Sidebar

Chúa Nhật

19.05.2024

Mùa hoa gạo – Phục sinh

 

Em mở Email, nhận từ chị cái file dài ngoằng mà lời nhắn không đầy mười chữ: “Sửa giùm chị nhé! Cám ơn BH nhiều!” . Em mỉm cười với cái cách muôn thủa của chị và bắt đầu một ngày làm việc của mình như thế! Đang “hì hục” sửa bài tiểu sử khô khốc của chị, tự dưng gặp thấy những câu từ đánh dấu mốc lịch sử: “Mùa hoa gạo, năm Nhâm Tuất – 1862, máu của các vị anh hùng tử đạo Xuân Hòa đã đổ ra, hòa lẫn với sắc đỏ hoa gạo của mùa xuân đất trời”. Thật trùng hợp, khi mùa PHỤC SINH đang về thì loài hoa ấy bỗng dưng hiện ra không đếm xuể và gợi nhắc thật nhiều điều trong tâm thức em. Cám ơn chị và cả những bông gạo rực đỏ đã đánh thức trong em âm hưởng của những lời kinh cầu, những lời ngắm nỉ non giữa xóm đạo nhỏ. Nơi một thời nuôi lớn em trong bầu khí đạo đức truyền thống của mùa Chay, mùa Phục Sinh – mùa hoa gạo.

Xa quê gần tám năm tròn, bận rộn làm em quên đi nhiều thứ, những ngày trở về ngắn ngủi chỉ đủ để em xếch chiếc honđa cũ của bố, chạy lòng vòng thăm hỏi bốn bên hai họ nội – ngoại, láng giềng. Rồi em lại khăn gói lên tàu, xuôi về miền tràn trề nắng ấm. Nơi mà em chẳng khác nào chú ong mải miết đi tìm sữa và mật cho cuộc đời, bỏ lại sau lưng làng quê với vườn cây gốc rạ một thời gắn bó. Em quen dần với những lần trở về – ra đi như thế. Nhưng mỗi lần đều có gì đó rất khác nhau…

Năm nay, mùa Chay đến trễ  theo cái vòng tuần hoàn nhuận tháng của đất trời vũ trụ. Em trở về đúng dịp ấy, chớm mùa hoa gạo, trùng với mùa Thương Khó cùng mưa phùn âm u. Chỉ có hoa gạo vẫn an nhiên nở rộ như đánh thức một điều gì đó? Trở về… em được hít no căng cái mùi quê, ngắm cho thỏa cái sắc màu thắm rực, tràn trề nhựa sống. Và mỗi lần màu đỏ ấy xuất hiện cũng là lúc thông điệp được gửi đi cho những ai đã một lần “lạc lối” như người con hoang đàng đang được Cha réo gọi “trở về”. Màu đỏ cũng là màu máu con tim, một sắc màu mãnh liệt của những thôi thúc nơi bản năng tôn giáo, bản năng hướng thiện trong tâm hồn mỗi con người.

Bao mùa Chay qua, bao mùa Phục sinh về rồi đi, hoa gạo nở rồi cũng rơi rụng, có chăng chỉ duy nhất Niềm Tin là thứ còn mãi. Niềm tin vào sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, nó là sức mạnh giúp con người hồi sinh sau những lần vấp ngã bởi gai góc cuộc đời này. Nó đọng lại thắm rực như bông gạo mà Thiên Chúa đã tạo dựng.

Như một quy luật Chúa khắc ghi trong hành trình sống của vạn vật. Sau một mùa đông khắc nghiệt, chống trọi với cái hanh khô của thiên nhiên, bao nhiêu nhựa sống được tích trữ đề dành cho ngày gạo đơm bông. Loài hoa ấy chỉ nở một lần duy nhất trong năm, đậm sắc mà chẳng hương, cái loài chỉ đẹp khi được trưng được giữa đất trời chơi vơi, không cần ai chăm chút mà vẫn nổi bật giữa mùa xuân bát ngát hoa hương. 

Thế mới biết Thiên Chúa luôn công bằng với từng sinh linh vạn vật. Vì vậy con người chẳng có lý gì để viện cớ than phiền về sự thiếu hụt chút mưa, chút nắng trên hành trình vạn lý của mình. Chẳng phải chính Chúa Giêsu cũng đã đi vào và đi qua những sự “khó thương” của phận người để dạy chúng ta biết tìm kiếm những cơ hội mà đứng dậy, mà vươn lên từ thách thức, gian nan đó sao? Có ai đó từng viết: “Cuộc sống là cuộc hành trình “đi tới” và “đi với”. Đi tới Chân – Thiện – Mỹ và đi với tha nhân. Em thiết nghĩ, chúng ta phải tạ ơn Chúa thật nhiều và cám ơn những ai đã và đang đồng hành với ta trên cuộc lữ hành ấy. Trên đường đi, dẫu có những lúc hụt hơi, đứt quãng nhưng cũng đầy những khoảnh khắc reo vui, thổn thức khi ta được gặp gỡ và tái khám phá ra muôn điều kỳ diệu mà Đấng Quan Phòng đã ký gửi đâu đó, trong một khoảng thời gian nào đó, ở một nơi nào đó? Qua một ai đó? Có thể trong ngọn cỏ, chiếc lá hay trong bông gạo đầu ngõ thủa nào…  Cũng có thể là trong một đoạn ký ức, một vết thương còn khuất lấp bởi lớp bụi thời gian, hay trong một ao ước thanh cao cứ thôi thúc ta khôn nguôi ở phút giây hiện tại.

Trở về… Em loay hoay “chụp lại” trong ký ức mình hình ảnh cô bé con sáu tuổi hay xỏ dép ngược, rồi loanh quanh dưới gốc gạo già, thích lượm hoa gạo thành đống, những bông hoa cụp lại, to hơn cả búp tay cô bé sau một hành trình cống hiến. Cô bé con có vẻ tiếc rẻ lắm! nhưng không biết làm gì nên ngồi đó tưởng tưởng: “Ông mặt trời rụng”. A! Đúng rồi, ông mặt trời “rụng” nghĩa là “mẹ sắp đi làm về”. Mẹ đi làm về nghĩa là cô bé sắp được khoác chiếc áo dài trắng cũ mèm, rồi nghiêm trang trước bàn thờ để được dâng hạt cùng chúng bạn. Trong khi chờ đợi mùa Phục Sinh đang về, mà cái lạnh cứ ở lì bên những bông gạo thắm rực, thử hỏi còn gì ấm hơn thế? tin tưởng hơn thế giữa một thế giới tuổi thơ trong trẻo đến vô cùng?

 Bích Hạt

555    31-03-2018