Sidebar

Thứ Bảy
18.05.2024

Marie-Noëlle Thabut: “Thánh Kinh đã thay đổi cái nhìn của tôi về Chúa”

 

Bà Marie-Noëlle Thabut, nhà nghiên cứu Thánh Kinh nổi tiếng, bà đặt Lời Chúa vào tầm tay tất cả mọi người. Bà cho biết, đọc và miệt mài nghiên cứu Thánh Kinh đã thay đổi cuộc đời của bà. Chúa không phải là một Chúa trả thù nhưng là người để cho mình đến gần.

Trong tuổi thơ của tôi, tôi chưa bao giờ thấy cũng như chưa bao giờ đọc Thánh Kinh. Tôi không hiểu gì các bài đọc bằng tiếng la-tinh trong thánh lễ. Tôi lại tin chắc, Thánh Kinh có những chuyện không nên đọc… Ở nhà, chúng tôi giữ đạo, chúng tôi tin, nhưng ít nói về chuyện này. Cha tôi là quân nhân, ông có một cái nhìn rất nhiệm nhặt về tôn giáo, ông nghĩ đời sống không phải để mình hạnh phúc. Vì thế tôi sống trong nỗi sợ Chúa nghiêm khắc, một Chúa hài lòng khi thấy tôi có cục đá trong đôi giày hay không cho tôi ăn kẹo!

Sau khi học luật, sau khi làm mẹ gia đình, tôi được giao lo phần phụng vụ ở giáo xứ, và tôi muốn học thần học. Tôi là một trong các phụ nữ đầu tiên có bằng. Chương trình học bốn năm, tôi học mười năm. Quan tâm chính của tôi là có mặt khi các con ra khỏi trường. Tôi cố gắng hài hòa giữa đời sống gia đình và đời sống nghề nghiệp nên tôi phải hy sinh nhiều chuyện, không đi chơi, không theo học thổi sáo là chuyện tôi rất mê. Những năm học thần học đã giúp cho tôi rất nhiều, tôi học lại tiếng hy-lạp và tiếng hê-brơ. Nhưng đam mê Thánh Kinh là do bà Germaine Colas hướng dẫn tôi, bà dạy lớp Thánh Kinh cho giáo dân ở địa phận Versailles. Sau này tôi thế chân bà. 

Như vậy tôi cần 10 năm để thay đổi cái nhìn của tôi có về một Chúa “dùng roi”. Tôi bị đau nhiều lần. Mỗi lần đau, người chung quanh khuyên tôi: “Con dâng cái đau của con…”, như thử dâng cái đau lên thì Chúa vui! Tôi không biết dâng cái đau, nhưng tôi cố gắng sống với Chúa. Trong những lần đau, quyển sách Thánh Gióp đã giúp tôi rất nhiều. Gióp là con người hoàn hảo nhưng lại gặp đủ chuyện bất hạnh. Rồi cuối cùng Chúa trả lại cho ông tất cả của cải và còn cho ông thêm. Câu chuyện này luân lưu từ bao nhiêu thế kỷ ở Israel trong các chiếc xe ca-ra-van-kể chuyện, loan truyền một tư tưởng thời đó: nếu mình đau là vì mình phạm tội. Nếu mình đàng hoàng thì mọi chuyện sẽ tốt. 

Với Thánh Gióp, tôi khám phá gương mặt thật của Chúa. Trong đau khổ, cách duy nhất để thấy bớt đau là ở trong bàn tay của Chúa.

Luật thưởng phạt, phạt kẻ dữ thưởng kẻ lành, đôi khi ngày nay chúng ta vẫn còn nghĩ như vậy. Những ai có kinh nghiệm sống một chút đều hiểu không phải như vậy. Vì thế tác giả thánh kinh đã chia câu chuyện này ra làm hai và thêm 38 chương vào giữa. Là nhà luật học, tôi hiểu đây là một vụ án. Gióp (nhân vật giả tưởng, có thể là bạn, có thể là tôi), người đau khổ kêu nài qua bao nhiêu thế kỷ, ông là nạn nhân, Chúa kết tội ông, và “các bạn” của ông là luật sư biện hộ cho ông. Mọi người đều đồng ý về sự hợp lý của thưởng phạt. Cho đến khi ông Gióp tin chắc mình vô tội, sau khi bị đánh gục một thời gian lâu, ông đi ra khỏi sự hợp lý này. Ông khiêm nhường thú nhận mình bất lực. Ông xin Chúa nói với ông. Lúc đó Chúa mới nói, không phải để giải thích cho ông biết sự đau khổ, nhưng xin ông chiêm ngăm công trình Tạo dựng tốt lành, một cách như nói với ông: “Con cũng vậy, cha yêu con. Hãy tin tưởng ở Ta”. 

Với Thánh Gióp, tôi khám phá gương mặt thật của Chúa. Trong đau khổ, cách duy nhất để thấy bớt đau là ở trong bàn tay của Chúa. Rất nhiều người đương thời với chúng ta vẫn nghĩ Chúa gởi thử thách là để trả một cái gì. Nhưng, không có gì phải trả, không bao giờ có gì phải trả. Khi tôi thấy các con tôi đau khổ, tôi cảm thấy bất lực và rất đau khổ. Làm sao Chúa có thể vui và lại tỏ ra còn tệ hơn chúng ta, chúng ta, các cha mẹ bất toàn?

Chính khi mình không còn gì, mình cầu cứu xin giúp đỡ thì khi đó Chúa mới để cho mình gặp Chúa. Tôi kinh nghiệm chuyện này ở giáo xứ tôi, năm 1968 tôi dạy giáo lý cho một nhóm 55 em, trong đó có một số em rất chướng khí. Tôi cảm thấy mình không thể dạy bài Người con hoang đàng trở về, tôi xin Chúa dạy giùm tôi. Và thật là phi thường! Vào cuối giờ học, một bé trai phá phách nhất vẽ căn nhà Người Cha. Cánh cửa chính là hình cái miệng, các cánh cửa sổ là bàn tay, ống khói lò sưởi nói “Con ơi, cha chờ con”. Đứa bé đã hiểu tất cả. Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là mình làm hết sức mình, sau đó là tin tưởng.

Việc khám phá một Chúa rất gần như vậy, mà “trả thù” duy nhất của Ngài là mạc khải cho tôi, đã thay đổi đời sống của tôi.

Tôi phải mất một thời gian rất lâu để hiểu tôi không cần cố gắng gì để có được hay để xứng đáng được một cái gì đó từ Chúa, vì ơn của Ngài đã có. Ngay từ đoạn cuối của Cựu Ước, tất cả đã được nói lên: “Nước mắt quả phụ lại không giàn giụa trên gò má Chúa sao?” (Huấn ca 35,15). Chúa tự mạc khải Chúa của lòng thương xót, mà lòng thương xót chỉ là tình yêu. Thương xót có nghĩa là quả tim hướng về sự khốn cùng. Vì sao sự dịu dàng của Chúa lại làm chúng ta sợ?

Cá nhân tôi, tôi thích gieo mình vào vòng tay Người Cha. Tất cả các việc tôi có thể làm, cầu nguyện, dâng của lễ, hy sinh không phải để xin một cái gì ở Chúa, nhưng để tôi được đến gần Ngài và được vào trong tình mật thiết sâu xa với Ngài.

Thiên Chúa, Đấng chúng ta nghĩ mình không đến gần được lại là Thiên Chúa gần với chúng ta. Các người do thái và hồi giáo mà tôi rất thân, đối với họ, việc Chúa nhập thể là không thể tin được, chuyện này đã giúp tôi ý thức chương trình hoạch định chưa từng có của Chúa. Việc khám phá một Chúa rất gần như vậy, mà “trả thù” duy nhất của Ngài là mạc khải cho tôi, đã thay đổi đời sống của tôi. Các bất toàn, các tội lỗi, quá khứ của tôi không còn là trọng tâm đời sống thiêng liêng của tôi. Việc xét mình của tôi đã thay đổi. Và tôi hoàn toàn được giải phóng. Thiên Chúa yêu chúng ta với con người thật của mình, và Ngài yêu thế giới chúng ta. Không là gì không còn là quan trọng, nhưng cái không có gì này, chỉ có tôi mới có để dâng lên Chúa. Suy nghĩ của tôi bây giờ là: ngày mai tôi sẽ làm gì để đi tới nước Chúa? Chúa Giêsu đã nói với người phụ nữ ngoại tình: “Con về và đừng phạm tội nữa”. Tương lai đã được mở ra. Con đường của tôi là nhận biết sự yếu đuối của tôi và đi về phía ánh sáng, buông mình để ánh sáng rọi dần dần cho mình. 

Các giai đoạn trong đời của bà Marie-Noëlle Thabut

1939 Sinh ở Toulon ngày lễ Giáng Sinh.

1962 Lập gia đình với ông Henry. Có ba người con và tám đứa cháu.

1964 Cử nhân luật.

1977 Học thần học ở Viện Công giáo Paris, học tiếng hê-brơ.

1985 Phụ trách phụng vụ các giáo phận, rồi các vùng.

1994 Chương trình hàng tuần trên Đài Đức Mẹ, năm 2015 trên đài KTO.

1999 Cùng với mục sư Fleinert Jensen thành lập Viện Thánh Kinh Versailles.

2001 Xuất bản  Hiểu biết Sách Thánh (Intelligence des Écritures) sáu tập, nxb. Soceval.

2006 Xuất bản quyển sách Tôi đã làm gì cho Chúa? Gióp, sự đau khổ và chúng ta. Nxb. DDB.

2017 Xuất bản Thánh Kinh của các gia đình. Nxb. Artège/le Sénevé.

Thánh Kinh là quyển sách gì? “Đó là quyển sách kể câu chuyện của những người nặng nề, đôi khi rất hung dữ, hiếu chiến nhưng cũng kể các câu chuyện tình yêu, tình bạn, của hận thù và của ghen tương (…) Nhưng là một sức thổi trong đó…”, với một nghệ thuật kể chuyện tuyệt vời, bà Marie-Noëlle Thabut viết dẫn nhập, chú giải, các ghi chú có tính cách giáo dục hướng dẫn độc giả. Quyển Thánh Kinh của các gia đình chọn lọc các bài hay của Cựu Ước và toàn bộ Tân Ước. Quyển sách vừa tầm tay với mọi người với các bức hình minh họa của họa sĩ Éric Puybaret.

Marta An Nguyễn dịch

543    26-06-2018