Sidebar

Thứ Bảy
18.05.2024

Linh mục Lombardi: «Tôi thấy một giáo hoàng mang trên mình nỗi nhục của con người»

 

Trở về Vatican sau khi đi theo Đức Phanxicô đến Đất Thánh, linh mục Lombardi phát ngôn viên của Tòa Thánh nói cảm tưởng của mình trong một cuộc phỏng vấn của Radio Vatican.

Hình ảnh Đức Phanxicô đặt tay trên Bức tường Ngăn cách giữa Israel và Palestine, trên Bức tường Than Khóc, trong cung cách cầu nguyện và mặc định, hình ảnh ngài ôm choàng người Do Thái, người Hồi giáo, hình ảnh người bảo vệ cho hòa bình của vùng Cận Đông, cho khát vọng tự do giữ đạo và cho nhóm thiểu số Kitô hữu bị bách hại, cho hợp nhất của người Kitô, để chống việc bài Do Thái, để bảo vệ quyền lợi cho trẻ em, những hình ảnh đó của ngài đã làm xúc động lòng người.

Trả lời phỏng vấn trên Radio Vatican mà ngài là giám đốc, linh mục Federico Lombardi, phát ngôn viên của Tòa Thánh nhắc lại những cử chỉ này trong chuyến đi lịch sử sau chuyến đi cách đây 50 năm của Đức Phaolô VI.

«Ngày hôm qua, thứ hai, thật là một ngày đáng ghi nhớ… tôi nghĩ hành vi đặc biệt của chuyến đi này là hành vi ôm choàng của giáo hoàng với giáo sĩ Do Thái và giáo sư Hồi giáo trước Bức tường Than Khóc: ôm choàng của ba người bạn, của ba tôn giáo khác nhau trước «Bức tường Than Khóc» tuy là hành vi nhỏ nhưng nó mang một tầm vóc cao lớn, vì ngoài các bài diễn văn về đối thoại liên tôn, về những khó khăn để có  một thỏa thuận và những khó khăn như thế cứ tiếp diễn…, trong khi chúng ta đang sống trong một nền văn hóa gặp gỡ như Đức Phanxicô thường hay nói, thì đây là cuộc gặp gỡ của ba người nói lên khả năng chúng ta có thể hiểu nhau và từ đó có thể cùng dấn thân để xây dựng hòa bình mà theo tôi, đó là con đường nòng cốt để đi đến.  

Cũng ngày thứ hai này, còn có một cuộc gặp gỡ xúc động khác giữa Tổng thống Peres và Đức giáo hoàng: tôi có cảm tưởng như được nhìn thấy hai nhà hiền triết, hai nghệ nhân của hòa bình. Đức giáo hoàng, đương nhiên trong cương vị của một nhà lãnh đạo thiêng liêng đứng ra mời gọi cầu nguyện cho hòa bình nhưng cùng một lúc, ngài hiện thân cho một nhà hiền triết đã trải qua bao nhiêu biến cố trong đời mình, người mà chúng ta thấy rõ ngài có một khát vọng cho một thế giới tốt hơn, thật sự mong muốn dùng kinh nghiệm đời mình để mưu tìm lợi ích chung cho các dân tộc, vượt lên các tranh chấp, các áp lực để kiến tạo hòa bình. Cách mà Đức Phanxicô nói, cách mà Tổng thống Peres đón nhận, ông nói ông cảm thấy hạnh phúc, câu nói này theo tôi, đó là lời khen ngợi rất đẹp và là điềm tốt lành cho buổi gặp gỡ cầu nguyện cho hòa bình sẽ xảy ra trong một ngày gần đây và chúng tôi hy vọng sẽ được thực hiện trong một thời gian tương đối sớm ở Vatican.»

Có một vài lúc, Đức Phanxicô đã tỏ ra rất xúc động và rất đau khổ: khi ngài nói «KHÔNG» với bạo lực nhân danh Thiên Chúa, và khi ngài nói «không bao giờ được để điều kinh khủng của nạn diệt chủng xảy ra nữa», giống như ngài mang trên mình nỗi nhục của con người, của tất cả những gì con người có thể làm, cho đến tận cùng nơi nó có thể làm, trong những lúc đen tối tuyệt vọng nhất… 

Linh mục Lombardi: «Đúng vậy. Đức Phanxicô thường dùng các thành ngữ phù hợp với ngài, một đặc tính riêng của ngài khi ngài nói về nỗi nhục. Danh từ Thánh Kinh mà các ngôn sứ ngày xưa hay dùng để nói về kinh nghiệm tội lỗi và sức nặng của tội lỗi đè lên nhân loại, trên Dân tộc Do Thái. Các ngôn sứ nói: «Nhục cho chúng ta là những người không có khả năng xây dựng được hòa bình». Đúng vậy, chữ «nhục» trong bài diện văn của Đức Phanxicô ở Đài tưởng niệm Yad Vashem chính xác nói lên cảm nhận mang tính ngôn sứ rất mạnh này của giáo hoàng, ở một vài lúc, tông giọng đặc biệt sáng suốt đã lay động chúng ta và đã làm chúng ta xúc động.»

Và ở Vườn Giệtsêmani, ở Phòng Tiệc Ly, hai nơi viếng thăm cuối cùng của một ngày dày đặc các chuyến viếng thăm, thêm một lần nữa, ánh sáng hy vọng mà Đức Phanxicô mong muốn Kitô hữu làm chứng nhân  được nói lên. Và rồi ngài tái khẳng định tư tưởng của ngài là một Giáo hội phải «đi ra», một Giáo hội «phục vụ» cho người khác, một chủ đề ngài luôn luôn quan tâm và ấp ủ… 

Linh mục Lombardi: «Chắc chắn, vì ở Phòng Tiệc Ly, nơi cử hành Thánh lễ Hiện Xuống mà Giáo hội khi nhận ơn Đức Chúa Thánh Thần đã trở thành một Giáo hội của truyền giáo. Tôi có thể nói chúng ta đã chạm đến niềm vui của việc dâng mừng này ở nơi mà sứ mạng truyền giáo của Giáo hội được khởi đi, được thúc đẩy bởi sức mạnh của Đức Chúa Thánh Thần.»

Tuy nhiên chủ đề hy vọng vẫn là chủ đề chính trên tất cả, cho đến giây phút cuối cùng của chuyến đi…

Linh mục Lombardi: «Một cách tuyệt đối: sự hiện diện của Đức Chúa Thánh Thần đã làm sinh động, Đấng tháp tùng làm cho sự hiện diện của Chúa Giêsu Sống Lại được thấy rõ, là một Thần Khí đã nuôi dưỡng hy vọng mạnh hơn tất cả mọi hình thức của sự nản chí đứng trước các khó khăn bao chung quanh chúng ta. Như thế trên miền đất này cũng vậy, dù cho các vấn đề của các cộng đồng tu sĩ có thể có, các cộng đồng dân chúng có thể có. Và với sự loan báo của Thần Khí xuống để làm cho chúng ta trở thành những nhà truyền giáo và canh tân chúng ta, để canh tân lại sự Tạo Dựng, đó là một loan báo hy vọng cho tất cả chúng ta!».

Nguyễn Tùng Lâm dịch

577    09-06-2018