Sidebar

Thứ Tư
15.05.2024

Hiểm nguy của giàu có.

 


“Không ai lên thiên đàng mà không có một thư giới thiệu của người nghèo!” Đó là câu châm ngôn của mục sư James Forbes ở Nữu Ước.

 

 

Ông có lý. Nếu Đức Giê-su được tin, thì chúng ta cần tin rằng người nghèo sẽ luôn luôn đứng ở chỗ mà theo đó chúng ta được phán xét. Chúng ta lên trời (hay không) dựa trên cách chúng ta đáp trả với người nghèo. Thập giá Chúa Giêsu là chìa khóa đi vào cuộc sống và thập giá được dựng lên ở nơi nào những người bị loại ra, người nghèo, chịu đau khổ. Chỉ ở nơi đó chúng ta mới học được bài học khôn ngoan của thập giá, bài học mà đến ngày cuối cùng, sẽ đặt chúng ta vào phía các tông đồ, hay nói một cách khác, mở ra cho chúng ta những cánh cửa vào thiên đàng.

 

Nhưng, như chúng ta biết, không dễ để thật sự cho kẻ đói ăn, kẻ rách mặc, an ủi kẻ buồn rầu, giúp đỡ người bị áp bức. Tại sao?

 

Chủ yếu vì chúng ta không bao giờ thấy họ. Chúng ta nghĩ là chúng ta thấy, nhưng thật sự chúng ta không thấy. Và đúng vậy, đó chính là điểm mà Phúc Âm muốn nói khi chỉ ra các hiểm nguy của giàu có, giàu có đã làm chúng ta mờ mắt không thấy người nghèo.

 

Chúng ta thấy điều này rõ ràng trong đoạn Phúc Âm người giàu mỗi ngày ăn uống thịnh soạn, trong khi người nghèo La-da-rô ăn mảnh vụn thức ăn rơi xuống gầm bàn. Người giàu chết và xuống hỏa ngục, ở đó, cuối cùng ông mới thấy La-da-rô, trước đó ông chưa bao giờ thấy La-da-rô, dù La-da-rô ngồi cách ông chỉ mấy bàn chân trong suốt thời gian ông còn sống.

 

John Donahue, một học giả về thánh kinh học, nêu ra điểm sau đây về dụ ngôn này: “Người giàu không bị lên án vì họ giàu, nhưng vì họ không bao giờ thấy La-da-rô ở bên cạnh họ: lần đầu tiên họ thấy là khi họ đã ở địa ngục, câu này được nhấn mạnh một cách khá long trọng “Ông đưa mắt lên và thấy.” Bản văn khá mỉa mai một cách cay đắng. Khi sống, có một hố sâu ngăn cách ông và La-da-rô vì giàu có và quyền lực; khi chết, hố sâu này vẫn luôn luôn tồn tại.”

 

Nguy hiểmthực sự của giàu có ở chỗ người giàu bị “che mắt”, họ không thấy được người nghèo. Jean Vanier, trong một buổi diễn thuyết ở đại học Toronto vào cuối những năm 1990, cũng nhận xét như vậy: “Cái hố sâu không thể vượt qua đó đã có từ bây giờ, trong khoảng cách hiện tại giữa người giàu và người nghèo. Cuộc sống đời sau đơn giản kéo dài mãi mãi tình trạng hiện tại, trong đó người giàu và người nghèo bị phân ly theo một cách khiến người này không thể vượt sang  với người kia. Tại sao?

 

Theo Thánh Kinh, lý do chính là đơn giản người giàu không thấy người nghèo.

 

Ý này dễ bị hiểu lầm: Chúa Giêsu không nói giàu là xấu. Cũng không nói người nghèo đức hạnh hơn và người giàu thì ít đức hạnh hơn. Đúng ra, trong cuộc sống riêng tư, người giàu thường đức hạnh hơn người nghèo. Đôi khi chúng ta hơi ngây thơ tung hô sự nghèo khó, nhưng cái nghèo là không đẹp và thường thường cũng chẳng đẹp về mặt đạo đức. Nhiều hung bạo, tội ác, thiếu trách nhiệm trong đời sống dục tính, gia đình đổ vỡ, nghiện ngập, xấu xa đủ loại thường xảy ra ở những nơi nghèo nhất. Người giàu cũng không xấu hơn người nghèo trong những điều này.

 

Nhưng người giàu xấu hơn là ở viễn kiến, tầm nhìn của họ. Khi chúng ta giàu, bẩm sinh chúng ta đã không có khả năng nhìn thấy người nghèo, không để ý đến họ, chúng ta không bao giờ học bài học khôn ngoan của thập giá. Chính vì vậy mà Đức Giê-su nói người giàu khó vào nước trời.

 

Và cũng vì thế, những nước giàu, những người giàu khó vượt qua hố thẳm ngăn họ với người nghèo. Chúng ta cố gắng, nhưng trong một nước giàu nhất thế giới như nước Mỹ, cứ sáu trẻ em lại có một trẻ em sống dưới mức nghèo khổ, và trên toàn thế giới, dù có tất cả các nguồn lực, dù có ý chí của mọi người trên cả hành tinh, vẫn còn một tỷ người sống với chỉ một đô-la một ngày, ba mươi ngàn trẻ em chết mỗi ngày vì những bệnh tậtdễ dàng ngăn ngừa được chỉ cần cung cấp nước uống sạch. Có một khoảng cách mà chúng ta không thể tìm ra cách để vượt qua.

 

Chúng ta thấy – nhưng chúng ta không thấy! Chúng ta thương cảm người nghèo, nhưng chúng ta không thật sự thương cảm họ! Chúng ta mở lòng ra – nhưng chúng ta không bao giờ vượt qua được. Khoảng cách giữa người giàu và người nghèo rộng thêm chứ không thu hẹp. Khoảng cách đó đang  rộng ra thêm trên toàn cầu, giữa các quốc gia, và rộng hơn hầu như trong từng nền văn hóa. Người giàu càng ngày càng giàu hơn và người nghèo thì càng bị bỏ xa đàng sau. Gần như các cuộc phát triển bùng nổ về kinh tế trong hai mươi năm gần đây chỉ mang lợi trực tiếp đến cho lớp trên cùng, cho những người đã có nhiều nhất.

 

Vì thế Đức Giê-su đòi hỏi chúng ta đơn giản là thấy người nghèo, đừng để giàu có thành thuốc nghiện làm mù mắt chúng ta. Giàu có không xấu và nghèo khó cũng không đẹp. Nhưng không ai lên thiên đàng mà không có một thư giới thiệu của người nghèo.

 

J.B. Thái Hòa dịch

2767    09-09-2017