Sidebar

Thứ Sáu
17.05.2024

Tín

Cổ Học Tinh Hoa có ghi lại câu chuyện như sau:

Nước Lỗ có một cái đỉnh[1] quý. Nước Tề bắt phải đem dâng cống. Vua nước Lỗ cho làm một cái đỉnh giả đem sang. Vua nước Tề bảo phải có Chính Tử đem đỉnh sang mới tin. Vua nước Lỗ cho gọi Chính Tử đến và truyền mang cái đỉnh giả sang nước Tề.

Chính Tử thắc mắc: "Tại sao không đưa cái đỉnh thật đi?".
Vua Lỗ cho biết là ông rất quý cái đỉnh. Nghe thế Chính Tử liền thưa:
- "Nhà vua quý cái đỉnh ấy thế nào, tôi cũng quý chữ tín của tôi như thế".

Sau vua nước Lỗ đành phải đưa cái đỉnh thật ra; Chính Tử mới chịu đi.

Khi chiết tự chữ Tín (), ta thấy nét chủ () trên cùng nằm trong bộ nhân, kế đến là chữ nhất () nằm trên chữ nhị () và dưới cùng là chữ khẩu (). Ám chỉ nếu là người, hễ mà một thì nói một, hai thì nói hai; tức là người chân thật, thành tín, có chữ Tín, có niềm tin. Theo cách nói bình dân: bụng nghĩ sao thì nói như vậy, làm y như vậy không hề dối láo; hầu có được tiếng khen hay để tránh né, che giấu cái lỗi phạm, sai trái của mình. Tín còn được xem như là Niềm Tin. Thế mới biết chữ Tín trọng hệ như thế nào đối với cuộc đời con người. Sự trọng hệ này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống nhân bản và luân lý của một cá nhân, mà còn ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống gia đình, ảnh hưởng đến sự an bình và hạnh phúc giữa các quốc gia; có thể nói được là ảnh hưởng không nhỏ đến sự kiến tạo hòa bình thế giới. Thật vậy, người ta có lý để gọi nhân loại là một đại gia đình. Nếu đời sống gia đình được xây dựng trên chữ Tín, nghĩa là trên sự chung thuỷ giữa vợ chồng, trên sự tín nhiệm giữa cha mẹ và con cái, thì quan hệ giữa các quốc gia cũng phải được nuôi dưỡng bởi sự trung tín. Chiến tranh giữa các quốc gia hầu hết đều phát xuất từ sự bội tín. Có biết bao hiệp ước hay thoả ước đã được ký kết để rồi ngang nhiên bị phá bỏ, đây là một hành động bội tín. Khi chữ Tín không còn được tôn trọng thì bản thân con người ắt bị tha hóa, sự an bình và phát triển của xã hội cũng bị lung lay chao nghiêng.

Chữ tín trọng yếu đến độ Khổng Tử đã nói: "Người không Tín thì không đứng được ở đời".

Vậy nên, người mà không Tín tức là người không chân thành, có thể là người giả dối, trí trá, lừa đảo, xảo trá, gian ngoa, mưu mô, quỷ quyệt. Người không Tín có thể không chân thành bằng ngôn ngữ như: nói láo, nói dối, thề gian; không chân thành bằng cử chỉ như: cách ngó xem đi đứng giả bộ giả hình bằng hành động, như làm chứng gian, chứng dối, gieo rắc sự dối trá trong giao tiếp, trong sinh hoạt...

Tín cũng là một thuộc tính của Thiên Chúa (x. Xh 34,6 tt). Sự thành tín (fidélité) của Thiên Chúa được biểu lộ qua mối tình của một Người Cha Nhân Lành đối với Dân Ngài tuyển chọn. Ngài là "khối đá không lay chuyển", Lời Ngài hứa sẽ hiện diện (x. Is 40). Nhưng Ngài đòi hỏi Dân Ngài phải trung thành với Giao Ước. Và chính Chúa Giêsu Kitô là "Người Tôi Tớ Tín Thành"; nơi Người mọi Lời Hứa của Thiên Chúa được thực hiện (2Cr 1,20). Chữ Tín của Thiên Chúa được tỏ hiện hoàn hảo và rõ nét nhất chính là khi, Đức Giêsu - Người Tôi Tớ  - nhất quyết lên đường đi Giêrusalem để vâng lời cho đến chết.

Tuần Thánh nhắc nhớ cho mỗi tín hữu Kitô thấy sự Tín thành, yêu thương, tha thứ của Thiên Chúa đối với con người càng cao vời vĩ đại bao nhiêu thì sự bội tín, thất ước, dối láo, gian ngoa, quỷ quyệt... của con người càng dày, càng nhiều bấy nhiêu. Sự vô tâm, thờ ơ và dửng dưng được thể hiện trong Bữa Ăn Tối Sau Cùng; trong bầu khí u buồn thầy trò sắp sửa ly biệt thì các môn đệ của Thầy Giêsu còn cãi nhau sôi nổi xem ai trong Nhóm được coi là người lớn nhất (Lc 22,24). Rồi khi đến giờ Con Người sắp bị nộp vào tay những kẻ tội lỗi thì ba vị môn đệ có "số má" trong Nhóm Mười Hai vẫn "vô tư" ngủ khò, mặc cho Thầy của mình buồn rầu xao xuyến bồi hồi, mồ hôi tuôn ra như máu (x. Mt 26,36-45; Lc 22,44). Khi giờ của Con Người đã điểm, lúc này "Giuđa tới ..., dẫn một toán quân cùng đám thuộc hạ của các Thượng tế và nhóm Pharisiêu; họ mang theo đèn đuốc khí giới..." để bắt Người trong đêm (Ga 18,3). Đây quả là giờ của bóng tối, giờ của sự dữ và sự ác làm chủ tình thế; và cũng là giờ của dối gian, nhát đảm, bất tín của lòng người trỗi dậy. Chính lúc cần sự quả cảm, tín trung của các môn đệ thì cũng là lúc các ông "tham sống sợ chết" bỏ Thầy của mình mà chạy trốn hết (x. Mt 26,56b); thậm chí có một chàng trai trẻ bỏ cả áo quần mà trần truồng thoát thân vì quá hãi! (Mc 14,50-51). Phiên thẩm vấn Đức Giêsu trong tư dinh của thượng tế Cai-pha vào ban đêm, đã tố cáo phiên tòa bất minh này đồng lõa với sự dữ; nó góp phần che lấp lý trí của những người tham dự phiên tòa mờ tối này. Đó là giờ của quyền lực tăm tối. Tất cả mọi chứng cứ kết án đều nằm trong mưu đồ gian dối (Mt 26,59 tt). Mọi sự vật lúc này đã nhuốm một màu đen đồng lõa cho sự dữ. Chính nụ hôn phản bội của Giu-đa Ít-ca-ri-ốt: bán đứng thầy mình, đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh: "Cả bạn thân con hằng tin cậy, đã cùng con chia cơm sẻ bánh, mà nay cũng giơ gót đạp con" (Tv 40,10). Sự dối gian, nhát đảm, và bất tín của lòng người được tô rõ đậm nét ở một Phêrô mới hùng hồn tuyên bố trước đó không lâu, cho dù phải vào tù hay phải chết với Thầy mình đi nữa thì cũng sẵn sàng liều mình một phen, nhưng rồi lại chối bai bải; sự thất tín này được cam kết chắc nịt tới ba lần! (Mt 26,33.35; Lc 22,33); lời tuyên bố "lửa rơm" này không chỉ có chàng Phêrô nông nổi, mà còn có tất cả các môn đệ khác cũng nói thế, nhưng sự thật thì trái ngược (Mc.14,31b). Thế mới biết hễ "có" thì phải nói "có", "không" thì phải nói "không" như lời dạy của Thầy Giêsu là không phải dễ thực hiện (Mt 5,37), chính sau này môn đệ Giacôbê đã có kinh nghiệm xương máu về chuyện này khi khuyên nhủ người khác (Gc 5,12). Thế mới biết dù đã nhận biết được các mầu nhiệm Nước của Trời (Mt 13,11 ss), nhưng các môn đệ của Chúa Giêsu vẫn phải chiến thắng chính mình, quyết tâm dấn thân, dám hy sinh từ bỏ mọi vinh hoa phú quý và quyền bính đời này; để nối gót theo Thầy Giêsu trên con đường chữ Tín: tín thác, tín trung, tín thành, tín ái. Các môn đệ mặc dù được sống kề cận bên Chúa nhưng vẫn chưa quen sống tin tưởng, một niềm tin tưởng loại trừ tất cả mọi lo lắng và sợ hãi (Lc 12,22-32 ss). Bởi vậy sự thách đố của cuộc Thương Khó trở nên một cớ vấp phạm cho họ. Lúc đó, những điều họ xem thấy đòi hỏi họ phải mạnh tin. Niềm tin của các môn đệ khi xưa còn phải "vượt qua" một bước quyết liệt, khi các ngài Tin vào sự sống lại của Thầy Giêsu sau nhiều lần ngập ngừng, ngờ vực trước những lần hiện ra của Người. Chỉ đến khi là chứng nhân về tất cả những điều Đức Giêsu đã nói và đã làm (Cv 10,39 tt), các môn đệ đã loan truyền Người là Chúa và là Đấng Kitô; trong Người các lời hứa đã được hoàn tất một cách âm thầm; đức Tin của các ngài giờ đây có thể sẵn sàng đi đến chỗ đổ máu (x. Dt 12,1-4); và kêu gọi mọi người chia sẻ lòng Tin đó để hưởng Lời Hứa Cứu Độ của Thiên Chúa bằng cách lãnh nhận Ơn tha tội, qua việc lãnh nhận Phép Rửa (Cv 2,38 tt; 10,43). Từ đây, chữ Tín của Giáo Hội đã được khai sinh.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng luôn biết kiên tín, phó thác, hy vọng, và một sự hiểu biết thâm sâu về sự tín thành, yêu thương của Chúa từ muôn đời cho đến hiện nay, và luôn mãi thiên thu vạn đại.

Xin cho chúng con nhận chân được dung nhan của Ngài, đến bây giờ vẫn đang chịu khổ nạn vì sự bội phản, thất tín của chúng con vẫn đang diễn ra mỗi ngày đâu đó trong cuộc đời ô trọc này; để chúng con biết vứt bỏ những ý đồ bất chính, những thủ đoạn lọc lừa, những ích kỷ nhỏ nhen, mà trung tín với tình yêu tự hiến của Ngài.

Xin Chúa cho chúng con biết: Sự thật, chính Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng con, đã gánh chịu những đau khổ của chúng con, còn chúng con, chúng con lại tưởng Người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng họa, phải nhục nhã ê chề. Chính Người đã bị đâm, vì chúng con phạm tội, bị nghiền nát vì chúng con lỗi lầm; Người đã chịu xử tử để chúng con được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng con được chữa lành (x. Is 53,4-5).

CÁT BIỂN

 

[1] Đỉnh là thứ trọng khí được đúc bằng kim loại, thường có hai quai (tai) và ba chân; nguyên nghĩa là đồ để nấu ăn thời xa xưa. Nhưng đỉnh cũng là tượng pháp để tượng trưng cho quyền lực thống trị của nhà nước quân chủ.

1772    27-03-2013 13:56:54