Giữa không gian tĩnh lặng, một người phụ nữ nghẹn ngào thốt lên những lời buồn bã như sau: “Anh không ở trong hoàn cảnh của tôi nên anh không hiểu được đâu!”, rồi chị nhìn về một chân trời vô định với đôi mắt đỏ hoe.
Phải lắm, người ngoài cuộc thường hiểu rất ít, hoặc không hiểu hay thậm chí có thể hiểu sai một người nào đó với hoàn cảnh riêng tư của họ. Từ đó, những thái độ thường thấy của người ngoài cuộc trước một biến cố nào đó mà người anh chị em của mình đang gặp phải là tội nghiệp (thương hại), dững dưng, xem thường, kết án. . .!
Một sự thật đáng buồn là con người ngày nay xem ra ngày càng dững dưng hơn trước những đau khổ của ngày khác và hay làm ngơ trước những sự dữ hoặc bất công đang diễn ra trước mắt mình hằng ngày. Mấy ngày gần đây, dư luận rất bất bình khi xem thấy một đoạn vidéo được phát tán nhanh chóng với cảnh hai nữ sinh đánh nhau giữa trung tâm thành phố, trong khi đó các bạn học của họ điềm nhiên ngồi xem và ghi hình để tung lên mạng thay vì can ngăn. Theo Ông Phương Duy (Phó Hiệu trưởng trường Cán bộ TP. HCM): Phải chăng ở các bạn trẻ ấy, ý thức bảo vệ giá trị nhân phẩm của mình đang bị chính họ xem thường khi xem việc đánh đập, làm nhục người khác là bình thường giữa nơi công cộng như thế? Còn với những bạn trẻ bàng quang ngồi xem, dường như các bạn trẻ ấy đã bị trơ lì cảm xúc, không chút lòng trắc ẩn. Biểu hiện ấy giống như kết quả của thói quen "sống chết mặc bay" đã hình thành và ăn sâu từ lâu.
Lối sống thiếu tình người diễn ra rất phổ biến trong thời đại ngày nay, đặc biệt nơi các thành phố lớn! Người ta thừong hỏi đâu rồi lối sống tương thân tương trợ: “chị ngã em nâng”, “lá lành đùm lá rách”, “Tứ hải vai huynh đệ”. . .vốn là nét rất đẹp và độc đáo của người Việt Nam chúng ta!
Sự đồng cảm là nét đẹp rất riêng nơi tâm hồn của con người, đặc biệt ở nơi những tâm hồn cao thượng. Sự đồng cảm làm cho con người xích lại gần nhau, hiểu nhau hơn để rồi thương yêu nhau nhiều hơn. Sự đồng cảm thường khởi đi từ những con người ở trong cùng một cảnh ngộ hoặc những người khác hoàn cảnh sống với nhau nhưng họ lại có tấm lòng bao dung, rộng lượng và hay thương cảm trước cảnh ngang trái của người anh em mình. Sự đồng cảm rất cần nơi những người có trách nhiệm lo lắng cho người khác (về phần xác lẫn phần hồn). Thế nhưng, có mấy ai khi “làm lớn” rồi lại chịu hạ mình xuống để đặt mình vào hoàn cảnh của người cấp dưới để cảm thông hay đồng cảm với họ?!
Người thường dân, cấp dưới thường phải mang trên mình bao nhiêu gánh nặng trên đôi vai của mình, vì mưu cầu cuộc sống, vì hoàn cảnh bấp bênh trong thân phận “bọt bèo” và “lênh đênh” của mình. Vì thế, họ rất khó tạo cho mình có cuộc sống ổn định dù đó là niềm mơ ước của họ. Hơn ai hết, những người này rất cần có người đồng cảm với họ, nhất là những người “cấp trên” của họ. Sự đồng cảm ấy đôi khi chỉ cần là một cử chỉ ân cần, một lời nói an ủi, một sự khích lệ chân thành. Họ ao ước sao cho “cuộc đời” đừng hành hạ họ nữa.
Đặc biệt, những người Kitô hữu rất cần những vị mục tử của họ biết cảm thông với họ thật nhiều, như cha mẹ cảm thông cho con cái của mình vậy! Có những vị đã sống rất tốt chức năng này và đã để lại “dấu chứng cực đẹp” cho tình yêu Đức kitô giữa dòng đời vốn quá nhiều những đau khổ này, khiến cho nhiều thế hệ phải ghi nhớ và ca khen. Các ngài đã làm cho nhiều mãnh đời tưởng như “đã xuống mồ” rồi được đứng dậy và giúp họ có sức mạnh tinh thần làm lại cuộc đời từ những hố bùn lầy đe tối. Vì thế, mỗi lần nhìn lại cuộc đời của mình là mỗi lần những người tín hữu ấy nhắc đến công ơn “cứu mạng” của các ngài. Đẹp biết là ngần nào. Đó chẳng phải là cách giải quyết vấn đề của Chúa Giêsu với người phụ nữa bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, với Dakêu, với Matthêu. . . ngày xưa đó sao? Ngài cảm thông và mở ra con đường sống mới cho họ. Ngài tin tưởng trao phó tương lai cho họ. Đẹp biết bao hình ảnh của những người khai mở con đường sống cho người khác vì tình yêu thương và sự đồng cảm sâu sắc.
Nhưng cũng đáng buồn thay, không ít người dường như không bao giờ biết cảm thông với người khác. Cứ lấy mình làm chuẩn mực để đo lường tất cả. Luật lệ tự do bày ra rồi áp dụng cách cứng ngắc cho mọi người. Lý do chỉ vì ngại khó, ngại hy sinh và sâu xa là thiếu tấm lòng bao dung. Chuyện này xảy ra ở ngoài xã hội nơi các công sở, cơ quan đã đành, vì người ta là những người làm công để nhận tiền lương, để được trả công ở đời này. Nhưng điều đáng nói là trong Giáo hội của Chúa, có nhiều mục tử cũng xử sự như thế. Không ít những vị mục tử tự ra “luật”: chỉ ngồi toà vào lễ sáng thứ 5, chỉ giải quyết số sách giấy tờ vào sáng thứ 6, và đủ thứ “chỉ” được đặt và giăng ra, khiến người ta thấy ngao ngán quá! Thấy sợ quá! Đạo của Chúa như thế sao?! Đâu rồi tấm lòng bao dung, đâu rồi sự cảm thông và tận tuỵ của người cha nhân hậu đối với con cái của mình?!
Đành rằng phải có luật lệ cho mọi sự được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả, nhưng trên hết mọi sự cần phải có một tấm lòng của người cha yêu thương thật sự. Mỗi người là mỗi hoàn cảnh khác nhau. Vì thế, dùng một “cái khung” dù cho đẹp cách mấy mà để đo lường hết từng mọi người thì quả một sự “bất công” quá lớn! Hành động như thế là “chất lên vai người khác những gánh nặng không thể vác nổi mà mình thì lại không buồn lay ngón tay nhấc thử”! Nếu các mục tử của Chúa ngày nay hành động như thế thì có khác chi những Biệt Phái và Luật sĩ ngày xưa từng bị Chúa Giêsu chỉ trích và kết án.
“Thức đêm mới biết đêm dài”. Hãy tự đặt mình vào trong hoàn cảnh của người khác để đồng cảm, để yêu thương, để nên nhân từ như Cha trên trời! Đẹp lắm những tấm lòng nhân ái và cảm thông. Ước gì hương thơm ấy được lan rộng và lan xa khắp mọi nơi để mọi người cảm thấy cuộc đời đáng yêu và đáng sống biết bao!
2322 14-02-2011 10:02:51