Sidebar

Chúa Nhật

05.05.2024

Hôn nhân và gia đình tại Việt Nam - 1

 

Từ Familiaris Consortio đến Amoris Laetitia và việc Hiệp thông Bí tích

***************************

 

LỜI MỞ ĐẦU

Hầu hết chúng ta đều sinh ra và lớn lên từ trong một gia đình. Hai chữ gia đình quá thân thương và gắn bó đến nỗi dường như đôi khi chúng ta quên gọi tên và nhắc đến những thực tại của nó. Tuy nhiên, dẫu chúng ta có quên nhắc đến, thì gia đình vẫn ở đó, và là nền tảng căn bản cho cuộc sống của mỗi người. Gia đình bao bọc chúng ta, ở bên chúng ta, trong trái tim, hiện diện trong sâu thẳm của con người. Có lẽ chúng ta sẽ chẳng bao giờ quên được cảm thức và những ký ức về gia đình mình. Một câu khuyết danh về gia đình đáng để chúng ta ghi nhớ: Gia đình là nơi sự sống bắt đầu, và là nơi tình yêu không bao giờ kết thúc. Trong Tông Huấn về Gia đình trong thế giới ngày nay, Đức Gioan Phaolô II, nói rằng, gia đình là chiếc nôi của sự sống và tình yêu (x. FC, 43. 64), gia đình là tế bào căn bản của xã hội (x. AA, 11; FC, 46. 79)

Tuy nhiên, gia đình đặt nền tảng căn bản của nó trên hôn nhân, vốn là sự kết hợp bởi một tình yêu không tính toán giữa một người nam và một người nữ. Tình yêu ấy mạnh đến nỗi khiến hai người lìa bỏ cha mẹ mình mà luyến ái với nhau thành ‘một xương một thịt’ (x. St 2:24). Từ trong chính hôn nhân, sự sống và tình yêu bắt đầu hành trình của nó. Nói cách khác, từ gia đình, tình yêu, lòng quảng đại vị tha được nhen nhúm, sự sống có cơ hội để phát triển và thăng tiến. Như vậy, khi nói về gia đình là chúng ta, trước hết, nói về hôn nhân. Nhưng, điều làm chúng ta phải phải suy nghĩ là, cơ cấu, thể chế và những giá trị căn bản của hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) đang bị băng hoại, đang mất dần chính bản chất của nó. Đức Giáo Gioan Phaolô II đã phải thốt lên, “Hỡi gia đình, hãy trở về đúng với bản chất của mình” (FC, số 17). Quả thế, gia đình nhân loại, dẫu mang trong mình nhiều giá trị cao quý, nhưng nó đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn và thử thách từ mọi phía.

HN&GĐ trong thời hiện đại đang phải đối diện với rất nhiều thách đố. Việc tự do thương mại và kinh tế thị trường trong bối cảnh toàn cầu hóa đã thúc đẩy việc giao thương vừa nhanh hơn và cũng vừa rẻ hơn. Công nghệ tiên tiến và khoa học giúp con người dễ dàng liên lạc với mọi người trên khắp thế giới chỉ trong vài giây. Từ góc nhìn lạc quan, những phát triển này mang lại nhiều cơ may cho nhân loại. Tuy nhiên, cũng chính những tiến bộ này cũng đang ảnh hưởng đến cốt lõi của đời sống con người. Theo dõi tin tức trên báo chí và truyền hình hàng ngày, chúng ta có thể bắt gặp, bênh cạnh những tiến bộ về công nghệ, kỹ thuật là những thách đố mang tính toàn cầu, như cuộc xung đột về ý thức hệ, về tôn giáo và văn hoá, việc tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên không đồng đều, tình trạng khủng bố, v.v… Những thay đổi này cũng đang ảnh hưởng một cách trực tiếp cũng như gián tiếp đến xã hội, đến từng cá nhân và HN&GĐ. Nói cách khác, thế giới đương đại đang thể hiện cùng lúc hai khuôn mặt vừa sáng sủa tích cực vừa ảm đạm tiêu cực.

Thực trạng về HN&GĐ Việt Nam

Báo điện tử VnEconomy đã có bài tổng hợp về 10 nước có tỉ lệ ly hôn cao nhất thế giới, trong đó, Bỉ là nước đứng đầu, có tỉ lệ là 71%, nước đứng số 10 là Mỹ tỉ lệ 53%. Bài báo cũng cho biết thêm, vì dân số khá đông nên số vụ ly hôn ở Mỹ là rất lớn. Ước tính ra trung bình cứ 6 giây đồng hồ lại có một cặp vợ chồng ở nước này đưa nhau ra tòa.[1]

Còn tại Việt Nam, xem ra có vẻ khá hơn nhưng cũng khôn kém phần bi đát. Báo điện tử VTVonline, tin tức ngày 01/08/2017 có bài “Báo động tình trạng ly hôn ở các gia đình trẻ” cho biết, năm 2016, cứ 2,7 cặp kết hôn thì có 1 cặp ly hôn. Như vậy, tỉ lệ ly hôn là 37%. Một vị thẩm phán ở Bạc liêu đưa ra một nhận xét khá chua chát rằng, “Giới trẻ ngày nay, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ, dường như chưa cảm nhận được hết giá trị của hai tiếng “gia đình”, thường xuyên sử dụng từ “ly hôn” để “dọa nhau” mỗi khi xảy ra mâu thuẫn…. Tìm hiểu nguyên nhân, họ chỉ nói đơn giản: giận nhau, cãi nhau thì đem đơn lên ly hôn.”[2]

Bên cạnh đó, theo các nhà chuyên môn trong lãnh vực này cho biết, tỷ lệ ly hôn ở giữa những người là viên chức, trí thức… cao hơn những gia đình công nhân, nông dân. Thông tin này cũng cho biết, khi điều kiện kinh tế phát triển, dân trí cao, cơ hội tiếp xúc xã hội càng nhiều, thì những nhu cầu cá nhân càng lớn, và đó là một trong những nguyên nhân khiến gia đình ngày càng kém bền vững. Tiến sĩ xã hội học Trịnh Hòa Bình cũng cho rằng, các gia đình có nền giáo dục cơ bản, truyền thống, đạo đức thì ít có nguy cơ đổ vỡ trong đời sống hôn nhân. Theo đó, điều quan trọng nhất để gìn giữ HN&GD là, vợ chồng phải biết tôn trọng nhau, tôn trọng những giá trị của truyền thống, nhường nhịn lẫn nhau để cùng hướng đến xây đựng một mái nhà hòa thuận.[3]

Trong số những đôi vợ chồng đổ vỡ kể trên, có bao nhiêu cặp là người Công Giáo, và việc họ tiếp tục gắn bó với đời sống của Giáo Hội như thế nào, chưa có một thống kê nào cụ thể. Chỉ chắc chắn rằng, nhiều vợ chồng Công Giáo Việt Nam, sau khi đã ly dị và tái hôn dân sự, sẽ dần dần rời xa Giáo Hội. Hơn nữa, tại một số Giáo Hội địa phương, những chế tài mục vụ đã và đang được áp dụng không những chỉ trên chính đương sự mà còn cả trên những người thân thuộc liên hệ với họ. Và hậu quả của những chế tài đó rất khó có thể tính đếm được.

Giáo Hội đứng về phía HN&GĐ

Giáo Hội luôn trợ giúp và nâng đỡ con cái mình, đó là một chân lý. Dẫu rằng, từ sau thời của các Giáo Phụ cho đến tận cuối thế kỷ XIX, thần học về HN&GĐ không có gì đáng kể, nhưng thực tại này vẫn luôn sống động trong đời sống của Giáo hội và xã hội. Từ Công đồng Vatican II, Giáo hội đã nhìn HN&GĐ trong một chiều hướng mới. Điều này có thể được thấy trước nhất trong hiến chế Tín lý về Giáo hội, Lumen Gentium, trong đó Giáo hội tái khám phá vai trò người giáo dân trong Giáo Hội và tái khẳng định “gia đình là Hội thánh tại gia” (x. LG, số 11). Cũng kể từ thời gian đó, vai trò và sứ mạng của HN&GĐ trong Giáo hội cũng như ngoài xã hội được chú ý nhiều hơn. Công đồng đã phân tích về HN&GĐ theo cơ cấu, tổ chức, nhiệm vụ và cả những thách đố mà nó đang đối diện.[4] Một cách cụ thể, Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong Thế giới ngày nay, Gaudium et Spes, đã đề cập tới sự cần thiết phải thúc đẩy sự cao quý của HN&GĐ. Hiến chế cũng khẳng định, mặc dù HN&GĐ Công giáo thật cao quý, nhưng sự cao quý này không phải lúc nào và ở đâu cũng được tôn trọng như nhau (x. GS, số 47.b). Đó chính là lý do Giáo Hội luôn nhiệt tình ủng hộ và chăm lo cho HN&GĐ.

Thật vậy, từ Công đồng Vatican II, Giáo hội luôn tha thiết cung cấp những hướng dẫn và trợ giúp cần thiết để bảo vệ sự thánh thiện và phẩm giá tự nhiên của HN&GĐ (x. GS, số 47 d.). Ngoài ra, Giáo Hội cũng chỉ ra rằng, HN&GĐ được mời gọi nên thánh nhờ tham dự vào mầu nhiệm hiệp nhất của Đức Kitô và Hội thánh, qua việc vợ chồng yêu thương, nâng đỡ lẫn nhau trong đời sống hôn nhân, và hướng tới việc sinh sản, nuôi dưỡng và giáo dục con cái (x. LG, số 11).

Một vài năm sau Công đồng Vatican II, Đức Phaolô VI đã thành lập một Ủy ban về Gia đình (1973). Sau đó, ủy ban này được nâng lên thành Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình dưới thời đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II (1981). Hội đồng này có nghĩa vụ thúc đẩy chăm sóc mục vụ cho HN&GĐ, bảo vệ quyền và phẩm giá của họ trong Giáo hội và trong xã hội dân sự, nhờ đó, các gia đình có thể hoàn thành sứ vụ của họ trong thế giới này.

Từ Familiaris Consortio đến Amoris Laetitia

Sự kiện đặc biệt đáng ghi nhớ là vào năm 1980, lần đầu tiên, một Thượng Hội đồng Giám mục được triệu tập để thảo luận đề tài HN&GD. Thành quả của thượng Hội đồng đưa tới Tông huấn Familiaris Consortio, về nhiệm vụ gia đình Kitô hữu trong thế giới ngày nay(1981). Trong đó, phần thứ I, Tông huấn chỉ ra cuộc khủng hoảng của HN&GĐ trong thế giới ngày nay. Đức Gioan Phaolô II khuyến khích mọi người hãy nhìn gia đình dưới ánh sáng của Tin Mừng (x. FC, số 5). Kế đến, Tông huấn nói về kế hoạch của Thiên Chúa cho HN&GĐ (phần II). Phần thứ III của Tông huấn đề cập đến vai trò và sứ mạng của HN&GĐ Kitô hữu trong thế giới. Tông huấn kết thúc bằng việc chỉ ra những cách thức chăm sóc mục vụ cho HN&GĐ trong thời hiện đại. Cùng với các Nghị phụ, Đức Gioan Phaolô II kêu mời “các chủ chăn và toàn thể cộng đoàn tín hữu hãy giúp đỡ những người ly dị đã tái hôn. Bằng một lòng bác ái rộng lớn, tất cả sẽ làm thế nào để họ không cảm thấy bị lìa xa Hội Thánh.” Tông huấn cũng đã mở ra hướng mục vụ cho những người Công giáo đã ly dị và tái hôn có thể lãnh bí tích Thánh thể trong những dịp và với những điều kiện cụ thể như là tiết dục và tránh gây gương mù gương xấu (x. FC, số 84).

Tuy nhiên, là một thực tại sống động, là tế bào của xã hội và Giáo Hội, HN&GĐ không luôn tiến triển theo dòng chảy của Giáo Hội và xã hội. Hơn nữa, tình trạng tín hữu Công giáo ly dị và sau đó tái hôn dân sự ngày càng nhiều; những hướng dẫn của Familiaris Consortio xem ra không thể đáp ứng được thực trạng những người này ngày càng rời xa Giáo Hội. Do đó, cần phải tiếp tục đào sâu, phát triển nền thần học và kế hoạch mục vụ cho HN&GĐ trong những hoàn cảnh mới của thế giới hiện nay.

Quả vậy, ngày 5/10/2014, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã triệu tập Thượng Hội đồng Giám mục ngoại thường để thảo luận về Các thách đố về Mục vụ HN&GĐ trong bối cảnh tân Phúc âm hóa; và ngày 4/10/2015, Thượng Hội đồng Giám mục thường niên lần thứ 14 đã mở rộng đề tài và tiếp tục thảo luận về Ơn gọi và sứ mệnh của gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới hiện đại. Như một điều tất yếu, vào ngày 8/4/2016, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban hành Tông huấn Amoris Laetitia (Niềm vui Tình yêu) là kết quả của hai thượng Hội đồng trước đó. Amoris Laetitia là một Tông huấn được cả thế giới mong đợi. Quả thực, văn kiện cho thấy rằng, Giáo hội luôn muốn cống hiến một hướng dẫn mục vụ cho HN&GĐ, nhất là trong việc giải quyết những thách đố và khó khăn của các đôi vợ chồng trong trong thế giới hiện đại.

Trong ngày ra mắt văn kiện, Đức Hồng y Christoph Schönborn đã phát biểu với báo giới rằng, không có thay đổi trong đạo lý của Giáo Hội về HN&GĐ, nhưng có một sự phát triển hữu cơ trong giáo huấn của Giáo Hội về HN&GĐĐức hồng y cũng nói, có một sự liên tục trong giáo huấn của Giáo Hội về HN&GĐ, nhưng đồng thời cũng có một điều gì đó mới mẻ nảy sinh. Điều mới ấy chính là sự phát triển chứ không phải sự thay đổi về đạo lý.[5] Đức Hồng y Schönborn dùng lại cách nói của Hồng y John Henry Newman để khẳng định rằng, sự phát triển đạo lý ở đây hiểu là sự canh tân chứ không phải sự đoạn tuyệt với giáo huấn truyền thống.[6]

Sau khi công bố Amoris Laetitia (08/4/2016), nhiều ý kiến tranh luận đã nảy sinh xung quanh việc áp dụng giáo huấn của Tông huấn. Theo một số học giả, có một sự “đứt quãng” từ Tông huấn Familiaris Consortio đến Tông huấn Amoris Laetitia. Trong khi đó, một số học giả lại cho rằng, có một số ý tưởng tối nghĩa trong văn kiện cần phải được làm sáng tỏ.[7]

Vấn đề trở nên căng thẳng hơn khi ngày 19/9/2016, 4 vị hồng y đã gửi 5 nghi vấn lên Đức Giám Mục Rôma và Đức Hồng y tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin (Gerhard Müller) để xin làm sáng tỏ vài vấn đề vì sự hiệp nhất trong Giáo Hội. Từ Vatican, sau một thời gian im lặng, ngày 9/01/2017, đức hồng y Gerhard Müller khẳng định rằng, không có gì đáng phải gì hồ nghi về đạo lý của Amoris Laetitia.[8]

Vấn đề đã trở nên phức tạp hơn khi hơn 60 linh mục, tu sĩ, giáo sư và học giả đã ký vào một tài liệu dày 25 trang có tựa đề là Correctio Filialis de Heresibus Propagatis và gửi cho đức Giáo hoàng Phanxicô vào ngày 11/8/2017.[9] Mặc dù đây chỉ là những ý kiến của một nhóm và không có tính pháp lý nào nhưng nó cũng khiến nhiều người phải suy nghĩ về đạo lý của Tông huấn Amoris Laetitia.[10] Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, cùng lúc đó, nhiều Giáo hội địa phương đã chính thức lên tiếng ủng hộ giáo huấn của Amoris Laetitia. Chẳng hạn, các Giám mục Balan cho rằng tông huấn Amoris Laetitia có chung một đường hướng với tông huấn Familiaris Consortio (9/6/2017);[11] hoặc Hội đồng Giám mục Hoa kỳ đã có công nghị và sau đó công bố về việc tiếp nhận và thực hiện giáo huấn của Amoris Laetitia.[12]

Giữa những tranh luận sôi nổi đang diễn ra ấy, Đức Phanxicô nhận được bản văn hướng dẫn mục vụ dành cho các linh mục thuộc tổng giáo phận Buenos Aires, Argentina, nơi trước đây ngài làm Giám mục. Bản văn (đề ngày 5/9/2016) đưa ra mười điểm căn bản để áp dụng chương VIII của Amoris Laetitia. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết thư khen ngợi và xác nhận rằng các Giám mục Buenos Aires đã diễn giải đúng đắn ý giáo huấn trong chương VIII của Amoris Laetitia.[13]

1382    04-07-2018