và những quyền của Giáo Hội, nhờ vào tất cả phương tiện chính đáng.

 

“171. Trong những điều lạm dụng khác nhau, xét về mặt khách quan, có phần là những graviora delicta (những tội phạm nặng hơn), có phần là những chất thể nặng và những lạm dụng khác nữa phải được quan tâm xa tránh và sửa chữa cẩn thận. Ngoài tất cả những gì được đề cập chính yếu trong Chương I của Huấn Thị này, phải ân cần quan tâm đến những điều quy định sau đây.

 

“1. NHỮNG GRAVIORA DELICTA (TỘI PHẠM NẶNG HƠN)

 

“172. Các graviora delicta nghịch cùng Hy Tế rất đáng kính và bí tích Thánh Thể phải được giải quyết theo theo “Quy tắc liên quan đến những graviora delicta dành cho Bộ Giáo Lý Đức Tin”, là :

 

            a) lấy hay giữ Mình Máu Thánh Chúa với mục đích phạm thánh, hoặc ném Mình Máu Chúa xuống đất ;

 

            b) không phải là linh mục mà dám cử hành phụng vụ Hy Tế Thánh Thể, hay giả bộ cử hành;

 

            c) đồng tế hy tế thánh thể, dù đã có lệnh cấm, với các thừa tác viên của các Cộng Đoàn giáo hội không có kế thừa các tông đồ và không nhìn nhận phẩm cách bí tích của việc truyền chức linh mục ;

 

            d) truyền phép với mục đích phạm thánh một chất thể này mà không có chất thể kia trong cử hành Thánh Thể, hoặc truyền phép cả hai chất thể ở ngoài cử hành Thánh Thể.

511    24-08-2019