Sidebar

Chúa Nhật

19.05.2024

Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng !

Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng !

Khi Thầy mình bị đánh đòn, bị đóng đi và treo trên thập giá coi như chấm hết và tiêu tan niềm hy vọng ! Thế nhưng rồi niềm hy vọng đến giữa giờ tuyệt vọng đó là Chúa Giêsu đã phục sinh.

Nhìn vào tâm trạng các môn đệ, ta thấy rất rõ sự thất vọng buồn tủi. Không phải khi Thầy chết mà khi Thầy bị đóng đinh, chả còn ai theo Thầy cho đến cùng dù rất to mồm như Phêrô : “Ai bỏ Thầy chứ con, con không bỏ Thầy đâu !”

Phêrô có lẽ sinh ra và lớn lên ở làng pháo Bình Đà.

Tưởng chừng Thầy nhờ quyền năng của Thiên Chúa sẽ không phải lên Giêrusalem. Dù đã được báo trước và đã cản ngăn nhưng không nghe lời : Cho mà chết ! Tức lắm ! Khi ngăn cản còn bị nguyền rủa là Satan ! Hãy bước ra đàng sau !

Buồn, tủi, thất vọng, âu lo, nản chí ... mất phương hướng. Các môn đệ chui vào nhà, cửa đóng kín vì sợ. Chả phải sợ ma nhưng sợ quan quyền người Do Thái triệu tập và cũng sẽ xử như Thầy mình.

Thế nhưng rồi, giữa ngàn nỗi lo âu đó, Thầy Giêsu lại đến !

Rất cứng đầu ! Tôma bộc trực : "Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin".

Hết sức bình tĩnh và thương yêu : "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin".

Không một lời oán trách, không một nỗi giận hờn. Yêu và yêu cho đến cùng.

Đâu chỉ mình Tôma, cả nhóm 11 cơ mà ! Và cả cái anh đầu đàn Phêrô ở đó cơ mà !

Xét theo tâm tính của con người bình thường, sẽ oán hờn, sẽ giận ghét và hỏi tội cho bằng được. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã quên tất cả. Chỉ còn tình thương và với tình thương và trong tình thương dành cho các đồ đệ mà thôi.

Muốn thấy cho thấy ! Muốn tin cho tin ! Đơn giản là như vậy.

Hôm nay ta bắt gặp nguyên hình một Giêsu chịu đóng đinh, chịu đâm vào cạnh sườn và sống lại chứ không phải một Giêsu nguyên vẹn, một Giêsu đẹp như trong cảnh biến hình hay lộng lẫy như trong tiệc cưới Cana và làm phép lạ. Một Giêsu sống lại tả tơi, một Giêsu mang nguyên hình khổ nạn ngày thứ Sáu hôm nào.

Với dấu chỉ đó, Giêsu Phục Sinh muốn mời gọi chúng ta một lần nữa tin vào Giêsu chịu đóng đinh, chịu khổ hình chứ không phải một Giêsu tươi đẹp như người ta thường nghĩ.

2 lần, lần nào Gioan cũng cho các môn đệ thấy Giêsu thương tích.

Ý nghĩa đặc biệt đó chính là bằng chứng Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết. Nếu Chúa không cho các môn đệ xem tay và cạnh sườn thì đâu có chắc gì là thầy mình, có thể là thần linh nào đó.

Có lần Chúa sống lại và hiện ra cho các môn đệ mà các môn đệ tưởng là ma. Nếu Chúa không cho xem tay và cạnh sườn thì các môn đệ cũng nghĩ là ma đấy ! Đằng này, chỉ cần nhìn vào dấu đinh thì Chúa muốn nói : Chính thầy đây ! Thầy bị đóng đinh, chịu chết và sống lại và đến với các con.

Đấng chịu đóng đinh trên thập giá và đấng phục sinh chỉ là một. Thương tích là bằng chứng Chúa sống lại từ cõi chết. Chúng ta tin vào Chúa phục sinh là dựa vào lời chứng của các tông đồ. Không chỉ dựa vào mộ trống mà dựa vào lời chứng của các tông đồ. Lời chứng của những người dám sống và chết vì Thầy.

Nếu Chúa làm phép lạ, ta xin tạ ơn Chúa nhưng Chúa thực hiện biết bao nhiêu phép lạ nhưng hoa quả của phép lạ là đỉnh đồi Canvê. Biết bao nhiêu người nhận phép lạ nhưng đòi tha Baraba.

Có chắc phép lạ làm nên đức tin không ? Hay chúng ta phải xây dựng đời sống đức tin chúng ta trên Lời Chúa. Nếu ta để ý thì thưa anh chị em. Chúa thực hiện phép lạ từng giây từng phút. Thánh Phaolô nói : Trong Chúa chúng ta sống và chuyển động từng giây từng phút.

Thử hỏi mỗi người chúng ta nhịn ăn nhịn uống cùng lắm 30 ngày, uống 6 ngày nhưng nhịn thở được bao lâu ?

Qua đó, ta thấy rằng vốn chú tâm vào cái ăn cái mặt mà không để ý đến không khí mình hít thở. Nếu không có không khi vài phút chúng ta chết. Không khí đó có phải bỏ tiền ra mua không ? Không khi đó là quà tặng mà Chúa ban cho mỗi người chúng ta. Trong Chúa, từng giây từng phút ta được chuyển động.

Xây dựng đức tin dựa trên Lời.

Thương tích của Chúa Phục Sinh là lòng thương xót.

Thương tích trên mình là hậu quả của tội lỗi, sự độc ác của con người. Đàng sau thương tích là sự độc ác của quan quyền để Philato kết án. Đàng sau thương tích của Chúa là  sự hèn nhát của Philato. Lên án tử cho Chúa vì sợ ghế lung lay.

Không phải những người mà chúng ta gọi là quân dữ.

Giuđa lấy dấu chỉ của tình yêu để phản bội.

Đàng sau thương tích của Chúa là sự chối bỏ của Phero, sự chối bỏ của các môn đệ.

Không phải tự nhiên mà Chúa mang thương tích.

Vậy mà khi Chúa GS phục sinh hiện đến, lời đầu tiên của Ngài : “Bình an cho anh em”.

Anh chị em đặt mình vào trường hợp Phero, Thầy hiện đến cho xem tay và cạnh sườn làm sao Phero không nhớ đến tôi đã chối Thầy 3 lần.

Giả sử Chúa gọi Phero ra mà hỏi : Anh thề với tôi làm sao ? Mọi người bỏ Thầy mà con không bỏ Thầy thì anh làm ăn ra sao ?

Chúa gặp ta mà Chúa hỏi ta thì ta có run không ?

Chúa không nói gì mà Chúa chỉ nói bình an cho các con. Lòng thương xót của Chúa bao phủ cả tội lỗi của chúng ta. Cho nên những thương tích trên mình của Chúa PS là bằng chứng của lòng thương xót.

Chiêm ngắm Chúa thương xót để khám phá ra lòng thương xót. Chúng ta không ngừng ở đó để dằn vặt tội lỗi. Từ chiêm ngắm lòng thương xót, ta thấy lòng thương xót của Chúa lớn hơn lòng thương xót của ta.

Thánh Phero nhìn thương tích của Thầy, cảm nhận được lòng thương xót. Cả đời còn lại của Thánh Phero, Ngài sống và chết cho lòng thương xót.

Vết thương cũng là bằng chứng của sự liên đới. Chúa đã vào cõi vinh quang của Thiên Chúa nhưng Chúa vẫn mang những khổ đau. Thương tích cho thấy Chúa phục sinh không ở xa chúng ta nhưng rất gần chúng ta trong những khổ đau.

Khi ta tôn vinh, chiêm ngắm lòng thương xót thì ta cũng biết chia sẻ cho người khác.

Trong nhật ký của Thánh Nữ Faustina. Chúa hiện ra và nói với Ngài : Cùng với việc tôn vinh lòng thương xót của ta thì con phải thực thi lòng thương xót đến từ lòng thương xót của ta.

Nếu ta tôn vinh lòng thương xót thật sự thì ta chia sẻ lòng thương xót với những gì nhỏ bé trong đời thường.

Có bao giờ ta cầu nguyện cho một người khác không ? Hay là đứng trước Lòng thương xót ta chỉ kê khai những nhu cầu của ta và xin Chúa gửi những nhu cầu đó.

Ta đón lòng thương xót rồi thì xin Chúa mở lòng chúng ta ra để chia sẻ lòng thương xót cho anh chị em. Lời cầu nguyện, tâm tình chia sẻ. Có như vậy chúng ta mới lôi vào dòng chảy của lòng thương xót.

Ta cùng nhau cất lên lời kinh hòa bình và nguyện ước chúng ta hãy trở nên khí cụ bình an của Chúa :

Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. 

Lạy Chúa xin hãy dụng con như khí cụ bình an của Chúa. 

Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nới lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm. 

Để con đem tin kính vào nơi nghi nan chiếu trông cậy vào nơi thất vọng, để con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm đem niềm vui đến chốn u sầu. 

Lạy Chúa xin hãy dạy con, tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. 

Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. 

Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời. 
Ôi thần linh thánh ái xin mở rộng lòng con,xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí, ơn an bình.

 

 

 

 

 

 

782    08-04-2018