Sidebar

Thứ Sáu
17.05.2024

Matthieu Ricard: “Thiền giúp xóa đi ác tâm”

 

Nhân dịp có sự kiện “Yoga để giúp Karuna” được tổ chức tại Paris từ ngày 25 đến 27 tháng 10 nhằm gây quỹ hỗ trợ các dự án nhân đạo của Thầy Matthieu Ricard ở Bắc Ấn đang bị hạn hán, vùng này cũng là cái nôi của yoga. Chúng tôi đã gặp Thầy Ricard.

Thiền là tốt nhưng hành động còn tốt hơn.

Paris Match. Xin thầy cho biết, tập yoga để làm gì?

Matthieu Ricard. Trong tiếng Phạn, chữ “yoga” có nghĩa là “kết hiệp.” Trong tiếng Tây Tạng chữ này muốn nói đến một thực hành kết hợp bản chất cơ bản của tinh thần, “tỉnh thức ở giây phút này.” nó cũng có nghĩa là “phương pháp”, “ách” và “nghỉ ngơi” nhằm mục đích làm dịu tình trạng tinh thần xáo trộn. Ấn giáo có nhiều hình thức yoga dựa trên hành động, sốt mến… Hình thức phổ biến nhất được Tây phương áp dụng là hatha-yoga, một tổng hợp các bài tập dành cho cơ thể mà nguồn gốc ban đầu là để làm dịu tinh thần.

Chúng ta có thể sống hạnh phúc mà không cần thiền không?

Thiền không phải là một loại giải trí, cũng không nhằm mục đích đi tìm cảm giác khoái lạc thanh tao. Thậm chí thiền còn nhàm chán, vì nó xói mòn khuynh hướng làm theo thói quen của chúng ta. Thiền là tập suốt đời để trở nên con người tốt hơn, bằng cách giúp tinh thần chúng ta hoạt động, giúp chúng ta xóa tan được ác tâm, bám dính, thiếu nhận định, kiêu ngạo, ghen tương, những thứ đầu độc cuộc sống chúng ta và cuộc sống của người khác và từ đó chúng ta có được sự tự do nội tâm lớn hơn. Tất cả chúng ta đều có một tinh thần mà chúng ta làm việc với nó từ sáng đến tối. Tinh thần có thể vừa là người bạn tốt nhất, và cũng là kẻ thù xấu nhất của chúng ta. Chúng ta là một hỗn hợp trộn lẫn vừa ánh sáng vừa bóng tối. Nhưng tất cả chúng ta đều có tiềm năng rèn luyện tâm trí để được tốt  nhất. Để làm được điều này, phật giáo đưa ra một con đường rộng lớn và sâu sắc gồm nhiều phương pháp. Thiền định thế tục là loại thiền định được thực hành nhiều ở Tây phương, đây chỉ là khí cụ được trích từ các thực hành bắt nguồn từ phật giáo hay các truyền thống tâm linh khác, có thể rất có lợi, có mục đích khiêm tốn liên hệ đến tâm thân an lạc hơn là Giác ngộ.

Thầy có nghĩ đây là các khái niệm nền tảng nên được dạy trong các trường học ở Tây phương như các môn đại số hay địa lý không?

Cho đến gần đây, khi được đề xuất giới thiệu các bài tập thiền trong trường học, phản ứng đầu tiên là: “Quý vị không nghĩ đây là tôn giáo, đây là tà phái sao, v.v…?” Nhưng khi đề nghị cho các nhà giáo và cha mẹ cách giúp phát triển sự chú ý, để có thêm thông minh xúc cảm, có cách ứng xử xã hội tốt hơn, và đó là mục tiêu của đào tạo tâm trí thì mọi người quan tâm đến. Đó là những gì thiền muốn nói. Nhà tâm lý gia Williams James, người sáng lập tâm lý học đương đại vào thế kỷ 19 đã nói: “Khả năng để quyết tâm làm cho sự chú ý không đi lang thang liên tu bất tận là nền tảng đích thực của phán xét, của tâm tính và của ý chí. Không ai làm chủ mình mà không có khả năng này. Nền giáo dục nào có thể cải thiện khả năng này, đó sẽ là nền giáo dục tiêu biểu nhất.” Và đó là những gì thiền định thế tục có thể làm, bằng cách rèn luyện.

Cuộc cách mạng kỹ thuật số làm tăng tốc độ mọi thứ trong thế giới chúng ta. Thực hành tâm linh dù mang tính tôn giáo hay không, là đi theo chiều ngược lại. Liệu “sức khỏe” của thế giới có tác động theo sự cân bằng này không?

Đây là một câu hỏi rất lớn! Mọi công cụ được dùng có thể xây dựng hoặc phá hoại, có thể làm điều tốt hoặc làm hại. Do đó tầm quan trọng cơ bản là ở động lực của chúng ta. Chúng ta chỉ muốn tối đa hóa lợi ích cá nhân hay chúng ta thực sự quan tâm đến lợi ích của người khác? Cuộc cách mạng kỹ thuật số không thoát được câu hỏi này.

Nhờ các nghiên cứu trải rộng trên 20 năm, nhà tâm lý học Tim Kasser và các đồng nghiệp của ông chứng minh cho thấy, những ai đặt ưu tiên, vào các giá trị vật chất của xã hội tiêu thụ thì rõ ràng họ ít hài lòng với cuộc sống hơn những ai ưu tiên cho các giá trị nền tảng của cuộc sống như tình bạn, sự hài lòng, chất lượng kinh nghiệm sống, lo cho người khác, có trách nhiệm với xã hội, với môi trường. Như vậy tất cả tùy thuộc vào việc chúng ta dùng cách mạng kỹ thuật sống vào việc gì.

 “Như thế tình trạng sẽ ngoài mọi kiểm soát”

 Nếu thầy gặp tổng thống Donald Trump, thầy sẽ đặt câu hỏi nào?

Báo Washington Post đã đếm được 2 000 lời nói dối đã được chứng minh trong suốt năm đầu nhiệm kỳ của ông. Như thế tôi chẳng thấy ích lợi gì để hỏi.

Thầy là nhà nghiên cứu về di truyền học tế bào, làm thế nào thầy đánh giá các quan điểm về “các thao tác di truyền” của quy trình CRISP/cas9 (kỹ thuật thay đổi bộ gien) đưa ra mà chúng ta nói đến rất nhiều?

Việc chèn các gien mới vào DNA là một tiến trình đã có trong tự nhiên (đặc biệt nơi một số vi trùng). Việc điều chỉnh bằng kỹ thuật của CRISPR/cas9 của các gien gây các bệnh thoái hóa như bệnh Huntington, bệnh teo bắp thịt đã có các kết quả tích cực nơi động vật. Tương tự như vậy, đã có thành công phần nào trong việc chữa các phôi thai không sống được do bị ảnh hưởng của Bêta-Thalassémie. Do đó kỹ thuật này có thể ngăn chặn vô số đau khổ của con người.

Còn về việc dùng gây tranh cãi rất nhiều về mặt luân lý, đặc biệt theo chủ nghĩa ưu sinh, thì chúng ta nên nhớ, ngược với các bệnh nói trên chỉ liên quan đến một gien hay một số ít gien, thì các đặc điểm của các nhà ưu sinh nhằm cải thiện hoặc lựa chọn (sắc đẹp và các hiệu năng thể chất, thông minh, đặc điểm tính cách, v.v…) thường được quyết định bởi một số lượng lớn gien. Trên quan điểm thuận lý thông thường, đâu là giới hạn? Ai có thể kiêu ngạo tự cho mình có quyền quyết định những gì là đáng mong muốn hay không đáng mong muốn cho nhân loại? Vì sự chèn gien là vĩnh viễn, do đó bộ gien một khi được sửa đổi sẽ truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, điều này tiềm ẩn các rủi ro đáng kể mà sự chèn gien sẽ có hại lâu dài. Như thế tình trạng sẽ ngoài mọi kiểm soát. Chúng ta có thể nghĩ một suy nghĩ hợp lý sẽ chiến thắng trong lãnh vực này, như trường hợp nhân giống con người đã chưa được thực hiện cho đến bây giờ.

Việc đi tìm thế giới nội tâm không ngăn cản chúng ta mở mắt ra với thế giới bên ngoài. Thầy Matthieu Ricard là người dày dạn trong kinh nghiệm chiêm nghiệm, quyển sách mới của thầy cho thấy rõ điều này. Là cả một may mắn khi thầy đến ở Tibê cách đây 50 năm. Thầy cho chúng ta thấy cảnh trí tuyệt vời của ngọn núi Himalaya. Thầy chiêm nghiệm, nhưng thỉnh thoảng thầy cũng bấm nút… “Kinh ngạc” (Emerveillement, Matthieu Ricard, Nxb. la Martinière)

Marta An Nguyễn dịch

406    28-10-2019