Sidebar

Thứ Sáu
17.05.2024

Huyền Nhiệm "Được Sai Đi"

Mừng kỷ niệm 12 năm linh mục của Cha Giuse Trần Quốc Bảo

 

Đối với mình, tháng Mười năm nay (2012), có nhiều sự kiện đáng lưu tâm và ghi nhớ kỹ để chung tâm tình cảm tạ riêng tư, hòa cùng niềm vui chung với Giáo hội và Họ đạo trong xây dựng và thăng tiến đời sống đức Tin của người Kitô hữu.

Nói là đáng lưu tâm và ghi nhớ kỹ quả thật là không "ngoa" chút nào, bởi lẽ:

- Ngày 07/10/2012, Giáo Hội Công Giáo đã có thêm hai vị Tiến Sĩ Hội Thánh: vị Tiến Sĩ thứ 34 của Hội Thánh là thánh Gioan Avila (Tây Ban Nha), và vị Tiến Sĩ thứ 35 là thánh nữ Hildegard von Bingen (Ðức).

- Ngày 11/10/2012, Kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Vatican II được Chân phước Giáo hoàng Gioan XXIII triệu tập vào ngày 11/10/1962. Đây là Công đồng thứ 21 của Giáo hội Công giáo Lamã. Bất ngờ là tại phiên họp khai mạc của Công đồng, có bốn người sau này trở thành Giáo hoàng đó là: Hồng y Giovanni Battista Montini, tức là Giáo hoàng Phaolô VI (kế vị Đức Gioan XXIII); Giám mục Albino Luciani, tức Giáo hoàng Gioan Phaolô I; Giám mục Karol Wojtyła, tức Giáo hoàng Gioan Phaolô II; và linh mục Joseph Ratzinger, 35 tuổi, có mặt trong vai trò cố vấn thần học, hiện giờ là đương kim Giáo hoàng Biển Đức XVI.

- Ngày 11/10/2012, Kỷ niệm 20 năm ban hành sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (11/10/1992), một cống hiến lớn của Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II đối với Giáo Hội.

- Ngày 11/10/2012, Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI khai mạc Năm Đức Tin trên toàn thế giới, để mời gọi toàn thể Giáo hội "làm mới" việc sống đức tin của mình, thực hành một đức tin sống động, toàn vẹn và mạnh mẽ trong một thế giới đang biến chuyển nhanh và ngày càng thế tục hóa như hiện nay.

- Ngày 13/10/2012, Họ đạo mình kỷ niệm 95 năm Đức Mẹ hiện ra lần cuối ở Fatima (13/10/1917) - Một bài học "kiên tín" ở mọi thời đại, trong bất cứ hoàn cảnh nào; qua đời sống khiêm nhu và vâng phục của Mẹ Maria.

- Ngày 18/10/2012, Lễ kính Thánh Luca, tác giả sách Tin Mừng. Đức Giám mục Tôma Nguyễn Văn Tân khai mạc Năm Đức Tin trong toàn Giáo phận Vĩnh Long - cũng là ngày Kỷ niệm 12 năm (18/10/2000) Cha Giuse Trần Quốc Bảo "được sai đi", đến với Họ đạo Bình Đại và các giáo họ lẻ trực thuộc với trọng trách là chánh sở.

Người ta thường hay kỷ niệm các sự kiện quan trọng trong đời vào các dịp 15 năm, 20 năm, 25 năm, v.v... Thế nhưng việc ghi nhớ 12 năm "được sai đi" của cha Giuse, thật là có ý nghĩa hết sức đặc biệt khi kết hợp cùng các sự kiện xảy ra trong Giáo hội ở tháng 10 này.

Từ ý nghĩa con số 12 ...

Con số 12 gợi cho chúng ta nhớ việc Đức Giêsu thiết lập Nhóm Mười Hai là những Tông đồ tiên khởi. Cũng như Đức Giêsu đã đi con đường Người Tôi Tớ Giavê, Người "được sai đi" đến với muôn dân (x. Is. 42,6; 49,6), mệnh lệnh sai đi (x. Lc. 9,1-6; 10,2-11) cũng được ban truyền cho Nhóm Mười Hai và các môn đệ khác để họ tiếp nối sứ vụ của Đức Kitô. Đây là sự "tuyển chọn" để "được sai đi" của Đức Kitô (x. Lc. 6,13; Ga. 6,70) đã được Chúa Cha tuyển lựa (x. Ga. 6,37; 17,2) và được thực hiện dưới sự tác động của Thần khí (x. Cv. 12); để minh chứng rằng Thiên Chúa chỉ muốn xây dựng Giáo hội của Ngài trên những chứng nhân Ngài đã đặt để (x. Cv. 10,41; 26,16). Việc tuyển chọn của Thiên Chúa trong Giáo hội vẫn còn là một thực tại sống động. Đoàn sủng trong Giáo hội cho thấy việc tuyển chọn và sai đi không bao giờ tàn lụi (x. Cv. 6,1-6). Để từ nay sứ vụ tông đồ (Apostolat) của Giáo hội không chỉ giới hạn trong hoạt động của Nhóm Mười Hai. Quyền bính của các Tông đồ vẫn được thực thi do các thủ lãnh được các ngài tuyển chọn và bổ nhiệm để thi hành tác vụ trên nghi thức Đặt Tay (x. 2Tm. 1,6). Chính Chúa Giêsu đã muốn như thế; Ngài đã muốn bội tăng sự hiện diện và phổ biến Tin Mừng Cứu Độ qua những người hiện thân của mình: Những người được Xức Dầu, được Đặt Tay, và được Sai Đi! Để từ đây họ được trở thành chứng nhân của Đức Kitô Phục Sinh, mang lại cho sứ vụ của người tông đồ một tính cách độc đáo; đó chính là biểu hiệu chính thức cho Đấng Phục Sinh trong Giáo hội và mãi mãi được xây trên nền tảng tông-đồ-đoàn của Nhóm Mười Hai, nhưng chỉ những ai được Đấng kế vị các Tông đồ trao quyền mới được thi hành nhiệm vụ này. Đây quả là một phương thế hết sức tuyệt diệu và mầu nhiệm để Thiên Chúa luôn đồng hành, và ở cùng với con cái của Ngài là Giáo hội cho đến ngày thế mạt.

12 năm "được sai đi" huyền nhiệm là thế; nhưng đáng tiếc thay, nhiều người đương thời chỉ nhìn Giáo hội dưới khía cạnh trần gian; họ xem Giáo hội giống như một xã hội lan rộng khắp hoàn cầu và được tổ chức quy củ, là sự liên kết những người có cùng một niềm tin và cùng những nghi thức phụng tự mà thôi. Vì vậy, ý nghĩa của vấn đề "được sai đi" (Apostello) được nhìn phiến diện theo con mắt "phàm nhân"; thiên hạ chỉ đơn giản nghĩ rằng việc "ở lại" hay "đi khỏi" nơi chốn mục vụ của các mục tử là chuyện do cơ cấu phân bổ, là nhu cầu thị hiếu, là điều tiết xã hội, là tâm thức đương đại của tín hữu... để từ đó tự cho mình cái quyền tham vấn, hiệp thương trong sứ vụ "được sai đi" của các mục tử, quả là một đòi hỏi bộc lộ đức tin hời hợt, yếu kém, và hết sức phi lý đối với năng quyền của các Đấng kế vị các Tông đồ.

12 năm "được sai đi" để thực hiện sứ vụ được giao cho mình, đó là: Kẻ "được sai đi" luôn luôn hành động nhân danh người-sai-đi và người-sai-đi luôn gần gũi, nâng đỡ người lãnh nhiệm vụ, như Thiên Chúa hằng hiện diện nơi Chúa Giêsu và Chúa Giêsu hằng ở với Giáo hội (x. Mt. 28,20). Đây là một đặc điểm của đoàn-sủng-tông-đồ, một ân huệ nhưng không của Thiên Chúa (khárisma). Bằng ngược lại nếu không thể hiện đặc điểm trên, thì chỉ là người "được sai đi" giả hiệu, bất trung (x. 2Cr. 11,13-14).

12 năm nhìn lại việc "được sai đi" của Cha Giuse để chúng ta nhận biết sự huyền nhiệm trong cái thô ráp tầm thường, và nhận thấy sự linh thánh trong cái mỏng dòn dễ vỡ!

... đến "ôn cố, tri tân"

Nhân kỷ niệm 12 năm Cha Giuse "được sai đi" để đến với một Họ đạo nghèo nơi miền duyên hải Bến tre; một Họ đạo nói được là còn "nghèo" nhiều từ đời sống vật chất, đến sự trưởng thành đức tin. Đây cũng là dịp thuận tiện để mục tử và đàn chiên cùng "ôn cố, tri tân".

Trong vị thế người "được sai đi", đây sẽ là cơ hội để vị mục tử sắp xếp ôn nhớ, điểm xuyết lại những chuyện đã qua, những chuyện lâu nay, hoặc xảy ra mới đây.

"Ôn cố" để nghiêm khắc xét mình:

 Nhớ lại, nhìn lùi quãng đường mục vụ đã qua; thành công cũng nhiều nhưng thất bại cũng chưa chắc ít. Nhưng không phải vì thế để mà ưu tư, lo lắng, giận dỗi, chán chường, bất an, hay thất vọng. Nhưng qua đó để biết "tri tân", biết nhận ra những điều mới mẻ trong cuộc sống: Biết vững tin vào tình yêu Thiên Chúa; biết kiên tâm trung tín chu toàn nhiệm vụ mà người-sai-mình giao cho; và luôn làm theo ý của người-sai-mình chứ không được quyền làm theo ý riêng của mình (x. Ga. 13,16)

"Tri tân" để nhận thấy những cái mới trong sứ vụ khả thi:

- Người "được sai đi" chân chính, ý thức có Chúa luôn ở cùng với mình và mình được ban cho năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa lành các bệnh tật (x. Lc. 9,1-2). Tuy nhiên, trước hết người "được sai đi" phải tự chiến thắng được satan, các thế lực của nó, và sự dữ nơi chính bản thân mình; người "được sai đi" không còn sống theo con người cũ để trở nên những chứng nhân tiêu biểu nhờ sống bên cạnh Chúa Giêsu; thay đổi cách sống, cách nghĩ từng ngày, và thấm nhuần tinh thần của Nước Trời.

- Người "được sai đi" được mời gọi phải siêu thoát với mọi sự trần gian, chú tâm tìm kiếm của cải Nước trời. Phong thái nhẹ nhàng, giống như những lữ hành lòng không vương vấn bất cứ sự gì, họ luôn sống trong tư thế lên đường, sẵn sàng ra đi, không định cư ở một nơi nào nhất định

- Người "được sai đi" không vênh vang tự mãn khi thành công, không bất mãn thất vọng khi bị chống đối, không nản lòng khi gặp thất bại.

- Người "được sai đi"  biết nhìn vào những người--mình-được-sai-đến để sống khiêm tốn, hiền hòa, dám chịu đựng cả những bất công như chiên con đi vào giữa bầy sói (x. Lc. 10,3).

- Người "được sai đi"  biết quý chuộng phục vụ hơn là "ăn trên ngồi trốc" (x. Mc. 9,35); biết dành quyền ưu tiên cho các "chiên lạc" (x. Mt. 10,6); biết tha thứ (x. Mt. 18, 21-35); không khai trừ những kẻ phạm tội công khai trước khi cố gắng khuyên nhủ họ (x. Mt. 18,15-18); ....

"Ôn cố, tri tân" để mục tử và đàn chiên nhìn thấy sứ vụ "được sai đi" là một huyền nhiệm linh thiêng, là vẻ đẹp của con đường Ơn gọi. Từ đó cảm nhận được hạnh phúc, vì được chính hai bên (mục tử và đàn chiên) khám phá, và từ khám phá họ bắt gặp hạnh phúc thật sự.

Nên biết rằng mỗi người có thể là dụng cụ Thiên Chúa dùng để mang ơn cứu độ cho những người sống xung quanh mình (1Cr. 12,4-11). Xin cho mỗi người nhận ra Ơn gọi của riêng mình; để hạnh phúc, để trở thành dụng cụ Thiên Chúa dùng, và để trở nên phương tiện đến với con người hôm nay!

Cát Biển

964    23-10-2012 19:48:47