Sidebar

Chúa Nhật

05.05.2024

Giáo dục: “Ai bán vũ khí người đó chịu lương tâm trước cái chết của trẻ em”.

 

Ngày thứ bảy 6 tháng 4, Đức Phanxicô đã tiếp khoảng 2000 học sinh và giáo sư tại Hội trường Phaolô VI. Các học sinh được Đức Giám mục Paolo Martinelli, giám mục phụ tá giáo phận Milan hướng dẫn đi nhân kỷ niệm 150 năm ngày thành lập Trường San Carlo, Milan. Trường San Carlo được thành lập năm 1869, trong số các học sinh của trường có Achille Ratti, người sau này là Giáo hoàng Piô XI. Trong thời kỳ Chiếm Đóng, trường là nơi trú ẩn cho những người bị bách hại.

Trong buổi gặp này, Đức Phanxicô đã trả lời các câu hỏi của các em học sinh.

Adriano, một sinh viên đi làm thiện nguyện vài tuần ở Pêru, anh gặp đủ cảnh khốn cùng ở đó, trẻ em bị bắt cóc, nạn buôn bán nội tạng, anh hỏi: “Tại sao?” Đức Phanxicô nhắc lại câu hỏi của Dostoïevski: “Tại sao trẻ con đau khổ?” Ngài trả lời: “Có những câu hỏi không có câu trả lời. Và không có câu trả lời sẵn cho mọi câu hỏi (…) Các câu hỏi không có câu trả lời làm mình lớn lên theo nghĩa của bí ẩn.”

Trả lời một học sinh hỏi trong thế giới này, có quá nhiều bất bình đẳng nên có vẻ như Chúa có một số ưu tiên nào đó, Đức Phanxicô cho rằng con người có một phần trách nhiệm. Ngài nói: “Vì sao có nhiều trẻ em bị đói? Vì hệ thống kinh tế bất công tạo nên các ưu tiên!” “Có thể các con sẽ nói: ‘Ồ, hoá ra mình không biết giáo hoàng là người cộng sản’ Không! Đó là Phúc Âm!”

“Vì sao chúng ta thấy có nhiều chiến tranh trên thế giới? Tại sao? Nếu họ không có vũ khí, họ sẽ không gây chiến. Nhưng tại sao họ gây chiến tranh. Vì nước Mỹ, Âu châu giàu bán vũ khí để giết hại trẻ em.” Đức Phanxicô nói: “Nếu các người trẻ chúng con không đủ can đảm nói lên chuyện này, các con không phải là người trẻ”. Ngài nhấn mạnh “trên thế giới có 900 triệu mìn cá nhân gài trong đất, khi người nông dân ra đồng làm việc, họ dẫm mìn, họ bị chết hoặc bị cụt tay cụt chân. Không phải Chúa làm, chúng ta đã làm, đất nước chúng ta đã làm.”

Đức Phanxicô đưa ra tấm gương của một thanh niên trong kỳ thượng hội đồng giới trẻ tháng 10-2018, anh thắng giải để làm kỷ sư trong một công ty lớn bán vũ khí. “Anh từ chối, anh này can đảm và chúng ta cần những tấm gương này”.

“Người Nigeria không phát minh ra mafia”

Chắc chắn, có những người phạm pháp trong số những người di dân, nhưng “người Nigeria không phát minh ra mafia!” Theo ngài, từ mọi thời, người di dân mang sự phong phú đến cho nước nhập cư. Âu châu được xây dựng do người di dân, “những người man rợ, người Celte, tất cả những người đến từ phía bắc, họ mang văn hóa của họ đến”. Lục địa già Âu châu đã phát triển với sự kết hợp của các nền văn hóa.

Thiếu tinh thần yêu nước

Một nữ sinh hỏi Đức Phanxicô về tinh thần yêu nước: “Yêu nước không phải là hát quốc ca, là giương cao quốc kỳ. Yêu nước có nghĩa thuộc về một văn hóa, có một căn tính. Nếu con muốn biết con là ai, con phải tự hỏi con thuộc về ai”.

Văn hóa đối thoại, văn hóa gặp gỡ

Đức Phanxicô lấy làm tiếc ngày nay còn có một khuynh hướng dựng “văn hóa các bức tường” để ngăn các dân tộc gặp nhau. Nhưng ai xây tường rồi “cuối cùng chính họ làm nô lệ trong các bức tường họ xây, họ không thấy được chân trời. Quả tim phải mở ra để đón nhận và nếu “tôi có quả tim kỳ thị thì tôi phải thay đổi”. Đức Phanxicô cũng kêu gọi các giáo sư dạy cho các em làm thế nào để lớn lên trong một nền văn hóa gặp gỡ, có khả năng chấp nhận các khác biệt.

Ngoài ra Đức Phanxicô còn khuyến khích tinh thần làm việc nhóm, làm việc chung, cùng nâng đỡ nhau, không làm việc một mình.

Với các phụ huynh buồn vì con cái “rời tổ ấm”, ngài nói, chính sự cô đơn này lại súc tích, họ sẽ thấy thành quả, trước hết là nơi con cái của mình.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

528    10-04-2019