Sidebar

Chúa Nhật

19.05.2024

Bữa Tiệc Ly

Bữa Tiệc Ly

Bữa Tiệc Ly

 

Có những thứ trên đời thật qúa đẹp không thể quên, và cũng có cái chết qúa đẹp đến nỗi không thể quên. Ngày ghi ơn các chiến sĩ trận vong là để ghi nhớ sự hy sinh mạng sống của họ để bảo vệ tự do và độc lập cho tổ quốc và dân tộc. Tự do không phải là một vật thừa tự nhưng là một đời sống. Khi đã nhận được, nếu nó không tiếp tục nỗ lực để sống thì nó chỉ như một bức tranh vô hồn. Như đời sống phải được chăm nom nuôi nấng, bảo vệ và bảo tồn; thì tự do cũng phải được trả gía bởi mỗi thế hệ. Các chiến sĩ, đã không sinh ra để chết; chết nơi chiến trường là một tử nạn cắt mất sự sống mà họ đã được sinh vào đời để sống. Nhưng khác với mọi người, Chúa Giêsu của chúng ta lại sinh vào thế gian để chết. Ngay vừa lúc mới chào đời, Mẹ của Ngài đã được nhắc cho biết là Ngài sinh ra để chịu chết. Chưa bao giờ có người mẹ nào trên đời lại phải nhìn ngay vào sự chết cuốn lấy bộ xương qúa sớm của con mình khi vẫn còn là đứa trẻ mới sinh như mẹ của Ngài.

Khi Ngài còn là một em bé sơ sinh, cụ già Simêon đã nhìn vào dung nhan đời đời của Ngài dưới dáng trẻ thơ và nói rằng Ngài đã được sắp xếp như dấu của sự đối kháng, hay là dấu chỉ ra sự trái nghịch của chủ trương không hoàn thiện. Người mẹ, khi nghe lời “dấu đối kháng” dường như đã thấy cánh tay của cụ già Simêon mờ dần đi và đôi cánh của cây thập gía giang ra ôm lấy cái chết của Ngài. Trước khi Ngài được hai tuổi đời, vua Hêrôđê đã sai các kỵ binh chạy dồn dập ầm ầm với gươm giáo sắc sáng chớp loé đi lùng bắt tiêu diệt Ngài, dù Ngài vẫn chưa đủ sức để đội chiếc triều thiên trên đầu!

Vì Chúa đến trần gian là để chịu chết, cho nên điều xứng hợp là có Lễ Ghi Nhớ về Cái Chết của Ngài! Và vì Ngài là Thiên Chúa, và cũng là người, hơn nữa Ngài không bao giờ nói về cái chết của Ngài mà lại không đề cập đến việc Ngài Sống lại, do đó biết như thế chẳng lẽ Ngài lại không thiết lập Lễ Tưởng Niệm về cái chết của chính mình hơn là để tùy thuộc vào cơ may ghi ơn của những người khác hay sao? Đó chính là việc Ngài đã làm trong đêm của Bữa Tiệc Ly. Ngày Lễ Tưởng Niệm Các Chiến Sĩ Trận Vong (Memorial Day) đã không được thiết lập bởi những người lính đã nhìn thấy trước cái chết của họ. Nhưng Lễ Tưởng Niệm của Ngài được thiết lập, và đây là điều quan trọng, không phải vì Ngài sẽ chết giống như một người lính bị chôn vùi, nhưng vì Ngài vẫn tiếp tục sống sau biến cố phục sinh. Lễ Tưởng Niệm của Ngài là sự kiện toàn của lề luật và lời các tiên tri; đó là lễ tưởng niệm Con Chiên bị sát tế, không phải để mừng kỉ niệm cho tự do chính trị, nhưng là tự do tinh thần; trên hết, đó là Lễ Tưởng Niệm của Giao Ước Mới.

Giao Ước hay lời chứng là một thỏa thuận, một giao kèo hay một hiệp định và trong Thánh kinh còn có nghĩa là một Giao ước giữa Thiên Chúa và con người. Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa nói về hiệp ước hay Giao ước mới được hiểu đúng nhất trong liên quan với Giao ước cũ. Giao ước mà Thiên Chúa thiết lập với Is-ra-en như một dân tộc mà Mai-sen đóng vai là trung gian. Giao ước này được đóng ấn bằng máu, vì máu là dấu chỉ cho sự sống; những người trộn máu của họ chung với nhau và nhúng tay của họ vào máu đó thì được coi là họ chia sẻ cùng một nhiệt huyết trong tinh thần. Trong Giao ước giữa Thiên Chúa và dân tộc Is-ra-en, Thiên Chúa hứa chúc phúc cho họ nếu dân Is-ra-en giữ sự trung tín. Trong những lời hứa chung của Giao ước cũ là lời hứa cho miêu duệ của A-bra-ham, là lời hứa với Da-vid về triều đại của ông, và lời hứa với Mai-sen là Thiên Chúa sẽ tỏ uy quyền và tình yêu thương của Ngài dành cho dân Is-ra-en bằng việc giải thoát họ khỏi vòng nô lệ của người Ai-cập và hứa cho dân Is-ra-en trở nên dòng dõi tư tế vương gỉa. Khi dân Do thái ở trong vòng nô lệ của Ai-cập, Mai-sen đã nhận những chỉ thị cho nghi lễ mới.

Sau những trận dịch, Thiên Chúa đã giáng phạt những người Ai-cập thêm nữa để bắt ép họ phải để cho dân của Ngài ra đi bằng cách giết chết tất cả những người con đầu lòng của các gia đình người Ai-cập. Con cái người Is-ra-en được cứu sống bởi việc sát tế một con chiên và lấy máu chiên bôi trên cửa nhà. Thiên thần của Chúa nhìn thấy dấu vết máu đó sẽ bỏ qua. Bởi thế Con Chiên là dấu để mần ngơ hay Bỏ Qua của vị thiên thần đi tàn phá, có nghĩa là “đi qua” hay được bảo toàn. Thiên Chúa truyền cho họ tiếp tục cử hành việc này để ghi nhớ tưởng niệm hằng năm.

Việc thiết lập sát tế Chiên Vượt Qua đã được nói đến trong sách Xuất Hành và tiếp tục bằng việc thi hành Giao Ước qua Mai-sen mà Thiên Chúa đã thiết lập với dân Is-ra-en; đó là ngày chào đời của dân Is-ra-en như một dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn. Giao ước được ký kết qua của lễ hiến tế. Mai-sen đã thiết lập bàn thờ với mười hai cây cột. Dùng máu của vật hiến tế, ông đã đổ phân nửa trên bàn thờ, và phân nữa trên mười hai chi tộc và toàn dân với những lời như sau: Đây là máu của giao ước mà Thên Chúa đã thiết lập với các người. (Xuất Hành 24:8).

Bằng việc đổ máu trên bàn thờ, chỉ dấu Thiên Chúa, hay phía thứ nhất của Giao Ước, và bằng việc rảy máu trên mười hai chi tộc và toàn dân, đại diện cho phía thứ hai của Giao ước, cả hai là thành phần tham dự vào cùng một máu huyết làm thành dấu của lễ hiệp thông.

Giao ước hay khế ước này với dân Is-ra-en có chủ đích được kiện toàn qua một mặc khải hoàn chỉnh hơn từ phía Thiên Chúa. Các tiên tri sau này nói rằng việc lưu đầy của dân Is-ra-en là sự trừng phạt bởi vì họ đã không tuân giữ Giao Ước; nhưng giống như họ đã lập lại Giao ước cũ, thì cũng sẽ có một Giao Ước Mới hay Tân Ước mà Giao Ước mới này sẽ gồm tất cả mọi dân tộc. Thiên Chúa nói với dân chúng qua tiên tri Jê-rê-mi-a rằng: Đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en sau những ngày đó - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta (Giêrêmia 31,33).

Bữa Tiệc Ly và việc Đóng Đinh Thập Gía đã xẩy ra trong bối cảnh Vượt Qua, khi Người Con Muôn Đời của Chúa Cha đứng làm trung gian cho Giao Ước mới hay Tân Ước, như trong Cựu ước hay Giao Ước cũ đã được Mai-sen đứng làm trung gian. Như Mai-sen đã dùng máu súc vật để làm dấu chứng cho Giao Ước cũ thì bây Đức Kitô dùng máu của chính Ngài để chứng nhận cho Giao Ước Mới. Ngài chính là Con Chiên Hiến Tế. Đây là máu ta, máu của Giao Ước mới (Mt 26,28).

Giờ của Ngài được tôn vinh đã đến, vì chỉ còn không đầy 24 tiếng đồng hồ Ngài sẽ tự trao nộp chính mình, Ngài qui tụ mười hai tông đồ lại với Ngài. Trong một nghĩa cử cao cả Ngài giải thích ý nghĩa về cái chết của Ngài. Ngài công bố chính Ngài đánh dấu sự khởi đầu cho Giao Ước Mới được chứng nhận bởi chính cái chết hiến tế của Ngài. Toàn thể hệ thống hiến tế thời Mai-sen và trước thời của Đấng Thiên Sai được chấm dứt và kiện toàn. Không còn lửa đổ từ trời xuống để thiêu đốt sinh mạng của vật hiến tế dâng lên Chúa Cha, như đã từng xẩy ra trong Cựu Ước, vi lửa bây giờ sẽ là vinh quang phục sinh của Ngài và là những tia lửa nóng của Chúa Thánh Thần được sai đến.

Vì cái chết của Ngài là lý do để Ngài đến, bây giờ Ngài thiết lập cho các Tông Đồ và các thế hệ sau một Việc Ghi Nhớ Tưởng Niệm Công Cuộc Cứu Chuộc của Ngài, điều Ngài đã hứa khi Ngài nói là Ngài là Bánh Hằng Sống: Ngài cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra; trao cho họ và nói: Đây là Mình Thầy chịu chết vì anh em (Lc 22,19).

Ngài không nói, “Đây là biểu tượng hay là dấu chỉ cho Mình của Thầy,” nhưng Ngài nói, “Đây là Mình Thầy” một thân xác bị đánh dập trong cuộc khổ nạn.

Sau đó Ngài cầm lấy chén rượu và nói: Anh em hãy nhận lấy mà uống. Đây là máu của Thầy, Máu giao ước mới, đổ ra cho nhiều người được tha tội. (Mt 26,28)

Cái chết của Ngài vào buổi chiều hôm sau được bày ra trước mắt họ qua biểu tượng trong bối cảnh không đổ máu. Trên Thập Gía, Ngài chết bằng việc phân cắt máu ra khỏi thân xác của Ngài. Bởi thế Ngài đã không thánh hiến tấm bánh và ly rượu cùng một lúc, nhưng đã phân cách ra, để tỏ cho thấy cách Ngài chết bằng việc chia cắt thân thể và máu của Ngài. Làm như thế để cho thấy chính Ngài sẽ ở trên Cây Thập Gía vào ngày hôm sau: Là Tư Tế và cũng là Của Lễ. Trong Cựu ước và trong dân ngoại, của lễ, như dê hay chiên, khác biệt với tư tế là người dâng của lễ. Trong hành vi Thánh Thể và trên Thánh Gía, Ngài, vị Thượng Tế, đã dâng hiến Chính Mình; bởi thế Ngài cũng là Của Lễ. Do đó lời của tiên tri Malachi được nên trọn: Quả thật, từ đông sang tây, Danh Ta thật cao cả giữa chư dân; và ở khắp nơi, người ta dâng lễ hy sinh và lễ vật tinh tuyền kính Danh Ta, bởi vì Danh Ta thật cao cả giữa chư dân, - ĐỨC CHÚA các đạo binh phán. (Malachi 1,11).

Sau đó là lệnh truyền để tiếp tục tưởng nhớ về cái chết của Ngài: “Hãy làm việc này để nhớ đến Thầy.” (Lc 22,19)

Tưởng nhớ lại! Làm mới lại! Tiếp tục duy trì qua mọi thời đại việc hiến tế cho tội lỗi của thế gian!

Tại sao Chúa lại dùng bánh và rượu như những chất liệu cho việc Tưởng Niệm này? Trước hết, vì không có hai chất thể tự nhiên nào là biểu tượng cho sự hiệp nhất hơn là bánh và rượu. Như bánh được làm bởi việc xay nghiền những hạt lúa mì nát ra và rượu được làm thành từ việc ép bể tan những trái nho, do đó những người tin được trở nên một trong Đức Kitô. Thứ đến là không hai chất thể tự nhiên nào phải chịu đau khổ hơn để trở nên như bánh và rượu. Lúa mì phải trải qua sự ngặt nghẽo của mùa đông, bị xay nghiền nát dưới cối đá của Calvariô rồi bị nung nấu trong lửa nóng trước khi trở nên bánh. Các trái nho phải bị nằm trong lò ép Gethsemane và bị vò đạp dập nát để làm nên rượu. Do đó chúng trở nên dấu chỉ cho cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Kitô, và điều kiện cho việc cứu chuộc vì Chúa nói, trừ khi chúng ta cùng chết với Ngài nếu không thì chúng ta sẽ không được cùng sống với Ngài. Lý do thứ ba là không có hai chất thể tự nhiên nào có truyền thống tốt hơn trong việc nuôi dưỡng sự sống của con người cho bằng bánh và rượu. Qua việc đem những chất thể này tới bàn thờ, con người như mang chính bản thân họ đến. Khi bánh và ruợu được đón nhận để ăn và uống, chúng biến thành máu thịt của mỗi người. Nhưng khi Ngài cầm bánh và rượu, Ngài đã thay đổi làm cho chúng thành chính Ngài. 

Nhưng việc Tưởng Niệm của Chúa không được thiết lập bởi các môn đệ của Ngài mà là bởi chính Ngài, và vì Ngài không thể bị tiêu diệt bởi sự chết, nhưng sẽ sống lại trong sự sống mới, vì vậy Ngài đã muốn rằng lúc này Ngài nhìn thấy cái chết cứu chuộc của Ngài trên Thập Gía, thì mọi thế hệ Kitô sau này, cho đến ngày tận thế, phải nhìn vào cây Thánh Gía. Để họ không tái lập nghi thức tưởng niệm cách mu mơ hay cuồng dại, Ngài đã truyền lệnh để tưởng nhớ và công bố cái chết cứu chuộc của Ngài cho đến khi Ngài trở lại! Điều Ngài muốn các môn đệ thi hành là tiếp tục cho tương lại việc Tưởng Niệm về Cuộc Khổ Nạn, Cái Chết và Sự Sống Lại của Ngài. Điều Ngài trông chờ nơi Cây Thánh Gía; điều Ngài đã làm, và điều Ngài tiếp tục trong Thánh Lễ là ghi nhớ cái chết Cứu Chuộc của Ngài. Do đó họ, như Thánh Phaolô nói, “công bố sự chết của Chúa cho đến khi Ngài lại đến” để phán xét thế gian. Ngài đã bẻ bánh để chuẩn bị cho việc bẻ gẫy thân xác của Ngài và cũng tỏ cho thấy Ngài là Của Lễ do chính Ngài tự nguyện dâng hiến. Ngài bẻ gãy nó do bởi tự nộp mình, trước khi những kẻ hành quyết bẻ gẫy nó do sự tàn bạo của họ.

Khi các Tông Đồ và sau này là Giáo Hội cử hành việc Tưởng Niệm này, Đức Kitô, đấng đã được sinh ra bởi Đức Maria và chịu chết thời quan Phongxiô Philatô, sẽ được vinh hiển trên trời. Thứ Năm Tuần Thánh hôm đó trong bữa Tiệc Ly, Chúa đã trao cho họ không phải là một của lễ khác với của Lễ Hiến Tế Cứu Chuộc cá biệt của Ngài trên Thánh Gía; nhưng là Ngài đã trao cho họ trong cùng một của lễ trong cách Hiện Diện mới. Nó không phải là một hiến tế mới, vì chỉ duy có một hiến tế mà thôi; Ngài trao ban một sự Hiện Diện mới về hy lễ đặc biệt đó. Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa đã làm khác biệt với các Tông Đồ qua cách giới thiệu việc hiến Tế của Ngài dưới hình bánh và rượu. Sau khi Ngài Sống lại và Lên trời, tuân theo lệnh truyền của Chúa, Đức Kitô sẽ hiến dâng hy lễ lên Thiên Chúa Cha qua các Tông Đồ và Giáo hội hay tùy thuộc vào họ. Bất cứ khi nào việc Tưởng Niệm Hy Tế của Đức Kitô được cử hành trong Gíao Hội, thì đều có nghĩa thực dụng của hy lễ trong thời gian và sự hiện diện trong không gian của Đức Kitô bây giờ trong vinh quang. Tuân theo lệnh truyền của Ngài, các môn đệ của Ngài tái dâng hiến trong cách không đổ máu mà Ngài đã dâng lên Chúa Cha trong hiến tế đổ máu nơi đồi Canvêriô.

Sau khi biến đổi bánh thành thân thể và rượu trở nên máu của Ngài: Ngài đã trao cho họ. (Mc 14,22)

Qua việc hiệp lễ đó họ trở nên một với Đức Kitô, cùng dâng hiến với Ngài, trong Ngài và nhờ Ngài. Tất cả mọi tình yêu đều mong đi đến sự hiệp nhất. Như cấp độ cao điểm của tình yêu nhân loại là sự hiệp nhất thân xác giữa vợ chồng, thì cấp độ hiệp thông cao nhất trong tình yêu siêu nhiên là sự hiệp nhất giữa linh hồn và Đức Kitô trong việc hiệp lễ. Khi các Tông Đồ và sau này là Giáo Hội, làm theo lệnh truyền của Chúa để cử hành Lễ Tưởng Niệm và tiếp rước Mình và Máu của Chúa thì đó không có nghĩa là ăn thịt và uống máu thể xác của Đức Kitô mà họ nhìn thấy, nhưng mà là tiếp nhận mình và máu của Đức Kitô phục sinh vinh hiển trên trời, Đấng vẫn tiếp tục bầu cử cho các tội nhân. Việc cứu chuộc của cây Thánh Gía, cao cả và đời đời, được áp dụng và thực thể hóa trong thời gian bởi Đức Kitô trên trời.

Sau khi đổi bánh và rượu thành mình và máu của Ngài, Chúa đã truyền cho các Tông Đồ ăn và uống. Như vậy, Ngài đã làm cho linh hồn của con người cái mà của ăn thức uống làm cho thân xác. Trừ khi các cây rau hoa cỏ hy sinh bị nhổ bứng rễ, chúng không thể nuôi dưỡng hay nên hiệp nhất với con người. Sự hy sinh của cái thấp kém hơn phải xẩy ra trước để có được sự hiệp thông với cái cao hơn. Trước tiên là cái chết của Ngài được tái diễn cách nhiệm mầu, và sau đó là sự hiệp lễ. Cái thấp kém hơn phải được biến thể nên cái cao cả hơn; chất bón đi vào cây rau cây cỏ, và cây rau cây cỏ đi vào con vật; chất bón, cây rau cây cỏ, con vật đi vào con người; và con người đi vào Đức Kitô qua việc hiệp lễ. Các phật tử không lấy sức mạnh từ sự sống của Đức Phật nhưng từ giáo thuyết của ngài. Các giáo thuyết của Kitô giáo thì không quan trọng như chính sự sống của Đức Kitô, Đấng sống trong vinh quang, và bây giờ tuôn đổ trên các tín hữu của Ngài những phúc lộc từ việc Hiến Tế của Ngài.

Một ghi chú vẫn tiếp tục vang lên qua đời sống của Ngài là cái chết và sự vinh quang của Ngài. Đó cũng chính là lý do Ngài đến. Bởi thế trong đêm trước khi Ngài chết, Ngài đã trao cho các Tông Đồ cái mà khi chết chẳng ai có thể làm được, đó là trao ban chính bản thân Ngài. Chỉ có sự Khôn Ngoan cao vời của Thiên Chúa mới có thể nghĩ ra một Tưởng Niệm như thế! Nếu để tự một mình con người, có thể đã làm hư hỏng bản bi kịch cứu chuộc. Họ có thể làm hai điều với cái chết của Ngài khiến cho Đường Lối của Thiên Chúa bị cắt xén. Họ có thể coi cái chết cứu chuộc của Ngài như một bi kịch được trình diễn một lần trong lịch sử giống như việc ám sát tổng thống Lincoln. Trong trường hợp đó, thì đó chỉ là một biến cố, chứ không phải là việc Cứu Chuộc, là màn kết bi kịch của một đời người, chứ không phải là ơn Cứu Rỗi của nhân loại. Thật đáng tiếc đây lại là cách mà nhiều người nhìn vào Cây Thập Giá của Đức Kitô, quên đi sự sống lại và việc tuôn đổ hồng ân của Thánh Gía trong Việc Cử Hành Tưởng Niệm mà Ngài đã truyền dạy. Như thế thì cái Chết của Ngài chỉ giống như ngày lễ quốc gia ghi ơn các chiến sĩ chứ không có gì khác hơn.

Hoặc là họ có thể coi đó như là một kịch bản được trình diễn một lần, nhưng màn kịch đó thường hay được nhắc lại qua việc suy nghĩ đến những tình tiết của nó. Trong trường hợp này, họ sẽ tìm quay trở lại để đọc những lời bình luận của các nhà phê bình đã sống trong thời điểm của kịch bản, nghĩa là Mathêu, Macô, Luca, và Gioan. Đây chỉ là việc nhớ lại văn bản về cái Chết của Chúa không khác gì về cái chết của bất cứ một người nào khác.

Chúa chẳng bao giờ bảo ai đó viết về công việc Cứu Chuộc của Ngài, nhưng Ngài đã truyền cho các Tông Đồ hãy làm mới lại, áp dụng và cử hành, tiếp tục duy trì bằng việc tuân giữ những lệnh truyền của Ngài trong Bữa Tiệc Ly. Ngài muốn cho thảm kịch của Canvariô được trình diễn không phải một lần, nhưng là ở mọi thời đại. Ngài không muốn con người chỉ là những độc giả về việc Cứu Chuộc của Ngài, nhưng phải là những diễn viên trong thảm kịch đó, dâng hiến chính thân xác và máu huyết của họ với thân xác và máu huyết của Ngài tái diễn lại cảnh đồi Canvêriô, nói với Ngài, “Đây là mình con và đây là máu của con”;chết đi trong bản tính thấp hèn để sống với ơn thánh; nói rằng họ không màng đến diện mạo bề ngoài hay những nhân tố của đời sống như tình liên hệ gia đình, công ăn việc làm, trách nhiệm hay vóc dáng, hoặc tài cán, nhưng trí tuệ và ý chí của họ, bản thể của họ, tất cả sự thật về họ, đều được biến đổi trong Chúa Kitô; nhờ đó Thiên Chúa Cha trên trời nhìn xuống sẽ thấy họ trong Con của Ngài, thấy những hiến tế của họ hòa trong Hiến Tế của Ngài, những hy sinh hãm mình của họ kết hiệp với cái chết của Ngài, nhờ đó họ sẽ được chia sẻ trong vinh quang với Ngài.

Tổng Giám Mục Fulton J. Sheen

LM Gioan Trần Khả chuyển dịch

748    03-06-2018