Sidebar

Thứ Hai
20.05.2024

Lạy Chúa, Xin Hãy Mở Mắt Con! Lời Hứa Đón Nhận Mặc Khải của Thiên Chúa

Nhận ra mình đang ở giữa sự khao khát của mình về sự thánh thiện và mong muốn của mình về niềm vui và sự thành công, một giáo viên xuất sắc ngồi trong một khu vườn và chiến đấu với một sự lựa chọn anh cảm thấy bất lực để thực hiện. Khung cảnh yên bình là một sự tương phản hoàn toàn với sự hỗn loạn hoành hành trong trái tim anh.

Xấu hổ, nhưng không thể rời khỏi cuộc sống ích kỷ của mình, Augustine đã bật khóc. Trong nỗi đau đớn, anh đã bộc lộ sự thất vọng của mình về tội lỗi của mình. Nhưng giữa lúc khóc lóc, Augustine nghe thấy giọng nói của một đứa trẻ đang cầu kinh: “Hãy cầm lấy mà đọc; Hãy cầm lấy mà đọc”.

Augustine không thấy đứa trẻ nào trong vườn và ngay lập tức anh kết luận rằng tiếng nói ấy phải đến từ Thiên Chúa, Người đang mời gọi anh mở và đọc Kinh Thánh. Mở Thư của Thánh Phaolô gửi cho các tín hữu Rôma, anh đọc, “Không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng” (Rm 13, 13-14).

Trái tim của Augustine ngay lập tức tràn ngập ánh sáng và niềm vui. Tất cả nghi ngờ hoặc do dự biến mất, và anh quyết tâm chấp nhận phép Rửa tội và dâng hiến cuộc đời mình cho Đức Kitô. Augustine đã xác tìn rằng, bỏ đi việc nghe những suy nghĩ huyền ảo trong tâm trí của mình hoặc việc đọc những lời đơn giản trên một trang, anh đã nhận được sự mặc khải từ Thiên Chúa.

Nhưng sao có thể vậy chứ? Những lời nói lọt đến tai Augustine. Đó là sự lựa chọn của Augustine để mở cuốn Kinh thánh của anh. Nếu đó là tiếng nói của Thiên Chúa, bạn có nghĩ rằng người khác đã nghe nó không? Nhưng người bạn đồng hành của Augustine, người ở bên anh, không nghe thấy gì. Hơn nữa, thông điệp mà anh tìm thấy trong Kinh thánh nói trực tiếp với tình huống của chính anh và làm nhức nhối trái tim anh.

Bây giờ chúng ta hãy xem chủ đề mặc khải. Chúng ta muốn nhìn xem Thiên Chúa yêu thương biết bao khi bày tỏ chính mình cho dân sự của Người, ngay cả với những con người thường ngày như chúng ta. Chúng ta cũng muốn hỏi làm thế nào chúng ta có thể trở nên cởi mở hơn với sự mặc khải này để chúng ta có thể thấy Chúa Giêsu rõ ràng hơn và hiểu biết các đường lối của Chúa cách đầy đủ hơn.

Có Thể Bạn Sẽ Được Lấp Đầy”. Từ “mặc khải” xuất phát từ tiếng Hy Lạp apokalupsis, có nghĩa là để tiết lộ hoặc để khám phá một cái gì đó đã từng ẩn giấu. Kinh thánh sử dụng từ này để mô tả cách Thiên Chúa thể hiện chính mình với dân của Người, cách thức Người giúp họ hiểu các kế hoạch của Người, và cách Người làm việc để an ủi và khuyến khích chúng ta.

Cùng với các tông đồ của mình, Thánh Phaolô đã xác tín rằng Thiên Chúa muốn nói chuyện với dân của Người. Phaolô biết rằng ơn gọi của ông để rao giảng phúc âm phong phú hơn nhiều chứ không chỉ là truyền đạt thông tin về Đức Kitô. Nó cũng liên quan đến việc khuyến khích thính giả của mình cởi mở với sự mặc khải của Thiên Chúa. Chẳng hạn, Phaolô nói với những người Côlôsê: “Chúng tôi cũng không ngừng cầu nguyện và kêu xin Thiên Chúa ban cho anh em được am tường thánh ý Người, với tất cả sự khôn ngoan và hiểu biết mà Thần Khí ban cho. Như vậy, anh em sẽ sống được như Chúa đòi hỏi, và làm đẹp lòng Người về mọi phương diện, sẽ sinh hoa trái là mọi thứ việc lành, và mỗi ngày một hiểu biết Thiên Chúa hơn”(1, 9-10).

Theo như Phaolô quan tâm, tiềm năng của chúng ta để sống trong sự thánh thiện và sinh hoa trái cho Chúa được liên kết mật thiết với mức độ mà chúng ta để cho Thiên Chúa mở tâm trí chúng ta đến với “mầu nhiệm” đã được “giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ” nhưng bây giờ đã được “tỏ ra” cho tất cả những ai tìm kiếm Chúa (Cl 1,26).

Hai Cách. Những lời này từ Phaolô nói với chúng ta rằng có hai cách để chúng ta có thể phục vụ Chúa. Cách đầu tiên – tốt nhưng hạn chế – là cố gắng thánh thiện theo sự khôn ngoan và nỗ lực của chính chúng ta. Cách thứ hai là mở chính mình cho Chúa để cho sự mặc khải của Người hướng dẫn chúng ta và trao quyền cho chúng ta. Nó giống như sự khác biệt giữa hai người chơi piano. Một người chơi một cách máy móc, cẩn thận để nhấn phím đúng vào đúng thời điểm. Người kia không quan tâm đến lý thuyết, kỹ thuật nhưng chơi bằng trái tim. Cả hai đều có thể chơi cùng một bản nhạc trên cùng một nhạc cụ, nhưng bản nhạc do người thứ hai tạo ra có ảnh hưởng sâu sắc hơn nhiều đến người nghe. Anh ta đã nắm vững được điều gì đó về trái tim của bài hát mà người chơi đầu tiên đã bỏ lỡ.

Thông qua các vị tiên tri của mình, Thiên Chúa đã từng nói với dân Người rằng: “Như trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi chừng ấy” (Is 55, 9). Người còn nói, “Tất cả những người đang khát, nước đã sẵn đây! … Hãy chăm chú nghe Ta, thì các ngươi sẽ được ăn ngon… hãy lắng tai và đến với Ta, hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống” (55, 1.2.3). Cách của Thiên Chúa có thể không phải là cách của chúng ta. Tuy nhiên, Người quyết tâm chia sẻ những cách của Người cho chúng ta. Trong thực tế, Thiên Chúa muốn những cách của Người – suy nghĩ, mong muốn, tầm nhìn của Chúa về cuộc sống – để định hình cách chúng ta suy nghĩ và hành động. Thiên Chúa muốn tiết lộ chính mình cho chúng ta để chúng ta sẽ học cách yêu thương sâu sắc hơn và phục vụ tận tâm hơn.

Chúng ta cần sự mặc khải. Đó là cách duy nhất mà chúng ta được tạo dựng có thể có mối quan hệ có ý nghĩa với Đấng sáng tạo của chúng ta. Đó là cách duy nhất chúng ta có thể nhận lấy các thuộc tính của Người và được biến đổi thành hình ảnh và trở nên giống như Người.

Một Sự Mặc Khải Đầy Đủ. Trong nhiều thế kỷ trước khi Chúa Giêsu đến, Thiên Chúa bày tỏ chính mình cho các tiên tri như Isai và Êlia. Tương tự như vậy, các anh hùng Cựu Ước như Abraham, Mose, Giosua, và David cho thấy những người quan trọng trong lịch sử của Israel được hưởng sự mặc khải từ Thiên Chúa như thế nào. Abraham trở thành cha đẻ của một dân tội mới. Mose đã đưa dân Israel ra khỏi Ai Cập. Giosua chinh phục Đất Hứa. David đoàn kết dân Israel và làm vua của họ. Mỗi người trong số những người này – và nhiều người nữa – đã nhận được sự mặc khải đặc biệt từ Thiên Chúa và sau đó chia sẻ sự mặc khải đó với người dân của họ. Bằng cách này, tất cả họ đều tiên báo về Chúa Giêsu, người đã mang đến sự trọn vẹn của sự mặc khải của Thiên Chúa cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi.

Những gì tổ tiên tinh thần của chúng ta đã tiết lộ một phần, thì Chúa Giêsu đã thực hiện cách trọn vẹn. Thực ra, chúng ta tin rằng trong cuộc đời, sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, sự mặc khải của Thiên Chúa giờ đây đã hoàn tất. Tất cả những gì Thiên Chúa phải nói với chúng ta đều được chứa đựng và tóm tắt trong Chúa Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa đã trở nên xác phàm (đã làm người).

Điều Mặc Khải Đến với Cuộc Sống. Nếu đúng như vậy, tại sao chúng ta lại tiếp tục tìm kiếm sự mặc khải từ Thiên Chúa? Vì không phải tất cả đều được cung cấp cho chúng ta trong Kinh Thánh và giáo lý của Giáo Hội? Trong khi điều này đúng theo một nghĩa nào đó, có một khía cạnh khác đối với sự mặc khải cũng quan trọng. Điều mặc khải mà Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta hôm nay không phải là thông tin mới hay là học thuyết mới. Tất cả những gì cần thiết cho đời sống Kitô hữu của chúng ta đã được tiết lộ trong “kho tàng đức tin” (Giáo lý Giáo hội Công giáo, 84). Đồng thời, Thiên Chúa muốn nhận lấy những gì Người đã làm cho biết và tiết lộ chúng cho mỗi người chúng ta cách cá vị. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu đã hứa sẽ gửi Thánh Thần cho chúng ta: “Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16,15). Trong Thư gửi cho các tín hữu  Êphêsô, Phaolô tóm tắt kế hoạch vinh hiển của Đức Chúa Trời. Ngài nói về cách Thiên Chúa ban cho chúng ta “muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần” (Ep 1, 3). Ngài nói về việc Chúa Giêsu làm cho chúng ta sống động bằng cách giải thoát chúng ta khỏi sự kềm chế của tội lỗi và sự chết (x. Ep 2, 1-10). Ngài nói về Giáo Hội là “sự viên mãn” của sự hiện diện của Chúa Giêsu trên thế gian (Ep 1,23).

Đó là rất nhiều thông tin, và bạn sẽ nghĩ rằng Phaolô sẽ xem xét đủ cho người Êphêsô để có thể viết ra cho họ. Nhưng không phải vậy. Phaolô cũng cầu nguyện cho mắt tâm hồn họ sẽ được mở ra. Ngài cầu nguyện cho họ sẽ nhận được một “thần khí khôn ngoan và ơn mặc khải” để họ có thể biết được kế hoạch vinh hiển của Thiên Chúa dành cho chính họ (Ep 1,17). Phaolô hiểu rằng chúng ta có thể hiểu được kế hoạch của Thiên Chúa, nhưng chỉ ở một mức độ hạn chế. Nếu chúng ta muốn kế hoạch này biến đổi cuộc sống của mình, chúng ta cần sự mặc khải.

Lạy Chúa, Xin Hãy Mở Mắt Chúng Con! Phêrô, Anrê, “kẻ trộm lành” trên thập giá, người phụ nữ ở bờ giếng, và người mù bẩm sinh có điểm gì chung? Mắt họ đã được mở ra, và họ thấy Chúa Giêsu là Cứu Chúa của họ. Đây chính là điều Thiên Chúa muốn làm cho chúng ta. Người muốn làm cho những mầu nhiệm của Người được chúng ta biết đến bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần. Người muốn tiết lộ tình yêu và kế hoạch của Người cho chúng ta để chúng ta có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc hoàn thành kế hoạch của Người và giúp xây dựng vương quốc của Người. Thiên Chúa muốn khuyến khích chúng ta tiếp cận trong đức tin để nhận được sự mặc khải của Người và được biến đổi bởi chính những sự thật mà Người đã bày tỏ cho các tông đồ của Người từ rất lâu rồi.

Chúng ta thực sự có thể nghe thấy tiếng nói của Thiên Chúa không? Vâng! Thiên Chúa đã bày tỏ chính mình và sự khôn ngoan của Người – một sự khôn ngoan đã được Thiên Chúa tiền định cho vinh quang của chúng ta trước khi thời gian bắt đầu (x. 1 Cr 2, 7). Bây giờ Người mời gọi chúng ta hãy để cho sự mặc khải đó thấm nhập vào tâm hồn và tâm trí của chúng ta để chúng ta có thể sống một cuộc sống xứng đáng với một sự ơn kêu gọi cao cả và vinh quang như vậy.

Theo The Word Among Us
Personal Spirituality Resources
Chuyển dịch: Nt. Maria Trần Thị Ngọc Hương

507    24-07-2018