Các con hãy xem sự nghiệp giáo dục các con chính là một sứ mệnh mà Thiên Chúa đã trao phó cho các con. Cũng như Thiên Chúa đã mời gọi ngôn sứ Isaia: ‘Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta? Tôi thưa: Dạ, con đây, xin sai con đi’ (Is 6,7-8). Ngày hôm nay, các con cũng đã quảng đại đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa: Ta sẽ sai ai đến với các em nhỏ này để thay thế Ta chăm sóc dạy dỗ các em, và các nữ tu chúng con đã quảng đại thưa với Chúa: Dạ, con đây, xin hãy sai con. Thật vậy, xã hội hôm nay rất cần các chị em giáo viên nữ tu như các con để yêu thương chăm sóc và dạy dỗ các mầm non của xã hội, của Giáo hội thay cho Chúa. Đó là lời mà Đức Giám mục Giáo phận Xuân Lộc, Giuse Đinh Đức Đạo nhắn nhủ trong ngày họp mặt các chị em giáo viên nữ tu trong ngày 20/10/2018 vừa qua tại trường mẫu giáo Bông Hồng, dòng Mân Côi – Chí Hòa.

Sự nghiệp đến từ sự suy tính và lựa chọn của con người, còn sứ mệnh đến từ lời đáp trả của con người trước lời mời gọi và kế hoạch của Thiên Chúa.

Giáo dục, một sứ mệnh cao cả chứ không phải một nghề nghiệp bình thường.

Quả thật, nhìn lại bản thân, nhiều lúc tôi tự hỏi: Tại sao mình lại theo đuổi nghề giáo viên trong ơn gọi thuyết giáo của dòng Đa Minh ít là gần 20 năm qua, trong lúc trước đây và thỉnh thoảng bây giờ đôi lúc giật mình tôi tự nhủ: Mình là giáo viên thật sao! Thật mà như mơ. Ngày qua ngày, tôi luôn làm việc và chu toàn nhiệm vụ như một sứ vụ Chúa trao qua Bề trên. Còn nghề giáo viên Mầm non không phải do tôi lựa chọn, nhưng là sứ mệnh mà từ ngàn xưa Thiên Chúa đã quan phòng, tiền định và mời gọi tôi đáp trả tình yêu Chúa qua cuộc sống âm thầm dấn thân phục vụ trong môi trường giáo dục các trẻ mầm non mà Hội dòng sai tôi đến.

Ý thức rằng, tôi không làm việc cho một con người, nhưng là cho một Đấng tác tạo nên mình, thì đó là một hồng phúc cho tôi. Vì vậy, tôi cần phải tham gia với 100% năng lượng để Ông Chủ được hài lòng và luôn mỉm cười với tôi. Thế là đủ. Và để công việc đạt hiệu quả, bên cạnh việc hỏi ý kiến Ông Chủ, tôi cần phải nỗ lực học hỏi, không ngừng cập nhật kiến thức cũng như tìm hiểu tâm lý, xu thế của con người thời đại, như Karl Marx nói: “Bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục”. Bởi vì: “Sự gương mẫu của người thầy giáo là tia sáng mặt trời thuận lợi nhất đối với sự phát triển tâm hồn non trẻ mà không có gì thay thế được” (Usinxki), và “Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác”, hay nhiệm vụ của nhà giáo “không phải là người nhồi nhét kiến thức mà đó là công việc của người khơi dậy ngọn lửa cho tâm hồn” (Uyliam Batơ Dit). Triết gia Socrates cũng nói rằng: “Giáo dục không phải là nhồi nhét kiến thức, Giáo dục là làm cho con người tìm thấy chính mình”, và “những con đường dẫn đến trái tim tuổi thơ sẽ bị đóng kín đối với tôi nếu tôi chỉ là người đứng trên bục giảng”(V.A. Sukhomlinxki). Do đó, rất cần tấm gương của người thầy, như William A. Warrd nhận định về vai trò người thầy như sau: “Người thầy trung bình chỉ biết nói; người thầy giỏi biết giải thích; người thầy xuất chúng biết minh họa; người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng”. 

Thiết nghĩ, sự thành công của người thầy là khơi lên trong tâm hồn họ ngọn lửa Tin – Yêu – Hy vọng vào một tương lai tươi sáng của bản thân, như Horaceman – nhà sáng lập trường công đã nói: “Nếu bạn có thể thay đổi những suy nghĩ của ai đó về bản thân họ và khiến họ trở nên tốt đẹp hơn những gì họ luôn nghĩ về bản thân, thì bạn đã làm rất tốt công việc của mình”, và có lẽ đây cũng là nhiệm vụ và mục tiêu mà các nhà giáo dục cần hướng tới.

Tắt một lời, trên hết và trước hết, Đức Kitô chính là vị Thầy tuyệt vời và hoàn hảo nhất như Chúa: “Anh em chỉ có một Thầy duy nhất là Đức Kitô” (x. Mt 23,8). Xin cho chúng con luôn biết nhìn lên Chúa để chúng con xứng đáng tiếp nối cánh tay của Chúa phục vụ anh em đồng loại trong sứ mệnh giáo dục mà Chúa đã tiền định và trao phó cho chúng con.

Nt. Maria Minh Hằng