Sidebar

Thứ Năm
16.05.2024

Trung Thu Mơ Ước

Tết Trung Thu, Chúa Nhật ngày 07.10.2012, là một đêm có thể nói không bao giờ quên được dưới ánh mắt long lanh của các em thiếu nhi hòa lẫn muôn tiếng cười giòn và niềm vui trào dâng trong lòng mọi người. Lần đầu tiên Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tổ chức Trung Thu cho các em thiếu nhi người Việt Hải Ngoại tại thành phố Nice, nằm ven bờ biển địa Trung Hải, bên kia là dải núi Les Alpes, miền Đông Nam của nước Pháp. Sau khi mọi người cùng hiệp thông tham dự Thánh Lễ đầu tháng thật sốt sắng, nghiêm trang tại ngôi Thánh Đường Saint Étienne.

Tối nay, có trên 200 người lớn nhỏ hiện diện cả ba miền Bắc Trung Nam xiết lấy tay nhau tạo thành vòng tròn yêu thương.  Mọi người cùng nhau vui chơi, múa lân, múa nón, múa quạt, ca hát, ăn bánh và rước đèn Trung Thu. Biết bao là niềm vui được hòa quyện cùng lồng đèn và ánh nến lung linh dưới ánh trăng rằm nơi đất khách. Khoảnh khắc đó như được ghi lại một dấu ấn đẹp vào tâm hồn của mỗi người trong chúng ta. Cái mát thật nhẹ nhàng qua từng cơn gió làm tung bay từng chiếc lá vàng rơi xào xạc dưới đôi chân bước trên con phố nhỏ, khơi dậy đâu đây một nỗi nhớ triền miên của một khung trời gần xa. Nhưng khi Thu về, đâu chỉ gợi nhớ những kỷ niệm trong tim của những đôi tình nhân mà còn mang tính chất đặc biệt hơn thế với không khí của một ngày hội. Nó lại mang ta về với niềm vui của tuổi ấu thơ và những ký ức êm đềm hồn nhiên của một thời đã qua. Năm nay, Tết Trung Thu trong niềm mong mỏi của trẻ thơ ở quê nhà và còn cho những ai mà thời gian chưa mang đi tâm hồn con trẻ. Nhưng đối với các em thiếu nhi ở vùng Nice này, dường như Trung Thu chưa bao giờ để lại trong các em một ấn tượng đẹp nào khác như đêm nay. Trang phục chiếc áo bà ba, tay ôm bó lúa, cuốc đất, cấy cày... hòa với bản nhạc 'Bức Họa Đồng Quê'. Hình ảnh ấy như in đậm nét trong các em, tuy được sinh ra trên quê hương không như là của Ba Mẹ. Các em cũng có dịp hình dung ra được cuộc sống của Ông Bà, một số bạn bè thân quen đang sống trên đất Việt hằng ngày phải len lỏi từng mảnh ruộng thửa vườn.

Tôi nghe đâu đây, một đứa bé ngây thơ hỏi mẹ rằng:

Trung Thu là tên của cô chú mà con thường gặp khi đi lễ Việt Nam mỗi Chúa Nhật đầu tháng, có phải không mẹ?

Nghe con nói thế, mẹ mỉm cười rồi nhè nhẹ âu yếm vuốt tóc con và trả lời:

Không phải như thế đâu con ạ. Trung có nghĩa là giữa, còn Thu là mùa Thu. Như vậy, ngày lễ Hội Trăng Rằm, hôm nay mặt Trăng tròn nhất và trong sáng hơn mọi khi nó lại rơi vào giữa mùa Thu, còn gọi là ngày rằm tháng tám âm lịch. Tết Trung Thu, đặc biệt của ngày ấy là ngày dành cho các con trẻ được vui đùa, như hôm nay con nhìn thấy đấy chứ!

Ngẫm nghĩ những lời mẹ vừa nói, cậu bé thấy có vẻ hơi khoái chí vì khi nghe được chữ 'Tết'cho nên bé nói tiếp.

Ồ con vui quá! Nếu là ngày Tết giống như năm rồi Cha Bảo Định tổ chức thì lát nữa đây con sẽ mừng tuổi Ba Mẹ, các cô, các chú, xong con sẽ có nhiều'bao lì xì'.

Có lẽ bé vẫn chưa được hiểu rõ cho lắm, vừa nói xong, suy nghĩ một giây lát.

Mà không đâu mẹ ạ! Lần nầy con không muốn mừng tuổi Cha Trí Dũng nữa, vì Cha không bao giờ lì xì cho con. Nhưng Cha chỉ nói là: Năm mới Cha chúc con ngoan ngoãn, thánh thiện, siêng năng đi lễ, chịu khó học và nói tiếng Việt cho thật giỏi... riêng con chỉ thích mừng tuổi Ông Năm hơn, vì hồi năm rồi Ông có lì xì cho con tiền mới tinh và con vẫn còn cất giữ trong quyển sách.

Mẹ lại càng cố gắng, chịu khó phân giải tiếp cho cậu con trai của mình được hiểu rõ hơn rằng:        

Con đừng nhầm có hai cái Tết. Tết Trung Thu là đêm con có thể chiêm ngắm chú Cuội ngồi bên gốc cây Đa xuyên qua ánh trăng tròn, như trong truyện cổ tích mà mẹ đã kể cho con nghe. Còn  ngày Tết Nguyên Đán, là ngày đầu của mùa Xuân âm lịch ngày ấy có hoa mai, hoa đào nở rộ. Đầu năm mới, con được mừng tuổi ông bà, các cô, và các chú...

Trong không khí ấm áp tình người và niềm vui rộn ràng của đêm Trung Thu đầu tiên trong đời của các em ở Nice. Chúng không khỏi ngạc nhiên và lý thú khi đuợc Ba Mẹ giải thích về ý nghĩa và sự khác biệt của ngày Tết truyền thống này so với một ngày Tết rất quan trọng khác của quê hương là Tết Nguyên Đán.

Theo phong tục người Việt, cứ vào ngày rằm tháng tám âm lịch, Ba Mẹ mua bánh nướng, bánh dẻo, kẹo và các loại trái cây về nhà. Họ làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để các con rước đèn trông trăng. Đây là dịp để cha mẹ thể hiện tình thương yêu với con cái và làm tăng thêm sự khắng khít của gia đình. Không khí đêm rằm tháng tám hân hoan vui nhộn vì các em được coi múa sư tử hay múa lân.

Trong tiềm thức của người Việt Nam, con Lân tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng và là điềm lành cho mọi nhà nên trong những ngày lễ hội như Trung Thu không thể thiếu múa lân. Trung Thu còn là dịp để người xưa ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh của quê hương xứ sở. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó mùa màng sẽ tốt, nếu trăng thu màu xanh thì sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ được thịnh vượng, an bình.

Vì cũng có ước mong gìn giữ mãi những nét đẹp văn hóa con rồng cháu tiên, một thành viên trong nhóm đã ân cần ủng hộ cho cộng đoàn một ngân khoản để mua sắm các dụng cụ thiết bị cho đội múa lân, trống, áo dài khăn đóng, áo bà ba cho người lớn và trẻ em.  Ông tâm sự với tôi những lời chân tình như sau :

«Chắc em đã có dịp đi ngang qua con sông Cửu Long? Đêm nay, nhìn lồng đèn làm anh lại chợt nhớ những con đom đóm phát ánh sáng lập lòe, như sao lấp lánh chạy dài bên bờ sông khi đêm về. Anh cảm nghiệm đời sống như một dòng sông. Trên con sông ấy, thỉnh thoảng chúng ta thấy những đám Lục Bình bập bềnh trôi dạt theo từng con nước ngược xuôi. Một màu xanh hy vọng thật đẹp mắt, hoa tím trong thương nhớ, mong đợi đua nhau nở rộ. Khi chúng ta ngắm nó, như cuộc sống hòa tan với thời gian, luôn trôi đi nhưng không ngừng đổi mới, mãi biến chuyển nhưng muôn đời vẫn thế. »

Thật đúng thế, hoa Lục Bình mang tính cách bình thản trôi nổi lênh đênh trên mặt nước không ngần ngại gió sương, sáng nắng chiều mưa. Còn dòng nước trên con sông ấy thì sao? Rồi một ngày nó cũng sẽ cuốn đi trong biển, từ biển bao la lại rót vào những dòng sông tràn đầy mạch luân lưu không ngừng nghỉ: Đó là cuộc sống! Và chỉ khi bạn cho đi những điều tốt đẹp thì bạn sẽ nhận được sự bình yên trong tâm hồn dù biển đời có biến động đến đâu đi chăng nữa. Các bạn đừng do dự hãy mở rộng cửa lòng mình với mọi người và đừng quên rằng có rất nhiều người đang cần đến bạn. Đôi khi chỉ một cái xiết tay, một lời đóng góp chân tình, một trải nghiệm về công việc hay cuộc sống, một tràng pháo tay khích lệ, một ánh mắt ấm áp từ bạn cũng đủ sưởi ấm trái tim của một ai đó quanh ta. 

«Tất cả là sự yêu thương đùm bọc lẫn nhau, chúng ta làm, hay chúng ta giúp được những gì khi chúng ta có thể » đó cũng là một trong những ước nguyện ấp ủ từ bấy lâu nay của hai Cha khi nhìn thấy con em ở hai phương trời có sự khác biệt nhau rõ rệt. Ở bên này, các em được cưng chiều, đầy đủ, cuộc sống sung túc, nhưng các em lại thiếu thốn về mặt văn hóa và phong tục của quê hương ...Ngược lại, một số đông các em ở bên nhà phải chịu sống trong cảnh màn trời chiếu đất, chật vật, túng thiếu, nghèo đói... Thật đáng thương cho những mảnh đời bất hạnh ; sáng đi học, chiều về đi bán vé số cho đến tối và có khi nghe bụng thắt lại vì đói! Các em bất kể dù công việc nặng hay nhẹ miễn sao chỉ cần có một chén cơm trắng cũng đủ lót bụng sống qua ngày. Miếng ăn còn không đủ, tìm đâu ra tiền để đóng học phí? Dần dần các em rời xa mái hiên nhà trường, chiếc áo trắng ngây thơ và ngòi bút xanh... để vật lộn với cuộc sống trong sự thiếu thốn. Còn đâu là hoài bão, còn đâu là ước mơ cho những mảnh đời kém may mắn ấy?

Ông bà ta có câu nói: « Một miếng khi đói, bằng một gói khi no. » Chúng ta là những chú kiến nhỏ cần mẫn, tha trên người lòng hảo tâm của quý ân nhân rộng lượng. Người đã trót hết những tâm tình, đem yêu thương xoa dịu những nỗi xót xa tình người.

Chương trình « Xem Hội Trăng Rằm » Lá lành đùm lá rách, được tổ chức để gây quỹ giúp đỡ đóng học phí tiền trường cho gần 60 em lớn nhỏ, từ năm trăm nghìn đồng đến một triệu đồng cho mỗi em trong một năm học. Đồng thời Cha cũng không quên phát quà khuyến học cho con em mình nơi đây vào dịp tựu trường nhằm nâng cao tinh thần học tập và duy trì kiến thức tốt đẹp để luôn giữ trong mình cả hai nền văn hóa Pháp Việt.

Thật đáng khen các anh chị thành viên trong Cộng Đoàn. Ngoài việc dành thời gian quý báu của gia đình vào những ngày cuối tuần để lo tập múa hát, lại còn tình nguyện làm sẵn những món ăn tại nhà mang đến như: Bánh mì thịt, bánh cuốn, xôi, chè... để quan khách đến tham dự đêm văn nghệ thưởng thức và ủng hộ tùy lòng hảo tâm. Tất cả số tiền thu được sẽ dành trọn cho các em nghèo hiếu học bên quê nhà.

Đêm nay, dưới ánh trăng rằm soi lối, lồng đèn cùng những tia sáng lấp lánh trong đôi mắt các em thiếu nhi tại Nice. Hy vọng sẽ mang nhiều niềm vui bù đắp cho sự trông chờ và ước mơ được đến trường của các em thiếu nhi nghèo bên quê nhà. Chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ chiếc bánh Trung Thu mà một số đông trong các em ấy chưa bao giờ dám nghĩ đến. Ban tổ chức do cha Tuyên Úy P.Lý Bảo Định và cha P.Marie Phạm Hoàng Trí Dũng, Quý Sơ, chân thành cám ơn nồng nhiệt cho sự ra công đóng góp bằng những tấm lòng vàng của quý ân nhân gần xa, quý ông bà cô bác, các anh chị thành viên Ca Đoàn Mân Côi, các anh chị không cùng tôn giáo, các em sinh viên, các em thiếu nhi và cho tất cả những người có mặt thật đông đủ trong đêm văn nghệ 'Xem Hội Trăng Rằm'. Chúng ta ước mong sao sẽ luôn là những con tim biết cảm thông, tạo nên những nhịp cầu nối kết nung ấm tình người. Niềm hạnh phúc trong mỗi người chúng ta được nghe hoài những tiếng cười của trẻ thơ và sẽ mãi chiêm ngắm vầng trăng rằm soi sáng những ước mơ.

Lê Thành Khánh

901    13-10-2012 06:21:02