|
Hỏi: Trong giáo xứ của con, cha xứ đã quyết định cất Thánh Giá Chúa Chịu Nạn (Crucifix), và thay vào đó là một Thánh giá (Cross) thường. Cha nói rằng bởi vì Chúa Kitô đã sống lại, một Thánh giá trống rỗng là đủ rồi. Điều này làm cho nhà thờ của chúng con trông giống như một nhà thờ Tin lành. Con đã nói chuyện với các linh mục trong giáo xứ, và các ngài dường như hoặc buồn bã về điều đó hoặc thờ ơ, nhưng không thể làm gì được. Con đi lễ và lần chuỗi Mân Côi mỗi ngày, và vẫn không thể quen với thực tế là trong một nhà thờ Công Giáo, không có Thánh Giá Chúa Chịu Nạn, hay biểu tượng nào của Chúa chúng ta đang hiện diện. Chỉ có một tượng Đức Mẹ và tượng Thánh Giuse thôi. Thưa cha, đây có phải là bình thường cho một nhà thờ Công Giáo không? - C. A., Geneva, Thụy Sĩ.
Đáp: Tôi sẽ nói rằng không phải bình thường cho một nhà thờ Công Giáo mà chỉ có một Thánh giá đơn thuần, chứ không có Thánh Giá Chúa Chịu Nạn ngoài Thánh lễ. Tuy nhiên, thực tế này có thể vẫn nằm trong giới hạn của luật phụng vụ.
Tuy nhiên, nếu điều kiện này vẫn tồn tại trong khi cử hành Thánh lễ, thì đó sẽ là một sự vi phạm luật.
Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) nói:
“117. Phải có ít là một khăn trải màu trắng trên bàn thờ. Trong mọi cử hành, trên bàn thờ hoặc gần bàn thờ, phải đặt hai, hoặc bốn, hoặc sáu chân nến, có nến thắp; nếu Giám Mục giáo phận cử hành Thánh Lễ, thì đặt bảy chân nến. Ðàng khác, trên bàn thờ hay gần bàn thờ phải đặt thánh giá có hình Chúa chịu nạn. Có thể mang theo chân nến và thánh giá có hình Chúa chịu nạn khi rước chủ tế vào hành lễ. Trên bàn thờ, có thể đặt sẵn một sách Tin Mừng khác với sách Bài Ðọc, trừ khi sách Tin Mừng này được mang theo khi rước chủ tế vào hành lễ.
“122. Khi tới bàn thờ, vị tư tế và các thừa tác viên cúi mình sâu.
Nếu có mang Thánh giá có hình Chúa chịu nạn trong khi đi rước, thì đặt thánh giá gần bàn thờ để thành thánh giá bàn thờ. Chỉ để một thánh giá thôi, nên nếu có rồi thì đem thánh giá đi rước cất đi. Ðèn thì đặt trên bàn thờ hay bên cạnh; sách Tin Mừng, thì đặt trên bàn thờ.
“308. Trên bàn thờ hay gần cạnh, phải có Thánh giá có hình Chúa chịu nạn, mà giáo dân tập họp có thể thấy rõ. Thánh giá như thế sẽ gợi cho trí các giáo dân nhớ sự thương khó cứu độ của Chúa, và được để thường xuyên gần bàn thờ ngay cả ngoài lúc cử hành phụng vụ.” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).
Do đó, trong bốn lần, Sách Lễ khẳng định rằng Thánh giá được sử dụng cho Thánh lễ phải là một Thánh Giá Chúa Chịu Nạn, chứ không phải là Thánh giá đơn giản. Số 308 cũng khuyến nghị, mặc dù không bắt buộc, Thánh Giá Chúa Chịu Nạn này thường xuyên hiện diện trong nhà thờ. Điều này ít nhất chỉ ra rằng Hội Thánh không chia sẻ lập luận thần học của cha xứ ấy, vốn cho rằng một Thánh giá đơn giản là đủ vì Chúa Kitô đã sống lại.
Điều hơi nực cười là rằng trong số các tác phẩm đầu tiên của vị Giám mục nổi tiếng nhất của giáo phận Geneva, Thánh Phanxicô Xalêxiô (1567-1622), có một cuốn mang tên “The Defense of the Standard of the Cross, Bảo vệ tiêu chuẩn của Thánh giá”, tức là sự giải thích về thực hành tôn kính Thánh giá và ý nghĩa của Thánh giá, Thánh Giá Chúa Chịu Nạn và dấu Thánh giá trong lòng đạo đức Kitô giáo.
Sau khi tôi trả lời ngày 1-10-2019 cho câu hỏi Giếng Rửa tội, một câu hỏi tương tự đã xuất hiện cùng lúc:
“Chúng con có một nhà thờ trong 11 năm qua, và chúng con đang xem xét một vài thay đổi để đảm bảo chúng con có một cung thánh thật phù hợp “đúng cách”. Gần đây cha đã có một bài viết rất hay về Nhà tạm (ngày 24-9-2019) và chúng con sẽ xem xét các nhận định ấy. Chúng con tự hỏi liệu cha có bài viết tương tự nào về Giếng Rửa tội và vị trí của Giếng Rửa tội không. Hiện tại, Giếng Rửa tội của chúng con nằm trong cung thánh, vì vậy chúng tôi đang xem xét di chuyển Nhà tạm đến một nơi cao nổi bật hơn (nơi đặt Giếng Rửa tội hiện tại), và đặt Giếng Rửa tội nơi Nhà tạm từng đặt - vẫn còn trong cung thánh, nhưng không ở nơi nổi bật nữa. Giếng Rửa tội được nằm trên các bánh xe nên rất dễ di chuyển.”
Đối với các tài liệu chính thức liên quan đến vấn đề này, tôi đã nói trong bài viết ngày 1-10. Tôi chỉ nhận xét như sau:
Giếng Rửa tội không nên được đặt trong cung thánh. Một Giếng Rửa tội di động, chẳng hạn như một Giếng Rửa tội được bạn đọc nhắc tới, có thể được đặt trong cung thánh theo yêu cầu, đặc biệt là cho phép Rửa tội trong Thánh lễ, nhưng thường không được để lại trong cung thánh.
Do đó, điều được khuyến khích nhất là, trong khi tái sửa sang nhà thờ, nên dự tính đặt một Giếng Rửa tội vĩnh viễn, mặc dù Giếng Rửa tội di động đôi khi vẫn có thể được sử dụng trong các trường hợp nêu trên. (Zenit.org 15-10-2019)
Nguyễn Trọng Đa