Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Xe trả góp không mang theo giấy tờ gốc sẽ bị phạt

Các bạn thân mến !

Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, các nhà kinh doanh phải luôn nghĩ ra những cách thức cạnh tranh, đôi khi táo bạo, để có được khách hàng, đó là “mua bán trả góp”. Thế nhưng, đối với mặt hàng xe cộ, vì phải lưu thông với những luật lệ riêng biệt của nó, nên chúng ta cần lưu ý:

Tại Điều 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có quy định điều kiện của người lái xe tham gia điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:

1. Giấy đăng ký xe.

2. Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này.

3. Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật này.

4. Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Mặt khác, Điều 20a Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012) quy định: “Trong trường hợp tài sản thế chấp là tàu bay, tàu biển hoặc phương tiện giao thông quy định tại Điều 7a của Nghị định này thì bên thế chấp giữ bản chính Giấy chứng nhận sở hữu tàu bay, Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam, Giấy đăng ký phương tiện giao thông trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực”

Theo đó, Điều 7a của Nghị định 163/2006/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa và phương tiện giao thông đường sắt.

Như vậy, khi tham gia giao thông người điều khiển phương tiện bắt buộc phải mang theo các giấy tờ quy định tại Điều 58 Luật giao thông đường bộ. Đối với trường hợp có giao dịch bảo đảm thì bên thế chấp là bên giữ bản chính Giấy đăng ký phương tiện giao thông trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực. Do đó, nếu khi bị kiểm tra mà người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không xuất trình được Giấy đăng ký xe thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị đinh 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.

Khẳng định việc xử phạt như trên là hoàn toàn chính xác. Gần đây, công an các địa phương, Cục CSGT (Bộ Công an) có văn bản số 2916/C67-P9 ngày 31/5/2017 với nội dung: "Đối với những phương tiện thế chấp ngân hàng khi tham gia giao thông thì bên thế chấp (người mua xe) được giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký xe trong thời hạn hợp đồng có hiệu lực theo đúng quy định tại Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch đảm bảo và công văn số 3851/NHNH-PC ngày 24/5/2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam".

Đồng thời ngày 24/5/2017, Ngân hàng Nhà nước cũng có văn bản 3851/NHNN-PC ngày 24/5/2017 yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện nghiêm túc các quy định về việc thế chấp tài sản, nhất là phương tiện giao thông. Cụ thể, khách hàng giữ bản chính giấy đăng ký phương tiện giao thông trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực theo Nghị định 163/2006/NĐ-CP.

Chính vì thế: Người mua xe trả góp phải yêu cầu ngân hàng trả lại đăng ký xe bản gốc để tham gia giao thông hợp pháp.

Luật sư Đặng Chung                                                             

 

Công ty tư vấn luật An Ninh

1242    07-07-2017